4- VÔ VI

18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 11557)
4- VÔ VI

Phần nhiều Kinh sách của Phật Giáo và Lão Giáo, chúng ta thường thấy dùng chữ Vô Vi, nghe hơi khó hiểu về nghĩa lý. Lão Tử có nói “Vi đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn dĩ chí vô vi” (Theo đạo thì mỗi ngày một giảm. Giảm rồi lại giảm cho tới mức vô vi). Trong giáo lý PGHH, Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng thường đề cập đến chữ nầy:

“Điên dẹp gác âm-thinh sắc-tướng,

Tầm vô-vi kiếm cảnh Niết-Bàn.”

(Diệu Pháp Quang Minh)

Vậy chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa Vô vi trong Phật học và Đạo Đức Kinh của Lão Tử, để có khái niệm đôi chút về chữ Vô vi.

Trước hết, trong Từ điển Phật học giải thích VÔ VI –Vi: Tạo tác. Vô vi: không tạo tác, không có nhơn duyên tạo tác; không cố ý tạo tác; tự nhiên không tạo ra bốn tướng: Sanh, Trụ, Dị, Diệt. Vô vi tức là chơn lý, tức là Niết bàn, Vô tướng, Thật tướng, Pháp giới.

Trái với Vô vi là Hữu vi. Những cái chi có tâm ý, có sắc tướng là hữu vi; còn không tâm ý, không sắc tướng là hư không, vô vi. Hữu vi là vô thường, Vô vi là Thường.

Chẳng hạn như sự thuyết pháp của Đức Thế Tôn. Ngài không cố ý, không quyết định thuyết pháp. Chỉ vì tùy tiện theo căn cơ của chúng sanh mà giáo hoá họ thôi. Cũng như kẻ kết bè qua sông, qua sông rồi thì bỏ bè. Cũng như thế, cái pháp đã thuyết rồi thì bỏ đi. Ấy, Ngài thuyết pháp một cách vô vi vậy. Điều nầy, Đức Thầy cũng có dạy:

“Chúng sanh mê nên đem pháp thuyết,

Giải thoát rồi pháp bất khả dùng.”

(Diệu pháp Quang minh)

Như sự bố thí cũng vậy. Chúng ta nên bố thí một cách Vô vi, vô tướng. Tức là không dòm ngó món đồ mình thí, không thấy họ là đờn ông hay đờn bà, lại không xác tín cho sự bố thí của mình sẽ kết thành quả phước. Ấy là bố thí một cách Vô vi, trong sạch vậy.

Có sáu phép Vô vi (lục Vô vi):

1.- Hư không Vô vi: Sự Vô vi không có hình chất, không có tự tánh, không trở ngại, như cảnh Hư không.

2.- Trạch diệt Vô vi: Sự Vô vi do sức lựa chọn mà diệt hết phiền não, tức là Niết bàn.

3.- Phi trạch diệt Vô vi: Điều Vô vi đã sẵn thanh tịnh, chẳng phải do sức lựa chọn mà diệt Phiền não để trở nên thanh tịnh.

(Ba phép trên kêu là Tam Vô vi)

4.- Bất động Vô vi: Sự Vô vi chẳng động, chẳng động đến Nghiệp sanh tử, cũng tức là Niết bàn.

5.- Tưởng diệt Vô vi: Sự Vô vi diệt trừ mối tư tưởng và mối thọ cảm.

6.- Chơn như Vô vi: Sự Vô vi chơn thiệt như thường.

Ngoài ra, Vô vi trong Đạo Phật còn mang những nghĩa sau:

Vô vi nghĩa là không phụ thuộc, không bị ảnh hưởng, không vì nhân duyên mà sinh ra, cũng thường được hiểu là “Không làm”. Trong Phật giáo Nguyên thủy thì chỉ có Niết-bàn được xếp vào hạng Vô vi, tất cả các pháp còn lại đều là Hữu vi. Quan niệm này được lưu lại trong Thượng Toạ bộĐộc Tử bộ. Tất cả những bộ phái khác đều dần dần thay đổi cách sử dụng danh từ này.

Sau đây là ý nghĩa Vô vi của Lão Tử, xin được trích trong quyển “Đạo Đức Kinh” do Trần Tường biên soạn, như sau:

CHƯƠNG 63

Vi Vô vi, sự Vô vi, vị vô vị.

Đại tiểu, đa, thiểu. Báo oán dĩ đức.

Đồ nan ư kỳ dị, vi đại ư kỳ tế.

Thiên hạ nan sự tất tác ư dĩ.

Thiên hạ đại sự tấc tác ư tế.

Thị dĩ thánh nhân chung bất ư đại.

Cố năng thành kỳ đại.

Phù khinh nặc tất quả tín.

Đa dĩ tất đa nan.

Thị dĩ thánh nhân do nan chi.

Cố chung bô nan hỹ.

(Dịch nghĩa: Làm không làm, lo không lo, vị không vị. Lớn, nhỏ, nhiều, ít. Dùng đức báo oán. Trù việc khó từ chỗ dễ, làm việc lớn từ những việc nhỏ. Bởi việc khó trong thiên hạ khởi từ dễ, viêc lớn trong thiên hạ khởi phát từ nhỏ. Cho nên thánh nhân trước sau không làm việc gì lớn mà thành việc lớn. Lời hứa nào đưa ra quá dễ dàng thì độ tin cậy thấp. Việc gì cũng cho là dễ thì sẽ gặp khó. Vì vậy thánh nhân coi việc gì cũng khó, nên chung cuộc không gặp khó khăn gì).

Vô vi thường được coi là tư tưởng của triết gia Lão Tử. Lão Tử là một nhà triết học nổi tiếng thời xưa ở Trung Quốc. Ông là người khai sáng ra đạo Lão, một môn học về Vũ Trụ, Thiên Nhiên, Vật Chất. Ông đã sọan ra kinh sách để dạy người đời dựa trên nền tảng triết lý, hay còn gọi là Đạo Vô Vi - Mọi vật thể theo tự nhiên.

Lão Tử có nói: "Vi vô vi nhi vô bất vi". Tạm dịch là: Không làm gì mà không gì là không làm. Hiểu một cách nôm na là, nếu quý vị không làm gì cả tức là quý vị đã làm tất cả. Thiên nhiên trời đất vốn đã vận hành thành chu kỳ tự nhiên, nếu chúng ta tác động vào một yếu tố nào đó thì cũng là làm đảo lộn chu trình trên. Nếu chúng ta không làm gì cả thì tức là đảm bảo được chu trình trên vẫn hoạt động bình thường. Thuyết này đặc biệt hiệu quả trong trường hợp chúng ta chưa biết phải làm thế nào khi đứng trước một sự việc, theo Lão Tử thì tốt nhất là không nên làm gì cả.

Ví dụ như khi chứng kiến cảnh con cọp vồ con hươu để ăn thịt, nếu chúng ta bắn chết con cọp để cứu con hươu thì chúng ta đã có thể giết hại cả đàn cọp con đang ở nhà chờ miếng ăn của cọp mẹ. Nếu chúng ta giúp con cọp bắt con hươu dễ dàng hơn thì lại có lỗi với con hươu. Nếu chúng ta cứ để cho sự việc xảy ra tự nhiên thì là phải đạo nhất. Lý thuyết này thực sự hiệu quả khi giải thích lý do tại sao phải bảo tồn thiên nhiên, không phải động chạm gì mà chỉ bảo tồn thế là đủ.

Riêng về Giáo lý PGHH, Đức Thầy cũng đã chỉ dạy chúng ta về tầm quan trọng của chữ Vô vi như trong quyển “Kệ Dân của người Khùng” sau đây:

“Khuyên sư vãi mau mau cải hối,

Làm Vô vi chánh Đạo mới mầu.

Đạo Thích Ca nhiều nẻo cao sâu,

Hãy tìm kiếm cái không mới có”.

Bởi vì thấy thời nay có một số tăng ni trong các chùa tu theo sắc tướng thinh âm làm sai lạc chân truyền của Đạo Phật từ trước, nên Đức Thầy khuyên họ mau trở về với Chánh pháp vô vi:

“Huyền Pháp thâm trầm thơm bất tuyệt,

Vô vi Chánh Đạo hỡi người ôi !”

(Cho ông Tham tá Ngà).

Có thế mới đúng chân truyền của Đức Phật Thích Ca và mới có kết quả trên đường tu Phật. Vì rằng: tất cả hình tướng màu sắc đều là hư vọng, ảo ảnh. Người tu theo sắc tướng (hữu vi), khác nào kẻ bắt bóng trong gương, mò trăng đáy nước.

Trong Kinh Thiền Môn có nói:“Tu mà cầu hình tướng bên ngoài, tuy trải qua nhiều kiếp, rốt cuộc chẳng đặng thành công. Nếu giác ngộ trở về xem bản tánh mình, thì trong một niệm liền chứng quả Bồ đề. Cho nên hành giả phải tìm cái chơn không (chơn tâm) mới là thật có”.

Đức Thầy hằng dạy:

Chuyện cao siêu Phật pháp còn dài,

Khó gặp chữ không không mà có”.

(Sa Đéc)

Do đó, về nghi thức thờ phượng, Đức Thầy không cho tín đồ tạo thêm hình cốt, hoặc tụng tán trống mõ, chuông đẩu, mà:“…nên thờ đơn giản cho lòng tin tưởng trở lại tâm hồn hơn ở vào sự hào nháng bề ngoài”. :“Về cách cúng Phật, chỉ nên cúng nước lạnh, bông hoa và nhang thôi. Nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, còn nhang dùng đặng bán mùi uế trược. Ngoài ra chẳng nên cúng một món gì khác cả. Bàn thờ Ông Bà cúng món chi cũng đặng”.(Thờ phượng).

Ngoài ra, Đức Thầy còn hằng khuyên dạy tín đồ hãy tu theo Đức Lục Tổ Huệ Năng, tức là tu đúng theo chánh pháp Vô vi của Đức Thích Ca, vì Đức Lục Tổ đã chứng thọ chân truyền, chớ không nên tu theo Thần Tú, bởi phái nầy thường bày ra sắc tướng thinh âm, làm sai lạc chân lý của Đạo Phật.

Theo Ông Thiện Tâm, trong quyển Sấm Giảng Thi Văn Toàn bô Chú giải có giải thích như sau về chữ VÔ VI: Phạn ngữ Asamskrta. Dịch là Vô Vi, có nghĩa: không có nhân duyên tác động, không có hình tướng màu sắc, không có bốn tánh: sanh, trụ, dị, diệt. Vô vi cũng gọi là chơn lý tuyệt đối, là Niết Bàn, là Đạo, là vô tướng và thật tướng.

Vì vậy “làm vô vi” như lời Đức Thầy dạy bảo là làm không có hình tướng về sắc mà cũng không có hình tướng về tâm. Tuy tri hành tất cả việc Đạo pháp, nhưng tâm không còn phân biệt ngã chấp, không có tướng người, tướng ta, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tất đạt đến thật tướng Niết Bàn, chơn không diệu hữu.

Đức Thầy dạy “làm vô vi” mới là Chánh Đạo, và mới đúng chân truyền của Đức Thích Ca, vì vậy Đức Thầy cho biết:

“Đạo vô vi của Phật ân cần,

Nối theo chí Thích Ca ngày trước”.

(Giác mê Tâm kệ, Q.4).

Và: “Xả thân tầm Đạo vô vi,

Nhiệm mầu thâm diệu nan tri Lão bày”.

(Từ giã làng Nhơn Nghĩa)

Hay là:

“ĐẠI-pháp Vô-Vi là chơn-lý,

THẦN làm trọn-vẹn khỏi lo-âu."

(Lý lịch)

Đồng thời, Đức Thầy còn dạy CÁI KHÔNG MỚI CÓ tức là Cái lý chơn không mà diệu hữu.

Cái không ở đây là không có sắc tướng, bởi Đức Phật từng bảo:“Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thinh cầu ngã. Thị nhân hành tà Đạo, bất năng kiến Như Lai”.(Nếu dùng sắc mà thấy ta, lấy âm thinh cầu ta. Thiệt là người hành Tà đạo, chẳng bao giờ thấy được Như Lai).

Hoặc là:“Phàm hữu sở tướng, giai thị hư vọng; nhược kiến chư tướng, phi tướng, tức kiến Như Lai”.(Các pháp tướng đều là không thật, ví như ảo mộng. Bằng thấy các tướng mà chẳng chấp tướng tức thấy được Như Lai).

Do đó, nếu chúng ta không còn thiên chấp theo sắc tướng tức chứng được “cái không”, tức là chơn không, cũng gọi là Tạng Tánh Như Lai. Nhưng không mà chẳng không, nên gọi là có. Bởi trong cái chơn không thanh tịnh ấy vốn có diệu dụng sáng mầu, chẳng thể nghĩ bàn được, nên gọi “không mà có”.

Như Đức Thầy từng dạy (trong Giác mê Tâm kệ, Q.4):

“Vô pháp tướng mới là thiệt tướng”.

Hoặc là:

“Tìm tõi Đạo mầu trong Phật pháp,

Cho đời hiểu rõ lý chơn không”.

(Khuyên bỏ dị đoan)

Và cụ thể hơn, Đức Thầy không quên nhắc nhở:

“Tu Vô-Vi chớ cúng chè xôi,

Phật chẳng muốn chúng-sanh lo lót."

(Q.2, Kệ Dân)

Tóm tắt, bởi vì lòng quá thương xót sanh linh, Đức Thầy đã nhiều lần nhập thế, đem chánh pháp Vô vi hưng truyền trong đại chúng. Vì vậy, đã là tín đồ PGHH, xin hãy quyết tâm dẹp bỏ âm thinh, sắc tướng và không nên phân biệt ngã chấp để gây thêm nhiều phiền phức làm ảnh hưởng không tốt đến việc tu hành. Đồng thời, nên tuân thủ những giáo điều mà Đức Thầy đã ân cần truyền lại, đặc biệt là nên:

“Giảng Kinh đọc tụng chiều mai,

Làm theo lời chỉ ngày rày gặp Ta.”

(Từ giã bổn đạo khắp nơi)

Nam mô A Di Đà Phật !

TRƯƠNG VĂN THẠO

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Chín 2014(Xem: 9533)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 19560)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 20899)