- MỤC LỤC
- 1- Tìm hiểu Ý nghĩa chữ THIỆN CĂN
- 2- Tìm hiểu về bài thơ Bát Nhẫn
- 3- NHẪN
- 4- VÔ VI
- 5- PHÁP THÂN và PHÁP THÍ
- 6- TU KHÔNG TU
- 7- Ý NGHIỆP
- 8- Tứ Cú Kệ
- 9- Quy y thì phải làm y
- 10- Chánh pháp tà pháp
- 11- Tướng và vô tướng
- 12- Tự Tánh
- 13- Đạo
- 14- Tìm hiểu tám mươi bốn ngàn pháp môn
- 15- Gài then mở then
- 16- Niết bàn
- 17- Tìm hiểu nghĩa chữ GIÁC MÊ
- 18- Thuyết Pháp
- 19- Chớ lìa NHÂN NGÃ, SẮC KHÔNG
- 20- 2013 Xuân Quí Tỵ
- 21- Mười món MA về sắc ấm
- 23- Xuất Gia Tại Gia
- 24- Vũ Trụ Quan, Nhân Sinh Quan PGHH
- 24- Niết Bàn
- 25. Tìm hiểu Ý nghĩa chữ QUANG MINH
Phần đông, chúng ta nhờ học hỏi mà hiểu biết ít nhiều về Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa hiểu đầy đủ ý nghiã của chữ Pháp thân và Pháp thí, đặc biệt là của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Sau đây, chúng tôi căn cứ vào Phật Học Từ Điển và Kinh điển Phật giáo để tìm hiểu về hai danh từ Phật học nầy.
Trước hết, theo Phật Học Từ Điển thì,
PHÁP THÂN: Thân đạo lý. Cái Chơn thân, cái Đạo thể, cái thể của Pháp tánh.
Pháp thân của Phật có bốn đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh (gọi là Tứ đức Ba-la-mật). Nó không mắc vào Tứ khổ: Sanh, Lão, Bịnh, Tử. Nó không lớn, không nhỏ; không trắng không đen; không có đạo, không vô đạo; nó tự nhiên, trường tồn, không thay đổi, dầu Phật có ra đời hay không thì nó cũng vậy mãi.
Còn cái thân mà Phật mang lấy xuống thế, chịu lấy sự sướng với sự khổ, tức là cái dư nghiệp, là cái Báo thân, cái Sanh thân.
Cái thân mà Phật dùng phép thần thông biến hóa ra đặng độ chúng sanh, thì gọi là HÓA THÂN hay Thần thông Biến hóa thân.
PHÁP THÂN có đủ năm phần (gọi là ngũ phần Pháp thân): 1.- Giái, 2.- Định, 3.- Huệ, 4.- Giải thoát, 5.- Giải thoát tri kiến. Đó là năm thứ công đức, hiệp thành Pháp thân của Phật, Thánh.
Pháp thân đối với Nhục thân (thân xác bằng xương thịt do cha mẹ sanh ra). Như trong Niết Bàn Kinh, quyển 22 có nói: Những voi dữ ấy chỉ phá hoại cái Nhục thân mà thôi; những bạn xấu làm hư hại cái Pháp thân.
Pháp thân có năm thứ (gọi là Ngũ chủng Pháp thân): 1.- Pháp tánh sanh thân, 2.- Công đức Pháp thân, 3.- Biến hóa Pháp thân, 4.- Hư không Pháp thân, 5.- Thật tướng Pháp thân. Đức Phật có cả năm thứ Pháp thân ấy.
Trong KIM QUANG MINH KINH còn có ghi hai Pháp thân (tức Nhị Pháp thân): Lý Pháp thân và Trí Pháp thân.
- Lý Pháp thân là cái lý tánh đã sẵn giác ngộ, Phật và chúng sanh đều có đủ. Nhưng ở chúng sanh, cái Pháp thân ấy còn bị màn vô minh che khuất, nên chưa hiển hiện ra.
- Trí Pháp thân là cái Pháp thân nhờ sự tu trì mà được viên mãn.
Trong quyển “Để hiểu Phật Giáo Hòa Hảo”, Thanh Sĩ và Vương Kim có giải thích về Pháp thân như sau:
“Pháp-thân là chơn-thân của vạn pháp, thể lượng rất rộng lớn như hư-không, chẳng có sắc tướng gì chỉ được, lúc nào cũng thường-nhiên thanh-tịnh. Hết thảy muôn loài đều có pháp-thân, nhưng vì mê-muội mà thành ra cách-biệt.”
Và trong kinh Phật có câu: Phật chơn pháp-thân do như hư-không, ứng vật hiện hình như thủy trung nguyệt. Nghĩa là chơn pháp-thân của Phật ví như hư-không, tùy vật mà hiện hình như trăng dưới nước.
Chính Đức Huỳnh Giáo Chủ đã nhiều lần thố lộ:
“Mắt thấy đứa vô-nghì phát giận,
Ngặt nỗi mình còn bận pháp-thân.”
(Bóng Hồng)
“Bực mình đeo-đắm pháp-thân,
Chờ cơn gió tạnh sẽ lần bước ra."
(Thu đã cuối)
“Tính xong món nợ lần-khân,
Thoát vòng cương-tỏa pháp-thân nhẹ-nhàng.”
(Hoài cổ)
Nếu chúng ta hiểu vững lý nầy, chắc chắn không ai có thể hại Pháp thân của Đức Huỳnh Giáo Chủ được.
Bằng chứng khi Ngài đi dạo Lục châu, Ngài đã dùng thần thông biến hóa rất nhiều hạng người như:
- Buồn đời lăng mạ ngẩn-ngơ,
Biến mất lên bờ liền giả cùi đui.
- Đời nay quý trọng người sang,
Giả ra gây lộn nói toàn tiếng Tây
- Giả Người Tàn Tật đón xe,
Rồi lại nói vè ròng việc Thiên-cơ.
- Muốn làm cho có người đồn,
Biến mất xác hồn cho chúng chỉn ghê.
- Thấy đời trong dạ hết ham,
Ghe người biến mất coi làm chi đây.
Tức thời Điên giả làm thầy,
Đi coi đi bói khắp trong phố phường.
- Đằng vân đến tỉnh Gò Công,
Vì thương dân thứ mới hòng đến đây.
Hoặc:
- Đến đây Thầy Tớ hóa mười.
Nói nói cười cười bán thuốc Sơn Đông.
(Q.1 - Sấm Giảng Khuyên Người Tu Niệm)
Vì vậy âm mưu của bọn Việt Minh Công Sản Trần Văn Giàu đã bao nhiêu lần muốn ám hại Đức Thầy đều hoàn toàn thất bại.
Chẳng hạn như tại Saigon đêm 9-9-1945, tên Trần Văn Giàu ra lịnh cho Quốc gia tự vệ cuộc tức Công an võ trang, đến bao vây Trụ sở Phật Giáo Hòa Hảo ở số 8 đường Sohier, góc đường Miche để lùng bắt Đức Huỳnh Giáo Chủ. Nhưng họ chỉ bắt được các Tín đồ và chức sắc, còn vị Giáo Chủ thì họ không tìm thấy. Theo tin tức cung cấp bởi chính những người đã đưa Đức Huỳnh Giáo Chủ đi, thì trong lúc bọn công an lục soát văn phòng PGHH, Đức Thầy vẫn có mặt tại đó, nhưng không hiểu vì lý do nào mà họ không tìm ra được. Điều mà ai cũng ngạc-nhiên là trước khi bao-vây, Trần-văn-Giàu dùng quỉ-kế bằng điện-thoại kêu ngay Ngài nói chuyện để biết chắc Ngài có tại văn-phòng, thế mà Ngài thoát vòng vây một cách dễ-dàng.
Trường-hợp tương tợ này đã xảy ra nhiều lần, như lúc nọ Ngài ở miền Đông ngồi ghe đi ngang qua một cái đồn canh, họ kêu mà Ngài không cho ghé. Trên đồn xả súng xuống bắn vải vào chỗ Ngài ngồi. Khi ghe qua khỏi nơi đó, kiểm-điểm lại thì thấy áo và nón của Ngài lủng như rổ sảo mà Ngài thì vẫn không trầy-xể một vết nào cả.
Hiện-tượng này đối với nhà liễu đạo là một sự thường, vì trong Kinh thường nói hễ người thiệt Thần Tiên khi mó đến kim loại thì nó sẽ mềm-nhũng như bùn. Điều này có thể giúp cho ta hiểu được những hiện-tượng vừa kể trên.
Lần khác, vào đêm 14-6-1947 (nhằm ngày 25 tháng Hai nhuần năm Đinh Hợi) Đức Thầy cùng bốn vệ quân lên một nhà ngói. Ngài vào ngồi bàn giữa, nói chuyện với Bửu Vinh, còn bốn tự vệ quân thì cầm súng đứng hai bên cửa gần đó. Mười phút sau, lối 7 giờ rưỡi, có 8 người từ bên ngoài đi vào, chia làm bốn cặp, tràn tới đâm bốn tự vệ quân. Ba người bị đâm chết, chỉ còn anh thứ tư là Phan Văn Tỷ lanh trí nên tránh kip, liền thoát ra ngoài, bắn một loạt tiểu liên. Trong lúc anh Tỷ né, thì môt trong hai tên Việt Minh bị đồng bọn của mình đâm chết.
Thấy chuyện chẳng lành, Đức Thầy lanh lẹ thổi tắt ngọn đèn, văn phòng trở nên tối đen, không ai nhận ra Đức Thầy đâu cả.
Viên thơ ký của Ngài và ba người chèo ghe lẹ làng tẩu thoát, vội vã về báo tin. Tiếng tù và thống thiết nổi dậy báo động. Binh sĩ toan vác súng kéo đi giải vây, thì vào lúc 11 giờ đêm, bỗng có một Tín đồ phi ngựa về Phú thành mang một bức thư như sau:
Ông Trần Văn Soái và Ông Nguyễn Giác Ngộ
Tôi vừa hội hiệp với Ông Bửu Vinh bỗng có sự biến cố xảy ra, tôi và ông Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên nhân còn điều tra; trong mấy anh em phòng vệ không biết chết hay chạy đi, nếu có ai chạy về báo rằng tôi bị bắt hay mưu sát thì các ông đừng tin và đừng náo động.
Cấm chỉ đồn đãi, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân y tại chỗ.
Sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu Vinh điều tra kỹ lưỡng rồi về sau.
Phải triệt để tuân lệnh.
Ngày 16-4 -1947: 9 giờ 15 đêm.
Ký tên: S.
Ông Mai Văn Dậu đem đối chiếu chữ ký và chữ viết, thì nhận chính là của Đức Thầy. Thế là mọi người phải tuân lịnh, chỉ nhìn nhau thở dài, với niềm hy vọng ngày mai Ngài sẽ trở về.
Nhưng từ ngày 16-4-1947 đến nay, vẫn bặt luôn tin tức.
(Trích đoạn trong “PGHH Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc” của Nguyễn Long Thành Nam trang 373 và 432).
Điều đáng lưu ý, Ngài đã báo trước sự vắng măt rất nhiều lần, nhiều nơi, trong Sấm Thi của Ngài:
Từ nay cách biệt xa ngàn,
Ai người tâm tâm Đạo đừng toan phụ Thầy.
Giữa chừng đờn nỡ đứt dây,
Chưa vui buổi hiệp bỗng Thầy lại xa.
……………………………………
Từ nay cửa khổng gài then,
Chờ Ta trở lại thì đèn hết lu.
(Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi)
Ít lâu ta cũng trở về,
Khuyên trong bổn đạo chớ hề lãng xao
(Dặn dò Bổn đạo)
Theo như Kinh điển đã giải, thì không ai có thể ám hại Pháp thân của Đức Phật và Đức Thầy được.
PHÁP THÍ: Bố thí bằng Pháp Giáo. Đem pháp nhiệm mầu, tốt lành của Phật mà diễn thuyết cho người ta nghe. Đối với tài thí (bố thí bằng của cải), Pháp thí cao trổi hơn, có công đức nhiều hơn.
Đức Phật làm việc Pháp thí cho chúng sanh, có bốn cách diễn giảng cho họ tỉnh ngộ:
1.- Vạn vật giai qui vô thường: Mọi vật đều về nơi vô thường, tức là biến cố bất thường, không có vật chi là trường tồn.
2.- Sở hũu tất vi khổ độc: Cái gì mình có đều là khổ não, độc hại.
3.- Chư pháp giai vô ngã: Mọi sự mọi vật đều chẳng có cái thật thể, chỉ do nhân duyên tạm hiệp vậy thôi.
4.- Hữu hình tất chí không: Vật chi có hình tướng đều có ngày hư hoại, trở về cảnh Không.
Đó là bốn pháp mà Đức Phật giảng thí cho chúng sanh đặng cho họ tỉnh ngộ, dứt mê.
Bàn về Pháp thí, nếu Đức Phật có Tam Tạng “Kinh, Luật, Luận” và 84 ngàn Pháp Môn để tùy theo bịnh khổ của chúng sanh mà Ngài thị hiện độ đời.
Thì Đức Thầy PGHH, cũng có quyển “Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ”. Theo Tài liệu sưu tập biên khảo của Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương Nhiệm kỳ I năm 1964-1966, thì tác phẩm của Đức Thầy gồm có 229 bài Pháp thí. Phần thứ nhứt là:
-Sấm Giảng Giáo Lý.
-Thi Văn Giáo lý. (từ năm Kỷ Mão 1939 đến năm Đinh Hợi 1947).
Sách dày khoảng 600 trang, Đức Thầy đã rút trong các Luật các Kinh Phật giáo mà áp dụng cho hợp với trình độ của sanh chúng ở vào thời Hạ Nguơn mạt Pháp nầy. Ngoài ra, còn rất nhiều Tài liệu chưa thu thập được.
Như vậy Đức Thầy đã có đủ tam thân: Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Còn Pháp thí của Ngài thì quá đủ cho những ai muốn tu tìm chân lý hầu giải thoát khỏi thế giới Ta bà hay được vãng sanh về Tây phương cực lạc:
- “Muốn tu tỉnh nay đà gặp cuộc,
Đức Di Đà truyền mở Đạo lành.
Bởi vì Ngài thương xót chúng sanh,
Ra sắc lịnh bảo Ta truyền dạy.”
- “Nghe Điên dạy sau nầy thơi thảnh,
Đây chỉ đường Cực lạc vãng sanh.”
(Q.2, Kệ Dân)
- “Tỏ ít câu cầu chúc cho đời,
Mong bá tánh vạn dân Giải thoát.”
(Q.5, Khuyến Thiện)
- “Muốn lập Đạo có câu thành bại,
Sự truân chuyên của khách thiền môn.
Khắp sáu châu nức tiếng người đốn,
Ta chịu khổ, khổ cho bá tánh.”
(Sa-Đec)
Tóm lại, Đức Huỳnh Giáo Chủ là vị hoạt Phật thừa Sắc lịnh Phật Trời lâm phàm độ chúng. Do đó, Ngài đã có đủ Pháp thân, Báo thân và Hóa thân như các vị Phật khác. Vì vậy, không ai có thể dùng bất cứ thủ đoạn hay phương tiện nào có thể ám hại được Ngài và hiện thời Ngài vẫn còn vắng mặt nhưng chắc chắn Ngài sẽ trở về để hoàn thành những sứ mạng quang vinh nhất của Ngài.
Đồng thời, dù chỉ trong một thời gian ngắn - từ ngày 18/5 năm Kỷ Mão (1939) đến ngày 25 tháng Hai nhuần năm Đinh Hợi (1947), Ngài đã sáng tác thật nhiều Kệ Giảng kêu gọi mọi người nên bỏ dữ về lành, thực hành Tứ đại trọng ân, xiển dương Pháp môn học Phật tu Nhân và trau dồi Thiền Tịnh song tu để trở thành Thiện nhân trong xã hội và tiến đến cõi Niết bàn hay được vãng sanh về Tây phương Cục lạc. Đây chính là hạnh Bố thí (Pháp thí) cao cả, mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã ban tặng cho chúng ta vậy./.
Nam mô A Di Đà Phật !
TRƯƠNG VĂN THẠO