1. Lý do Khôn chết.

24 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 7143)
1. Lý do Khôn chết.

Tai ta hằng nghe được câu : “Khôn sống, mống chết” do những người chung quanh dẫn ra trong tục ngữ Việt Nam, mổi khi có chuyện rầy la , hằn hộc đối với những kẻ u mê dại dột. Như thế, mới nghe qua chúng ta hiểu là Khôn mới sống, còn dại thì phải chết, không thể nghi ngờ gì !

Trước mắt chúng ta nhan nhản hằng ngày, kẻ Khôn được quyền cao lộc cả, được ăn trước ngồi trên, được thiên hạ ngợi khen, nhứt nhứt được nhiều ưu thắng do mưu chước khôn ngoan sắp đặt. Tuy nhiên việc đời luôn luôn tương đối. Nếu ta chịu khó suy tư nhiều hơn, ta mới sẽ thấy rằng : chưa ắt hẳn Khôn là sống được, mà Dại là chết được.

Lữ Khôn, một hiền giả Trung Hoa, có dạy : “Khôn thường bị người ta ghét, Khôn mà làm như ngu, thì mới thật là khôn kín”. Đức Giáo Chủ P.G.H.H cũng truyền dạy tín đồ của Ngài rằng : “Dầu khôn khéo cũng là giả dại”. Có hành xử đúng như thế, mới thật là người khôn ngoan.

Nhưng thế nhân có chịu đem khôn mà giả dại chăng ? Hay là phần đông chỉ muốn cậy vào cái khôn để mưu cầu tư lợi ?

Thật ra, có mấy ai giữ được theo lời khuyên trên.

Người ta đã chấp không ra có, nhận huyễn làm chơn, cho nên mới ỷ lại vào cái khôn khéo tuyệt vời của mình mà coi thường kẻ khác, lại nảy ra những sự lấn lướt giựt giành, tranh hơn cho mình, thủ đắc về mình, cho dẫu những điều tranh chấp kia có phải hành động điều xảo trá gian hùng để được thắng lợi, người ta cũng không e dè gì nữa. Sự kiện đó, từng nảy sanh ra những cảnh não lòng, mà Đức Giáo Chủ đã có lần nói đến :

Quan ỷ khôn mạt sát dân ngu
Nghèo ỷ lanh láo xược lu bù
Ôi thấy thế lòng đau tợ cắt
(Khuyến Thiện)

Bởi ỷ khôn mà người ta càng ngày càng lún ngập sâu xa vào con đường tai ác, không thể nào chối bỏ được ! Cái nguyên nhân của sự Khôn mà chết chính là điều ỷ thị, cậy khôn nói trên.

Thế sự đua nhau nói dại khôn
Biết ai rằng dại biết ai khôn !
(Trần Tế Xương)

Lần giở lại mấy trang sử cũ của Trung Quốc, ta sẽ thấy ngán ngẩm thay cho cái khôn của Tần Thủy Hoàng !

Sau khi thôn tín được 6 nước Yên, Hàn, Triệu, Ngụy, Tề, Sở để lên ngôi tôn, Thủy Hoàng muốn còn lại có một mình, với một ít kẻ bầy tôi trung tín với mình được khôn mà thôi; còn trong thiên hạ, hãy cho ngu nốt, để cho dòng dõi nhà Tần đời đời kế trị. Cho nên tần Thủy Hoàng mới hạ lịnh đốt hết sách vở, chôn tất nhà nho. Hạ độc thủ “chôn sống anh hùng nhu sĩ” như vậy, Thủy Hoàng mới yên tâm, vì không còn lo có người học giỏi hơn mình, không còn ai phẩm bình. Chỉ trích mình nữa.

Nhưng Thủy Hoàng đã lầm to.Ông nào có dè đâu chỉ vì cái khôn đó mà lòng người căm oán, gây nên cái họa Hán Sở diệt Tần : Tần trị vì chưa được hai đời mà cơ đồ tan biến. Lúc bấy giờ chẳng những nhà Tần bị diệt, mà cho đến kẻ mưu sĩ đã sắp bày kế hoạch cho Tần, như Lý Tư, cũng đến nỗi bêu thủ cấp tại chợ Hàm Dương. Như thế, có ai dám bảo rằng khôn mà sống được sao ? Và như thế mới biết rằng chỉ tại khôn nên mới chết.

Dương Tu của Trung Quốc, một người khôn ngoan tột bực, biết rõ vanh vách bụng dạ của một kẻ gian hùng tột bực là Tào Tháo, để rồi về sau phải bị Tào Tháo lên án tử hình tại Tà Cốc, ngẫm thật ngang trái biết bao !

Vậy , để đối trị lòng mê chấp vào cái khôn lanh ranh mãnh của mình, ta phải học theo lời phán dạy của Đức Phật trong Kinh Pháp Cú :

Diệt trừ tánh kiêu căng. Giải thoát mọi ràng buộc, không chấp trước danh sắc. Người “không có một vật chi” ấy, thì sự khổ chẳng còn theo dõi được.

Hoặc là :

Bằng sự cố gắng hăng hái không buông lung, tự khắc chế mình, người khôn tự tạo cho mình một hòn đảo chẳng có ngọn thủy triều nào nhận chìm được.

Và ta thử nghiền ngẫm lời khuyên sau đây của Đức Lão Tử :

“Thông minh duệ trí, thủ chi dĩ ngu; dũng lực chấn thế, thủ chi dĩ khiết” : Người khôn ngoan sâu sắc tới đâu, hãy biết làm như kẻ ngu khờ. Người có sức mạnh kinh đời, hãy biết làm như kẻ nhút nhát.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn