3- NHẪN

18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 10809)
3- NHẪN

Một chữ NHẪN thôi, mà người viết cả đời thực hành chưa nổi. Có lẽ tại 12 Nhân duyên và Tam Nghiệp hay do “Tham Sân Si” luôn tiềm ẩn trong người. Vì vậy, hễ ai khen thì ưa thích, khoái chí rồi thương mến người đó. Còn ai chê bai nặng lời hay nói cao thấp, đắng cay, thì nổi sân và ghét giận luôn cả dòng cả họ.

Người xưa có câu:

Thương nhau thương cả lối đi,

Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng.

Chính vì vô minh nên cả đời ngu muội, chạy theo những bọt nước làn mây, mau tan mau rã. Nào hay đâu thân tạm bợ nầy chỉ là chùm gởi sống bám vào cây, là Dã tràng xe cát biển Đông mà không hay biết !!!.

Vì vậy, nên tìm trong Phật Học về ý nghiã chữ NHẪN để mà cố tránh những điều đáng tiếc đang xảy ra trong cuộc sống:

NHẪN: Âm theo Phạn: Sàn đề Kshânti. Nhịn đựơc, chịu nổi.

Thường gọi Nhẫn nhục. Cũng kêu là An nhẫn. Tức là nhờ an trụ nơi Đạo lý, nhờ niệm Phật mà chẳng động tâm.

NHẪN là nền hạnh thứ ba trong Lục độ tức là Bồ tát hạnh. Tu lấy đức Nhẫn thì trừ được tánh Sân, một độc trong Tam độc.

Nhẫn thì có ba bực: 1.Sanh nhẫn, 2.Pháp nhẫn, 3.Vô sanh pháp nhẫn.

1. Sanh nhẫn: Đối với chúng sanh, nhỏ như con muỗi con kiến cắn, chích mình, mình cũng không đem lòng giận mà toan hại chúng nó; lớn như người ta, nếu họ có đánh, đập, mắng chửi mình, toan hại mình, mình cũng không giận, không oán, không tính báo thù. Sanh Nhẫn cũng kêu là hữu tình nhẫn.

2. Pháp nhẫn: Đối với những cảnh vô tình, làm nghịch làm hại mình, như nắng, mưa, gió lạnh, mình đều chịu được mà không giận, không than. Pháp nhẫn cũng kêu là phi tình nhẫn.

3. Vô sanh pháp nhẫn: Đức nhẫn tự nhiên của bực Bồ tát, đức nhẫn chẳng cần tu tập nữa. Nhà Đạo nhận thấy cái thật tướng của các pháp là không sanh, tất không diệt, vạn vật chỉ là có tạm vậy thôi, nhà Đạo không còn chấp mình, chấp người, không còn phân biệt, cho nên không còn buồn, giận, oán sanh mạng nào, một pháp thể nào. Ấy là đức Nhẫn hoàn toàn của bực nhận thấy các chúng sanh và các pháp đều không sanh, không khởi.

Trong Pháp Tập Kinh có chép rằng: Thế nào là cái sức Nhẫn của Bồ tát ?

1. Người chửi mắng mà không chửi mắng trả lại. Nhờ vậy mà đắc cái Như hưởng bình đẳng trí lực.

2. Người đánh mà không đánh trả lại. Nhờ vậy mà đắc cái như Kính (gương) tượng bình đẳng trí lực.

3. Người làm khổ mình mà mình không làm khổ trở lại. Nhờ vậy mà đắc cái Như huyễn bình đẳng trí lực.

4. Người ta giận mình mà mình không giận lại. Nhờ vậy mà đắc cái Nội thanh tịnh bình đẳng trí lực.

Trong Tạp Bảo Tạng Kinh có chép rằng: Như ai làm được cái hạnh Nhẫn, thì được năm cái đức nầy:

1. Không oán giận,

2. Không nói cộc cằn, gay gắt,

3. Chúng thấy yêu mến,

4. Có danh tiếng tốt,

5. Sanh lên nẻo lành (thiện đạo).

Đại sư HOẰNG NHẪN: Tổ đời thứ năm ở Đông độ hồi thế kỷ thứ VII dương lịch. Ngài sanh ra tại huyện Hoàng Mai, tỉnh Kỳ châu (Trung Hoa), con của bà họ Châu. Nối ngôi Tổ tại núi Phá đầu, do Ngài Đạo Tín truyền.

Truyện có chép rằng: Có một vị đạo nhơn già tên là Tài Tùng đến cầu Đạo nơi Ngài Tứ tổ Đạo Tín.

Tổ dạy rằng:“Nhà ngươi già rồi, nếu ta truyền Pháp cho ngươi, thì ngươi làm lợi ích cho người ta chẳng được lâu. Như đầu thai trở lại, ta sẽ nhẫn mà đợi”. Tài Tùng ưng thuận và ra đi, thấy người con gái họ Châu đương giặt áo dưới khe. Bèn nói với thiếu nữ rằng:“Cho tôi ngủ nhờ một đêm.” Rồi gởi bào thai ở nàng ấy. Cha mẹ nàng thấy con mình vô cớ mà có chửa, bèn đuổi đi. Nàng nhẫn nhịn đối với nạn khổ nhục, đúng kỳ sanh ra một trai. Người thuở ấy kêu đứa trẻ là thằng nhỏ không họ. Mẹ con đi ăn xin và nuôi nhau.

Đến bảy tuổi, trẻ ấy nhơn đi qua đường, gặp Tứ tổ Đạo Tín. Ngài kêu:“Nầy thằng nhỏ không họ (vô tánh nhi) kia ơi !

- Tôi có họ chớ.

- Ngươi họ gì ?.

- Tôi họ Phật (ngã Phật tánh).

Tổ Đạo Tín bỗng nhớ đến lời hẹn xưa của người với Ông Đạo Tài Tùng, bèn nói với người mẹ, xin đứa trẻ đem về nuôi. Ngài đặt tên cho: Vì Tổ, Nhẫn chết mà đợi, vì mẹ Nhẫn nạn mà sanh, cho nên đặt tên là HOẰNG NHẪN.

Tổ thế phát cho Hoằng Nhẫn, giao cho đồ chúng dạy học, về sau truyền Y Bát và Chánh Pháp cho, đặng làm Tổ đời thứ Năm.

Đến đời Đường Cao Tông (năm 661), Ngũ tổ Hoằng Nhẫn truyền Y Bát và Chánh Pháp cho Huệ Năng làm Lục Tổ. Cuộc truyền Y Bát của Thiền Tông đến đây là dứt. Huệ Năng được Pháp, liền ra đi. Ba năm sau (năm 663), Ngũ Tổ tịch.

Sau khi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn tịch, đến đời Đường Đại Tông (763-779), Triều đình Sắc thụy phong cho Ngài là Mãn Thiền Sư và Sắc phong tòa Tháp của Ngài là Pháp võ Tháp.

Riêng về Giáo lý PGHH, Đức Thầy đã căn dặn người tín đồ phải luôn luôn giữ lấy chữ NHẪN làm đầu trong việc đối nhơn xử thế. Ngay trong điều răn cấm thứ nhì, Ngài có dạy:“Ta chẳng nên gây gổ lẫn nhau, hãy tha thứ tội lỗi cho nhau trong khi nóng giận.” Và đừng bao giờ quên:

“Ai chưởi mắng thì ta giả điếc,

Đợi cho người hết giận ta khuyên.

Chữ nhẫn hòa ta để đầu tiên,

Thì đâu có mang câu thù oán.”

(Quyển 4, GMTK)

Đặc biệt trong bài thơ “Nhẫn đợi thời cơ” mà Đức Thầy viết năm Quý Vì (1943) nhằm trấn an một số tín đồ đang bàn tán xôn xao về thời cuộc, Ngài đã nhấn mạnh về chữ NHẪN như sau:

“Tu thân thiện tín phải chuyên cần,

Lục tự Di Đà giữ Tứ Ân.

Rán nhẫn trăm phần dầu khó nhẫn,

Dạ thưa quan chức phận làm dân.

*

* *

Làm dân bá nhẫn thị lương hiền,

Chữ nhẫn lời truyền Phật, Thánh, Tiên.

Gương trước Hớn, Tần, Hàn Tín nhẫn,

Đã không khổ nhục khỏi ưu phiền.”

Được biết, HÀN TÍN người ở đất Hoài Âm, nước Sở (Tr.Hoa) sanh thời Tần, Hán và Sở. Nhà rất nghèo, Tín thường đi câu cá đổi gạo; lắm khi cơm chẳng đủ no, Tín phải ăn nhờ nơi bà Phiếu Mẫu, nhưng Tín tích cực học hành binh pháp và lúc nào cũng mang theo mình một thanh kiếm.

Ngày nọ, Tín đem cá ra chợ bán gặp bọn thanh niên côn đồ, đứa cầm đầu nhục mạ và bảo Tín:“Nếu không dám giết ta thì phải luồn qua trôn ta mà đi”. Qua phút suy nghĩ kỹ, Tín liền cúi mình chun luồn qua trôn kẻ côn đồ. Mọi người ở chợ cười vang lên chê Tín là hèn nhát. Duy có thầy tướng số tên Hứa Phụ biết Tín là bậc nhân tài chưa gặp vận.

Đức Thầy nhắc điển tích trên đây, ý muốn nói vì thời vận chưa đến, Ngài phải ẩn nhẫn đợi thời và cam chịu lắm nỗi gian truân, thế nhân khinh bỉ, nhưng đến một ngày kia, Ngài sẽ:

“Đem tài thao lược giúp non sông”.

(Dụng kinh Quyền)

Thì:

“Sau danh thể sạ hương khắp chốn”.

(Kệ Dân, Q.2)

Và chừng đó:

“Bá gia mới biết người Khùng là ai”.

(Sấm Giảng, Q.1)

Đề nghị, nếu ai làm Lễ đeo NHẪN cho con em (trong dịp Đính hôn hoặc Cầu hôn), nên đọc bài thơ Bát Nhẫn sau đây cho mọi người cùng nghe:

Nhẫn năng xử thế thị nhơn hiền,

Nhẫn giái kỳ tâm thận thủ tiên.

Nhẫn giả hương lân hòa ý hỉ,

Nhẩn hòa phu phụ thuận tình duyên.

Nhẫn tâm nhựt nhựt thường an lạc,

Nhẫn tánh niên niên đắc bảo truyền.

Nhẫn đức bình an tiêu vạn sự,

Nhẫn thành phú quới vĩnh miên miên.

(Hòa Hảo, năm Kỷ Mão)

Bài thi nầy đã được Đức Thầy giải nghiã rõ ràng bằng một đoạn văn vần trong Quyển 4 “Giác mê Tâm kệ” như sau:

“Chữ thứ nhứt Nhẫn-Năng-Xử-Thế,

Là người hiền khó kiếm trong đời.

Lập thân danh tuần trải nơi nơi,

Chờ thời-đại mới là khôn khéo.

Chữ Nhẫn-Giái trì tâm trong trẻo,

Khuyên dương-trần giữ phận làm đầu.

Nhẫn-Hương-Lân cùng khắp đâu đâu,

Trên cùng dưới đều hòa ý hỉ.

Nhẫn-Phụ-Mẫu gọi trang hiền sĩ,

Phận xướng-tùy chồng vợ nhịn nhau.

Nhịn xóm-chòm cô bác mới cao,

Nhẫn-Tâm nọ ngày ngày an-lạc.

Nhịn tất cả những người tuổi tác,

Nhẫn-Tánh lành yên-tịnh dài lâu.

Giữ một lòng hiền-hậu mới mầu,

Quanh năm cũng bảo toàn thân-thể.

Chữ Nhẫn-Đức kể ra luôn thể,

Thì trong đời vạn sự bình an.

Chữ Nhẫn-Thành báu-quí hiển-vang,

Khắp bá-tánh được câu hòa-nhã.”

Tóm lại, nếu biết thân Tứ Đại nầy là giả tạm thì sẽ Nhẫn được. Đâu có gì mà phải nổi Sân, phải không quý vị ???.

Theo gót người xưa hành chữ Nhẫn,

Mong đời thấy rõ lý Chơn không.

Sau đây là một số lời chơn truyền của Đức Thầy nhằm chỉ dạy tín đồ về chữ NHẪN, kính mong quý vị cùng nhau ghi nhớ:

NHẪN-HÒA

“ Chữ nhẫn-hòa ta để đầu tiên,

Thì đâu có mang câu thù-oán."

(Q.4 - GMTK)

NHẪN-NẠI

“Cả kêu lớn nhỏ đệ-huynh,

Từ đây nhẫn-nại chống-kình làm chi.”

(Để chơn đất Bắc)

“Nắm tay trở lại cánh đồng,

Cần-lao, nhẫn-nại Lạc-Long tổ truyền.”

(Khuyến nông)

NHẪN-NHỊN

“Thường tranh-đua tiếng thấp lời cao,

Chẳng nhẫn-nhịn thành ra cừu-oán.”

(Q.5 - Khuyến Thiện)

“ Và nhẫn-nhịn đừng ham tranh-luận,

Khỏi mất lòng tất cả mọi người."

(Q.5 - Khuyến Thiện)

“Sân-si phỏng có điều thêm bận,

Nhẫn-nhịn ắt không chuyện kéo dài.”

(Tỉnh bạn Trần gian)

NHẪN-NHỤC

“Phải nhẫn-nhục chờ người Cổ-Tích,

Phật với Trời phân-định cho ta."

(Q.4 - GMTK)

Nam mô A Di Đà Phật !

TRƯƠNG VĂN THẠO

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Chín 2014(Xem: 9535)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 19562)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 20901)