Đtb 59: Đảng Cs Đối Với Pghh Trong Những Năm Đầu Kháng

31 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 13790)
Đtb 59: Đảng Cs Đối Với Pghh Trong Những Năm Đầu Kháng
ĐẢNG CỘNG SẢN ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO HÒA HẢO TRONG NHỮNG
NĂM ĐẦU KHÁNG CHIẾN CHỐNG
Phật Giáo Hòa Hảo là một giáo hội lớn ở Miền Nam. Từ trước năm 1975, dưới chế độ Đệ nhị Cộng Hòa, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo có đầy đủ tư cách pháp nhân cũng như các giáo hội khác là Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất, Giáo Hội Thiên Chúa thuộc La Mã, Giáo Hội Cao Đài, các Nhà Thờ Thiên Chúa thường gọi chung là Tin Lành và Giáo Hội Muslim thường gọi là Hồi Giáo. Nhưng từ cuối tháng Tư năm 1975, sau khi các lực lượng quân sự của Miền Bắc kiểm soát được toàn Miền Nam thì hai Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài bị cấm hành đạo, hàng giáo phẩm cấp lãnh đạo bị bắt giam dài hạn, chức sắc cấp tỉnh và huyện bị đưa đi cải tạo tại các trại cưỡng bách lao động, toàn thể tài sản của Giáo hội bị tịch thu.

Các nhà nghiên cứu quốc tế đến Việt Nam để khảo sát tình hình văn hóa - xã hội đã tìm thấy những bằng chứng cho thấy rằng từ năm 1979 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản và Ban Tôn giáo Chính phủ đã có kế hoạch nhằm tiêu diệt hai tôn giáo dân tộc này, nhất là xóa bỏ hoàn toàn Phật Giáo Hòa Hảo trong thời hạn từ 10 đến 15 năm. Nhưng kế hoạch tiêu diệt Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và Phật giáo Hòa Hảo trong vòng 15 năm đã hoàn toàn thất bại. Có nhiều lý do mà trước hết là sau khi có lệnh cấm tín đồ hành đạo và truyền bá giáo lý công khai thì toàn thể rút về hành đạo trong gia đình, cha mẹ kín đáo dạy giáo lý cho con cái. Trong chòm xóm thì tín đồ giúp nhau giữ vững phong tục tập quán mà chính yếu là việc thờ phượng thì nguyện tưởng trong tâm, trong đời sống thì giữ tục ăn chay kỳ, hoặc ăn chay trường, và tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thì giúp nhau giữ đúng Tám Điều Răn của Huỳnh Giáo chủ và báo đền Bốn Ân Đức Lớn (Bát Chánh Đạo - Tứ Ân). Cứ như thế mà giáo hội thầm lặng hình thành trong thời gian không lâu. Mặt khác, về phía nhà cầm quyền thì từ khi chịu theo chính sách mở cửa để giao thương với các nước và để được hưởng viện trợ, đảng và chính phủ bị sức ép liên tục của các nước cấp viện đòi hỏi Hà Nội phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân. Do đó mà nhà cầm quyền đành phải áp dụng châm ngôn xưa cũ là: diệt không được thì tha làm phước. Nhưng cách tha của nhà cầm quyền cũng rất tinh vi, đó là cho phép người tín đồ được theo tôn giáo của mình, nhưng phải chịu sự lãnh đạo của các cán bộ do nhà cầm quyền chỉ định làm công tác cai quản tín đồ.

Cái cách diệt không được tha làm phước này được áp dụng cho Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh kể từ 1997 và sau đó áp dụng cho Phật Giáo Hòa Hảo từ tháng Năm 1999. Cũng như đã lập ra Hội đồng Chưởng quản để cai trị Hội Thánh Tây Ninh, nhà cầm quyền cho lập ra một cơ quan gọi là Ban Đại diện Phật Giáo Hòa Hảo gồm 11 người và Ban này được cho phép tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày Huỳnh Giáo chủ lập Đạo. Thế là chỉ trong mấy ngày đầu tháng Bảy 1999, hơn một triệu tín đồ ở khắp Miền Tây đã nối nhau hành hương về Thánh Địa của Phật Giáo Hòa Hảo và viếng Tổ Đình. Tiếp đến ngày Đản sanh Huỳnh Giáo chủ nhằm ngày đầu năm dương lịch 2000, tín đồ lại lũ lượt hành hương về Tổ Đình, vượt qua mọi cấm cản của nhà cầm quyền ở các tỉnh Miền Tây. Rồi đến ngày hôm nay, chỉ còn vài ngày nữa là tín đồ làm Lễ Kỷ niệm Năm thứ 53 Ngày Huỳnh Giáo Chủ Vắng Mặt. Với lý do là Phật Giáo Hòa Hảo đã được phép hoạt động công khai mặc dầu là rất hạn chế, phần đông tín đồ mong muốn rằng Lễ Kỷ niệm Đức Thầy Vắng Mặt sẽ được tổ chức công khai và trọng thể cũng như các dịp lễ vừa qua. Đáng chú ý hơn nữa là đã có những cuộc vận động với nhà cầm quyền để xin được giải thích về sự kiện cách đây 53 năm, tại sao Huỳnh Giáo chủ được nhà cầm quyền mời đi họp rồi bị đưa đi mất tích.

Việc Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ mất tích vào mùa xuân năm 1947 có thật nhiều bí ẩn. Về phía nhà cầm quyền Cộng sản thì ngay từ hồi đó Ủy ban Hành Chính Nam Bộ đã ra thông cáo chính thức tuyên bố là âm mưu ám hại Huỳnh Giáo chủ đã được thi hành. Đến đầu năm 1988, khi phải trả lời câu hỏi của một nhà nghiên cứu nước ngoài thì viên Trưởng Ban Tôn giáo của chính phủ Hà Nội lúc đó là Nguyễn Quang Huy đã giải thích ngắn gọn rằng: Việc ám hại vị Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo là do lỗi của cấp ủy địa phương đã tự ý hành động mà không xin ý kiến của cấp trên. Nhưng về phía các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thì toàn thể quả quyết rằng Cộng sản nhiều lần đã tìm đủ mọi cách để ám hại vị Giáo chủ, nhưng lần nào Cộng sản cũng thất bại. Từ năm chục năm qua, tín đồ một lòng một dạ tin tưởng rằng: Đức Thầy không chết, Người chỉ vắng mặt một thời gian, đúng như Người đã nhiều lần nói trước với tín đồ.

Để tìm hiểu đến nơi đến chốn các sự kiện lịch sử ở Nam Bộ trong thời gian này. Ban Biên tập đã yêu cầu một trợ bút của Đài Á Châu Tự Do là ông HAI TRANG nghiên cứu mối quan hệ giữa các lãnh tụ Cộng sản cầm quyền ở Miền Nam với Huỳnh Giáo chủ và Phật Giáo Hòa Hảo trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Đây là một công việc đòi hỏi nhiều công phu tìm kiếm, nhất là đòi hỏi tính khách quan của người trình bày lại những dữ kiện lịch sử theo tinh thần khoa học. Để viết loạt bài phát thanh này, nhà trợ bút đã tham khảo nhiều tài liệu từ bốn nguồn khác nhau. Trước hết là các ấn phẩm và tài liệu của nhà cầm quyền Hà Nội đã công bố để rồi đối chiếu với các ấn phẩm và tài liệu của các Ban Trị sự Phật Giáo Hòa Hảo còn lưu giữ được. Thứ đến là các văn kiện và tài liệu nói về quan hệ Việt Minh Cộng sản với Phật Giáo Hòa Hảo mà người Pháp còn lưu trữ trong các Văn khố và Thư viện của họ ở Paris và các nơi khác. Sau cùng là các bài đã đăng trong báo chí ở Sàigòn trong thập niên 50 và thập niên 60, cùng các hồi ký đáng tin cậy của các nhà hoạt động chính trị - xã hội vào thời kỳ đó. Vì rằng loạt bài này được viết để phát thanh cho nên các dữ kiện lịch sử được thuật lại một cách ngắn gọn, xuất xứ các nguồn tài liệu chỉ được dẫn ra khi thật cần thiết. Tuy nhiên, về thời điểm, địa điểm, tên tuổi các nhân vật liên quan, việc xảy ra như thế nào và vì lý do gì, người biên khảo sẽ trình bày đầy đủ.
VỤ MƯU SÁT ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ Ở SÀIGÒN THÁNG CHÍN NĂM 1945
Trong khuôn khổ điểm lại những biến cố lịch sử, Đài Á Châu Tự Do trình bày tiếp loạt bài nói về mối quan hệ giữa các lãnh tụ Cộng sản cầm quyền ở Nam Bộ với vị Giáo chủ của Phật Giáo Hòa Hảo trong những năm đầu của cuộc Kháng chiến chống Pháp. Nhà biên khảo HAI TRANG điểm lại những sự kiện xảy ra tại Sàigòn và tại Cần Thơ trong thượng tuần tháng Chín năm 1945. Những sự kiện này đưa tới vụ Ủy ban Hành chánh Nam Bộ điều động công an võ trang tới chiếm trụ sở của Việt Nam Vận Động Độc Lập Hội với mục đích bắt sống Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ. Báo chí ở Sàigòn hồi thập niên 50 khi thuật lại vụ này đã gọi là Vụ Mưu sát Huỳnh Giáo chủ.

Việc ra mắt ngày 25 tháng Tám của Lâm ủy Hành chánh mà người đứng đầu là Trần Văn Giàu đã gây hoang mang lớn trong dư luận công chúng ở Sàigòn và sau đó ở khắp Nam Bộ. Giới hoạt động văn hóa-chánh trị-xã hội rất bất bình khi nhận thấy trong số chín ông Lâm ủy đã có sáu ông là Cộng sản mà những người nổi tiếng quá khích là Dương Bạch mai, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Tây tức Thanh Sơn. Mặt khác, trong hàng ngũ Thanh Niên Tiền Phong cũng nổi lên một làn sóng công phẫn khi thấy ông Phạm Ngọc Thạch một mình tuyên bố đem toàn bộ Thanh Niên Tiền Phong nhập vào Việt Minh. Trong thời gian này, Trung ương Đảng Cộng sản ở Hà Nội đã cấp tốc cử hai phái viên là Hoàng Quốc Việt và Cao Hồng Lãnh vào Sàigòn để lãnh đạo phong trào ở Miền Nam. Hai phái viên cấp cao nhứt này còn có nhiệm vụ kềm sát các lãnh tụ Cộng sản Nam Bộ, bởi vì có tin mật báo rằng Trần Văn Giàu có ý đồ thành lập một Trung ương riêng rẻ ở Miền Nam, và mưu tính này có thể được đa số cán bộ gốc Nam Bộ tán thành. Ngày 30 tháng Tám, Trần Văn Giàu triệu tập Khoáng đại Hội nghị, mời đại diện các đảng phái, các nhân sĩ và báo chí tới dự. Trong cuốn Hồi Ký của nhà báo Nguyễn Kỳ Nam, không khí Đại hội này được ghi lại như sau.

Tôi không bao giờ quên những câu hỏi và những câu trả lời của Trần Văn Giàu. Tôi cũng không quên khi Trần Văn Giàu mặc áo sơ-mi đứng lên, tay mặt đập mạnh vào khẩu súng lục nhỏ mang ở bên hông, để trả lời một câu hỏi của Trần Văn Thạch. Nghe và thấy vậy, làm sao không sợ? Nhứt là người đứng lên trả lời đó là một cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Đệ Tam... Tôi nhớ hai người chất vấn là Huỳnh Phú Sổ và Trần Văn Thạch, nhóm Đệ Tứ. Thạch chất vấn Giàu: -Ai cử Lâm ủy Hành Chánh Nam Bộ? Trần Văn Giàu đứng dậy trả lời: -Anh Thạch, tôi biết anh muốn nói gì rồi. Vậy tôi xin trả lời: Chúng tôi tạm thời đảm đương Chánh phủ trong giai đoạn nầy. Sau rồi, chúng tôi giao lại các anh. Còn trả lời về chánh trị, tôi sẽ gặp anh ở một nơi khác. Trần Văn Giàu vừa nói câu sau, vừa để tay mặt nơi cây súng sáu.

Nhà báo Nguyễn kỳ Nam viết tiếp trong Hồi Ký của ông rằng:
Trả lời du côn như thế, làm sao mà không ngán? Phòng nhóm im lặng như tờ. Mọi người đều nhìn Thạch như biết rõ số mạng của Thạch đã định ... nơi khẩu súng lục kia rồi. Tôi hồi hộp, tim đập mạnh. Từ đó tôi mất hết tinh thần. Nhiều bạn ký giả ngồi chung quanh tôi xầm xì: -Thạch đã tự mình ký tên bản án tử hình rồi. -Suỵt, đừng nói! Nguy lắm! Nguy thiệt. Lúc bấy giờ ai tỏ thái độ chống Cộng thời biết! Trần Văn Thạch đã bị Cộng sản giết, không ai còn lấy làm lạ nữa. Đến Huỳnh Phú Sổ? Trường hợp của nhà lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo và Việt Nam Vận Động Độc Lập Hội còn nhiều gay cấn lắm... Trong Hội nghị đêm 7 tháng Chín tại trụ sở Tổng Công Đoàn ở đường Lagrandière --sau này là đường Gia Long-- có mặt Hoàng Quốc Việt và Cao Hồng Lãnh, đã xảy ra cuộc đấu khẩu kịch liệt về vấn đề Trần Văn Giàu cộng tác với Pháp.

Người tố cáo Trần Văn Giàu là Bác sĩ Hồ Vĩnh Ký, nguyên là Phó Giám đốc Công An Nam Bộ sau khi Nhật đảo chánh Pháp. Theo hồ sơ mà Bác sĩ Ký có trong tay thì suốt hai năm 1943 và 1944, ông Giàu đã làm việc cho Sở Mật thám Pháp. Các tờ báo của Pháp đăng tin rùm beng ông Giàu vượt ngục Bà Rá chỉ là dàn cảnh nguỵ trang theo kế hoạch của Tổng Giám đốc Công An Pháp là Arnoux. Sự thiệt là ông Giàu đi từ trại giam Bà Rá về Sàigòn bằng xe hơi của Sở Mật thám Pháp. Về Sàigòn, ông Giàu được Pháp đưa đi gặp ông Dương Bạch Mai, lúc đó cũng vừa được Pháp thả ra để thực hiện một kế hoạch chống lại Nhật theo đề nghị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong hồ sơ của Công An Nam Bộ còn có những tấm ảnh chụp ông Giàu đang nhận tiền từ tay của Arnoux. Các tấm hình nầy do chính Arnoux bố trí cho nhân viên chụp để sau nầy dùng làm bằng chứng khi cần đến. Luật sư Huỳnh Văn Phương -- chú ruột của ông Huỳnh Tấn Phát-- khi đó làm Giám đốc Công an Nam Bộ đã cho rọi lại thành bốn bản tấm hình ông Giàu đang nhận tiền từ tay Arnoux. Ba tấm in lại được trao cho ba người là: Luật sư Dương Văn Giáo, Bác sĩ Hồ Vĩnh Ký và Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ. Hồi Ký Nguyễn Kỳ Nam viết nguyên văn rằng: Huỳnh Văn Phương trao ba bức ảnh cho ba người để rồi cả ba đều bị ám sát trong những trường hợp khác nhau.

Trong cuộc họp đêm 7 tháng Chín, Lâm ủy Hành chánh đổi tên thành Ủy ban Hành chánh Nam Bộ. Phạm Văn Bạch làm Chủ tịch, Trần Văn Giàu xuống làm Phó nhưng kiêm nhiệm Ủy trưởng Quân sự. Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ làm Ủy viên Xã hội. Nguyễn Văn Trấn làm Giám đốc Quốc Gia Tự Vệ Cuộc --tức là lực lượng Công An--, Lý Huệ Vinh làm Chỉ huy Quốc gia Tự vệ Cuộc Saigon, lực lượng này đặt trực tiếp dưới quyền Trần Văn Giàu. Sang ngày 8 tháng Chín, tại thành phố Cần Thơ xảy ra vụ Uỷ ban Cần Thơ dùng lực lượng quân sự đàn áp cuộc biểu tình của 20,000 tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo khiến hàng trăm người chết. Trước đó, ngày 27 tháng Tám tại Châu Đốc, Ủy ban tỉnh vừa thành lập đã bắt giam 300 tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và sau đó xử tử một số trị sự viên của Đạo. Đến ngày 9 tháng Chín, tại Sàigòn, vào lúc 8 giờ 30 tối, Lý Huệ Vinh điều động lực lượng Công an võ trang tới tấn công nơi Huỳnh Giáo chủ đang trú ngụ là trụ sở của Việt Nam Vận Động Độc Lập Hội, số 8 đường Sohier, ở Quận 1, góc đường Phùng Khắc Khoan bây giờ. Hồi thập niên 60, một vị cao đồ làm việc sát cạnh với Huỳnh Giáo chủ từ khi mở Đạo là ông Lương Trọng Tường đã kể lại với báo chí về cuộc tấn công này. Xin mở ngoặc: ông Lương Trọng Tường là Hội trưởng Ban Trị sự Trung ương Phật Giáo Hòa Hảo trong thời gian từ 1965 tới 1975. Sau đây là báo chí hồi đó ghi lại lời kể của ông Lương Trọng Tường
Lúc 20 giờ 45, Huỳnh Giáo chủ còn ngồi đàm đạo với chúng tôi. Mấy phút sau, Giáo chủ nói: - Có lẽ sắp có chuyện gì sắp xảy ra, Thầy qua bên ông Đại úy OKAMATA một lát. Nói rồi, Thầy đi thẳng ra cửa sau. Đức Thầy vừa đi được một phút thì có anh em đồng đạo vào cho biết bên ngoài có chiếc xe hơi vừa đổ, nhiều người đang tiến về phía trụ sở. Xe hơi của Lý Huệ Vinh chiếu đèn pha, báo hiệu cho bọn Công an bao vây trụ sở xông vào bắt Đức Thầy. Bên trong trụ sở, các vệ sĩ tắt hết đèn. Bên Công An nổ súng tấn công, bên vệ sĩ bắn trả. Sau chừng 10 phút Công an tràn được vô trụ sở. Công an lục soát và bắt giữ tất cả những người có trong trụ sở.

Ngay trong đêm đó, tin báo trụ sở bị tấn công được truyền đi cho các trạm liên lạc. Một tín đồ thân cận với Giáo chủ là ông Lâm Ngọc Thạch, lúc đó đang ở Trường Mỹ Thuật Gia Định được tin, liền tìm về quan sát trụ sở ngay sáng ngày 10. Trụ sở bị Công an canh gác trong ngoài rất nghiêm mật. Ông Thạch trở về trụ sở nhánh ở đương Lơ-pheo --bây giờ là đường Nguyễn Công Trứ-- để tìm cách liên lạc và giải cứu Giáo chủ. Chỉ trong thời gian ngắn, ông Thạch được biết Giáo chủ còn đang tạm trú tại nhà một tín đồ là Bà Năm, chủ căn nhà số 38 đường Miche --nay là đường Phùng Khắc Khoan--, và căn nhà nầy đâu lưng với trụ sở. Ông Thạch đi mượn được một xe hơi của công ty Mitsuibishi, và ông hóa trang làm một quân nhân Nhật, ngồi xe cắm cờ Nhật chạy thẳng vô cấm địa. Công an và lính Tự vệ Cuộc không dám cấm cản. Xe chạy thẳng vô nhà Bà Năm rước Giáo Chủ lên xe. Ông Thạch đưa Giáo Chủ lên Biên Hòa ẩn cư tại nhà ông Ngô Văn Ký. Ông Lâm Ngọc Thạch năm nay đã ngoài tám mươi tuổi và hiện đang cư ngụ tại Tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn