Thưa

08 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 12198)
Thưa

 

 Đâu cũng gần ba năm nay, nhân được Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo ủy thác nhiệm vụ thiết lập hệ thống chương trình tu học cho các Tu Viện PGHH tại Trung Ương và khắp, cùng soạn thảo học liệu về Sử Học Giáo Khoa PGHH, thật tình nói thì tôi đã phải gặp một trở ngại không nhỏ khi khảo luận về Đức Phật Thầy Tây An, Giáo Chủ Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương . Bởi lẽ tài liệu viết về Ngài cho đến nay hãy còn quá ít. Ngoài những quyển Đức Phật Thầy Tây An của Vương Kim và Đào Hưng; Thất Sơn Mầu Nhiệm của Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu; Tài Liệu Tu Học Sơ Cấp của Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương nhiệm kỳ I, chúng tôi không còn tìm đâu ra được một tập sách hay một bài báo nào viết về Ngài khả dĩ gọi là mới mẻ và đầy đủ hơn các tài liệu dẫn thượng.

 

 Trong “Tài Liệu Tu Học Sơ Cấp”, phần Giáo Lý Căn Bản, chúng ta chỉ thấy ghi:

 

 “Năm Kỷ Dậu (1849) Đức Phật Thầy Tây An (chính danh Đoàn Minh Huyên) sau khi chu du nhiều nơi. Ngài trở về nguyên quán Tòng Sơn (Sa Đéc) đúng vào lúc nhân dân đang lâm vào cảnh nguy khốn: bệnh dịch tả bạo hành.

 

“(…) Theo dõi con đường chu du độ thế của Phật Thầy, người ta thấy Ngài từ Tòng Sơn (Sa Đéc), vào Trà Bư (Lấp Vò), Lên Xẻo Môn (Long Điền) và sang Long Kiến (Long Xuyên). Rồi vì một pháp nạn (người ta cáo Phật Thầy là gian đạo sĩ, thu hút một số đông tín đồ chực cơ làm loạn), nên Ngài bị nhà cầm quyền đưa từ Long Kiến về Châu Đốc. Đi tới đâu, Phật Thầy cảm hóa người ta đến đó, nên sau cùng, chánh quyền triều Tự Đức buông thả Ngài, để cho Ngài tự do truyền giáo.

 

 “ Từ đó Ngài ở tại Núi Sam, lấy chùa Tây An làm nơi thuyết giáo …”.

 

 Trong “Thất Sơn Mầu Nhiệm”, phần Hành Vi và Thân Thế Buổi Đầu của Đức Phật Thầy Tây An, viết:

 

 “… Căn cứ vào nhiều bậc bô lão ở đây cho biết chắc chắn thì Đức Phật Thầy bỏ nhà ra đi từ lúc tuổi còn nhỏ lắm. Ngài đi đâu và làm gì, cả trong làng cho đến những người thân thuộc của Ngài cũng không ai hiểu được. Lần hồi, ngày lụn tháng qua, tên tuổi và hình dạng của Ngài chôn sâu vào thời gian, người ta không còn nhớ một mảy may gì về Ngài nữa”.

 

 “Một hôm, khoảng đầu năm Kỷ Dậu (1849), Ngài quá giang với một chiếc ghe buôn từ miệt trong (?) về …”.

 

 Và cuốn “Đức Phật Thầy Tây An” trong chương nói về Hành Trạng của Đức Phật Thầy, cũng không thấy nói gì về thân thế Ngài từ năm Kỷ Dậu (1849) về trước. Nghĩa là trong khoảng thời gian nầy không biết được Ngài làm gì và ở đâu.

 

 Do đó, trong mấy năm gần đây, chư tôn độc giả nào có theo dõi thường xuyên các chương trình truyền thanh và truyền hình PGHH, hẳn cũng thấy rõ cái thiếu sót đó mỗi khi có dịp trình bày về Ngài trong những chương trình phát thanh đặc biệt kỷ niệm ngày Đức Phật Thầy Tây An viên tịch. Đó chẳng phải là chúng tôi thờ ơ với công nghiệp của Phật Thầy, mà chính vì không có tài liệu đặc biệt nào mới để cống hiến quý khán thính giả, nên đành phải nhắc đi nhắc lại những điều mà hầu hết đều có dịp nghe qua.

 

 Nay, nhờ cuốn “Tiền Giảng” nầy nói về một đoạn tiểu sử của Đức Phật Thầy Tây An, không rõ tác giả là ai, chúng tôi mới phăng ra được thêm về hành trạng Ngài từ năm 1844 (Giáp Thìn), tức biết thêm được sáu năm vân du hóa Đạo của Ngài từ trước năm 1849 (Kỷ Dậu) – Xem tiểu sử Đức Phật Thầy ở bài Tựa đầu sách, còn hành trạng Ngài trước năm 1849, xin mời xem nguyên văn trong Tiền Giảng.

 

 Đối với tiền nhân, bổn phận người sau chẳng những phải bảo tồn cơ nghiệp, mà còn phải đề cao và tuyên dương với tấc lòng thành kính để từ đó tìm một hướng đi đúng, tốt, cho bản thân, tập thể và cộng đồng dân tộc. Ý thức về nguồn là để học tiền nhân hầu vạch phá một hướng nhắm tới thích ứng với trào lưu sau khi đã phối hợp kinh nghiệm bản thân để xây dựng quan niệm sống cho chính mình. Do vậy, mặc dù đã trải qua khoảng thời gian trên trăm năm, với biết bao biến cố thăng trầm bởi các nạn can qua máu lửa trong những năm tàn thoát gôm cùm xiềng xích của “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu” rồi lại phải chịu nỗi nhục nhã dưới đế giày xâm lược Thực Dân “một trăm năm đô hộ giặc Tây”, và kể từ ngày nền quân chủ cáo chung, đất nước lại phải chấp nhận một chuỗi thời gian dài sòng sọc “hai mươi năm nội chiến từng ngày”. Đó là nỗi thống khổ triền miên đè trùm lên dân tộc bất hạnh của một quốc gia rách nát, èo uột và đen tối … , thế mà những cổ vật và kỷ tích của Đức Phật Thầy đã dần dần tìm gặp, bằng mọi cách dưới nhiều hình thức, các di tích của Ngài đều được công bố và phát hành lần lượt để công chúng có dịp trông thấy, nghe lại và biết đến … Âu cũng là một cơ duyên do Ơn Trên vận chuyển!.

 

 Riêng về phương diện văn hóa, các tác phẩm cổ về thi, văn, viết bằng chữ Nôm, chữ Hán và Quốc ngữ khởi từ nguồn Bửu Sơn Kỳ Hương, cho đến nay đã tìm được một số như Tứ Bửu Linh Tự, Đạt Đạo Ngao Du, Bát Nhẫn (chữ Hán), Giác Mê, Thập Thủ Liên Hườn Thi (chữ Nôm); Sấm Giảng Người Đời, Ngồi Buồn, Ngọc Hải Quỳnh Lâm, Thừa Nhàn, Tiền Giang, Kiểng Tiên, Kim Cổ Kỳ Quan, Cáo Thị, Vân Tiên (chữ Quốc Ngữ) … phần lớn đã in và đang lưu hành sâu rộng. Đó là những tác phẩm mà các nhà sưu khảo về tôn giáo, sau khi đã nghiên cứu và phân tích tỉ mỉ, đều đồng cùng xác nhận trong niềm thán phục sâu xa tin kính, đồng thời cho một nhận định chung đại thể Bửu Sơn Kỳ Hương là một triết thuyết được kiến trúc một cách có hệ thống, mạch lạc và cấp tiến, vừa sát và đúng với kim ngôn, thánh chỉ của Phật Tổ Thích Ca, vừa điều hợp được với mọi điều kiện, hoàn cảnh sinh hoạt tín chúng ở quãng thời gian cuối trong chu kỳ lập Đời của Tạo Hóa.

 

 Gần đây hơn, tác phẩm nôm cổ “Sấm Truyền Đức Phật Thầy Tây An” của Bửu Sơn Kỳ Hương mới vừa tìm được (do học giả Nguyễn Văn Hầu khảo cứu, phiên âm và chú thích) là một tác phẩm siêu xuất, có giá trị vượt xa và vượt cao mọi áng văn kiệt tác từ xưa. Đồng thời giải quyết dứt khoát những nghi vấn mà từ lâu đã gây bất nhất trầm trọng về húy danh Ngài, về giáo pháp Ngài, về những sự kiện liên quan giữa hai tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo và nhứt là những hành trạng chuyển kiếp giữa Đức Phật Thầy Tây An và Đức Hoạt Phật Huỳnh Giáo Chủ.

 

 Và cho đến nay, nhờ vào cơ duyên vận chuyển, chúng tôi lại bắt gặp một tác phẩm nữa, cũng từ nguồn Bửu Sơn Kỳ Hương, đó là cuốn “Tiền Giảng” chép thêm một đoạn ngắn nữa về tiểu sử của Đức Phật Thầy gồm 277 câu. Cuốn nầy viết bằng thể văn vần, loại thượng lục hạ bát, duy có phần giữa là viết theo lối vần vè, bốn chữ một câu. Cứ vào bản thảo sao lại của Ông Mười, trụ trì chùa An Hòa Tự. Đây là tập bản thảo quốc ngữ (sao lại của một bản thảo khác) được viết thật kỹ bằng ngòi viết mực, tuy nhiên sai chính tả rất nhiều, trên giấy báo (nhựt trình trắng – journal) đã mềm mục và ngã sang màu cháo lòng mối mọt ăn khá nhiều, bìa làm bằng bao xi măng, sống đóng bằng nẹp tre toàn cuốn 42 trang, viết trên hai mặt giấy (khổ 18x30). Trong đó phần lớn chép về Sấm Giảng Thi Văn của Đức Huỳnh Giáo Chủ, một bổn “Giảng Xưa” cũng nhắc tích Phật Thầy, đã có lưu hành lâu nay. Riêng về quyển Tiền Giảng mà chúng tôi sắp trình bày sau đây chiếm hơn 5 trang, có cả thảy 277 câu.

 

 Quyển “Tiền Giảng” viết theo lối văn bình dị, gọn và sáng, được chia làm hai phần. Phần đầu (trên sáu dưới tám) nói về bước đường chu du khắp nơi của Đức Phật Thầy từ năm Giáp Thìn (1844), 61 câu. Phần sau là Kệ Vân (bốn chữ), kể rõ sự gian nan trong những ngày đầu khai cơ độ chúng; sự trị bịnh; nhà cầm quyền làm khó dễ; khuyến tu chơn chánh, 216 câu.

 

 Như có nói trên đây, trong tập 48 trang chép bằng quốc ngữ của Ông Mười ở An Hòa Tự, còn có bổn “Giảng Xưa” nhắc tích Phật Thầy, cũng không rõ tác giả là ai. Bổn này tuy đã được lưu truyền bằng cách chép trao tay và từ mươi năm trở lại đây, được in ra phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, trong bổn lưu hành đó so với bổn chép của Ông Mười cũng có lắm chỗ dị biệt.

 

 Chúng tôi cũng dám xin chú thích theo sức hiểu biết thô thiển của mình để giúp các bạn trẻ tuổi có khả năng khiêm tốn, đỡ phải lúng túng khi đọc và khỏi mất thì giờ tra cứu. Vả lại đây cũng là một việc làm đắc xích thủ xích đối với các nguồn tài liệu cổ xưa, tưởng rằng không phải là điều vô bổ.

 

 Như đã nói phần trên, bản chép tay quyển “Tiền Giảng” nầy vì sai trật chính tả quá nhiều, cho nên người viết gặp phải nhiều trở ngại trong phần chú thích, do vậy, trong phần này chúng tôi chắc chắn có sai trật khá nhiều. Tuy vẫn biết “sai một ly đi ngàn dặm”, nhưng chúng tôi không biết làm sao hơn. Đó là một sự việc ngoài ý muốn.

 

 Vì tha thiết với sự tích cao quí vô giá của người xưa nên chúng tôi làm công việc mà đúng ra với số tuổi đời quá ư thấp nhỏ, tuổi Đạo hãy còn ít ỏi, khuyết hám, cộng cùng khả năng thiển bạc như chúng tôi, tưởng rằng không bao giờ nên làm.

 

 Tuy nhiên, “thà thắp ngọn đèn dầu le lói còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”, với phương châm “biết đến đâu tâu đến đấy”, chúng tôi không mong gì hơn được tiếp nhận sự bổ chính quí báu của tất cả qua những chỗ còn khuyết nghi.

 

 Nhân đây, xin ghi lại lòng biết ơn chân thành tất cả quí bằng hữu đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều phương tiện để cuốn sách được thành hình tốt đẹp. Đặc biệt, Ông Chánh Thư Ký Dật Sĩ đã vui lòng xem qua bản thảo và chỉ giáo cho nhiều điều bổ ích, chúng tôi xin thành thật nhớ ơn lòng ưu ái đặc biệt nầy.

 

 Mọi người đang đua nhau làm công việc nầy như một cao trào. Chúng tôi cũng xin kính cẩn đặt viên sỏi nhỏ vào bả hồ đang trộn.

 

 Thánh Địa Hòa Hảo, ngày 12. 8. Quí Sửu (1973)

 NGUYỄN HỮU HIỆP

 

 

oOo

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn