1. NGHĨA CỦA CHỮ TÂM

23 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 11737)
1. NGHĨA CỦA CHỮ TÂM

Giảng về Tâm, cổ nhân tạm phân biệt là ba loại: Nhục đoàn tâm, Duyên lự tâm và Chân như tâm.

Theo lối viết tượng hình của hán tự , thì chữ Tâm là mô hình của quả tim. Vì vậy nó có nghĩa đen là trái tim (nhục đoàn tâm). Ngoài nghĩa đen, Tâm có nghĩa rộng chỉ về suy tư, về lo liệu, về tâm hồn (duyên lự tâm) và còn có huyền nghĩa nói về cái thể tĩnh lặng, thường sáng (chân như tâm).

Những gì làm xao động, làm cá biệt ngã nhân, gây nên chấp trước, đó là Vọng Tâm. Trái lại khi tâm hồn được quán sát, được trở về với hằng cửu an nhiên và sở Vọng vắng bặt thì Chơn Tâm thiệt hiện.

Đối với cái Tâm huyền nhiệm không thể dùng lời mà bàn xét được. Nếu thu nhiếp, nó sẽ tự yên lặng trong sâu thẳm của chính nó. Nếu mở ra, nó phổ cập khắp vũ trụ sơn hà. Tâm được mô tả như là hiện diện ở khắp nơi, không đâu là không có. Không một vật thô thiển hay tinh tế nào có thể lọt được ngoài Tâm.

Chính cái danh xưng là Tâm hoặc Chơn Như hay Chơn Tâm cũng chỉ là một cách tá danh ám thị. Vì Tâm, như đã nói, là cái Vô: vô pháp tướng, vô sắc, vô danh. Nhưng chính cái vô mầu nhiệm đó là nguồn gốc của cái Hữu. Hữu sanh vạn vật. Dù Ma, Quỉ, Phật, Tiên, đều sanh ở Tâm và diệt cũng về Tâm, không thêm không mất.

Do đó mà chư Phật, chư Tổ đã qui trách cho Tâm, bảo Tâm là hàm tàng tất cả.

Hi Di tiên sinh họ Trần, đời Tống, khi bàn về Tâm, đã có viết những lời bay bướm “

“Tam điểm như tinh tượng, hoành câu tợ nguyệt tà, phi mao tùng thử đắc, tố Phật dã do tha” (ba chấm hình ba vì sao sáng, một vành câu móc tợ như ánh trăng liềm (1), bới lông tìm rõ được, Phật Thánh đều do đấy sinh ra).
--------------------
(1) đó là chỉ những dấu, những nét để viết thành chữ Tâm. Nếu vạch bới cho rõ được nó, thì tức là Phật hiện.
--------------------
Sách Đại học của Nho, cũng xem tâm là chủ tể của mọi hành động, nên đã quả quyết :

“Dục bình thiên hạ, tiên trị kỳ quốc; dục trị kỳ quốc, tiên tề kỳ gia; dục tề kỳ gia, tiên tu kỳ thân; dục tu kỳ thân, tiên chánh kỳ tâm”. (muốn bình thiên hạ, trước phải là cho nước trị, muốn cho nước trị, trước phải sửa việc nhà; muốn sửa việc nhà, trước phải tu thân; muốn tu thân, trước phải sửa Tâm mình cho chân chánh).

Trong Kinh Tâm địa quán, khi giảng về Tâm, đã quyết nhận Tâm là chủ trì tất cả :

“Tam giới chi trung, dĩ Tâm vi chủ. Năng quán Tâm giả, cứu cánh giải thoát. Bất năng quán giả, cứu cánh trầm luân” (trong ba cõi – dục, sắc và vô sắc – Tâm là chủ. Người quán sát được Tâm, cuối cùng được giải thoát. Người không quán sát được Tâm, cuối cùng bị chìm đắm).

Đức Huỳnh Giáo Chủ trong Giác Mê Tâm Kệ cũng đã thuyết minh về Tâm chỉ bằng mấy câu gãy gọn :

Địa ngục cũng tại Tâm làm quấy
Về thiên đàng Tâm ấy tạo ra
Cái chữ Tâm mà Quỉ hay Ma
Tiên hay Phật cũng là tại nó.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn