Đtb 59: Đức Thầy Thọ Nạn

31 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 14844)
Đtb 59: Đức Thầy Thọ Nạn
Ta chịu khổ khổ cho bá tánh ...
Chốn Liên đài bát ngát mùi hương,
Nhờ chỗ ấy mới thi công đức.
(Đức Thầy)

Bởi sự thường của bực siêu nhơn, nên xưa nay chư vị Phật, Thánh ra đi trợ thế đều gặp những hoàn cảnh vô cùng gian nan, bi thảm.
Như Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni (623-543 TTL) từ bi chỉ dẫn thế nhơn con đường giải thoát khỏi biển khổ, cõi vô minh; nhưng bị nhóm người ngoại đạo Bà- la-môn ganh tị tìm mọi cách chống đối, cũng như người anh em họ đồng thời là đệ tử, tì kheo Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta) nhiều lần mưu hại. Đức Chúa Jesus (4? TTL- 29? TL) bị môn đồ Judas phản bội bán cho bộ lạc Do Thái giáo (Judaisme). Ngài bị xử quyết đóng đinh vào Thập tự giá, thân xác chịu vô vàn hình phạt đau đớn cho đến khi kiệt sức rồi chết để gánh chịu cái tội nguyên thủy của nhơn loại. Đức Khổng Tử (551-479 TTL) suốt cuộc đời vất vả chu du nhiều nước như Vệ, Tống, Trần, v.v. để rao giảng cái đạo (Nho) của Thánh hiền đời trước đã được Ngài phát huy ra lập thành cái học thuyết (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) [theo Trần Trọng Kim], nhưng thế nhơn có mấy ai thấu hiểu, lại có lắm người khinh chê. Và Ngài cũng không được triều đình nào trọng dụng để có cơ hội đóng góp tài đức hầu tạo dựng hạng người quân tử chăm lo việc trị nước an dân rất cần thiết cho xã hội thời Xuân Thu lúc bấy giờ khắp nơi đầy giặc giã liên miên, cảnh chiến tranh tàn khốc, nhơn tâm ly tán.
Tượng xưa dấu củ còn mờ(DDBĐ), trải qua trên 25 thế kỷ từ khi Đức Phật Tổ chuyển Pháp luân ở một xã hội của Ấn Độ nghèo đói, lạc hậu, phân chia giai cấp (1) đến nay tuy nhơn loại đã văn minh tiến bộ, nhưng tại làng Hòa Hảo, thuộc miền Nam đất Việt có một Thánh tăng thừa vâng sắc lịnh Thế Tôn cũng chuyển kiếp Xuống trần nhằm buổi nạn eo, Gẫm trong dân sự còn nghèo chữ tu (DDBĐ).
Đất nước bị ngoại bang đô hộ, thêm những kẻ vô liêm sỉ vì tham bả lợi danh đành lòng bán rẻ non sông càng làm cho nhơn sanh trong cảnh quốc phá, gia vong (SM) thêm phần thống khổ, luân thường đạo lý suy đồi. Thế nên Ngài không tránh khỏi những nghịch cảnh truân chuyên; bị cường quyền Pháp lưu xứ đi nhiều nơi, kế đến bị nhóm người Việt minh (VM), tức Cộng sản (CS) nhiều lần mưu hại. Tuy vậy, những điều đó không thể làm cho Ngài bận tâm và thối chí trên bước đường khắp hạ giái truyền khai đạo pháp (DPQM). Như trong bài thơ Ngài viết lúc bị người Pháp đưa đến Sa Đéc:
Muốn lập Đạo có câu thành bại,
Sự truân chuyên của khách thiền môn...
Ta cũng chẳng lấy chi buồn bã,
Bởi sự thường của bực siêu nhơn.
Dầu gian lao dạ sắt chẳng sờn,
Miễn sanh chúng thông đường giải thoát.
Hoặc, như trong một lần khác vì nhà cầm quyền Pháp không thể buộc tội phạm luật để bắt giam Ngài, nên họ bịa đặt ra chuyện Ngài bị loạn trí để đưa vào bịnh viện Chợ Quán (đó là hình thức quản thúc mà họ cố ý che đậy):
Ta bước, bước đường gặp nẽo chông,
Mà không nản chí với nao lòng.
Dắt dìu nhơn loại câu huyền bí,
Bủa đức dạy đi rạng Á Đông.
Thế nhơn gọi Ngài là Đức Huỳnh Giáo Chủ để tỏ sự ngưỡng mộ; còn những tín đồ gọi Ngài là Thầy, hoặc Đức Thầy (ĐT) với tấm lòng vừa sùng kính, vừa thương yêu. Riêng Ngài tự xưng là Tăng sĩ, là Tín đồ trung thành của Đức Phật Thích Ca. Cũng có khi Ngài xưng là Khùng, là Điên để đối lại hạng người kém trí và hiểu biết kém, nhưng luôn cho mình là thông minh, tài giỏi; và Ngài còn có lời khuyên: Đã tu hành đừng có bôn chôn, Tưởng hay giỏi khoe khoang tài cán (Q.5). Nền Đạo do Ngài khai sáng được gọi là Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH), và được xem là một Tông phái truyền giảng giáo lý rút trong các luật các kinh (S.G., tr.276), tức trong số tám vạn bốn ngàn (84,000) Pháp môn do Đức Phật chỉ dạy để vừa thích hợp với trình độ cơ căn của nhơn sanh trong thời Mạt Pháp, vừa chuyên chở những tính chất đặc thù của dân tộc.
Nếu nhìn vào công trình to lớn của một thanh niên mang tục danh Huỳnh Phú Sổ khởi đầu khai Đạo từ lúc 20 đến 28 tuổi vắng mặt thì Ngài đích thực là bực siêu nhơn ẩn xác phàm gìn Đạo Thích Ca (Q.2). Trải qua nhiều trăm năm suốt theo dòng lịch sử dân tộc mới thấy vài vị xuất hiện như Thái sư Khuông Việt vào thời vua Lê Đại Hành (980-1005), Quốc sư Vạn Hạnh vào thời vua Lý Thái Tổ (1010-1028) đều là những Thiền sư đã đem Đạo vào Đời, thể hiện tinh thần vừa xuất thế, lẫn nhập thế, tạo sự hài hòa trọn vẹn giữa vũ trụ và nhơn sanh, giữa thể (essence) và dụng (existence). Thật vậy, hành trình cứu thế của Đức Thầy từ lúc khai Đạo cho đến khi thọ nạn được phân biệt có hai giai đoạn: hoằng hóa Chánh Pháp để Khai ngọn đuốc từ bi chí thiện, Tìm con lành dắt lại Phật đường(Q.4); và kế đó theo sự biến chuyển của thời cuộc, nên Ngài dấn thân tranh đấu để bảo vệ đất nước, giải phóng đồng bào khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Như qua những câu Ngài viết trong lúc cùng theo Bộ đội quốc gia chiến đấu ở khu Miền Đông (năm 1946-1947) biểu lộ tinh thần nhập thế đại hùng đại lực, cùng lòng đại từ đại bi đối với dân tộc của một quốc gia nhỏ kém mở mang về khoa học và kỹ thuật bị một quốc gia khác tiền tiến và to lớn hơn áp chế:
Thấy dân thấy nước nghĩ mà đau,
Quyết rứt cà sa khoác chiến bào.
Đuổi bọn xâm lăng, gìn đất nước,
Ngọn cờ độc lập phất phơ cao.
... Nam Việt ngàn xưa đúc khí hào.
Lúc giặc xâm lăng mưu thống trị,
Anh hùng đâu xá cảnh gian lao.
.... Miễn đặng bảo tồn non nước cu,õ
Giữ an tánh mạng cả đồng bào.

Giai đoạn Truyền giáo (1939- 1942):
Trong thời gian đầu mới khai Đạo vào ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939), Đức Thầy vừa trị bịnh để cảm hóa người đời, vừa cảnh giác về những thảm cảnh chiến tranh sắp lan tràn khắp nơi để khuyên nhủ họ quay về đường thiện, làm lành lánh dữ. Còn đối với hạng người có thiện căn và trình độ cao hơn thì Ngài thuyết giảng Phật pháp để giúp họ nhận thức đạo lý vi diệu. Rồi về sau công việc trị bịnh giảm lần, thay vào đấy là phần thuyết giảng càng nhiều hơn. Cùng lúc trong năm 1939 tại Hòa Hảo, Ngài viết 4 quyển giảng theo thể văn vần trường thiên (dài nhứt có 912 câu, và ngắn nhứt có 476 câu). Đến năm 1941, khi ở Chợ Quán Ngài viết quyển thứ 5 cũng bằng văn vần, gồm 756 câu (xuất bản lần đầu vào năm 1942). Cuối cùng, vào tháng 5 năm 1945, tại Saigon Ngài viết quyển thứ 6 bằng văn xuôi để chỉ dạy Cách tu hiền và sự ăn ở của một người bổn đạo, đồng thời minh giải về Tứ ân, Tam nghiệp, Thập ác và Bát chánh đạo. Ngoài ra, Đức Thầy còn viết rất nhiều bài thi, và bài văn được nhóm tín đồ sưu tầm và kết tập lần đầu tiên thành một quyển sách dày trên 300 trang, gồm đủ loại: thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục bát, tứ ngôn, và một số bài biến thể (S.G.,k.n).
Đức Thầy thuyết giảng thao thao bất tuyệt cả ngày lẫn đêm như nguồn suối chảy vô tận mà không mệt mõi. Với tài hùng biện, giọng nói hấp dẫn, cùng tư cách bình dị và khiêm tốn của bực siêu phàm, nên lời giảng của Ngài có một sức truyền cảm mạnh mẽ làm cho người nghe càng lúc càng thích thú, cứ muốn nghe mãi. Về Kệ giảng, vì phần lớn những tác phẩm được Ngài viết theo thể văn vần (như nêu trên), nên cũng gây được sự truyền cảm đậm đà hơn văn xuôi và dễ dàng thấm sâu vào tâm trí người đọc. Với chủ trương: Quyết dạy trần nên nói lời thường, Cho sanh chúng đời nay dễ biết... Dạy bổn đạo lấy câu trung đẳng, Chẳng nói cao vì sắp rốt đời (Q.4); nên Ngài chọn cách hành văn vừa bình dân, giản dị, lại vừa trong sáng, rõ ràng. Nhưng mỗi chữ, mỗi câu đều hàm chứa những yếu lý huyền diệu của nhà Phật, đồng thời phù hợp với cuộc sống thực tế ở ngoài đời. Đức Thầy viết rất dễ dàng, thẳng một mạch, không cần giấy nháp, không sửa chữa, bởi dưới ngọn bút thần kỳ diệu của Ngài tuôn chảy luân lưu nguồn tư tưởng Thánh triết vượt thời gian và không gian, đặc biệt không dính cứng vào ngôn ngữ văn tự. Cho nên từ hàng trí giả đến giới bình dân đều cảm nhận được giáo thuyết của Ngài và họ có thể đem ra ứng dụng trong mọi hoàn cảnh, mọi thời kỳ. Khi đọc, hay khi nghe người khác ngâm, các tín đồ đều có cảm giác say mê với mùi đạo hạnh. Cho nên chỉ trong một thời gian ngắn sau ngày khai Đạo, Đức Thầy đã thu nhận trên hai trăm ngàn tín đồ xin qui y. Nhà cầm quyền Pháp thấy vậy bèn lo ngại về sự truyền giáo của Ngài sẽ gây bất lợi cho việc trị an của họ. Hơn nữa, họ nghi ngờ Ngài có mưu đồ khởi động lại phong trào Cần Vương chống Pháp qua những lời giảng như:
Chẳng qua là Nam Việt vô Vương,
Nên tai ách xảy ra thảm thiết. (Q.2)
hay..
Minh Vương sửa trị mới yên ngôi Trời. (S.G., tr. 260)
và...
Tử vì nước còn ghi linh miếu,
Thác vì đời thanh sử danh bia. (D.P.Q.M.)
Cũng như bài thơ sau đây chứng tỏ tình yêu nước đậm đà của Ngài:
Tam sắc (2) cờ bay phất phới mà,
Ngồi nhìn nhớ kỹ héo lòng ta.
Thuở xưa đâu có cờ tam săc,
Gặp cảnh vong bang úa ruột rà.
Vì vậy, người Pháp cưỡng bách Ngài rời nguyên quán làng Hòa Hảo. Lúc ban đầu họ đưa Ngài đi Sa Đéc, kế đó lần lượt đến Cần Thơ, Chợ Quán, rồi Bạc Liêu; nhưng hễ đến nơi nào thì Ngài lại có cơ hội mới để thuyết giảng và thâu nhận thêm tín đồ. Như Ngài nói: Càng đi càng biết nhiều nơi, Càng đem chơn lý tuyệt vời phổ thông (S.G., tr.326). Cuối cùng họ định đưa Ngài ra khỏi nước, -có thể sang Lào (?), nên một nhóm tín đồ nhờ Hiến binh Nhựt rước Ngài từ Bạc Liêu về Saigon (đêm 11-10-1942). Khi đến ngã ba Trung Lương (Mỹ Tho) thì bị xe Mật thám Pháp chận bắt. Sau đó, Quân đội Nhựt can thiệp quyết liệt; vì người Pháp lúc bấy giờ ở thế yếu, nên họ đành nhượng bộ. Sở dĩ người Nhựt thi ân với Ngài là vì họ muốn gây cảm tình với khối đông đảo tín đồ PGHH để sau nầy lợi dụng. Đức Thầy là bực sáng suốt, nên cũng biết như vậy. Tuy nhờ vả họ, nhưng Ngài vẫn giữ thái độ dè dặt, không để bị lôi cuốn vào kế hoạch Liên Á chống Đồng Minh. Như Ngài nói: Trương Tiên qui Hớn phi thần Hớn, Quan Đế cư Tào bất đê Tào.
Giai đoạn Dấn thân cứu nước (1942-1947):
Sau khi Đức Thầy đến tá túc ở Sở Hiến binh Nhựt tại Saigon (ngày 12-10-1942), thì nhà cầm quyền Pháp bắt đầu khủng bố những tín đồ PGHH ở miền Tây; nhiều người bị giết hại, bị tù đày lên Bà Rá, hoặc ra Côn Đảo. Tuy nhiên, uy thế của người Pháp tại Đông Dương (Việt, Miên, Lào) đã suy giảm, vì ở Âu Châu thì nước Pháp bị quân Đức Quốc Xã xâm chiếm (chánh phủ Vichy của Thống chế P. Pétain chỉ là bù nhìn), còn thực dân Pháp và Anh ở các nước thuộc địa của họ tại Đông Á Châu đều bị quân phiệt Nhựt khống chế. Nhận thấy như thế, Đức Thầy tiên đoán dân tộc Việt Nam sắp có cơ hội giành lại chủ quyền đã mất sau gần 80 năm, nên Ngài bắt đầu bí mật tiếp xúc các nhà trí thức, các đoàn thể chánh trị như Việt Nam Phục Quốc Hội (Ngô Đình Đẩu, Trần Văn Ân,...), Việt Nam Thanh Niên Ái Quốc Đoàn (Đinh Khắc Thiệt), v.v. để chuẩn bị hàng ngũ đấu tranh. Thật đúng như vậy !
Đến ngày 9-3-1945, quân Nhựt đảo chánh Pháp. Nhân cơ hội nầy, Đức Thầy công khai dấn thân tranh đấu để cứu nước. Từ thời gian nầy, Ngài càng gặp thêm nhiều nghịch cảnh to lớn trước hai thế lực quân phiệt Nhựt, và kế đó là Cộng Sản độc tài. Âu cũng bởi vận mạng của đất nước chưa đến lúc huy hoàng (!). Sở dĩ Ngài nhờ người Nhựt bảo vệ là để tránh khỏi bị người Pháp hại. Nhưng Đức Thầy không theo về phía họ, vì tham vọng bành trướng Đế quốc và hành động tàn ác của quân phiệt Nhựt không phù hợp với giáo thuyết từ bi và bình đẳng của Đức Phật. Hơn nữa, Ngài thừa biết họ mưu đồ thay thế thực dân Pháp để cai trị dân Việt, tức chủ trương dịch chủ tái nô (thực dân kiểu mới thay thực dân cũ, còn nô lệ vẫn là dân Việt). Ngoài ra, Đức Thầy còn biết chắc chắn rằng Nhựt sẽ thất trận, nên Ngài có nói lời tiên tri: Nhật-bổn ăn không hết con gà (S.G.). Kết quả đúng như vậy, khi chưa hết năm Dậu thì Nhựt Hoàng Hirohito khẩn cấp triệu tập nội các để quyết định xin đầu hàng (ngày 10-8-1945) sau khi Hoa kỳ liên tiếp ném xuống 2 quả bom nguyên tử tàn phá khủng khiếp (90%) hải cảng Hiroshima và thành phố Nagasaki. Ngoài ra, vào năm 1939 khi viết quyển Sấm giảng thứ 1, Đức Thầy cũng đã có lời tiên tri về Thế chiến thứ hai khởi diễn vào năm 1939 và kết thúc trong năm 1945 (Đức quốc xã đầu hàng ở Âu Châu, và tiếp theo phát xích Nhựt đầu hàng ở Á Châu), như:
Mèo (1939) kêu bá tánh lao xao,
Đến chừng Rồng (1940), Rắn (1941) máu đào chỉn ghê.
Con Ngựa (1942) lại đá con Dê (1943),
Khắp trong trần hạ nhiều bề gian lao.
Khỉ (1944) kia cũng bị xáo xào,
Canh khuya Gà (1945) gáy máu đào mới ngưng. (3)
Nhằm vận động cho nền độc lập quốc gia, Đức Thầy đứng ra kêu gọi các đảng phái, cùng các đoàn thể, các thành phần trong xã hội từ thành thị đến nông thôn hiệp tác để thành lập Việt Nam Vận Động Hội. Kế đó, người Nhựt yêu cầu Ngài đi về các tỉnh Miền Tây để trấn an dân chúng và xếp đặt việc trị lý, vì người Nhựt mới đoạt chủ quyền, chưa tổ chức được guồng máy hành chánh và an ninh, nên thường xảy ra những vụ trả thù, trộm cướp. Do sự lợi ích chung, nên Ngài chấp thuận và lên đường vào ngày 22-3-1945 đến ngày 1-4-1945 thì trở về Saigon. Trong thời gian gần một tháng đi kinh lý, bất cứ nơi nào Ngài đến cũng đều được đông đảo quần chúng cùng tín đồ nghinh đón, và hoan hô nhiệt liệt. Nhận thấy uy thế của Ngài quá lớn có thể gây trở ngại cho chủ trương của họ, nên sau đó người Nhựt muốn giới hạn Ngài chỉ hoạt động trên phương diện truyền giáo. Vì vậy, phong trào Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội không thành. (4)
Thật vậy, mãi đến lúc đầu hàng Đồng Minh quân Nhựt mới giao hoàn Nam Bộ cho người Việt, kế cuộc chiến tranh chống Pháp kéo dài đến năm 1954, rồi cũng chưa hoàn toàn độc lập trên thực tế vì nó chuyển sang cuộc nội chiến cốt nhục tương tàn do mưu đồ bành trướng của cường quốc. Thế mới biết Đức Thầy đã sáng suốt thấy trước thời cuộc.
-Thứ nhứt: Tổ chức các Ban Trị Sự PGHH cấp Tỉnh (5) để lãnh đạo và điều hành những sinh hoạt của đoàn thể tại địa phương cho có hệ thống và quy luật. Cũng do lẽ nầy nên Ngài viết thêm quyển thứ 6 bằng văn xuôi để giải bày tường tận Tôn chỉ hành đạo của Ngài, đồng thời chỉ dạy Cách Tu hiền, Thờ phượng, Hành lễ và Sự ăn ở của một tín đồ, cùng đề ra tám Lời khuyên để họ gìn giử theo quy tắc đã định.
-Thứ Hai: Kết hợp PGHH cùng các Tông phái Phật giáo thành một tổ chức mang danh xưng Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp Hội, với tôn chỉ nâng cao tinh thần đạo Phật, cứu kẻ nguy nàn, giúp đỡ lẫn nhau trong việc quan, hôn, tang, tế, và binh vực lẫn nhau trong sự tín ngưỡng tự do. Các Hội viên vẫn giữ được sự tu hành và cúng kiếng của Thầy mình, hay Tôn phái mình (S.G., VNPGLHH<, tr.446-450). Trong bài Hiệu Triệu của VNĐLVĐH (trên), Đức Thầy có lời kêu gọi sự Thống nhứt giới tu hành theo đạo Phật để tạo thành một lực lượng lớn mạnh có tiếng nói đáng kể làm hậu thuẩn cho sự tranh đấu giành Chủ quyền của dân tộc, vì hễ nước mất thì cơ sở của Đạo phải bị lấp vùi, nước còn nền Đạo được phát khai rực rỡ(ĐT). Nhưng cuối cùng vì tinh thần riêng chùa riêng Phật, và thời cuộc rối ren nên Hội không thành.
Kế đến nạn đói gây chết chóc thê thảm ở miền Bắc, nên ngày 10-6-1945 Đức Thầy lên đường trở về vùng đồng bằng sông Cửu Long để Khuyến Nông. Cuộc hành trình kéo dài trong 2 tháng, Ngài diễn thuyết tại 107 địa điểm. Nội dung nhằm: kêu gọi chủ điền và phu nông chăm lo canh tác, khuyến khích quần chúng và tín đồ quyên góp tiền và lúa gạo để chuyên chở ra miền Bắc cứu giúp đồng bào; như Ngài khuyên bảo: Nam kỳ đâu phải sống riêng, Mà còn cung cấp cho miền Bắc, Trung (6). Ngoài ra, Ngài còn thuyết giảng về Phật pháp, và cổ động tinh thần đoàn kết nhằm xây dựng lực lượng đấu tranh sau nầy. Ngài nói rất hấp dẫn, vừa hùng hồn, vừa truyền cảm làm cho người nghe vô cùng xúc động, có lúc rơi lệ thương cho đồng bào miền Bắc trong cảnh đói khổ.
Khi Đức Thầy trở về thì tình hình càng sôi động, Hoa kỳ liên tiếp dội bom xuống Saigon, và đã giành thế chủ động ở Mặt trận Thái bình dương. Ngài tiên đoán quân Nhựt sẽ sớm đầu hàng, vậy trong thời gian chưa có guồng máy cai trị mới để thay thế tất nhiên sẽ có nhiều cảnh trả thù, giết hại, trộm cướp nảy ra. Nhằm đối phó với tình trạng bất ổn đó, Ngài đưa ra đề nghị tập hợp quần chúng, thanh niên nam, và nữ để tổ chức thành những Đội Bảo An (Đội nam, và Đội nữ) ở các xã ấp. Đây là tổ chức bán quân sự có nhiệm vụ giữ gìn trật tự trong làng, bảo vệ mùa màng, tìm bắt kẻ gian, ngăn ngừa trộm cướp, giải tán những vụ ấu đả. Nhờ vậy mà sau đó không có điều xáo trộn đáng tiếc xảy ra trong các vùng có tín đồ PGHH. Về việc tổ chức lực lượng quân sự để chống ngoại bang xâm lăng thì Ngài chỉ thị tuyển chọn 500 tín đồ PGHH để làm nồng cốt (Khuông) cho dự định thành lập Dân Quân Cách Mạng Đệ Tứ Sư Đoàn. Đức Thầy có cử người liên lạc với Nhựt để xin vũ khí, nhưng kế đó PGHH bị Trần Văn Giàu đàn áp, nên Đệ Tứ Sư Đoàn không thành hình (7).
Đến khi Hoa kỳ chấp thuận cho Nhựt đầu hàng vô điều kiện (14-8-1945) thì quân Nhựt mới chịu trao trả Nam bộ cho chánh phủ Việt Nam. Tình hình trong nước lúc đó rất khẩn trương, vua Bảo Đại liền hạ chiếu cử ông Nguyễn Văn Sâm làm Khâm sai Nam bộ, đồng thời kêu gọi các nhà ái quốc nỗ lực củng cố nền độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc. Cùng thời gian, Đức Thầy tham gia Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt được chánh thức thành lập ngày 14-8-1945 (8).
Sau đó, chưa được mấy ngày thì Việt Minh cướp chánh quyền ở Hà Nội. Hồ Chí Minh thành lập Chánh phủ Trung ương Lâm thời và ra mắt quốc dân tại Hà Nội ngày 2-9-1945, sau khi cử ba đại diện Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận vào Huế để dự lễ cử hành vua Bảo Đại thoái vị và giao chánh quyền cho VM theo sự yêu cầu của Hồ, ngày 25-8-1945 (PVS, VSTT, tr. 707). Cùng lúc, nội các Trần Trọng Kim từ chức, và Khâm sai Nguyễn Văn Sâm bàn giao chánh quyền Nam Bộ cho Lâm Ủy Hành Chánh Nam Bộ (LUHCNB) do Trần Văn Giàu làm chủ tịch. Việt Minh làm lễ ra mắt đồng bào trong một cuộc biểu tình khắp đường phố Saigon. Dân chúng đâu đâu cũng nghe nói đến Việt Minh (do danh xưng Việt Nam Độc Lập Đồng Minh), họ ngở là chánh phủ Liên hiệp thân các quốc gia Đồng Minh, nhưng thực sự là tổ chức do Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế độc tài lãnh đạo. Vì vậy, khi thấy thành phần chấp hành trong LUBHCNB có 4 ủy viên là Cộng sản và 5 ủy viên khác thân Cộng, hoặc Trung lập (9) Đức Thầy hạ lời phê bình: Đó là một hành động độc tài, trái với chánh thể dân chủ Cộng Hòa (VK,ĐHGC, tr.153). Ngoài ra, các nhà lãnh đạo các đảng phái quốc gia đều chán ngán khi đọc truyền đơn Trần Văn Giàu tuyên bố: Nga là bạn.
Khoảng hai tuần sau, trong một phiên họp do Mặt Trận Việt Minh tổ chức (đêm 7-9-1945) Đức Thầy đứng ra tố giác Trần Văn Giàu đi đêm với Pháp, và cho biết ông Huỳnh Văn Phương hiện còn giữ hồ sơ từ lúc ông làm Tổng Giám đốc Công an trong thời chánh phủ Trần Trọng Kim. Trần Văn Giàu rất tức giận, nói lời hằn học với Đức Thầy. Nhưng nhờ đại biểu các đảng phái giàn xếp, nên LUBHCNB được cải tổ và đổi tên thành Ủy Ban Nhân Dân Nam Bộ do Phạm văn Bạch làm Chủ tịch, còn Trần Văn Giàu làm Phó kiêm Ủy viên quân sự. Kế đó, Lý Huê Vinh bước vào đưa cho Giàu một điện tín giả tạo báo tin PGHH nổi lên đảo chánh và đã chiếm cứ Cần Thơ. Mặc dù Đức Thầy phủ nhận, nhưng Trần Văn Giàu đòi quản thúc Ngài. Cuối cùng do sự can thiệp của các đại biểu, và Giàu chưa dám làm hổn nên Ngài được thong thả ra về.
Sự thật là vào sáng ngày sau, tức ngày 8-9-1945 mới có cuộc biểu tình của tín đồ PGHH để phản đối chế độ độc tài, đòi hỏi loại trừ các phần tử thối nát trong Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ, và võ trang quần chúng chống xâm lăng. Đây là một cuộc biểu tình lớn nhứt ở miền Tây, và PGHH là đoàn thể đầu tiên chủ xướng đứng lên chống độc tài. Mặc dầu Ban Tổ chức đã xin phép trước và được sự chấp thuận của Ủy Ban Hành Chánh tỉnh Cần Thơ, nhưng đến khi những tín đồ tập trung đông đảo thì VM (CS) giở trò lật lọng ra lịnh giải tán. Rồi tiếp đó, chúng bắn vào dân chúng không võ trang trong lúc họ ra về làm cho nhiều người chết, hoặc bị thương. Đồng thời chúng bắt giam những tín đồ có nhiệm vụ trong Ban Tổ chức để sau đó lần lượt đem họ ra hành quyết (10). Thật là vô cùng dã man, tàn ác.
Mặc dù đã đối xử không còn tình người với quần chúng và tín đồ PGHH; nhưng Giàu vẫn mang lòng thù hận, không chịu bỏ qua mưu hại Đức Giáo Chủ. Do đó, qua đêm kế tiếp (đêm 9-9-1945) Giàu ra lệnh cho thuộc hạ bao vây, lục soát văn phòng của Đức Thầy để bắt Ngài. Tuy Ngài hiện diện nơi đó, nhưng bọn chúng không tìm thấy, chỉ bắt được một số tín đồ đưa lên xe chở về giam ở nhà lao. Khi chúng đã rút đi thì ngay trong đêm Ngài được tín đồ đưa về Ban Trị Sự tỉnh Gia Định, kế tiếp đi về Long Thành. Vì nhận thấy bọn Giàu vẫn theo dõi, nên Ngài lại sang ẩn lánh trong vùng Cỏ May (Bà Rịa), rồi vào sâu trong rừng Chà Là.
Thay vì kêu gọi toàn dân đoàn kết để chuẩn bị tổ chức các lực lượng quân sự đánh đuổi quân Pháp sắp trở lại thì bọn VM Cộng Sản sau khi đàn áp tín đồ PGHH lại tiếp tục mượn danh nghĩa chánh quyền để khủng bố, bắt giam, hoặc hạ sát những nhân vật có uy tín, những nhà trí thức, những lãnh tụ các đảng quốc gia yêu nước bằng cách vu cáo họ là Việt gian bán nước, phá hoại... làm cho giọt máu của đồng bào tuôn chảy cùng khắp non sông. Vì vậy, khi quân Pháp nhờ sự yểm trợ của quân Anh trở lại chiếm Saigon ngày 23-9-1945, thì Ủy Ban Nhân Dân Nam Bộ của bọn Giàu không huy động được ai, liền rút lui trước tất cả mọi người để trốn về Rạch Giá, rồi Cà Mau. Tuy hành động hèn nhát như vậy, nhưng bọn VM vẫn quen thói khát máu và để che dấu bộ mặt gian trá từng làm điềm chỉ cho Công an Pháp, nên khi đến Chợ Đệm, Giàu ra lịnh hành quyết một số lãnh tụ ái quốc nổi tiếng như các ông Huỳnh Văn Phương, Hồ Văn Ngà, Hồ Vĩnh Ký, Bùi Quang Chiêu, v.v.
Nhìn thấy vận nước đến hồi nghiêng ngã, thêm những hành vi của bọn CS phản quốc hại dân phá hoại sự đoàn kết dân tộc, làm lợi cho giặc Pháp; rồi nghĩ lại phận mình đang gặp cảnh trái ngang, nên Đức Thầy tỏ lời Tự Thán như sau:
Gió hiu hắc bên rừng quạnh quẽ,
Nhìn non sông đượm vẻ tang thương.
Mối tình chủng loại vấn vương,
Thấy quân xâm lược hùng cường căm gan.
Vừa toan rút gươm vàng ngăn giặc,
Bỗng họa đâu gieo rắc bất kỳ.
Cường quyền một lũ ngu si,
Oan nầy hận ấy sử ghi muôn đời.
Truyền khắp nước muôn lời vu cáo,
Dùng trăm ngàn thói bạo hiếp dân.
Làm cho trong nước rẽ phân,
Làm cho giặc Pháp một lần sướng rang.
Vậy cũng gọi an bang định quốc,
Rồi rút lui bỏ mất thành trì. (11)
Giống nòi nở giết nhau chi ?
Bạng duật tương trì lợi lũ ngư ông...
Khoảng đầu năm 1946, Đức Thầy trở về Chợ Lớn sau hơn bốn tháng ẩn cư. Lúc bấy giờ Ngài ở giữa hai nguy thế trong và ngoài, tức bọn VM mà Giàu còn để lại và quân Pháp, nên chỗ ở của Ngài càng được giữ bí mật tuyệt đối. Ngài tiếp xúc lại với các lãnh tụ quốc gia để khẩn cấp thành lập Ủy Ban Liên Hiệp Kháng Chiến (ngày 2-4-1946) thay thế Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ (VM) hầu kịp thời cứu vãn tình thế trước sự càn quét của quân Pháp. Và kế đó, Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp Việt Nam (MTQGLHVN) được thành lập (ngày 20-4-1946) để huy động toàn lực các đoàn thể tôn giáo, chánh trị và các lực lượng quân sự. Đức Thầy được bầu cử làm Chủ Tịch (với bí danh Hoàng Anh), và Vũ Tam Anh (Đệ Nhị Sư Đoàn, Cao Đài) làm Phó Chủ Tịch Ban Chấp Hành. Mặt Trận có cử người ra miền Trung và miền Bắc để tổ chức hoạt động khắp nơi trên toàn quốc, và đã tạo được khí thế vững mạnh, được quần chúng ủng hộ tham gia, nên giặc Pháp rất lo lắng. Rồi thay vì tấn công CS, thực dân Pháp bèn chuyển hướng sang đánh phá Mặt Trận. Nhiều người của MT bị Công an Pháp bắt, và bị đày ra côn đảo. Cộng sản cũng e ngại MTQGLHVN sẽ làm lu mờ chánh nghĩa quốc gia của chúng, nên chúng vừa tung ra Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam, gọi tắt là Hội Liên Việt để đánh tráo với Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp Việt Nam; rồi kế đó chúng nhân danh chánh quyền ra lịnh giải tán Mặt Trận. Vì sợ nếu chống trả với CS sẽ làm mất tiềm lực kháng Pháp của toàn dân ( Ngao cò tranh nhau, ông câu được lợi), nên Mặt Trận đành giải tán vào đầu tháng 7-1946. Do hành động sái quấy gây sự chia rẽ của CS mà quân Pháp càng được thêm điều thuận lợi. Cho nên Đức Thầy có lên tiếng kêu gọi tình đoàn kết dân tộc trong bài Tiếng Chuông Cảnh Tỉnh như sau:
Đồng bào ai nỡ dứt tình,
Mà đem chém giết để mình an vui.
Dù lúc trước nếm mùi cay đắng,
Kẻ độc tài đem tặng cho Ta.
Sau nầy Tòa án nước nhà,
Sẽ đem kẻ ấy mà gia tội hình.
Lúc bây giờ muôn binh xâm lược,
Đang đạp vầy non nước Việt Nam.
Thù riêng muôn vạn cho cam,
Cũng nên gát bỏ để làm nghĩa công.
Khắp Bắc Nam Lạc Hồng một giống,
Tha thứ nhau để sống cùng nhau.
Quí nhau từng giọt máu đào,
Để đem máu ấy tưới vào địch quân...
Mặc dù Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp không còn hoạt động, nhưng Đức Thầy vẫn tiếp tục mưu cầu xây dựng nền Độc lập quốc gia, cùng Tự do dân tộc bằng cách đấu tranh trên cả hai phương diện quân sự và chánh trị:
Về quân sự, Ngài theo sát những đơn vị quốc gia chiến đấu chống quân Pháp ở khắp nơi thuộc miền Đông (Nam Bộ). Còn ở miền Tây, Ngài cho thành lập Chi Đội 30 và giao quyền chỉ huy cho ông Nguyễn Giác Ngộ; đồng thời ra lịnh mở trường huấn luyện quân sự tại núi Dài (Châu Đốc) để đào tạo cấp tốc trên 10 ngàn quân, cùng một số nhân viên cứu thương.
Về chánh trị, Ngài nhận thấy rằng nếu cứ để Việt Minh độc quyền lãnh đạo thì cuộc kháng chiến sẽ kéo dài, máu của đồng bào sẽ càng chảy nhiều, vì bọn chúng gây chia rẽ, làm suy yếu tinh thần chiến đấu của toàn dân. Còn đối với thế giới bên ngoài, vì bọn chúng theo Cộng Sản đệ tam quốc tế, -tức thân Nga, không có chánh nghĩa quốc gia và dân tộc, nên các nước thuộc khối tự do sẽ không ủng hộ cho sự vận động độc lập của người Việt Nam; trái lại họ còn ngầm trợ giúp thực dân Pháp để mượn tay người Pháp ngăn chận sự bành trướng của đế quốc đỏ (12).
Do sự nhận định không thể chiến đấu đơn thuần trong phạm vi quân sự mà còn phải hoạt động về mặt chánh trị để vừa ngăn chặn mưu đồ CS giành độc quyền lãnh đạo cuộc kháng chiến, vừa tỏ rõ lập trường tranh đấu của người quốc gia hầu kêu gọi sự ủng hộ của các nước dân chủ tự do, nên Đức Thầy hội hiệp với các lãnh tụ đảng Việt Nam Quốc Gia Độc Lập đưa đến quyết định thành lập Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội, gọi tắt là VN Dân Xã Đảng. Ngài cho công bố bản Tuyên Ngôn, và bản Chương Trình vào ngày 21-9-1946, với nội dung hoàn toàn trái ngược chủ thuyết và phương thức hoạt động của CS như: thiệt thi triệt để chủ nghĩa dân chủ Chủ quyền ở nơi toàn thể nhân dân, chống độc tài bất cứ hình thức nào, không chủ trương giai cấp đấu tranh, nhưng không để giai cấp mạnh cướp công quả của giai cấp yếu, không cho sanh trưởng giai cấp bóc lột và chỉ trợ trưởng một giai cấp sanh sản. Đoàn kết toàn dân để chống đế quốc xâm lăng, cộng tác với các dân tộc khác trên lập trường tự do và bình đẳng, v.v. (xem SG.,tr. 467-472). Thành phần lãnh đạo Ban Chấp Hành Trung Ương được giao cho ông Nguyễn Bảo Toàn (tên thật là Nguyễn Hoàn Bích) làm Tổng Bí Thư Ủy viên đặc trách gồm các ông Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân, Lê Văn Thu, Lâm Văn Tết, Đỗ Phong Thuần, Trần Văn Tâm, La Văn Thuận (Xem VK,ĐHGC, tr.180). Đức Thầy chỉ giữ chức Ủy viên Trung ương, nhưng không đặc trách một nhiệm vụ nào. Khi nhìn vào Ban Chấp Hành Trung Ương gồm đa số là những lãnh tụ đảng VN Quốc Gia Độc Lập, hơn nữa ông Nguyễn Bảo Toàn là một tín đồ Công giáo, còn khối lớn đảng viên là tín đồ PGHH ở nông thôn miền Tây, các giới đều công nhận đảng VN Dân Xã là một tổ chức chánh trị tiêu biểu thật sự cho tinh thần Đoàn kết giữa mọi giai cấp, giữa trí thức ở thành thị với cần lao ở nông thôân; tức vừa có sự lãnh đạo, vừa có khối hậu thuẩn của quần chúng. Nhờ đó mà đảng kết hợp thêm được nhiều cán bộ thuộc các từng lớp trong xã hội, được dân chúng tin tưởng và hoan nghênh nhiệt liệt. Đảng có mở khóa huấn luyện chánh trị để đào tạo cán bộ, và mua máy in riêng để xuất bản tờ Dân Chúng làm cơ quan ngôn luận vận động cho nền độc lập quốc gia, đồng thời đả kích những trò độc tài, khủng bố của CS. Vì vậy, CS tìm mọi cách phá hoại; nhưng cuối cùng chúng thấy không có kết quả, nên chỉ thị Phạm Thiều đại diện mời Đức Thầy tham gia Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ. Để chứng tỏ thiện chí và nêu gương Đoàn kết, cùng lòng Từ bi đâu vướng mối hiềm xưa(SG, tr.175), nên Ngài chấp nhận tham chánh với chức vụ rất khiêm tốn là Ủy viên đặc biệt (tháng 10-1946).
Nhằm mở rộng ảnh hưởng lớn hơn, Đức Thầy đề cử ông Nguyễn Bảo Toàn đại diện đảng VN Dân Xã, cùng hai tôn giáo Cao Đài và PGHH sang Nam Kinh (Trung Hoa) để tiếp xúc những nhà cách mạng lưu vong bị CS liên kết với quân Pháp đánh bật khỏi miền Bắc. Họ sang cầu viện chánh phủ Trùng Khánh nhờ giúp đở để xây dựng lại lực lượng quân sự. Qua phần trình bày của ông
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn