“Lan thiên môt cõi xa chơi.
Non cao đãnh thượng thảnh thơi vô cùng.
Hiu hiu gió thổi lạnh lùng,
Phất phơ liễu yếu lạnh lùng tòng mai.
***
Tứ vi mây phủ nhiễu đoanh.
Bồng lai một cõi hữu danh chữ đề.”
Sáng ngày mùng 9 tháng giêng năm Canh Thìn vẫn còn theo con đàng này. Đến “Ruộng Năm Dây” là 10 giờ trưa, có đường mòn đi tắt qua Bà Ngự, nơi ông Cử được điểm đạo.
Đến đây không còn đường mòn nữa. Đá đen như sắt, tòng bá lộn xen, cực kỳ xinh đẹp, quanh tới lộn lui kiếm không ra ngõ.
Mười phút sau hai người bạn đồng hành lạc đâu mất. Đức Thầy bảo tôi xuống suối nằm trên tảng đá nghỉ. Tôi quá thương hại hai anh bạn vô phúc kia nên thỏ thẻ cùng Đức Thầy: “Bạch Thầy tội nghiệp cho hai anh ấy xã thân tầm đạo mà nay bị lạc nơi chốn này, ắt phải chết hết!” Đức Thầy nói: “Không sao đâu! Chư vị Thánh thần luôn luôn ủng hộ những bậc nhiệt thành, kiên tâm lập chí trên đường giải thoát!” Đức Thầy dắt tôi xuống suối. Ngồi dưới bóng tòng mát mẻ, Thầy trò ăn bánh uống nước. Đức Thầy nói với tôi: “Ngày sau Thầy phải xa cách bổn đạo một thời gian, trong thời gian ấy tín đồ phải chịu đau khổ và không ai biết Thầy ở nơi nào”. (Đức Thầy còn nói nhiều nữa, nhưng tôi không dám thuật lại hết sợ trái ý Ngài vì Ngài có cấm, xin anh chị miễn lỗi cho).
Đức Thầy nói tiếp: “Bây giờ Thầy đi đàng rừng mày có sợ không?”
- Bạch thầy, Thầy đi ngã nào thì con đi theo ngã đó, tôi đáp lại.
Khi băng ngang suối thì Thầy trò trổ ra đường mòn. Đức Thầy nói: “Thầy thử lòng mày chớ đường ở trong bàn tay Thầy!”
Thầy trò nói nói cười cười, chẳng bao lâu đi đến một nơi gọi là “Châu Thiên”. Đây là một cảnh thiên nhiên cực kỳ sinh lịch, dành để cho khách mộ đạo ham tu khi quá bước vào cảnh này thì có thể phủi sạch tâm phàm, vui say mùi đạo. Thật là một cảnh “Tiểu Bồng Lai Tiên Cảnh” vậy.
Đá đen như sắt, guộn nổi những giồng tòng bá lộn xen, không cao không thấp dưới gốc đơm cây bông nước, bông dài như những bông cà, có nấp giở ra nước dùng ngon ngọt...
Leo lên vồ đá, dòm lại chơn trời chỉ thấy một cõi xa xăm vô cùng tận.
Những hòn đá lớn nhỏ ngỗn ngang giống như bàn ghế người trần chưng dọn. Đây là hòn thấp, đó lại hòn cao, tròn vuông đủ cỡ.
Trên mỗi hòn mặt bằng có năm bảy hòn đá nhỏ như ghế ngồi.
Tôi nó, có lẽ chỗ này dành để cho chư thiên hội hợp “ăn yến”. Đức Thầy tức cười. Tôi rắn mắt leo lên vồ cao bị Đức Thầy rầy không cho.
Xem phong cảnh này độ chừng nửa giờ, thì Thầy trò ra đi. Đến “Tứ Giao Điện” mặt trời vừa chen lặn. Khi còn cách điện này lối 100 thước. Đức thầy dừng chơn bảo đừng nói chuyện. Tôi không hiểu vì sao. Nhẹ chơn vào điện không thấy bóng người, chỉ thấy nào chén bát, tương chao và những chiếc đũa nằm lễnh nghễnh trên bàn.
Đói quá tôi bạch với Đức thầy đặng nấu cơm ăn. Sẵn nồi nước. Tôi hốt cơm khô để vào nồi đun lửa nấu cơm. Cơm chín tôi ngắt đọt lan luộc một dĩa lớn.
Thú thật tôi dùng bữa cơm tại đây, ngon vô cùng vì đã hai ngày rồi không có một hột cơm trong bao tử.
Bữa cơm chay ấy tuy đơn sơ nhưng thú vị hơn trăm lần một bữa tiệc dưới trần.
Điện này có bốn tảng đá lớn (mỗi tảng dài không dưới 15 thước) giao khích lại thành hình chữ thập, nên gọi là Tứ Giao Điện.
Trong điện rộng rãi, hang hóc quanh co, có rất nhiều bàn án thờ phượng. Tôi tò mò quyết kiếm cho được người tu chỗ này nên rọi đèn sáp đi vào kẹt hóc, nhưng chẳng gặp một ai.
Đêm ấy Đức Thầy dẫn tôi lên nóc điện, bảo lên hương đèn cầu nguyện. Đức Thầy cũng cúng lạy, xong Ngài nói với tôi: “thầy đây chỉ lạy Phật Tổ thôi, kỳ dư các bậc khác Thầy được miễn”.
Khi xuống điện, Thầy trò nằm trên tấm sạp bằng cau rừng. Đức Thầy nói: “Trên trước dạy thầy đem mày lên non một tháng: Từ đây lên Lan Thiên, Trường Sanh qua Nhị Hoàng lên núi Tổ mới về”.
Tôi thuở ấy quá khờ khạo và thiếu kém về mặt đạo đức, tánh còn nhiễm trược rất nhiều ham sống sợ chết, không kiên tâm trì chí trước những khổ hạnh gian lao, lại còn bị lợi danh xô đẩy trong cảnh đời vật chất, ít thấy hẹp nghe nên thốt ra những lời than này với Đức thầy mà sau lại tôi cho là vô ý thức “Bạch Thầy! Đàng xa diệu vợi còn phải giam mình trong chốn ma thiêng nước độc cực khổ vô ngần, thực phẩm kém khuyết, ăn không thể đủ mà đi đúng một tháng thì chắc là đói chết, xin thầy đi gần!” Tôi để ý xem thì cảnh này là một cảnh thanh tịnh im lìm, không có một tiếng chim kêu vượn hú. Thật là một cảnh rất hạp cho người muốn tham thiền nhập định để luyện trí dưỡng thần...