“Đường gai gốc thiên sơn vạn hải.
Dẹp cho rồi tướng bái đàn đăng”.
Từ đây đàng xá hiểm trở, khó đi lắm. Đức Thầy ra sức dẹp đường, cầm cây đánh vẹt gai gốc. Có chỗ phải bò, có chỗ phải đi khòm, lắm lúc phải đi theo đàng tượng. Khi vượt lên đỉnh núi, lúc đổ xuống triền non. Khi ở núi này khi qua núi khác (núi liền chơn).
Đức Thầy dẫn tôi lên một ngọn núi cao tột bực, bằng phẳng, ít có cây mọc. Đây là một cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Trên non này có suối chảy chầm chậm, nước trong như mắt mèo. Dưới đáy suối có cát trắng, mực nước sâu chừng 1 thước tây. Đức Thầy đi trước lội ngang qua, tôi đi sau thấy có cây ngã nằm ngang nên đi trên thân cây này mà qua suối, Đức thầy xem thấy rầy tôi sao không lội dưới nước. Tôi trả lời: “Bạch Thầy, cây ngã ngang đi sướng quá, lội làm chi cho ướt mình” Đức Thầy bảo tôi: “Thầy đi đàng nào phải theo đàng nấy! Cấm mày không được đi như vậy nữa!” Sau lại tôi mới hội ý rằng Đức Thầy muốn dạy tôi một cách gián tiếp rằng hễ qui y thì phải làm y, nghĩa là nếu Thầy phải chịu gian lao khổ hạnh để giải thoát giống nòi và nhân loại thì đệ tử cũng phải chịu cực khổ gian lao vì mục đích ấy chớ không được tìm nơi sung sướng an nhàn, mà lo học đạo...