VII. Hành Sử Tứ Ân

04 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 28501)
VII. Hành Sử Tứ Ân

 

 

Một nhà triết học Trung-Hoa chủ trương thuyết “Tri Hành hợp nhứt”; Tri phải đi với Hành, không thể có Tri mà không Hành hay Hành mà không Tri, vì rằng Hành mà không Tri thì cũng như nhà Hàng hải không có địa bàn chẳng biết phương hướng để đi, trước sau gì cũng chẳng khác nói ăn mà không ăn thì bụng đói vẫn hoàn bụng đói.

 

Kinh Pháp cú có nói: “Giống như những đóa hoa tươi đẹp vô hương là những lời nói văn hoa của hạng người không bao giờ thực hành đúng lời nói”.

 

Việc Tu hành cũng thế, phàm đã Tu thì phải có Hành. Không Hành hay Hành không đúng cũng bằng không Tu.

 

Bí quyết của Pháp môn Học Phật Tu Nhân của Phật-Giáo Hòa-Hảo đều chú trọng ở sự hành, nhứt là hành sử Tứ Ân tức thi thiết Bốn ân trọng đại. Luân giải Tứ Ân mà không hành sử Tứ Ân hay Học Phật mà không Tu Nhân thì Phật-Giáo Hòa-Hảo không khác gì các nhà chùa chuyên tu theo lối yếm thế tiêu cực lúc bấy giờ. Như thế sự ra đời của Đức Thầy không có gì đặc sắc hay cần thiết và sứ mạng của Đức Thầy không có gì khác hơn các nhà tu lối chán đời.

 

Như Ông Thanh-Sĩ đã giảng giải: Sứ mạng của Đức Thầy là vãn hồi Đạo Nhân, xương minh Đạo Phật, cốt yếu là cứu độ chúng sanh trong thời kỳ Hạ Ngươn mạt pháp, đào luyện nên hạng người Hiền đức hầu dự Hội Long Hoa và lập đời Thượng ngươn an lạc.

 

Vào năm 1942 tức là sau ba năm Đức Thầy mở Đạo đã dìu dắt được một số tín đồ khá đông, ngót một triệu, tác giả quyển tiểu luận này hân hạnh được ra mắt Ngài tại nhà Ông Ký Giỏi ở Bạc Liêu.

 

Thật tình, tác giả gặp Đức Thầy với mục đích cật vấn thử thách hơn là cầu pháp. Nhưng trong 5 tiếng đồng hồ liền từ 7 giờ cho để 12 giờ trưa, được Ngài luận giải mọi điều thắc mắc về sự ra đời của Ngài, nhứt là được giải rõ về chính trị mà Ngài định đứng ra hoạt động sau khi Ngài đã tổ chức xong về tôn giáo.

 

Vốn nặng lòng với thế sự, thấy nước nhà đang quằn quại dưới ách thống trị của ngoại bang, tác giả có hỏi Ngài rằng:

 

- Ngài nghĩ thế nào về vận mạng nước nhà? Ngài có thể an nhiên lo việc tu hành trước cảnh quốc phá gia vong chăng? Thuyết bất để kháng của Thánh Găng Đi đối với nền thống trị của Anh ở Ấn Độ chẳng tỏ ra có lợi cho sự duy trì ách đô hộ của Anh trên đất Ấn đấy ư.

 

Không đáp ngay câu hỏi, trước hết Ngài cho biết rằng Ngài không đồng quan niệm cho rằng Đời với Đạo không liên quan nhau hay người tu hành thì không còn trách nhiệm gì đối với nhân quần xã hội. Vả chăng con người sanh ra ở đời, ai cũng mang Tứ đại trọng ân mà trong bốn ân ấy có ân đối với Đất Nước và chúng sanh thì thiết tưởng không có người tu hành nào phủ nhận rằng đời sống của mình không nhờ đồng bào và nhân loại.

 

Đoạn Ngài nói tiếp:

 

Tuy nhiên trong giai đọan hiện nay, tôi chưa có thể làm gì khác hơn là đào luyện cho tín đồ của tôi thấm nhuần đạo lý trước đã. Và đây là chương trình mà hiện tôi đang thi hành:

 

Trước hết, tôi thâu nhận tín đồ cho thật đông, qui tụ họ vào môt phạm vi bao bọc bởi lớp hàng rào cao đến đạo lý của Đức Phật giáo hóa họ. Ngày nào nhận thấy họ hiểu biết và làm theo lời Phật dạy, tôi sẽ cắt bớt cái hàng rào ấy xuống cho thấy một phần nào cảnh vật bên ngoài. Rồi tùy trình độ giác ngộ của họ mà tôi cắt bớt cái hàng rào ấy xuống mãi, cho đến khi nhổ hết lên mà người tín đồ của tôi bước ra khỏi phạm vi cắm rào thì chừng đó tôi cùng tín đồ tôi mới tham gia vào việc cứu dân cứu nước.

 

Với tỷ dụ như trên, chúng ta thấy tác dụng của nó về hai phương diện:

 

Thứ nhứt Đức Thầy không chủ trương thuần túy tu hành theo lối “độc thiện kỳ nhân”. Ngài sẽ tham gia hoạt động cứu dân cứu nước khi tín đồ của Ngài đã thấm nhuần đạo lý mà Ngài ra công huấn luyện trong vòng hàng rào, tượng trưng cho giới hạn của đạo đức.

 

Thứ hai, phàm muốn làm việc gì, theo Đức Thầy, cần phải đứng trên căn bản đạo đức. Cái hàng rào ấy tức là giới luận ngăn giữ con người ở trong phạm vi đạo đức. Nếu ai cùng đứng trong vòng đạo đức mà hoạt động thì không bao giờ lầm lỗi.

 

Quả thật, sau một thời gian phổ hóa đạo lành, Đức thầy không ngần ngại, từ địa hạt tôn giáo bước sang địa hạt hoạt động quân sự và chính trị khi thời cơ đã đến. Để kháng chiến chống xâm lăng, đánh đuổi thực dân Pháp, Ngài đứng ra thành lập quân đội lấy tên Nghĩa Quân Cách Mạng Vệ Quốc Đội Nguyễn Trung Trực.

 

Chỉ có danh từ Nguyễn-Trung-Trực đủ nói lên lòng yêu nước thương nòi cùng chí bất khuất của Ngài đối với dân tộc Việt, vì trên lịch sử kháng Pháp, Nguyễn-Trung-Trực là một vị anh hùng uy danh nhứt trong lịch sử kháng Pháp: Một là đốt tàu chiến Pháp tại vàm sông Nhựt-Tảo, hai là hạ thành Kiên Giang, hai kỳ công mà chưa từng thấy một anh hùng kháng Pháp nào sánh bằng. Hai kỳ công này được ca tụng trong hai câu bất hủ của Huỳnh-Mẫn-Đạt:

 

Hỏa hồng Nhựt-Tảo anh thiên địa,

Kiếm bạt Kiên Giang khốc quỉ thần.

 

Đức thầy dùng danh hiệu Nguyễn-Trung-Trực đặt cho Bộ đội của Ngài thành lập mà không dùng danh từ nào khác là có ý nêu cao nghĩa khí của vị anh hùng dân tộc để cho tín đồ noi gương và thờ kính. Mặc dù không thành công, vì Nguyễn-Trung-Trực đã bị Pháp hành quyết tại Kiên Giang, nhưng gương anh dũng và trung trực của ông đối với quốc gia đáng cho đời noi theo.

 

Ngoài việc thành lập quân đội, Đức Thầy tham gia chính trị trong những tổ chức: Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội và Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng trên lập trường quốc gia dân tộc.

 

Mặc dù Cộng sản phản bội, Ngài vẫn tham gia Ủy-Ban Hành Chánh Nam Bộ để cùng đoàn kết kháng chiến cứu nước.

 

Sở dĩ Ngài thành lập quân đội và Đảng chính trị và tự mình đứng ra hoạt động là muốn cho tín đồ noi theo gương của Ngài mà hoạt động để có phương tiện hành sử Đạo Nhân, và do đó phát huy được hai tinh thần cao quí:

 

  1. – Tinh thần yêu quê hương dân tộc: Với Ân Đất nước, một trong bốn Đại trọng ân mà phàm làm ông dân, ai ai cũng phải mang nặng và có bổn phận lo đền đáp, Phật-Giáo Hòa-Hảo đã un đúc trong tâm khảm của tín đồ tình thương yêu quê hương dân tộc. Khi đã yêu quê hương dân tộc, họ có bổn phận bảo vệ xứ sở khi bị kẻ xâm lăng giày đạp.

 

Chính nhờ un đúc và đề cao tinh thần ái quốc ấy mà trước kia giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương và gần đây Phật-Giáo Hòa-Hảo đã hứng chịu bao nhiêu điều nguy khốn dưới thời thực dân thống trị.

 

Pháp môn Tu Nhân đã đảo luyện nên hai hạng người bất khuất: một là hạng kháng Pháp và hai là hạng người nếu tự xét không đủ khả năng tranh đấu thì tìm nơi ẩn dật biểu lộ tinh thần bất hợp tác.

 

Nếu kể về giai đoạn quá khứ, giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương đã đào luyện những anh hùng kháng Pháp như: Nguyễn-Trung-Trực, Trần-Văn-Thành thường gọi là Đức Cố Quản và con là Trần-Văn-Nhu đã mảnh liệt chống Pháp đến hơi thở cuối cùng.

 

Về hạng người bất hợp tác thì có ông Đạo Đèn bị thực dân Pháp bắt đày đi đảo Réunion, Ông Cử Đa một võ cử không hợp tác với Pháp lên tu luyện trên núi Tà Lơn đắc quả Tiên. Đức Bổn Sư ẩn thân, lập cảnh già lam ở núi Tượng.

 

Đến Đức Thầy, Ngài cũng chủ trương bất hợp tác, kêu gọi những tín đồ đã làm việc cho thực dân trước ngày qui y:

 

Cả kêu kìa hỡi ai ơi!

Quan trường rời dứt mặt mày chùi lau.

Lui chơn ra khỏi cho mau,

Tìm trong lánh đục tầu đào mới ngoan.

 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ngài, tín đồ Phật-Giáo Hòa-Hảo, những người có chơn trong bộ máy cai trị của Pháp nhứt luật từ chức gây thành một phong trào bất hợp tác sâu rộng làm cho thực dân Pháp lo ngại, nhận thấy Phật-Giáo Hòa Hảo bị bắt bớ, kẻ thì đưa đi an trí Bà Rá hoặc tù đày và một số đã bỏ mình ngoài Côn đảo vì chánh sách hà khắc của Thực dân. Riêng bản thân của Ngài thì bị chúng đưa đi, rày đây mai đó...

 

2.- Tinh thần vô úy: Ngoài tinh thần ái quốc yêu dân tộc, pháp môn Học Phật Tu Nhân còn đào luyện cho hành giả hạnh vô úy là hạnh cao nhứt trong ba hạnh bố thí: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí, hạn hhy sinh cả tánh mạng để đem lại sự an lạc, không sợ hãi cho chúng sanh.

 

Để gây lấy công đức hầu có đủ công hạnh tiến lên bực giải thoát, Đức Phật trong vô lượng kiếp thí thân để làm lợi lạc cho cả muôn loài vạn vật.

 

Hạnh vô úy là hạnh khó thi thiết nhứt. Ai sanh ra đời lại không tiếc thân quí mạng thế mà gặp lúc ngoại tặc xâm lăng quê hương đất nước, đồng bào đau khổ, binh lửa ngập tràn, dám đem thân ra chống ngăn bảo vệ cho nhà nhà ở yên, người người không sợ sệt.

 

Chính với ý nguyện muốn cho tín đồ có cơ hội hành sử Tứ Ân mà Đức Thầy tham gia chính trị, thành lập nghĩa quân.

 

Dầu hoạt động chính trị hay lập quân đội, đó chẳng qua là những phương tiện để đạt mục đích là hành sử Tứ Ân, lập lấy công đức, bồi đắp cho bước đường tiến tu cầu đạo siêu sinh.

 

Khi hiểu được mục đích thì không còn e ngại khi dùng phương tiện.

 

Về việc một nhà lập giáo và truyền giáo như Đức Thầy đứng ra thành lập quân đội và tham gia chính trị không khỏi có những thắc mắc nêu lên, liền được Ngài giải đáp:

 

“Theo sự nhận xét của tôi về giao lý nhà Phật do nơi Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã khai sáng lấy chủ nghĩa từ bi bác ái đại đồng đối với tất cả chúng sanh làm nồng cốt thì tôi nhận Ngài là một nhà cách mạng triệt để về tư tưởng; vì những câu “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” và “Phật cũng đồng nhứt thể bình đẳng với chúng sanh”. Đã có những sự bình đẳng về thể tánh như thế mà chúng sanh còn không bằng được Đức Phật là do nơi trình độ giác ngộ của họ không đồng đều, chớ không phải họ không tiến hóa ngang hàng với chư Phật được. Nếu trong cõi nhơn gian này còn có chúng sanh tiền tiến áp bức những chúng sanh lạc hậu thì là một việc trái hẳn với những giáo lý chơn chánh ấy. Giáo lý đó, Đức Thích Ca Mâu Ni không áp dụng được một cách thiết thực trong đời sống của Ngài là do nơi hoàn cảnh xã hộii của Ấn Độ xưa không thuận tiện. Thế nên Ngài chỉ phát dương cái tinh thần đó mà thôi. Ngày nay trình độ tiến hóa của nhơn loại đã tới một mức khả quan, đồng thời với tiến bộ về khoa học thì ta có thể thực hành về giáo lý để thực hiện một xã hội công bằng và nhân đạo. Thế nên, với cái tâm hồn bác ái, từ bi mà tôi đã hấp thụ, tôi sẽ điều hòa với phương pháp tổ chức xã hội mới để phụng sự một cách thiết thực đồng bào và nhơn loại”.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn