4. SỐNG TRONG ÁNH SÁNG VÀ CÁI BIẾT

23 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 7970)
4. SỐNG TRONG ÁNH SÁNG VÀ CÁI BIẾT

Như thế nào là Biết và Biết có dễ mà thực hành được chăng ?

Biết, Nho bảo là Tri. Mà muốn Tri, tất phải có Trí (Trí giả tri dã). Phật gọi Biết là Giác. Nếu muốn Giác, trước phải lặng tâm (tĩnh tâm thành giác).

Cái Biết của Nho, có thể tạm dẫn câu chuyện sau đây :

Tử Hạ hỏi Khổng Tử : “Nhan Hồi là người thế nào?”

Khổng Tử đáp :

“Cái Nhân của Hồi hơn ta”

Hỏi: “Tử Cống là người thế nào?”

Đáp: “Cái nhanh nhẹn của Tử hơn ta”

Hỏi:“Tử Lộ là người thế nào?”

Đáp:“Cái dũng của Do hơn ta”

Hỏi:“Tử Trương là người thế nào?”

Đáp:“Cái nghiêm trang của Sư hơn ta”

Tử Hạ lấy làm lạ, lại hỏi : “Vây sao bốn người ấy còn theo Thầy mà học”

Khổng Tử đáp : “Hồi chỉ Biết nhân mà không Biết lúc bất nhân.

Tử chỉ Biết nhanh nhẹn mà không Biết lúc chậm chạp.

Do chỉ Biết dũng cảm mà không Biết lúc nhút nhát.

Sư chỉ Biết nghiêm trang mà không Biết lúc ung dung để hòa đồng với mọi người.

Nay gồm tất cả cái Biết của bốn người ấy có, mà đổi lấy với cái ta có, ta không đổi. Cho nên họ phải thờ ta làm thầy mà không hai lòng.

Khổng Tử quả thật là người Biết. Bằng cứ là nhờ cái Biết đó mà mặc dù đã nhiều lúc chu du qua các nước Tống, Vệ, Trần, Khuông, gian nan không xiết : có lúc bị vây, có khi bị người toan làm hại, Ngài vẫn nhờ Biết mà vượt qua một cách an lành.

Cụ Sào Nam Phan Bội Châu, một nhà đại cách mạng mà cũng là một nhà nho, khi bàn đến vấn đề nầy, đã nói rằng :

“Nếu ta Biết được thập phần chắc chắn cái nên khôn mà khôn, thì khôn là sống; cái nên dại mà dại, thì là dại sống. Có người toàn một đời cho là khôn, mà vì cái khôn đó mới chết. Có người toàn một đời cho là dại, mà nhờ cái dại đó mà được sống. Sống, chẳng phải sống ở xác thịt, mà sống ở tinh thần; chết, chẳng phải chết ở nhãn tiền, mà e chết ở thân hậu. Muốn cầu cho hoàn toàn sự sống, có gì hơn một chữ Biết nữa đâu ! Hay đáo để, thâm đáo để, mà cũng tinh thấu đáo để, chỉ có sáu chữ : “Khôn chết, Dại chết, Biết sống”.

Siêu thoát hơn, đạo Phật từ chỗ học hỏi, tìm biết lẽ phải trái, lý vô thường, còn tu chứng đến bờ Giác ngộ. Chính sự Giác ngộ mới là Ánh Sáng rực rỡ, cái Biết rốt ráo. Đó là một sự biết không còn ngăn ngại, vướng bận bởi bất cứ điều gì. Đó cũng là bao hàm cái Ánh Sáng Chơn Không của Phật vậy.

Có thể xếp được mấy hạng sống trong Ánh Sáng và cái Biết :

1/ Biết việc phải mà làm, Biết điều quấy mà tránh, không kẹt vào vòng mê chấp Dại, Khôn. Đó là những người Trí Đạo, hàng tri giả tiên liệu, có thể tiến tới bực hiền.

2/ Biết thời cơ, Biết tiến thoái, Biết lúc nên yếu mềm hay cứng mạnh (tri âm, tri dương, tri cương, tri nhu). Đó là bậc hiền nhân, có thể lần đến thánh quả.

3/ Biết cõi đời tạm bợ, vạn vật đều vô thường, dốc lòng tìm đường giải thoát. Đó là hàng giác ngộ sẽ tiến về cõi Phật.

Chúng ta là những người đang học đạo, hành đạo, sự chết sống còn mất nơi cõi vô thường hiện ra trước mắt hàng ngày, chúng ta phải hoan hỉ và tinh tấn vâng nghe theo lời Đức Phật đã dạy để nên người Trí Đạo :

“Hãy tự mình làm ngọn đèn Soi sáng cho mình, hãy tự mình làm chỗ nương cậy cho tự chính mình, đừng nương cậy ai ngoài mình. Hãy nắm chặt ngọn đèn sự thật. Đừng làm điều gì ngoài sự thật !”

Và chúng ta cần tâm nguyện thường xuyên những câu nầy của Đức Thầy, để làm phương châm cho cái Biết của chúng ta :

Diệt mê si phải nương thuyền Giác.
Muôn việc làm chánh trực khôn ngoan
Đừng bạ đâu tin bướng nghe càn
Làm ngu muội đọa thân uổng kiếp
(Khuyến Thiện)

Bàn về Trí Đạo, chúng ta cần nhận rõ rằng người tu không bao giờ lầm nghĩ cái Sống do Biết mà ra là cái Sống cho Xác thịt vật chất. Không, cụ Phan Bội Châu đã nói : “ Sống không phải Sống ở xác thịt mà Sống ở tinh thần; Chết không phải chết ở nhãn tiền mà e chết ở thân hậu”. Vậy người Trí Đạo chỉ cần sống trong Ánh Sáng và cái Biết. Sống để mà tu thân lập mạng, để hoàn thành mục đích cứu cánh trên phương diện tinh thần, để khỏi trái với lời phán dạy của Đức Thầy tôn kính, chớ không phải tham sống sợ chết.

Ông ba Thới Nhà Láng, tác giả bộ Cửu Khúc Kiểng Tiên, có viết :

Đường sanh tử khác thể chim bay
Lo hồn vi chánh, lo thây làm gì !
Và Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng dạy :
Hãy ráng tu đi đặng mà chết
Chớ đừng để chết đến mà chẳng có tu
(Dòng Tư Tưởng)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn