II. Nhân Sinh Quan Phật-Giáo Hòa-Hảo

01 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 31506)
II. Nhân Sinh Quan Phật-Giáo Hòa-Hảo

 

Một vấn đề cho đến ngày nay, thời kỳ nguyên tử cơ khí đã phát triển cao độ, vẫn còn đặt ra trong giới triết học, khoa học và một số tôn giáo: đó là vấn đề do lai của con người

 

Con người ở đâu sanh ra?

Sanh ra để làm gì?

Sanh ra rồi đi đâu?

 

Mặc dù loài người đã tiến bộ về cơ xảo, tự nhận có thể thay thế tạo hóa về một vài huyền năng và đã khám phá khá nhiều bí ần của đất trời, nhưng vẫn chưa trả lời được những thắc mắc đã nêu từ vạn đời hay có thể trả lời được chăng nữa cũng chưa nhứt trí, có khi mâu thuẩn lẫn nhau.

 

Chẳng hạn như về do lai của con người, Đạt-nhỉ-văn (Darwin) cho rằng con người do loài khỉ sanh ra. Cái thuyết nhận con người phát sinh từ các loại động vật hạ đẳng dần dần tiến hóa lên, tiến hóa vượt bực lên loài động vật thượng đẳng đã được một số lớn những nhà chủng học chấp nhận. Trong những truyện thần thoại còn truyền lại đến ngày nay chứa đựng chẳng biết bao nhiêu chuyện đồng hóa con người với những loài vật mà việc thờ phượng vật tổ (totem) là một biểu tượng của thời kỳ nhân loại loài vật là thỉ tổ của mình.

 

Ngoài những thuyết nhận nguồn gốc con người do loài vật sanh hóa, đến các tôn giáo thì nhận do lai con người không ở giống vật hạ đẳng mà ở chỗ cao thượng hơn. Như Bà-La-Môn giáo thì nhận con người từ đấng Phạm thiên sanh ra và sau khi hết sa đọa sẽ trở về với Phạm thiên.

 

Thiên Chúa giáo cũng đồng quan điểm với Bà-La-Môn giáo, cho rằng con người là do Đức Chúa Trời sanh ra và khi cuộc đời ở thế gian chấm dứt sẽ trở về với Chúa.

 

Đến như Đạo Phật thì không đặt sự sáng tạo con người vào một vị thần linh vạn năng nào vì theo Phật thì vũ trụ vạn hữu diễn biến vô thỉ có chung, nhưng nếu đứng về toàn diện thì là một vòng nhân duyên tương tục của Thành, Trụ, Dị, Diệt biến chuyển trong lịch trình của luật nhân quả. Nhân sanh ra quả, rồi quả trở lại làm nhân, cứ như thế diễn tiến mãi mãi.

 

Đạo Phật không nói đến con người đầu tiên,vì theo vòng nhân duyên tương tục chẳng có con người nào là con người đầu tiên cả, mà theo kinh Trường A Hàm, các thế giới được thành lập đều do nhân duyên mà có, nhưng qua thời kỳ Thành đến thời kỳ Trụ, hết thời kỳ Trụ thì đến thời kỳ Hoại, rồi sau đó là đến thời kỳ Không. Và khi trải qua thời kỳ Không thì tái diễn chu kỳ: Thành, Trụ, Hoại, Không mới nữa.

 

Cứ theo kinh điển thì thế giới khi đã thành, trên mặt đất chưa có con người vì loài người đã bị tiêu diệt trong thời kỳ Hoại bởi nạn Tam tai. Khi mới lập, mặt đất phóng ra ánh sáng chiếu lên Trung giới. Những thiên nhơn ở cõi Sắc giới khi hưởng tận phước báo phải lìa bỏ cõi Trời, thấy ánh sáng trái đất thì cùng nhau kéo xuống. Có thể gọi đó là con người đầu tiên, đầu tiên ở trên địa cầu chớ thật ra không phải là con người đầu tiên của loài người, của các cõi nhân thiên.

 

Quan niệm về vũ trụ và nhân sanh trên đây của Phật giáo cũng là quan niệm nhân sanh của Phật Giáo Hòa Hảo vì Phật Giáo Hòa Hảo cũng là một môn phái của Đạo Phật.

 

Nhưng về vũ trụ quan, Phật Giáo Hòa Hảo hay có thể nói cả giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương đã phân tách một cách tinh tế về quá trình diễn biến của vũ trụ qua ba thời kỳ mà môn phái Bửu Sơn Kỳ Hương gọi là Tam ngươn: Thượng nguơn, Trung ngươn và Hạ ngươn. Cái chu kỳ Tam ngươn cứ diễn đi diễn lại mãi trong suốt lịch trình diễn biến của kiếp Trụ.

 

Mỗi một ngươn còn chia ra làm ba thời kỳ nữa. Như Thượng ngươn chia ra làm: Thượng ngươn Thượng, Thượng ngươn Trung, Thượng ngươn Hạ; Trung ngươn cũng vậy, có Trung ngươn Thượng, Trung ngươn Trung, Trung ngươn Hạ; đến Hạ ngươn cũng vậy có Hạ ngươn Thượng, Hạ ngươn Trung và Hạ ngươn Hạ. Mỗi thời kỳ có mỗi hoàn cảnh và đời sống con người khác nhau.

 

Ở thời Thượng ngươn hoàn cảnh cực kỳ tinh khiết, con người rất mực khinh thanh có đủ huyền năng của con người ở cõi Thiên sa xuống.

 

Đến thời Trung ngươn thì hoàn cảnh có phần ô trược và con người cũng mất bản tính huyền linh.

 

Nhưng xuống đến thời Hạ ngươn thì hoàn cảnh trở nên ác liệt và con người càng trở nên hung ác để rồi đi đến hoại diệt, trở lại thời kỳ Thượng ngươn. Nghĩa là từ thời kỳ Thượng ngươn xuống đến thời kỳ Hạ ngươn con người càng ngày càng trở nên thối hóa.

 

Cứ theo Sám giảng của môn phái Bửu Sơn Kỳ Hương thì nhơn loại ngày nay đã bước vào giai đoạn Hạ ngươn Hạ, giai đoạn cùng cuối của chu kỳ Tam ngươn.

 

Có định vị được thời kỳ và giai đoạn tiến hóa của nhân loại mới nhận thức được quan niệm về nhân sanh hay phương pháp tu học mà môn phái Phật Giáo Hòa Hảo đã hằng tuyên.

 

Như chúng ta đã biết mục đích của Đạo Phật là chỉ dạy chúng sanh tiến đến quả vị thành Phật, tức là con đường cùng cuối của cuộc tiến hóa nhân loại.

 

Đức Phật có nói: Ta là Phật đã thành còn chúng sanh là Phật sắp thành.

 

Câu nói này đủ chứng tỏ tất cả chúng sanh, mọi giống hàm kinh đều có khả năng tính thành Phật, vì mọi chúng sanh đều có Phật tánh. (Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh).

 

Theo kinh điển thì con người là trung tâm điểm của một cuộc tiến hóa vạn vật. Mọi loại hàm linh đều phải đi ngang qua giai đoạn con người để lên bực Phật.

 

Muốn tiến đến cực điểm là quả vị thành Phật, con người phải trải qua nhiều đoạn đường tiến hóa.

 

Từ con người tiến lên đến bực Phật là cả một quảng đường phải trải qua hằng ba A-tăng-kỳ kiếp, chẳng biết bao nhiêu gian lao tu tập.

 

Một khi tiến đến bực Phật là mãn con đường tiến hóa. Trong sách Liên Tông Bửu Giám có nói rằng: Con đường tông cực là Phật.

 

Tiến đến bực Phật là con đường tự tại, hoàn toàn vượt ra ngoài mọi sự ràng buộc, ràng buộc của thân tâm, vì Đức Phật đã khai mở lục thông.

 

Con người mà đạt được lục thông tức là thoát ra ngoài vòng ràng buộc, được tự tại, hoàn toàn giải thoát, biết cả những gì mà con người muốn biết.

 

Tiến đến bực Phật tức là không còn chi tiến hóa nữa, bởi không còn gì ràng buộc nữa, không còn gì mà không hiểu biết.

 

Như thế là Đạo Phật đã giải được những thắc mắc của con người về khoản: Sanh ra để làm gì? Sanh ra rồi đi về đâu?

 

Đức Phật đã chỉ rõ con đường tiến hóa của nhân loại và chính Ngài đã thể nghiệm và đi hết con đường tiến hóa ấy.

 

Mục đích của con người là tiến bước trên con đường tiến hóa mà Đức Phật đã chỉ dạy những phương pháp tu tập để cho nhân loại tiến bước, liên tục tiến bước trong vòng luân hồi hướng thượng ngót A-tăng-kỳ kiếp.

 

Đó là con đường, nếu ai muốn tiến đến quả vị Phật-Đà đều phải trải qua Mục đích đã nêu ra, nhưng phương pháp để đạt đến thì có rất nhiều, phải tùy hợp với thời kỳ và cơ cảm của chúng sanh. Do đó mả việc tu Phật có nhiều pháp môn, mỗi giai đoạn tiến hóa có mỗi pháp môn khác biệt.

 

Ở thời kỳ chánh pháp, căn cơ chúng sanh mẫn nhuệ hơn căn cơ của chúng sanh ở thời kỳ Tượng-pháp và Mạt pháp. Vì thế mà ở mỗi thời kỳ do khí lượng của chúng sanh mà có pháp môn hóa độ khác.

 

Theo kinh điển, hiện nay chúng sanh ở vào giai đoạn của thời kỳ Mạt-pháp và theo Phật Giáo Hòa Hảo và các môn phái của Bửu Sơn Kỳ Hương thì chính là thời kỳ Hạ ngươn Hạ, thời kỳ cùng cuối của buổi Hạ ngươn.

 

Cứ theo kinh điển thì con người sanh vào thời kỳ này hầu hết căn cơ thiển bạc, phước mỏng tội dày. Cho nên, muốn độ tận chúng sanh chuyển qua thời kỳ Thượng ngươn an lạc không thể thi thiết những pháp môn tối thắng hóa độ những chúng sanh ở thời kỳ Thượng hay Trung ngươn được.

 

Chỗ thắng diệu của Phật pháp là tùy bệnh lập phương, phù hợp với căn tánh của chúng sanh.

 

Đã nhận thấy thời kỳ quá gấp rút của buổi Hạ ngươn và căn khí của chúng sanh thiển bạc, cho nên quan niệm về nhân sanh của Phật Giáo Hòa Hảo có khác hơn các môn phái khác của Đạo Phật.

 

Với tánh cách gấp rút của buổi Hạ ngươn thì không thể dùng pháp môn trường kỳ, với căn khí thiển bạc của chúng sanh và cho được kịp kỳ hóa độ chúng sanh, Đức Thầy cũng như các bậc tiên giác trong giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương xiển dương pháp môn Tu Nhân Học Phật.

 

Về điều tu Nhân, Đức Thầy quyết đào luyện nên hạng người hiền đức để dự vào Long-Hoa đại hội hầu có tiến qua thời kỳ Thượng ngươn an lạc, tiếp tục việc tu học, dự ba trường thuyết pháp của Đức Di-Lặc mà đạt quả vị Thánh tiên.

 

Về điều Học Phật, Phật Giáo Hòa Hảo muốn chuẩn bị đồ chúng đầy đủ hạnh lành để, hoặc được trọn lành trọn sáng sẽ về nơi an dưỡng của cõi Tây phương Tịnh độ, hoặc phúc duyên chưa viên mãn sẽ tiếp tục tu học trong thời kỳ Thượng ngươn an lạc mà chứng đắc Bồ-đề diệu quả.

 

Vào thời kỳ Hạ ngươn Mạt pháp này pháp môn Tu Nhân Học Phật là pháp môn tối thắng, bởi nó phù hợp với thời kỳ gấp rút của buổi Hạ ngươn và phù hợp với căn khí thiển bạc của chúng sanh. Công năng và diệu dụng của pháp môn này là cốt đào tạo nên hạng người hiền đức, bởi tiêu chuẩn để chọn người dự Hội Long Hoa chỉ chú trọng ở một chữ Hiền.

 

Trong Sám giảng, Đức Thầy chẳng dứt nói đến người Hiền và khuyên dạy tín đồ chuyên tập tu hiền.

 

Có thể nói, cả pháp môn Tu Nhân Học Phật của môn phái Bửu Sơn Kỳ Hương không ngoài mục đích đào luyện người Hiền để dự vào Long-Hoa Đại Hội vì:

 

Hội Long-Hoa chọn kẻ tu mi.

Người Hiền đức đặng thờ chơn chúa.

 

Hoặc giả:

 

Lập rồi cái Hội Long Hoa

Đặng coi Hiền đức được là bao nhiêu?

 

Hay là:

Trở chơn cho kịp Long Hoa

Long Hoa có mặt mới là Hiền nhơn.

 

Đức Thầy còn cho biết:

Hiền lành chừng đó sum vầy,

Quân thần cộng lạc mấy ngày vui tươi.

 

Như thế điều kiện để được dự vào Hội Long-Hoa không ngoài chữ Hiền. Chẳng những được dự Hội, người Hiền còn được gần cõi tiên như Sấm giảng cho biết:

 

Hữu phần thì cũng hữu duyên

Sửa tâm hiền đức cõi tiên cũng gần.

 

Hoặc là:

 

Khắp trong bá tánh kề cảnh khổ,

Đạo đức hiền lành kiến Tiên bang.

 

Ngoài ra người Hiền còn được tưởng thưởng những ân huệ của Tiên Phật:

 

Hương nồng dành thưởng kẻ tròn ân,

 

Chẳng những được hưởng phúc huệ mà còn được siêu thoát khỏi nẻo luân hồi:

 

Kẻ hiền đức sau này được hưởng,

Phép Thần linh của Đức Di-Đà.

Lại được thêm thoát khỏi Ta-bà,

Khỏi luân chuyển trong vòng lục đạo.

 

Vì thế mà sứ mạng của các bậc tiên giác, khi lâm phàm quyết tâm tìm kiếm hạng người hiền đức:

 

Cũng không thèm trọng bạc tiền,

Quyết tâm tìm kiến người Hiền mà thôi.

 

Chẳng những các bậc tiên giác lâm phàm mà cả đến chư Phật, trong thời Hạ ngươn Mạt pháp này cũng hiện hào quang rọi khắp thế gian để tìm người hiền đức nữa:

 

A-Di- Đà nhìn xem khắp cõi,

Đặng trông chờ mong mõi chúng sanh.

Hiện hào quang ngũ sắc hiền lành.

Đặng tìm kiếm những người Hiền đức.

 

Hoặc là:

Các chư Phật từ đây lựa tuyển,

Coi ai là đức hạnh hiền từ.

 

Xem đó mục đích hay sứ mạng của Phật-Giáo Hòa-Hảo là tìm người Hiền, đào luyện nên hạng người hiền đức, cũng như Nho giáo cú trọng hạng người quân tử và rèn đúc nên hạng người quân tử.

 

Đã tìm kiếm người Hiền, vậy thế nào mới gọi là Hiền?

 

Sách Minh Tâm có nói rằng: “Bất du Thánh đạo, an đắc vị hiền”. Không vào đạo Thánh, sao gọi là hiền. Như thế người phải là người hiều đạo Thánh và hành theo lời Thánh dạy.

 

Còn theo Phật học thì hiền nhơn là người tin lý nhân quả và làm việc thiện. Nghĩa là người hiền chẳng những làm việc việc lành mà còn rõ lý nhân quả. Thì ra Phật giáo cũng đồng quan niệm với Nho giáo về người hiền.

 

Vì đâu cần hiểu lý nhân quả, hành đạo Thánh mới gọi là hiền? Là vì không rõ đạo lý, xa lánh những điều răn cấm thì dễ phạm những lỗi lầm có hại cho tâm đức mà tự mình không hay biết.

 

Nếu là người ở theo đạo lý, hành theo lời Phật Thánh thì chẳng những hiền ở bên ngoài mà còn hiền ở bên trong nữa và hằng sống một đời thanh cao không đam mê tục lụy như Đức Thầy đã viết:

 

Cư trần bất nhiễm là người Thánh,

Lẫn tục đừng mê chứng bực Hiền.

 

Xem đó đủ thấy, ngoài việc làm lành, người hiền còn phải có đức như sách Huyền Nghĩa đã nhận: Hiền là hiền năng, cũng gọi là hiền thiện. Có thiện cho nên có đức, có năng cho nên có trí. Người gồm cả trí đức mới gọi là người hiền. Mà người hiền chỉ là người mới lân cận với Thánh, nghĩa là còn cách Thánh một bực.

 

Như vậy muốn đến bực Thánh, trước phải qua bực Hiền. Nếu chẳng tu Hiền làm sao vào cửa Thánh, có thể không tu Hiền được chăng?

 

Phương chi ở thời kỳ mạt pháp này, chúng sanh phúc mỏng nghiệp dày, căn cơ thiển bạc, phỏng được mấy ai dám tự nhận mình là người Hiền chỉ còn tu quả Thánh.

 

Vì vậy mà Đức Thầy nhủ khuyên:

 

Tu là tâm trí nhu mì,

Tu hiền tu thảo vậy thì cho xong

Tu cầu cứu vớt Tổ tông,

Với cho bá tánh máu hồng bớt rơi.

Tu cầu cha mẹ thảnh thơi,

Quốc vương thủy thổ chiều mơi phản hồi.

Tu đền nợ thế cho rồi,

Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.

 

Nói tóm lại một điều, Đức thầy lúc nào cũng khuyên:

 

Ráng tu nhân đạo cho tròn mới hay.

 

Đó chẳng qua là muốn đào luyện nên người hiền đức. Cả pháp môn Học Phật Tu Nhân của Phật-Giáo Hòa Hảo đều qui kết vào điểm đó.

 

Tu Nhân là học hỏi cái đạo làm người, vì có làm xong cái đạo làm người mới gây được công đức làm nền tảng để bước lên địa vị Thánh Tiên.

 

Còn Học Phật là để tránh mọi điều sái quấy, dứt khoát nghiệp ác hòng có gây tạo nghiệp thiện cho bước đường tu học về sau khi đời Thượng ngươn được tạo lập,có đủ công hạnh dự vào Tam truường thuyết pháp của Đức Phật Di-Lặc mà chứng quả Bồ-đề.

 

Cứ theo yếu chỉ của Phật-Giáo Hòa Hảo thì cứu cánh của phép Tu Nhân là đào luyện nên hạng người hiền đức đủ tư cách dự vào Hội Long-Hoa hầu có tuyển chọn để tạo lập nên cõi Thượng ngươn an lạc.

 

Còn cứu cánh của pháp môn Học Phật là khuyên tu Tịnh độ để được vãng sanh về cõi Cực lạc. Nhưng ở vào thời kỳ ác thế này con người nghiệp báo quá sâu dày cho nên đường về cực lạc tuy thấy dẽ nhưng cho được trọn lành trọn sáng để về nơi an dưỡng chẳng phải ai ai cũng có thể chỉ bằng vào một phương pháp niệm Phật mà đạt đến được.

 

Thế nên Đức Thầy đã nói:

 

Niệm chữ Di-Đà tan chướng nghiệp,

 

Đến khi cứu cánh thì:

 

Thuyền từ Thầy rước lại non Bồng.

 

Vì vậy mà Ngài không dứt khuyên người tu Hiền, vì theo Ngài:

 

Người Hiền như thể cỏ lan

Người hung chết rất chật đàng thảm thay!

 

Cứ theo Sám giảng cho biết thì:

 

Khổ với thảm ngày nay có mấy,

Sợ mai sau dòm thấy bay hồn;

Trừ tà gian còn thiện chỉ tồn,

Cảnh sông máu núi xương tha thiết.

 

Người hung ác thì sau này bị diệt, chỉ có người hiền lành thì được cứu khỏi sự tai ách:

 

Cứu lương hiền chẳng cứu người hung,

Kẻ gian ác đến sau tiêu diệt.

 

Và chỉ có người hiền thì bao giờ cũng được Phật Tiên cứu độ:

 

Bổn đạo ráng tìm cho cặn kẽ,

Lòng hiền Phật độ khỏi tinh ma.

 

Hay là:

 

Phật từ bi độ từ cứu sanh,

Là độ kẻ hiền lương nhơn ái.

 

Nói tóm lại giáo pháp của Phật Giáo Hòa Hảo qui kết lại chỉ khuyên dạy con người làm hiền hay tu hiền. Và muốn trở thành con người hiền đức, phải tu pháp môn Tu Nhân Học Phật.

 

Ngay trong bài nguyện qui y, Đức Thầy cũng đã chỉ rõ cứu cánh của pháp môn bằng câu:

 

“Nay con nguyện cải hối ăn năn, làm lành lánh dữ, qui y theo mấy Ngài tu hiền theo Phật đạo”.

 

Hay nguyện trước bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ:

 

Nay con tỉnh ngộ qui y Phật,

Chí dốc tu Hiền tạo phước duyên.

 

Cứu cánh của phép Tu Nhân Học Phật là cốt đào tạo nên người hiền đức.

 

Đó là cả quan niệm về nhân sinh của Phật-Giáo Hòa-Hảo.

 

Con người sanh ra trong kỳ Hạ ngươn này, theo Phật-Giáo Hòa-Hảo là vì duyên nghiệp, phước ít tội nhiều, sanh ra để trả nghiệp nhân đã gây tạo.

 

Vẫn biết đạo Phật, Phật-Giáo Hòa-Hảo cũng là một môn phái của đạo Phật, khuyến hóa chúng sanh để đạt đến diệu quả cuối cùng là thành Phật, vì theo Đức Phật, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Cứu cánh của nhân sanh là tu hành để đi đến thành Phật, nhưng trong thời kỳ ác thế này, gặp buổi gấp rút của thời Hạ ngươn sắp mãn, Long Hoa Hội hầu kể, để tuyển chọn hạng người hiền đức hầu tạo lập cõi đời Thượng ngươn thánh đức, nếu đem pháp môn thượng thừa ra giáo độ thì chẳng những không phù hợp với căn cơ thiển cận của chúng sanh mà cũng không kịp kỳ Long Hoa Đại Hội.

 

Vì thế để cứu độ chúng sanh trong thời kỳ mạt pháp này, Phật-Giáo Hòa-Hảo có một pháp môn tối thắng là phép Tu Nhân Học Phật để rèn luyện nên hạng người hiền đức, vì tiêu chuẩn để đi đến Hội Long-Hoa chỉ qui kết có một chữ Hiền mà thôi.

 

Sứ mạng của Phật-Giáo Hòa-Hảo do Đức Thầy sáng lập là đào tạo nên hạng người hiền có đủ công đức để dự Long Hoa Đại Hội hầu được chuyển hóa qua thời kỳ Thượng ngươn an lạc. Chừng đó sẽ có Đức Phật Di-Lặc ra đời, mở ba trường thuyết pháp cứu độ chúng sanh. Những người hiền đức nhờ đó mà tu học, đạt được những quả vị A-la-Hán hay Bồ-Tát để cuối cùng tiến đến Phật quả là con đường tiến hóa cùng tột của nhân sanh.

Đó là công hạnh mà người hiền đức tiếp tục đạt được ở tương lai. Nhưng hiện ở trong thời kỳ Hạ ngươn mạt pháp này theo quan niệm của Phật-Giáo Hòa-Hảo chỉ có một con đường duy nhứt để đạt đến Hội Long Hoa là đào luyện nên hạng người Hiền.

 

Cả pháp môn Học Phật Tu Nhân mà Phật-Giáo Hòa Hảo hoằng hóa cũng chĩ cốt đào luyện nên hạng người hiền đức ấy mà thôi.

 

Nhưng làm thế nào trở nên người Hiền? Và phương pháp đào luyện người Hiền của Phật-Giáo Hòa-Hảo ra sao?

 

 



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn