- I. Phật Giáo Hòa-Hảo Trong Tiến Trình Đạo Phật
- II. Nhân Sinh Quan Phật-Giáo Hòa-Hảo
- III. Ngăn Ngừa Điều Ác
- IV. Phân Biện Chánh Tà
- V. Phát Triển Hạnh Lành
- VI. Luận Giải Về Tứ Ân Hiếu Nghĩa
- VII. Hành Sử Tứ Ân
- VIII. Phương Tiện Quân Sự
- IX. Phương Tiện Chánh Trị
- X. Lập Công Bồi Đức
- Phụ Lục - Trường Hợp Vắng Mặt Của Đức Thầy
Tóm tắt ta phải thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức, nếu ai giữ đặng trọn lành trọn sáng về nơi cõi Tây phương an dưỡng mà học đạo cho hoàn toàn đặng trở lại cứu với chúng sanh.
Về điều thứ tám, Đức Thầy khuyên bảo tình TƯƠNG TRỢ TƯƠNG ÁI và khai thị PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ.
Trong một rừng cây đã có những cây to tàng cao rậm rạp thì cũng có những cây nhỏ cành ngắn rễ nong. Những cây đó cùng nương tựa lẫn nhau mà đứng vững trong những trận giông to bảo lớn và cũng nhờ chung hợp nhau mà làm thành cánh rừng.
Về tín đồ cũng thế. Có hạng hạnh cao đức cả, có hạng căn mỏng nghiệp dày; kẻ cao dìu kẻ thấp, kẻ thấp nương người cao mà vững bước trên con đường tu học. Nhờ có tương trọ tương ái, hiệp sức mạnh bảo trợ lẫn nhau và đạo pháp cũng nhờ đó mà vững bước trên con đường hoằng dương quảng bá.
Nếu chẳng may có sự chia rẽ, không hiệp nhứt, không nương tựa lẫn nhau, đó là một điều bất hạnh cho tín đồ và bất lợi cho toàn thể. Vì thế mà Đức thầy có lời răn để ngừa sự bất hòa, chia rẽ.
Đó là nói về đoàn thể. Đến như về cá nhân thì mỗi người do công hạnh tu tập của mình, hành theo pháp môn Tịnh độ, chuyên tâm niệm danh hiệu của A-Di-Đà nếu được trọn lành trọn sáng thì sẽ được vãng sanh về või Cực Lạc, cũng gọi là cõi An dưỡng, vì người sanh lên cõi này sẽ an dưỡng một thời gian, khi học đạo hoàn toàn sẽ trở lại cõi trần cứu vớt chúng sanh.
Với thời kỳ mạt pháp, căn cơ chúng sanh thiển bạc, thường gặp ác duyên trở ngại, chỉ có pháp môn tu Tịnh độ chuyên niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà là được siêu xuất Tam giới, vãng sanh về cõi Cực Lạc. Đây là một pháp môn dễ tu dễ đắc, nên chi Đức Thầy chỉ khuyên tín đồ của Ngài tu pháp môn Tịnh độ là một pháp môn tối thắng trong buổi Hạ ngươn.
Tại đâu khi lên cõi Cực lạc không trụ nơi đó mà lại, khi học đạo hoàn toàn lại xuống trần cứu vớt chúng sanh.
Là vì Đức Thầy khai thị giáo phái Đại thừa, chuyên tu Bồ tát hạnh, cho nên dù có đạo quả đắc thành cũng không trụ ở cõi an vui mà còn tái kiếp xuống cõi trần độ sanh cứu chúng.
Phương chi trong lúc tu Tịnh độ, do tâm niệm Phật chuyên nhứt và nhờ Phật lực hộ trì mà được vãng sanh lên cõi Cực lạc, hột giống nghiệp chưa dứt tuyệt, cho nên phải trở lại cõi trần:
Một là trả tiền nghiệp, cứu vớt những thân nhơn, như tổ tiên cha mẹ là những đấng trợ trưởng cho ta rất nhiều trong những kiếp đã qua.
Hai là lập công bồi đức để trang nghiêm hạnh Bồ tát, xây đắp nền tảng kiên cố cho Phật quả ngày mai.
Nói tóm lại, với điều răn thứ tám, Đức Thầy khuyên ta, về tập thể, gây lấy tình TƯƠNG THÂN TƯƠNG ÁI, và về cá nhân, cố gắng tu TỊNH NGHIỆP dễ hoàn bị hạnh Bồ tát.