Đtb 58: Nghi Thức

31 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 16247)
Đtb 58: Nghi Thức
HỎI: Nhờ quí ông vui lòng cho biết : Nếu có người muốn qui y theo Đạo Phật Giáo Hòa Hảo phải làm sao ?

Đáp: Căn cứ theo quyển Cách tu hiền và sự ăn ở của một người bổn đạo của Đức Huỳnh Giáo Chủ, trong mục Điều kiện vào đạo Ngài có dạy : Người nào muồn qui y phải có hai người bổn đạo cũ có đức hạnh tiến dẫn và bảo lãnh, đến Ban Trị Sự trong làng cho người làm đầu biết và người làm đầu phải đọc hết thể lệ về sự tu hành cho người qui y nghe, hỏi cio có bằng lòng giữ y như lời khuyên dạy và răn cấm trong đạo chăng ?
Nếu họ bằng lòng, biểu họ về cho ông bà, cha mẹ biết hoặc nguyện trước bàn thờ ông bà tổ tiên rằng : ngày .. . tháng .. mình chịu qui y theo đạo. Sau đó người làm đầu (Hội Trưởng) cho một cuốn sách nhỏ nầy.. .

HỎI: Nếu trường hợp nơi ấy chưa có tổ chức Ban Trị Sự thì làm sao ?

ĐÁP: Chỗ nào không có Ban Trị Sự, hai người bổn đạo cũ dìu dắt người mới rồi sau sẽ dẫn ra Ban Trị Sự gần đó. Không bắt buộc phải thề thốt chi hết, vì người muốn tu do ở sự phát nguyện của mình mà thôi.

HỎI: Rủi gần chỗ mình chưa có ai qui y trước thì phải làm như thế nào?

ĐÁP: Nếu nơi nào không có Bổn đạo cũ thì ai muốn tu cũng có thể xem kỹ về nghi thức thờ phượng trong quyển Sám Giảng của Đức Giáo Chủ mà tự qui y, vì Ngài có dạy :
Kẻ xa xôi có lòng ái mộ,
Xem kệ nầy tu tỉnh tại nhà.
Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà,
Phật chẳng chấp chẳng nài thời khắc.

HỎI: Quí ông có thể cho chúng tôi biết : Người đã qui y theo Phật Giáo Hòa Hảo điểm quan trọng hơn hết là phải gìn giữ như thế nào ?

ĐÁP: Phải gìn giữ một cách thận trọng là : không nên vi phạm các điều kiện mà mình tự ý nhận làm. Nghĩa là phải chí công tu tập theo qui điều giáo pháp của Đức Thầy đã dạy. Về điều nầy Ngài có khuyến cáo, (.. .) không người nào được phép xưng mình là người trong đạo mà lại không giữ giới luật. Kẻ nào làm trái luật lệ trong sự đạo đức, dầu không xin thôi đạo hay là chưa bị bôi tên, cũng bị trách nhiệm việc làm của họ và bị coi như người ngoại đạo.
Nên nhớ rằng : Đức Phật sẽ dìu dắt và ủng hộ những kẻ nào làm ăn chân thật, hiền lành đúng theo giáo lý của Ngài : chớ không bao giờ Ngài lại ủng hộ những kẻ gian tà xảo quyệt, làm các việc hung ác ngông cuồng trái những lời mà Ngài đã dạy .

HỎI: Qui y như thế nào gọi là chánh tín và thế nào goiï là mê tín ?

ĐÁP: Qui y chánh tín : là trước khi thọ giáo với đạo nào hay ông Thầy nào, ta hãy lấy trí tuệ suy xét tìm hiểu mối đạo ta định theo phải có nền giáo lý chân chính. Ông Thầy ta muốn học phải có nhân phẩm cao thượng, nhứt là những lời chỉ giáo đúng theo chân lý, có đường lối, mục đích rõ rệt để giúp chúng ta tu học đến chỗ giải thoát khỏi bị lầm lạc. Đức Phật bảo rằng : Nếu ai chưa biết rõ ta mà bảo là tin ta thì tội ấy còn hơn hủy báng ta .
Vậy trước khi muốn thờ học đạo nào ta phải lấy trí huệ nhận xét một cách tinh tường và khi đã qui y thì phải hành y theo lời chỉ giáo của Ông Thầy mình, như Đức Thầy từng dạy : Ta hãy đem đức tin trong sạch mà thờ kính Phật và hãy đem lòng lành mà hành động y theo lời phán dạy của Phật . Có được thế mới gọi là qui y chánh tín.

Qui y mê tín có hai cách :
a) Mê tín qui y theo chánh đạo : là thấy ai theo đạo nào đông đảo rồi vội vàng theo đạo ấy mà lúc đó ta chưa hiểu giáo lý đó như thế nào. Hoặc thấy người ta thờ Phật rồi vội vã lập bàn thờ Phật mà chưa hiểu Ông Phật thế nào và tại sao ta phải thờ kính Đức Phật , Qui y như thế gọi là qui y mê tín, mặc dù chúng ta thờ học đạo ấy, ông Thầy ấy rất chánh đáng .
b)Mê tín qui y theo tà đạo : là ta chưa tu học đạo nào hoặc đã có tu học rồi, nhưng khi thấy đạo khác nổi lên, ông Thầy ấy chủ xướng âm thinh sắc tướng, đức hạnh không đầy đủ, lời chỉ dạy mập mờ, đường lối không rõ rệt mà lại đắc nhân tâm là nhờ dùng những bùa mê ảo thuật lòe mắt thiên hạ hoặc nói tướng ứng, bịa đặt điều linh thính rồi ta vội vàng qui y theo. Đó gọi là qui y mê tín theo tà đạo.

Nói tóm lại qui y chánh tín bằng cách suy xét kỹ càng chừng hiểu biết rõ ràng mới hành theo. Còn qui y mê tín là qui y bừa bãi, không nhận xét, cứ tin bướng nghe càn .

HỎI: Đức Huỳnh Giáo Chủ có dạy tín đồ của Ngài khi đã qui y theo đạo cần tâm niệm câu gì không ?

ĐÁP: Trước khi đưa ra câu tâm niệm chúng tôi xin trích dẫn mẩu chuyện :
Vào Năm Canh Thìn (1940), lúc Đức Thầy còn ở Tổ Đình Hòa Hảo, trong một buổi thuyết Pháp, quần chúng đến dự nghe rất đông, bỗng có đoàn phụ nữ độ vài mươi người, đến vái chào Đức Thầy rồi xếp vào chỗ còn đứng được.
Đức Thầy hỏi :
- Các bà từ xa đến đây, hẳn đã mộ đạo và chắc có qui y ?
Một bà đứng tuổi, cúi đầu nhỏ nhẹ thưa :
- Bạch Thầy, chúng con đã qui y đầu Phật, mong theo chân Phật để tu hành.
- Được lắm, Biết đạo là điều quí : nhưng từ trước đến nay phần đông qui y chỉ để y, không hành theo đạo. Bây giờ qui y phải làm y. Mấy bà nên sửa mình, trau tâm và niệm Phật.
Thể theo đây, người đã qui y theo PGHH thì cần phải tâm niệm câu:
Qui y thì khá làm y,
Giữ lòng thanh tịnh từ bi giúp đời.
và câu :
Chớ bỏ lời thề nơi Phật cảnh,
Chớ quên tiếng nguyện chốn non xanh.

HỎI: Cách thờ phượng trong mỗi gia đình tín đồ PGHH ra sao ?

ĐÁP: Trong mỗi gia đình chỉ có ba ngôi thờ. Ngay giữa nhà là bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ, cấp trên hoặc làm trang ngay căn giữa thờ Tam bảo ; giữa sân nhà là bàn Thông Thiên. Phi trừ trong gia đình có người nhỏ tuổi từ trần trước người lớn, mới thờ thêm một bên, Đức Giáo Chủ đã khuyên dạy một cách rạch ròi ; Ngoài sự thờ Phật, Tổ Tiên, ông bà, cha mẹ và những vị anh hùng của đất nước, không nên thờ vị tà thần nào khác mà mình không rõ căn tích .

HỎI: Nghi tiết trên các ngôi thờ ấy như thế nào ?

ĐÁP: Theo lời chỉ giáo của Đức Giáo Chủ là : nên thờ đơn giản cho lòng tin tưởng trở lại tâm hồn hơn là sự hào nhoáng bề ngoài . Cho nên hầu hết trong đạo đều trang trí trên mỗi ngôi thờ một lư hương, một chung bông, ba chung nước hoặc phụ thêm bình bông và bộ chưn đèn (hai vật nầy có không gì cũng được). Chỉ có ngôi Tam bảo là phải treo tấm trần màu dà, ngoài ra không nên thờ phượng cốt chi hết, vì Đức Thầy đã dạy :
Ngôi Tam bảo hãy thờ trần đỏ, (1)
Tạo làm chi những cốt với hình.

HỎI: Việc cúng kiến các ngôi thờ ấy, Đức Giáo Chủ có dạy phải dùng những vật lễ gì chăng ?

ĐÁP: Vấn đề nầy Ngài dạy rất kỹ : Về cách cúng Phật, chỉ nên cúng nước lạnh, bông hoa và nhang thôi. Nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, còn nhang dùng đặng bán mùi uế trược. Ngoài ra chẳng nên cúng một món gì khác cả. Bàn thờ ông bà cúng món chi cũng đặng .

HỎI: Còn màu dà có ý nghĩa ra sao và lý do nào từ trần điều Đức Giáo Chủ cho đổi lại trần dà ?
(1) năm 1939 Đức Thầy cho thờ trần đỏ, đến tháng 4-1940 Ngài cho đổi lại trần dà.

ĐÁP: Màu dà do chất nước của vỏ cây dà nấu ra, sắc nó hơi nâu nâu. Ý chỉ cho sự hòa hiệp và thoát tục.
Lúc Thái Tử Sĩ Đạt Ta mới xuất gia tầm đạo, Ngài đem bộ nhung phục đổi cho anh thợ săn để lấy bộ đồ dà mặc vào, tự xem mình không còn vướng bận mùi trần tục. Đức Thầy hiện nay cũng bảo. Dứt trần mang bộ sồng nâu . Cho nên Ngài dạy : Từ trước đến giờ các sư dùng màu dà để biểu hiện cho sự thoát tục của mình, và màu ấy cũng là sự kết hợp của tất cả các màu sắc khác, nên có thể tượng trưng cho sự hòa hợp của nhơn loại không phân biệt chủng tộc và cá nhân. Vì vậy chúng ta dùng nó trong chỗ thờ phượng để tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật .
Còn lý do Đức Giáo Chủ cho đổi trần điều ra trần dà thì Ngài có dạy rằng Từ trước chúng ta thờ trần điều là di tích của Đức Phật Thầy Tây An để lại. Nhưng gần đây có nhiều kẻ thờ trần điều tử xưng cùng tông phái với chúng ta, làm sái phép, sái với tôn chỉ của Đức Phật nên toàn thể trong đạo đổi lại màu dà .

HỎI: Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo có nên thờ phượng Quan Công và trang bà độ mạng nữa chăng ?

ĐÁP: Không nên thờ thêm các vị ấy, vì trong Tôn Chỉ Hành Đạo về cách thờ phượng Đức Thầy có dạy : Những hình tượng bằng giấy không nên chừa lại và phải đốt đi .
Vả lại, ta có kính mến lòng nghĩa khí của Quan Công thì Ngài đứng vào hàng chư quan cựu, còn nếu Ngài đã thành Phật Già Lam thì cũng trong hàng Tam Bảo. Nếu ta thờ riêng bức tượng Ngài, thử hỏi tại sao các hình tượng chư Phật và trăm quan cựu thần khác ta không thờ ?
Còn trang các bà độ mạng Đức Thầy cũng cấm hẳn.
Chúng ta thường thấy những người còn thờ bà độ mạng thì thường sát sanh gà vịt, hoặc chè xôi để cúng tế (ăn tạ trang). Về điều nầy Đức Thầy đã cho biết cặn kẽ : Những hạng ăn đồ cúng mà làm cho hết bịnh là tà thần, nếu ta cúng kiến mãi thì nó ăn quen sẽ nhiễu hại ta.
Và những câu:
Đứng thần minh công bình trực dạ
Đâu ăn lo đổi họa làm may
Hoặc là :
Chẳng ham cúng kiến chè xôi,
Phật trời chẳng muốn điều tồi ấy đâu.

Sau đây là một mẫu chuyện để chứng minh cho vấn đề :
Theo lời ông Huỳnh Hữu Hạnh (tự là Hương Quản Chiến) ở xã Phú Thành (Ba Răng) thuật lại : Vào khoảng tháng 11 năm Kỷ Mão (1939) ông đến Tổ Đình gặp Đức Thầy hai lượt để chép giảng kệ, mỗi lần đều được nghe Đức Thầy giải bày đạo lý. Ông bèn trở về trình với cửu huyền, xin phép thân mẫu và ông Thầy trước để qui y với Đức Thầy.
Nguyên trước kia ông Hạnh đã thụ giáo với Thầy hai Cung (theo căn gốc hệ phái B.S.K.H.). Không đợi ông Hạnh trình bày, Đức Thầy đã biết rõ cách thờ phượng tại nhà ông như thế nào rồi, nên Ngài bảo ông Hạnh : trước còn mê nay tỉnh rồi phải nghe lời Thầy dạy, cái trang giữa có bức trần đỏ nên để y làm ngôi Tam bảo. Còn trang bà Cửu Thiên và Chú Tiên, Chúa Ngọc hồi trước người ta ở bực Tiên bây giờ đã theo Phật rồi, cho đến trang thờ ông Táo cũng thế, Hương Quản nghe lời tôi về sắm hương đèn, bông hoa trình với các vị ấy : Giờ đây tôi đã qui y với Đức Thầy Hòa Hảo để lo tu hiền theo Phật Đạo, vậy xin thỉnh các Ngài vào chung ngôi Tam bảo, bằng ai còn đòi ăn đồ cúng kiếng thì đi nơi khác mà kiếm ăn. Rồi Hương Quản đem hai cái trang đó và tất cả hình tượng bằng giấy mà đốt đi .
Qua ngày 10 tháng Chạp ông Hạnh đến bạch với Đức Thầy, đại ý : Từ trước gia đình ông sanh nhiều lần con, nhưng nuôi không được đến đứa con nầy cũng èo uột mãi nên ông có ký bán cho ông Táo, khi con ông đúng 12 tuổi thì ông trả lễ bằng một con heo đúng tạ mà ngày 25 tới đây là ngày cúng, vậy nhờ Đức Thầy dạy coi phải làm sao ?
Đức Thầy vừa cười vừa bảo ông Hạnh : Phật Táo Ngài làm việc với Ngọc Đế, chớ không phải ở trần gian nuôi con cho người ta đặng ăn thịt heo, Hương Quản nên nghe lời tôi hầu tránh tội sát sanh về bán con heo ấy đi, muốn làm phước chút ít gì cũng được và để chi dụng trong gia đình. Nếu ai có đòi hỏi thì nói Đức Thầy không cho sát sanh mà cúng ai cả, Thầy sẽ lãnh hết cho . Đức Thầy dậy thêm : Từ đây Hương Quản không nên cúng sao hạn hoặc dưng căn, đổ đốt gì hết, chỉ cúng Cửu Huyền Thất Tổ mà thôi .

Nhận xét mẩu chuyện vừa kể qua và chỉ giáo của Đức Tôn Sư, chúng ta có thể kết luận một cách quả quyết rằng : Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo chẳng những không nên thờ riêng bức tượng Quan Công mà bất cứ hình tượng nào khác cũng chẳng nên để, phi trừ chân dung Đức Thầy.

HỎI: Theo nghi lễ trong đạo Phật Giáo Hòa Hảo, nếu có người từ trần thì sự thọ tang cũng như việc an táng như thế nào ?

ĐÁP: Điều nầy Đức Giáo Chủ cũng đã dạy rất rành : Lúc ông bà, cha mẹ từ trần, tục để tang chúng ta vẫn giữ theo cổ lệ, chỉ cần sửa đổi các việc sau đây :
Bây giờ chúng ta đã qui y đầu Phật thì phải do sự thành tâm cầu nguyện, và đem sức khấn vái của anh chị em trong đạo cầu nguyện cho vong linh người chết được siêu sinh nơi cõi thọ. Chẳng nên rước những ông Thầy..., không đốt giấy tiền vàng bạc xá phướn lầu kho, vì đó là chuyện tốn tiền vô ích. Bởi vì người ta nhận định rằng xác thịt là hư hoại, thì trong lúc chết thì đem chôn cất cho kín đáo, hôi thúi có hại cho người sống, như thế là đủ rồi. Còn hiếu sự do hồi còn sanh tiền và do sự tu hành, sự thành tâm cầu nguyện chứ không phải có tiền rước người khác cầu nguyện mà đạt được hiếu thuận nhơn nghĩa. Chỉ vọng bàn giữa nhà hay giữa trời cầu nguyện, rồi im lặng đi chôn .

HỎI: Việc hiếu sự do còn sanh tiền và tu hành nghĩa làm sao ?

ĐÁP: Là bổn phận con cháu muốn tròn hiếu sự đối với ông bà cho mẹ phải lo báo đáp lúc cha mẹ còn sanh tiền và tinh tấn tu hành. Trong ân Tổ Tiên cha mẹ , Đức Thầy có dạy cách đáp ơn như vầy :
Muốn đền ơn cha mẹ, cha mẹ còn đang sanh tiền, có dạy ta những điều hay lẽ phải ta rán chăm chỉ nghe lời, chớ nên xao lảng, làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm điều chi lầm lẫn trái với nhân đạo, ta rán hết sức tìm cách khuyên lơn ngăn cản. Chẳng thế ta còn phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cho cha mẹ khỏi đói rách, khỏi bịnh hoạn ốm đau, gây sự hòa hảo trong đệ huynh, tạo hạnh phúc cho gia đình, cho cha mẹ vui lòng thỏa mãn. Rán cầu cho mẹ hưởng điều phước thọ. Lúc cha mẹ quá vãng, hãy tu cầu cho linh hồn được siêu thăng nơi miền Phật cảnh thoát đọa trầm luân.
Còn đền ơn Tổ Tiên, là đừng làm điều gì tồi tệ điếm nhục tông môn, nếu Tổ Tiên có làm điều gì sai lầm gieo họa đau thương lại cho con cháu, ta phải quyết chí tu cầu và hy sinh đời ta làm điều đạo nghĩa, rửa nhục tổ đường .

HỎI: Còn việc đãi đằng thôn xóm trong đám táng cũng như sự cúng tế các lễ tuần, lễ giỗ phải làm như thế nào ?

ĐÁP: Điều nầy Đức Giáo Chủ có dạy : Việc cúng kiến ông bà cha mẹ, có chi cúng nấy trong những ngày kỷ niệm theo như tục lệ. Còn việc đãi đằng hương đảng thì tùy ý. Những điều nào xét ra giản tiện, ít lãng phí cứ làm, và trong Sấm Giảng quyển ba Ngài cũng bảo:
Luận xem thế sự thấp cao,
Khuyên dân hãy bớt làm màu hiếu nhi.
Bớt bỏ rình rang một khi,
Nếu cha mẹ chết làm y lời nầy.
Là lời truyền giáo của Thầy,
Bông hoa cầu Phật hiệp vầy đi chôn.
Còn mình muốn đãi làng thôn,
Thì là tùy ý đáp ngôn cho người.

Hoặc là :
Mẹ cha là kẻ trọng ân,
Dưỡng nuôi báo hiếu lúc thân yếu già,
Giường linh đơm quảy mới là,
Có chi cúng nấy vậy mà dân ôi !

HỎI: Tại sao trong việc an táng và các lễ cúng không cho làm tiệc lễ linh đình ?

ĐÁP: Bởi làm tiệc lễ linh đình, sát sanh hại vật sẽ chuốc lấy hai điều hại :
1) Giả dối và mê tín : căn cứ theo lý luân hồi, khi thần thức rời khỏi xác thân thì do nghiệp lực hút đi. Nếu ai : Phước nhiều Tiên cảnh lên rày ; bằng Tội nhiều sa dọa nhiều ngày thảm thê . Còn tội phước ngang nhau thì lập tức đầu thai vào thân xác khác. Thế thì linh hồn người chết còn đâu đây mà ăn uống ?
Cho nên việc cúng kiếng là để tỏ lòng tưởng nhớ công ơn người quá vãng, chớ không phải để ăn uống, nếu ta quan niệm rằng người chết ăn uống được là mê tín. Lời xưa đã bảo :
Lúc sống lại chẳng cho ăn,
Khi chết lo lắng làm tang tế ruồi .
Bằng ta mượn cớ cúng người chết để : Làm tuần trà ruợu xình xoàng, rồi thì chưỡi lộn mà an nỗi gì.
Làm như thế gọi là giả dối. Do đó mà Đức Giáo Chủ cảnh tỉnh người đời:
Dương trần làm chuyện dị kỳ,
Tạo nhiều cảnh giả, chơn thì chẳng theo.
Của tiền chớ có bỏ theo,
Chết rồi tế lễ bò heo làm gì ?
Hay là :
Giáo khuyên khắp hết đâu đâu,
Bớt điều mị dối mới hầu thấy Ta.
Đừng theo lũ quỉ lũ ma,
Cúng kiếng nó mà nó phải ăn quen.
Chết rồi cũng bớt cóc keng,
Trống đờn lễ nhạc tế xen ích gì.
Đàn nhu Thầy lễ cũng kỳ,
Mắc phải chuyện gì phủ phục bình hưng ?
Lại thêm đờn địch từng tưng,
Đem con heo sống mà dưng làm gì ?
Chủ gia kẻ lạy người quì,
Làm chuyện dị kỳ giả dối hay không ?
Nếu không thì trả lời không ?
Bằng mà có dối thì hòng sửa đi.

2) Gây thêm nghiệp tội : Trong Đại Thừa Kim Cang Kinh luận Đức Phật có trả lời câu hỏi của Văn Thù Bồ Tát rằng : Hết thảy trong các tội : sát sanh, ăn thịt tội rất nặng (...) cắt một dao, trả lại một dao, giết một mạng phải thường lại một mạng... Đức Phật cũng nói tiếp. Khi ông bà cha mẹ quá vãng nếu con cháu biết làm phước thiện, phóng sanh để cầu nguyện hồi hướng công đức thì trong mười phần phước, người sống hưởng bảy, kẻ chết được ba. Ngược lại, trong các cuộc tế lễ cho người chết mà con cháu sát sanh, hại vật thì trong nghiệp tội ấy người sống kẻ chết cũng phải chịu như thế .

Cho nên trong bài Tỉnh Bạn Trần Gian Đức Huỳnh Giáo Chủ có cảnh giác :
Đôi lời kể lại nỗi hàn huyên,
Ma lớn chay to phí lắm tiền.
Tưởng vậy xác thân đa hạnh phúc,
Nào hay hồn phách lắm oan khiên.

Tóm lại, trong thân quyến có người từ trần mà ta làm tiệc lễ linh đình, chẳng những bị hao tốn tiền của mà còn tỏ ra dối mị, mê tín và gây thêm nghiệp tội.

HỎI: Tại sao trong thân quyến có người từ trần Đức Huỳnh Giáo Chủ không cho khóc kể ?

ĐÁP: Bởi Ngài có dạy : Môn tịnh độ là phương cứu cánh, Rán phụng hành kẻo phụ Phật xưa .
Cho nên người tu theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo về phần học Phật phải phụng hành ngay pháp môn Tịnh độ, tức là pháp môn trì niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà để khi lâm chung được Đức Phật rọi ánh từ quang tiếp độ linh hồn vãng sanh về cõi cực lạc. Trong lúc ấy tâm hồn người quá vãng phải được yên tịnh, không chút luyến ái cõi trần mới được siêu thoát. Nếu chúng ta cứ ngồi gần bên khóc kể khiến cho tâm hồn người chết tán loạn, khởi lòng luyến ái, vấn vít, tức bị luân hồi. Như thuở Đức Phật còn tại thế, có một tín sĩ hết lòng thờ kính Tam bảo, lúc lâm chung vợ đứng kề bên khóc kể rất bi thống, khiến thần thức tín sĩ bịn rịn không siêu thoát được, bèn hóa kiếp làm con sâu ở trong lỗ mũi người vợ.
Lúc ấy có một đạo nhơn vừa đến trông thấy liền khuyên dứt cô. Trong khi nước mắt cô ràn rụa chảy ra thì con sâu cũng từ lỗ mũi rớt xuống đất. Cô lấy làm hổ thẹn chợt đưa chân chà đạp.
Đạo nhơn cản lại rằng : đừng có giết, con sâu ấy là hóa thân của chồng cô đó. Cô bèn hỏi : bình nhật chồng tôi tu hành giữ giới tinh nghiêm, cớ gì lại hóa ra như vậy ? Đạo nhơn bày giải : tại lúc chồng cô lâm chung, cô cứ khóc kể mãi khiến động lòng luyến ái của chồng nên thần thức phải đọa làm sâu.
Bởi tai hại của sự khóc kể như thế, nên trong Trực Chỉ Qui Nguơn Ngài Tổng Bổn có khuyên : Người con thảo lúc ông bà cha mẹ gần tắt hơi, tuyệt đối không nên khóc kể . Ngài Thiện Đạo Hòa Thượng cũng dạy : Nếu có người bịnh nặng sắp lâm chung, trong thân quyến không nên khóc than sầu thảm, vì nó làm tán loạn linh hồn của người sắp qua đời, sẽ mất chánh niệm đi. Chỉ rập một tiếng niệm Phật mà thôi .
Tỏ rõ hơn Đức Thầy đã bảo : Bây giờ ta đã qui y đầu Phật thì phải do sự thành tâm cầu nguyện, và đem sức khấn vái của anh chị em trong đạo cầu nguyện cho vong linh người chết được siêu sinh nơi cõi thọ . Cho nên Ngài dạy : Chỉ vọng bàn giữa nhà hay giữa trời cầu nguyện rồi im lặng đem chôn .
Nên lưu ý : Tang gia đừng nên khóc lóc làm trở ngại sự siêu thoát anh linh của người chết.

HỎI: Việc định đôi bạn cho con cháu, trong đạo có dạy như thế nào không ?

ĐÁP: Trong hàng tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đa số là cư sĩ tại gia, nên việc hôn nhơn Đức Giáo Chủ cũng có dạy : Bổn phận làm cha mẹ phải chọn lựa đôi bạn cho con một cách xứng đáng bằng sự quan sát đức tính đôi trai gái. Không nên ép uổng con mình quá đáng vì như thế làm khốn khổ cho nó về sau, nhưng cũng không nên để chúng nó quá tự do mà sự thiếu kinh nghiệm làm cho đời chúng phải hư hỏng.
Nên bỏ tục lệ thách giá đòi tiền và đòi lễ vật. Thông gia hai bên không nên làm khó cho nhau. Cũng chẳng nên bày ra tiệc lễ linh đình tốn kém nhiều tiền làm cho trở nên nghèo khổ .

HỎI: Ý nghĩa ăn chay theo quan niệm Phật Giáo Hòa Hảo như thế nào ?

ĐÁP: Ăn chay là ăn những vật vô tình, không có tri giác, như : rau cải, bông trái .v.v.. tránh những hành động thiệt hại đến sanh mạng của các loài hữu tình. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã ý thức cho tín đồ rằng : (...) sanh vật cũng có linh hồn, cũng có thân xác, cũng biết tìm lẽ sống còn như nhơn loại vậy .
Xưa, Đức Phật có bảo : Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh . Song vì còn vô minh nên chúng sinh (1) phải luân hồi trong sáu nẽo (2) rồi cứ sát hại và ăn thịt lẫn nhau mà không hay biết. Nay Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng xác nhận : Chuyển luân trong nhơn vật có các loài, căn mờ ám làm điều dại dột ..
Cho nên quan niệm ăn chay theo Giáo lý PGHH là để diệt lòng tham sát, nuôi dưỡng đức tánh từ bi, tôn trọng sự bình đẳng giữa chúng sanh và tránh khỏi luân hồi quả báo.

HỎI: Trong đạo Phâät Giáo Hòa Hảo dạy tín đồ ăn chay ra sao ?

ĐÁP: Tùy theo căn cơ và trình độ của mỗi người mà Đức Thầy dạy ăn chay từ ít đến nhiều. Năm 1939 bắt đầu khai sáng nền đạo, Ngài dạy tín đồ ăn chay kỳ, mỗi tháng 4 ngày:
Chay bốn bữa ấy là qui tắc,
Của kẻ khùng chỉ dắt chúng sanh.

Bốn ngày chay ấy là : 14-15 & 29-30 ; tháng thiếu 29 và mùng một. Hàng năm đến ba ngày xuân nhựt thì ngày 29-30, mùng một phải ăn chay... . Đến năm 1945 Ngài mặc nhận cho tín đồ ăn lên mỗi tháng 6 ngày (có người ăn 10 ngày). Trong tác phẩm Phật là gì Ngài bảo : ... Vậy Phật chẳng buộc ai phải ăn ở khổ hạnh và cũng chẳng biểu ai ăn ở sung sướng, chẳng ép ai ăn chay, cũng chẳng xúi ai ăn mặn, tùy theo trình độ và lòng nhơn của mình .
Điều cần yếu là phải :
- Làm hết các việc từ thiện,
- Tránh tất cả điều ác.
- Quyết giữ tấm lòng cho trong sạch.

(1) Chúng sanh gồm có : thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hòa sanh.
(2) Sáu nẽo là sáu đường về sáu cõi : Trời, người, a tu la, súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục.

Thế nên hiện giờ có nhiều người trường chay để giữ trọn ba điều cần yếu đó.
Tóm lại, ai đã qui y theo PGHH là phải ăn chay, dù ít nhiều cũng được:
Trong bá gia nhiều ít lòng chay,
Để giữ trọn trong nền Phật pháp.
Nhưng chót hết là phải đúng qui tắc mỗi tháng bốn ngày, nếu ăn thêm được càng tốt, song cần nhớ là không ăn chay theo lối ép xác.

HỎI: Nếu người dùng chay kỳ, trong những ngày ăn chay có nên săn bắt thịt cá hoặc đem thịt cá tới chợ bán chăng ? tại sao ?

ĐÁP: Như chúng tôi đã trình bày, mục đích của sự ăn chay là nuôi dưỡng đức tánh từ bi và diệt lòng tham sát để khỏi bị luân hồi quả báo. Cho nên những ngày chay lạt chẳng những ta không sát hại sanh vật mà cũng chẳng nên đem cá thịt đến chợ bán hoặc bắt rộng, hay nhốt lại để bửa khác sát hại. Vì rằng, nếu ngày ấy ta không trực tiêáp sát sanh mà lại đem cho người khác giết thì cũng phạm tội gián tiếp sát sanh, đành rằng chúng ta chưa thể trường chay được, nhưng người có đạo đâu nỡ làm như thế !
Vào khoảng mùa thu năm KỶ Mão (1939) lúc Đức Huỳnh Giáo Chủ còn đang truyền đạo tại Tổ Đình (Thánh Địa Hòa Hảo). Dưới bến sông Tổ Đình có số người làm đáy, chận bắt cá linh theo nước đổ trôi xuống, những người nầy cũng đã thọ giáo với Đức Thầy.
Hôm ấy nhằm ngày chay lạt nhưng họ vẫn đóng đáy như thường. Chiều lại Đức Thầy từ trên Tổ Đình ung dung đi xuống thấy họ đang dùng cơm chay... Ngài bèn trở lên tiếp tục công việc trị bệnh. Cứ theo thường lệ mỗi ngày, sau thời cúng tối những người làm đáy đều lên Tổ Đình nghe Đức Thầy thuyết Pháp. Sau mấy giờ thuyết giảng đạo mầu cho mọi người nghe, Đức Thầy xây qua số người ấy hỏi một cách tự nhiên :
-Hôm nay mấy ông ăn chay hay ăn mặn ?
-Bạch Thầy chúng con ăn chay.
-Thôi từ đây Thầy cho phép các ông ăn mặn, nhưng đừng đóng đáy mấy ngày nầy nữa.
Họ ngồi lặng thinh ngơ ngác chẳng hiểu Đức Thầy muốn nói gì. Đức Thầy bèn giải thích : Yếu điểm của sự ăn chay là cử sát sanh chớ không phải ăn chay để người ta khen mình là người có đạo. Nếu hôm nay các ông ăn mặn chỉ sát hại một vài cân cá mà thôi. Đằng nầy các ông ăn chay mà còn đóng đáy thì giết chết biết bao nhiêu mạng sống.
Nghe lời giải thích chí lý của Đức Thầy, số người làm đáy vừa hối hận, vừa vui mừng vì được Đức Thầy dạy cho bài học quí báu, khiến họ nhận được trân giá trị của sự ăn chay.
Xuyên qua mẩu chuyện kể trên, thấy rằng hễ là người tín đồ nhà Phật thì phải ăn chay hoặc nhiều hoăëc ít, nhưng chẳng phải ăn chay băèng hình thức mà cả tâm trí nữa, như trong Cửu Khúc Ông Ba Thới đã viết:
Miệng chay lòng phải trọn chay,
Miệng chay lòng chẳng thảo ngay ích gì .
Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng bảo :
Chữ Nam Mô trì giới giữ Trai,
Chay được tánh chay tâm mới quí.
Song nên nhớ dù ăn chay kỳ hay chay trường đều phải tôn trọng mạng sống của các loài hữu tình, để giữ tinh thần bình đẳng. Vì chúng nó cũng có linh hồn, thân xác, cũng biết tham sôáng sợ chết như ta vậy.
Để tóm tắt vấn đề nầy Đức Giáo Chủ còn dạy rạch ròi : không có sự sát sanh vô cớ nào có thể tha thứ được, và trong những ngày chay lạt hãy cử hẳn .

HỎI: Tại sao trong những ngày tết có việc dựng nêu và đốt pháo ? Theo nghi luật PGHH có nên làm hai điều ấy không ?

ĐÁP: Việc đốt pháo và dựng nêu là do tục lệ xa xưa từ trước tới giờ. Truyền rằng trong những ngày tết các thần thánh đều về chầu Thiên đình, lúc ấy hai vợ chôàng thần Na Á quấy nhiễu dân chúng. Người ta mới bày ra cách vấn pháo tre mà đốt, trong nhà thì thắp đèn sáng, trước cửa dụng một cây nêu, trên đọt cột chỉ đỏ hoặc bùa tứ tung ngũ hoành, làm thế họ tin tưởng thần Na Á không dám đến phá hại.
Sau nầy người ta thấy đốt pháo vui tai, nhứt là các trẻ em, nên càng ngày càng đốt nhiều, thành ra mỗi năm người ta tốn tiền về việc ấy không ít. Theo nghi luật trong đạo Phật Giáo Hòa Hảo, thì hai việc : đốt pháo và dựng nêu là mê tín, xa xí tín đồ không nên làm.

HỎI: Đã cho là tục lệ từ trước tới giờ, sao gọi là mê tín ?

ĐÁP: Vì rằng đối với Thần Thánh chơn chánh thì lúc nào cũng ủng hộ người hiền lương, còn hạng tà thần thì ta : Rán tu cho quỉ khiếp thần khâm .Đức Thầy cũng dạy thêm rằng : tất cả tai nạn đau ốm đều do căn tiền báo quả hậu . Nếu ta không làm lành lánh dữ thì dù có đốt pháo bao nhiêu cũng không tránh khỏi tai nạn.
Cho nên Ngài dạy một cách rạch ròi : Tất cả thiện nam tín nữ trong tôn giáo nhà Phật lúc rảnh việc nên thường coi kệ giảng mà giữ gìn phong hóa nước nhà, giữ những tục lệ chơn chánh, bỏ tất cả những sự dị đoan mê tín thái hóa làm cho đạo đức suy đồi .

HỎI: Còn việc cúng mùng ba ra mắt thì sao ?

ĐÁP: Việc cúng mùng ba thì Đức Giáo Chủ cho tín đồ cúng y như cũ, song tuyệt đối là không nên sát sanh gà vịt. Vì cúng ra mắt là cúng Trời, Phâät, chớ chẳng phải cúng ông Thần ông tướng nào, hoặc coi giò, coi đầu, hên xui gì cả.
Nếu ta giết vật cúng tế theo lệ cũ thì chẳng những mang tội sát sanh mà còn biểu lộ sự mê tín nữa. Đức Thầy đã dạy rành mạch : (...) đến ngày mùng ba ra mắt không nên sát sanh loài vật mà cúng tế Trời Phật, chỉ dùng bông hoa mà cúng thôi .Tiếp đây là một bài thi của Ngài vừa chúc mừng và vừa giác đời :
Chúc mừng năm mới, mới xuân qua,
Bỏ bớt dị đoan chẳng cúng gà.
Tre nêu phơ phất không còn thấy,
Ra mắt tiêu mòn bữa thứ ba.

HỎI: Theo sự luận giải của quí ông thì chúng tôi nghe rất hữu lý, nhưng nếu có người cho rằng : tất cả việc kể trên mà ta bỏ hết thì đâu còn ý nghĩa của sự ăn tết. Quí ông mới nghĩ sao ?

ĐÁP: Sự ăn tết cho đúng nghĩa của người xưa là : sau một năm hoạt động công tác thì vào ngày cùng cuối (30) và những ngày đầu năm mọi người đêà nghỉ ngơi lấy lại sức lực để chuâån bị công việc năm tới. Nhân những ngày rãnh rỗi ấy mới có việc lễ lộc hoặc thăm viếng, chúc mừng thân tộc, chớ đâu phải nhân ngày ấy rồi lo cờ bạc, rượu trà hay sát sanh hại vật cúng tế theo lối dị đoan mà gọi là ăn tết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn