Đtb 60: Phật Giáo Hòa Hảo Và Nông Dân Nam Bộ

30 Tháng Tư 200312:00 SA(Xem: 15552)
Đtb 60: Phật Giáo Hòa Hảo Và Nông Dân Nam Bộ
Kể từ ngày Lễ Kỷ Niệm 60 năm Khai Sáng Phật Giáo Hòa Hảo, không khí sinh hoạt của nền đạo lý Hòa Hảo bỗng nổi lên ào ạt ở khắp các miền đồng bằng sông Cửu Long, như vào thuở những ngày trước tháng Tư năm 1975. Sau khi cưỡng chiếm được miền Nam, những người trong tập đoàn Cộng sản Đệ tam đã có chủ trương sẽ dẹp tan Phật Giáo Hòa Hảo trong vòng 15 năm. Hơn 40 năm về trước, khi lấy quyết định ám hại Đức Thầy, họ cũng có chủ trương như vậy nhưng đã mang lấy thất bại trong âm mưu này.

Sau ngày toàn thắng nắm lấy vận mạng cả nước, với toàn quyền sinh sát trong tay, họ tin chắc sẽ thành công phen này, nhưng rồi cuối cùng họ vẫn thấy dân chúng nông thôn Nam bộ vẫn kiên trì âm thầm nuôi giữ niềm tin vào giáo lý đã được Đức Thầy rao giảng từ 50 năm trước. Chúng ta hãy thử tìm hiểu vì sao Phật Giáo Hòa Hảo đã có cơ hội phát triển thâm sâu trong vùng đất phì nhiêu này của đất nước Việt Nam.

Những bậc trí thức phần đông ít chú trọng đến hiện tượng Phật Giáo Hòa Hảo ở miền Nam, nhất là các trí thức miền Bắc. Người viết bài đã có rất nhiều bạn bè thân thích di cư vào Nam sau ngày phân chia đất nước năm 1954. Phần lớn đều thú thật : khi vào miền Nam, họ cứ tưởng Hòa Hào là những nông dân cường khấu, chuyên ăn gan uống mật kẻ thù, như Cộng sản vẫn tuyên truyền trong bao năm ở Bắc .

Việc này thật ra không có gì đáng trách vì trong tình thế nhiễu nhương thời Kháng chiến, cũng như sau này dưới thời Đệ nhứt Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm, một người theo Thiên Chúa giáo, việc tìm hiểu giáo lý PGHH không được cơ hội khai triển.
Trong khi đó, ngay cả những người theo tín ngưỡng Phật giáo truyền thống, khi có được cơ hội tìm hiểu giáo lý do Đức Thầy rao giảng cho dân chúng Nam bộ, đã thường phải giật mình chợt hiểu vì sao một Giáo chủ trẻ tuy chỉ thọ có 27 tuổi, thời gian khai sáng đạo và hoạt động ngắn ngủi trong vòng 7 năm, lại có thể gây được những ảnh hưởng sâu đậm, bền vững cho bao thế hệ về sau.

Vào thuở khởi đầu, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã được biết tiếng như người có khả năng huyền bí chữa trị được nhiều bịnh tật. Thời gian này chỉ kéo dài vào khoảng hai năm. Sau đó thực dân Pháp đã tìm các biện pháp cách ly Đức Thầy với dân chúng, quản thúc Thầy ở các vùng Cần Thơ, Sa Đéc, Sóc Trăng, Bạc Liêu...và cuối cùng bắt nhốt vào Bịnh viện Tâm trí Chợ Quán ! Trong thời gian này, Đức Thầy vẫn tìm cơ hội giao truyền giáo lý, nhất là viết các Sấm Giảng để phổ biến trong dân chúng.

Khi đề cập đến một tôn giáo, có hai vấn đề chánh cần tìm hiểu : phần giáo lý là nội dung căn bản và phần hình thức là việc thực hành tín ngưỡng. Chúng ta hãy tìm xem các đặc thù của nền PGHH . Người viết bài vốn chỉ là một người theo đạo Phật nhưng không có phải là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, nên chắc sẽ có những sai sót trong phần trình bày. Mong các vị cao kiến trong PGHH niệm tình tha thứ và chỉ giáo nếu có những gì thiếu sót hay sai trái.

GIÁO LÝ PHẬT GIÁO HÒA HẢO

Đạo Phật là đạo giác ngộ, chỉ lối đưa đường dẫn dắt con người từ cõi đau khổ đến cõi an lạc . Đức Phật tức đức giác ngộ đã vì lòng thương xót chúng sanh, khai ngộ cho tất cả mọi người được giác ngộ như chính đức Phật.

Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã giảng dạy cho tín đồ một nội dung Phật pháp đúng theo lời chuyển Pháp Luân của Đức Phật. Những ai đã có dịp đọc lại các thuyết giảng của Đức Thầy đều phải khâm phục vì Ông đã đem giáo lý nhà Phật đến đại chúng nông dân, một cách rất gần gũi nhưng rất trọn vẹn, từ con đường trung đạo đến tam nghiệp, tứ diệu đế, tứ vô lượng tâm, tứ ân, ngũ giới, lục độ, bát chánh đạo, thập thiện, thập nhị nhân duyên !

Đức Thầy chỉ có chút phần thay đổi trong thứ tự Tứ Ân. Ngoài ra, trọn vẹn nội dung là đúng với những lời Đức Phật đả dạy cho đệ tử của Ngài trong Phật giáo nguyên thủy. Ngài Huỳnh Phú Sổ không hề có chủ trương một nền Phật giáo nào khác.

Khi chỉ mới 23 tuổi, Ông đã viết bài Phật là gì ? để tín đồ hiểu rõ hình ảnh Đức Phật như Ngài đã tự giới thiệu khi còn tại thế : Ngài là người giác ngộ, một đạo sư chỉ dắt chúng sanh con đường và phương pháp đi đến giải thoát. Ông Huỳnh Phú Sổ đã cho tín đồ sự hiểu biết để họ không bị mê hoặc, tôn sùng Đức Phật như một vị thần linh.

Thử đọc lại bài nói trên như một thí dụ điển hình, để biết rõ những lời văn thực tiễn, gần gũi của Ông Huỳnh Phú Sổ, những lời dạy dễ lãnh hội, đã ăn sâu vào tâm hồn chất phác của người nông dân miền Nam :

Phật giả là Giác giả (Người giác ngộ). Giác giả là Tĩnh giả ( Người tĩnh thức).
Khi Đức Thích Ca thành Phật thì Ngài nói pháp Tứ đế mà độ đời trước hơn các pháp, và chỉ con đường Trung Đạo cho người hành theo.

Đường Trung Đạo của Phật :
Không trưởng dưỡng xác thịt quá ư sung sướng như : ăn nhiều, ngủ nhiều, chẳng lo làm công chuyện, chẳng học hỏi, vì sung sướng thái quá thì sanh nhiều dục vọng mê đắm, làm cho trí đạo tối tăm, không đạt huệ được .

Không nên hành xác hay ép xác thái quá như : phơi nắng dầm sương, bỏ ăn, bỏ ngủ, làm lụng quá sức lực của mình, vì ép xác quá độ hay sanh bịnh hoạn nhiều, người mà đa mang bịnh tật rồi, tinh thần kém cỏi, nhọc mệt, trí hóa lu mờ, không đủ sức mà học Đạo đặng.

Nên người biết Đạo chẳng ép xác thái quá, mà cũng chẳng để nó sung sướng quá độ, chỉ ăn ngủ có chừng mực, làm việc vừa với sức mình, giữ gìn sức khỏe mới mong được Đạo Pháp.

Vậy Phật chẳng buộc ai phải ăn ở khổ hạnh và cũng chẳng biểu ai ăn ở sung sướng, chẳng ép ai ăn chay, chẳng xúi ai ăn mặn, tùy theo trình độ và lòng nhơn của mình.

Điều cần yếu là phải :
LÀM HẾT CÁC VIỆC THIỆN
TRÁNH TẤT CÁC ĐIỀU ĐỘC ÁC
QUYẾT RỬA TẤM LÒNG CHO TRONG SẠCH .

Ông Huỳnh Phú Sổ đã có cả triệu tín đồ hưởng ứng tu hành vì Ông đã thuyết giảng đúng trình độ đại chúng bình dân trong đó phần lớn là nông dân, đúng thực trạng xã hội Việt Nam phần đông là ít học, ít hiểu biết. Tuy nhiên những bài giảng của Ông vẫn đúng theo giáo pháp, lại được Ông khai triển đúng căn cơ của tín đồ bình dân.

Trong những thập niên gần đây, Hòa thượng Thích Nhất Hạnh là người đã nổi danh chẳng những trong giới Phật tử người Việt mà còn là một Thiền sư được các giới Âu Mỹ thán phục. Mỗi khóa tu của Hòa thượng và Tăng đoàn Làng Mai đến từ Pháp để tổ chúc ở Bắc Mỹ thường có khoảng từ 700 đến 2000 thiền sinh tham dự. Vào cuối khóa tu, thường có khoảng từ 100 đến 700 người tiếp nhận Ba quy và Năm giới. Những người theo học phần lớn thuộc thành phần có học thức và trình độ khá cao. Thiền sư Nhất Hạnh đã thành công ở ngoại quốc vì Ông đã thích ứng việc giảng dạy cho đại chúng khác với đại chúng ở Việt Nam.

Văn bản Ngũ giới hiện nay của Ông là kết quả của sự hành trì trên 25 năm giảng dạy. Thay vì theo Giới bản xưa: Không được sát sinh, Không được trộm cắp, Không được tà dâm, Không được nói dối, Không được uống rượu , Hòa thượng Nhất hạnh đã giảng lại như sau:
( Xin chỉ kể 2 giới về Sát sinh và Tà dâm để làm thí dụ tiêu biểu)

Giới Thứ Nhất: Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh Đại bi để bảo vệ sư sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết tróc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hằng ngày của con.
.............................................
Giới Thứ Ba: Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Con nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng những hành động bất chánh sẽ gây ra đau khổ cho kẻ khác và cho chính con. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những lời cam kết của mình và của kẻ khác. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa.

Thông cảm được tâm trạng giới trẻ và nhất là giới trẻ Tây phương vốn không ưa thích các công thức ra lệnh, cấm cản hoặc ép buộc, Thầy Nhất Hạnh đã trình bày lại Năm Giới trong một hình thức nhẹ nhàng, thoải mái hơn, nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn bản chất của giới pháp.

Văn bản Ngũ Giới của Thầy Nhất Hạnh với hình thức mới đã được các giới trẻ Tây phương chấp nhận dễ dàng hơn. Thầy đã trở thành một danh tăng truyền bá Phật pháp ở hải ngoại, nhờ vào việc cách mạng và hiện đại hóa trong việc hoằng pháp. Văn bản Năm Giới của Thầy là kết quả của sự hành trì và giảng dạy trong 25 năm. Văn bản không có danh từ Phật học chuyên môn này đã phải trải qua ba lần tu chỉnh.

Bây giờ xin chúng ta hãy trở lại xem hơn 50 năm về trước, khi còn trong lứa tuổi hơn hai mươi,Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã thuyết giảng cho giới nông dân chất phác và ít học vùng Cửu Long ra sao.

Xin được trích dẫn làm thí dụ, để so sánh, những gì Đức Thầy đã dạy trong Tam Nghiệp và Thập Ác về 2 giới : Sát sanh và Tà dâm.

SÁT SANH: Con người mới sanh ra ở đời đều có tánh hiền lành cả. Song đến lúc lớn khôn, vì phải sống chung chạ với thế giới người hung tàn, bạo ngược, tánh nết liền ô nhiễm những sự xấu xa hèn kém, trở nên độc ác dữ dằn.

Loài người giết nhau vì tiền bạc, vì sắc đẹp, vì lợi danh, vì quyền thế, vì thù hiềm, vì hiếu thắng...nghĩa là họ giết nhau vì sự lợi ích của một người, của một nhóm người, của một đẳng cấp xã hội, của một quốc gia...Đó là người đối với người.

Người đối với thú cầm sanh vật còn tàn nhẫn gấp mấy nữa: họ giết thú vật vì miếng ăn, vì sự dị đoan mê tín,...sát hại sanh vật cúng tế...vì sự vui thích...kẻ bắn chim đang bay trên trời, người chặt cá đang lội dưới nước. Họ bắt thú vật làm tấm bia cho nhắm trong những lúc cao hứng, quên hẳn rằng sanh vật cũng có linh hồn, cũng có thân xác, cũng biết tìm lẽ sống còn như nhân loại vậy...Khi gặp tai nạn bất ngờ hay rủi ro đau ốm, con người không chịu thuốc thang, khẩn vái Phật Trời cầu cho tai qua nạn khỏi, lại giết các thú vật tế thần cúng thánh, kêu cốt kêu đồng. Họ không tìm nguyên nhân các sự họa hoạn, không chịu tìm hiểu rằng những tai biến xẩy ra đều do căn tiền báo quả hậu, và không chịu ăn năn chừa lỗi, tạo tác phước điền. Trong khi giết các thú vật đặng tế lễ, họ đã phạm thêm một tội ác lúc họ chưa đền bồi các tội ác trước được.

Thế nên hãy tha thứ cho chúng, hãy dung dưỡng chúng và nhứt là đối với các gia súc: trâu, bò, ngựa, chó, mèo...chẳng khá sát hại vì chúng đã giúp ích cho ta trong các việc sanh hoạt hằng ngày. Tóm lại, không có sự sát sanh vô cớ nào có thể tha thứ được và trong những ngày chay lạt hãy cử hẳn.

2- TÀ DÂM: Muôn việc lành, hiếu thuận đứng đầu, ngàn việc dữ, tà dâm đứng trước . Sách sử thường bảo như thế. Lần dở xem sử sách, thời thấy tội ác ấy lan diễn khắp nơi, từ trào nội cho đến thứ dân, từ trong gia đình đến kẻ xa người lạ. Nó là mầm gây ra biết bao thảm trạng. Gương của vua Tề với vợ Thôi Tử, An Lộc Sơn với Dương Quý Phi há chẳng còn lưu liên hậu thế? Giàu ỷ của, hiếp dâm kẻ khó, quan ỷ quyền cưỡng bức đám dân hèn. Gian phu dâm phụ, từ xưa đến nay luôn luôn đều có.

Muốn tránh sự bại hoại nền luân lý nước nhà, muốn giữ gìn tiếng tăm của gia thế, phải đừng để dục tình lôi cuốn, bắt chước gương xưa trau dồi lòng hiếu trung trinh tiết..

Những lời thuyết giảng của Ông Huỳnh Phú Sổ vì mang tính cách bình dân nên không khỏi bị một số tăng, ni chê là kém cỏi, tầm thường, hoặc giáo lý PGHH không có gì là cao siêu, là chân chánh. Nhưng những ai hiểu đạo Phật đều phải công nhận là các bài thuyết pháp của Ông tuy giản dị nhưng rất trong sáng và chan hòa tư tưởng Phật giáo. Ông chỉ đặc biệt chú trọng nhiều đến Tứ Ân như Phật Thầy Tây An. Ngoài ra Ông không có chủ trương đưa ra những tư tưởng Phật học gì mới lạ

Trình độ nông dân của 90 phần trăm tín đồ của Ông vào thời khoảng nhiễu nhương 1940 khó có thể thông hiểu được các tư tưởng cao siêu chứa đựng trong thiên kinh, vạn quyển của triết lý Phật giáo. Hoằng pháp bằng những bài thơ chuyên chở đạo Phật vào sâu trong tâm não tín đồ là một thành công sâu đậm, bền vững. Trong một thời gian ngắn ngủi độ 7 năm, ngoài những việc khó khăn khác phải đương đầu, quả thật trong lịch sử miền Nam, chưa thấy có một giáo chủ nào có thể có được hơn 2 triệu tín đồ trên một dân số khoảng 10 triệu vào thời đó.

HÌNH THỨC TÍN NGƯỠNG PGHH

Sự thành công đặc thù của PGHH, đưa đến sự hiện diện trường tồn ở miền Nam
cho đến ngày hôm nay, mặc dầu đã phải trải qua bao nhiêu biến cố tưởng cần phải được suy gẫm cặn kẽ hơn.
Hình thức tín ngưỡng của PGHH là một yếu tố quan trọng. Đây quả thật là một cuộc cách mạng, đang được nhiều học giả về tôn giáo nghiên cứu.

Ông Huỳnh Phú Sổ đã đặc biệt tạo nên một nền Phật giáo mới lạ, một nền Phật giáo do các giới Phật tử tại gia điều hành, một nền Phật giáo cấp tiến, không có giới tăng lữ tham gia.

Đức Thầy tuy không chủ trương xây chùa, đúc tượng nhưng trong Lời khuyên bổn đạo , Ông vẫn khuyên tín đồ phải kính trọng giới tăng sĩ, vẫn khuyến khích đi chùa vào các ngày rằm, ngày vía của Đức Phật... Ông đã khéo léo tránh tạo sự bất hòa giữa giới tăng sĩ và cư sĩ tại gia. Đức Thầy đã viết: Hạng tại gia gồm tất cả thiện nam tín nữ chưa đủ điều kiện xuất gia, vì cảm thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc, với gia đình, với đồng bào xã hội, nên chưa thể làm như các nhà sư hay ni cô đặng. Thế nên ở tại nhà, họ phượng thờ Đức Phật, phát nguyện quy y, giữ gìn giới luật,hằng coi kinh sách, sửa tánh, răn lòng, ủng hộ các sư . Ông đặt trọng tâm vào việc tu tâm sửa tánh, khuyên không nên dựa vào hình tướng, lễ nghi. Hình tướng như tượng Phật, chuông, mỏ chỉ là những trợ lực, những phương tiện giúp để dễ tu tập nhưng lắm khi sự chấp vào hình tướng lại dẫn đến sự sai lệch đạo pháp.

Về thờ phượng, PGHH chủ trương các cư sĩ tại gia nên thờ đơn giản cho lòng tin tưởng trở lại tâm hồn...chỉ thờ một tấm trần màu đà... Màu ấy là sự kết hợp của tất cả các màu sắc khác nên có thể tượng trưng cho sự hòa hiệp của nhân loại không phân biệt chủng tộc cá nhơn...Màu ấy tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật .

Ông Huỳnh Phú Sổ trong bài Cách thờ phượng, hành lễ và sự ăn ở của một tín đồ PGHH đã hướng dẫn rõ ràng để thống nhất hình thức thờ phượng, lễ bái, là một việc mà giới Phật tử truyền thống lắm khi còn bị lúng túng. Những vấn đề thực tế như học vấn, vệ sinh thân thể, tập thể dục...cũng được đề cập trong bài này. Đặc biệt Đối với các tôn giáo khác , Đức Thầy đã khuyên tín đồ không nên đụng chạm đến cách thức tu hành của họ; Nhứt là không ỷ đông hiếp đáp hoặc nói xấu người ta ...phải luôn luôn làm lành với họ .

Tiến sĩ Lê Hiếu Liêm của Trường Phật Học Lý Trần có viết: PGHH không xây dựng thêm chùa chiền mới nhưng đã thật sự xây dựng nhiều ngôi chùa nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam: mỗi mái nhà của tín đồ là một ngôi chùa, mỗi gia đình Phật tử là một tăng thân tu học. PGHH đưa đạo Phật đến tận mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi mái nhà. Mỗi người tự trực tiếp thực hành đạo Phật trong mỗi giây phút của cuộc đời mình, không cần trung gian của tăng ni và không cần hình tướng của chùa chiền, hình tượng, chuông mõ . Thật là một cuộc cách mạng lớn trong lịch sử Phật giáo VN!

SẤM GIẢNG, THI, KỆ CỦA HUỲNH PHÚ SỔ

Trong việc lễ bái ở các chùa, cũng như các thi, kệ, thường được viết dưới dạng Hán văn hay Phạn văn. Trong năm 1989, Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng đoàn Làng Mai lần đầu tiên đã cho xuất bản Nghi Thức Tụng Niệm ( Lá Bối, San Jose),toàn bằng Quốc văn để giới Phật tử sử dụng. Năm 1997, Đạo Tràng Mai Thôn lại cho phát hành Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000 cũng toàn bằng Quốc văn cho cả hai tông phái Thiền và Tịnh Độ. Thiền sư Nhất Hạnh cũng đã nổi tiếng do các thi kệ do Ông sáng tác hay chuyển ngữ.

Có rất ít bậc trí thức được biết là 40 năm về trước, Ông Huỳnh Phú Sổ đã dịch nhiều thi kệ từ tiếng Hán ra Việt ngữ cho tín đồ của Ông.

Xin được nhân dịp này, thử đọc lại các câu Chú thường được niệm, trích ra từ tập Sấm Giảng Thi Văn của Ông Huỳnh Phú Sổ.

Các buổi lễ Phật giáo thường được khởi sự bằng bài Quán Tưởng, tóm gọn tinh hoa Phật giáo của bộ kinh Hoa Nghiêm danh tiếng:
Năng lễ, sở lễ, tánh Không tịch
Cảm ứng tương giao nan tư nghị
Ngã thử đạo tràng như đế châu
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền
Đầu diện tiếp túc qui mang lễ.

Dịch nghĩa là: Con, người đang lạy Phật, và Phật, người đang được lạy, cả hai ta cùng một bản tánh Không, nghĩa là không có tự thể bất biến, nghĩa là cùng do nhân duyên trùng trùng tác động lẫn nhau mà có. Vì cùng một bản tánh nên sự cảm ứng giữa Ngài và con không thể nghĩ bàn. Con ở trong đạo tràng rực rỡ, đẹp đẽ, xán lạn như viên ngọc quý vô giá vô cùng. Trong đạo tràng này có sự hiện diện của chư Phật mười phương. Cũng trong đạo tràng này thân con hiện ra trước mười phương chư Phật.

Bài thi kệ này nay được một danh tăng dịch ra Việt ngữ và được đưa vào Nghi Thức Tụng Niệm của PGVN:
Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới đế châu ví đạo tràng
Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y

Ông Huỳnh Phú Sổ đã dịch thành thơ như sau, một cách rất sát nghĩa:
Sự lạy Phật vốn Không, yên tĩnh
Đạo cảm giao khó tính khôn bàn
Nay tôi ở trong đạo tràng
Cũng như kết chặt vào đoàn ngọc châu
Mười phương Phật hiện bầu hình ảnh
Có bóng tôi cũng sánh cùng Ngài
Từ chơn cho chí mặt mày
Cúi đầu làm lễ nguyện rày quy y

Xin thú thật là riêng người viết bài, từ ngày biết được bài của Ông Huỳnh Phú Sổ, mỗi bận đọc kệ Quán Tưởng, sự cảm thông với lời kinh đã được thấy trọn vẹn hơn.
Nay thử xét thêm về các thi kệ của Thiền sư Nhất Hạnh và của Ông Huỳnh Phú Sổ, cùng đề cập đến chung một số vấn đề.
Thiền sư Nhất hạnh đã nổi tiếng về những Thi kệ Nhật dụng như:
THỨC DẬY:
Thức dậy miệng mỉm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.
RỬA TAY:
Múc nước để rửa tay
Xin nguyện cho mọi người
Có đôi bàn tay khéo
Gìn giữ trái đất này
ĐIỀU TỨC:
Thở vào tâm tỉnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
An vui trong hiện tại
Giờ phút đẹp tuyệt vời
THỈNH CHUÔNG:
Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gửi lòng theo tiếng chuông
Nguyện người nghe tỉnh thức
Vượt thoát nẻo đau buồn
Thầy Nhất Hạnh vừa là thiền sư lại cũng là thi sĩ, đã sáng tác hoặc phóng tác qua thể thơ tự do những thi kệ tuyệt vời vừa kể trên. Bốn mươi năm về trước, Ông Huỳnh Phú Sổ, tuy phải bị gò bó trong niêm luật, đã dịch rất sát theo nguyên bản Hán văn các thi kệ trên như sau:
Về bài Rửa tay
Hán văn: Dĩ thủy quán chưởng
Đương nguyện chúng sanh
Đắc thanh tịnh thủ
Thọ trì Phật pháp
Ông Huỳnh Phú Sổ viết:
Lấy nước tôi rửa sạch tay
Nguyện cầu sanh chúng được tay thơm lành
Ngõ hầu nắm pháp vô sanh
Giữ gìn lời Phật ban hành từ xưa
Về bài Thỉnh chuông
Hán văn: Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới
Thiết vi u ám tất giai văn
Văn trần thanh tịnh chứng viên thông
Nhất thiết chúng sanh thành chánh giác
Ông Huỳnh Phú Sổ :
Nguyện tiếng chuông lành thông các cõi
Thiết vi địa ngục cũng nghe rành
Nghe rồi thân tịnh, tâm tròn sáng
Tất cả chúng sanh Phật đạo thành.

Vài thí dụ kể trên tưởng cũng đã đủ để chứng minh nếu thi kệ nổi tiếng của Thiền sư Nhất Hạnh nay được quý trọng trong giới Phật giáo, thì thi kệ của Ông Huỳnh Phú Sổ sáng tác cách đây hơn 40 năm cũng nên được coi như một đóng góp quan trọng vào gia tài văn học Việt Nam.

KẾT LUẬN

Trong những trình bày vắn tắt vừa qua về Giáo lý, Hình thức Tín ngưỡng, Sấm Giảng, Thi kệ Phật giáo Hòa Hảo, chúng ta có thể hiểu được phần nào vì sao nền Phật Giáo Hòa Hảo đã bén rễ sâu xa trong tâm hồn người nông dân Nam bộ.

Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã cách mạng, hiện đại hóa Phật giáo truyền thống thành một nền Phật giáo Thời đại. Những thành tựu Ông đã thực hiện trong thời gian ngắn ngủi 7 năm thật khó có thể giải thích ngoại trừ phải chấp thuận ý kiến xem Ông là một vị Bồ Tát đã xuất hiện sau nhiều kiếp tu tập để cứu rỗi nông dân ở địa linh Cửu Long.

Sau nhiều lần thất bại trong chủ trương xóa bỏ nền Phật Giáo Hòa Hảo, bạo quyền Cộng sản VN sau ngày 25 tháng 6 năm 1999 đã dàn dựng một Ban Đại diện Quốc doanh và áp đặt một qui chế mới để thủ tiêu truyền thống PGHH như hủy bỏ đạo kỳ màu đà, cắt xén 80% Sấm giảng, hủy bỏ Đại lễ Tưởng niệm Đức Thầy v...v...

Trong chiều hướng đấu tranh cho việc thành tựu một nước Việt Nam dân chủ, tự do, chúng ta có trách nhiệm phải đóng góp vào Phong Trào Yểm Trợ Phật Giáo Hòa Hảo Quốc Nội. Nền Phật giáo Hòa Hảo đã giữ miền đồng bằng Sông Cửu Long thành một ốc đảo thanh bình trong suốt cuộc chiến vừa qua, một ốc đảo còn giữ vững nền đạo lý truyền thống khi Cộng sản đã làm băng hoại luân lý ở hầu như khắp nơi trong nước. Trong tương lai, đây cũng là một ốc đảo bảo đảm vững chắc cho lá phiếu dân chủ trong cuộc tranh đấu sắp đến.


B. S. Trần Nguơn Phiêu
Arlington, Texas
Tháng 7 năm 2000
( Bài này đã được trình bày trong buổi Hội Thảo về Tôn Giáo Nạn tại Việt Nam, ở Trung Tâm Sinh Hoạt Quốc Tế FIAP, quận 14 Paris ngày 12-08-00)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn