Ông lão chỉ mấy người xung quanh mà nói rằng: “Đây là con của các đại đệ tử của Thầy tôi thưở xưa mấy ông ấy đã theo Phật, chỉ còn một mình tôi”.
Ông vui vẽ thuật lại sự tầm sư học đạo của huynh trưởng ông là ông Hai Lương.
Ông Hai là đệ tử thứ nhứt của ông Cử, quê quán ở tỉnh Bến Tre. Thưở 20 tuổi, ông Hai là một nhà túc nho. Vì phát bồ đề tâm rất sớm nên ông Hai từ giã cha mẹ, anh em đi tu. Ông ra đi đến 20 năm trời, bặt tin nhàn cá. Người nhà không biết ông tu ở non nào, động nào còn sống hay đã chết, nên mãi nhớ nhung thương tiếc.
Nhưng một dịp may có người quen ở tỉnh Mỹ Tho ghé nhà cho biết rằng anh ông vẫn còn sống và theo ông Cử ở Tà Lơn. Người mách tin này bằng lòng dẫn ông đi cho đệ huynh tương ngộ.
Ông tình nguyện đi đến nơi. Thế là đệ huynh hội hiệp, chi xiết vui mừng. Tối đêm ấy anh ông thuật lại cho ông nghe những nỗi khổ lao khi ra đi tầm sư học Đạo, từ “Bảy Núi” vượt đường qua Giang Thiềng, lên Cần Giọt. Không còn nhứt điếu trong mình, ông Hai phải làm thuê ở Cần Giọt, trót tháng để kiếm tiền mua thực phẩm rồi lần theo ngọn suối Cam Chại, tìm nơi thanh tịnh tu dưỡng hơn một năm trường. Ông Hai tự nghĩ: mình đã hy sinh tầm đạo, nếu không được minh sư khai sáng căn trí thì khó bề giải thoát.
Ông Hai nguyện cùng các đấng thiêng liêng dìu dắt ông gặp chơn sư để thọ giáo. Ông mới vượt non này qua đảnh nọ, đói ăn cơm khô, khát uống nước suối. Lúc bấy giờ quần áo ông tả tơi, đầu cổ u xù. Lần theo kẹt suối, xa xa trông thấy một ông già xuống suối xách nước. Ông tìm vào động đảnh lễ cầu Đạo. Ông già ấy trả lời: “Tôi cũng tu trì như chú chớ không thông hiểu mấy về con đường giải thoát”. Ông Hai hết lòng cầu khẩn nhưng ông già một mực từ khước. Ông Hai xin cho ông ở nấu nước và đỡ tay chân cho ông trong những công việc nhọc nhằn. Ông già thấy ông Hai một dạ thành khẩn mới bằng lòng cho ở. Nơi đó ông Hai ngày thì cuốc đất trồng khoai, tối lại công phu bái sám. Nhưng ông không thối chí ngã lòng, đặt trọn đức tin vào ông già ấy mà ông cho là bậc siêu nhân mới có thể tu luyện lâu năm trên này. Ngót một tháng trường chẳng thấy ông già chỉ dạy điều chi. Một đêm nọ ông già kêu ông Hai lại gần, thuật rõ lý lịch của ông, chừng đó ông Hai mới biết ông già này là ... ông Cử Đa. Từ ấy ông Cử nhận ông Hai làm đệ tử và lần lượt đem giáo pháp của ngài đã sưu tầm mà chỉ dạy cho ông Hai (Đây là tôi kể sơ chớ chuyện này còn dài lắm).
Ông Hai khuyên em ông tu. Ông này bằng lòng qui y và ở lại chơi ngót tháng mới về nhà đem vợ con ông lên non. Ông Cử nói “Con có vợ ở tu trên non không được”.
Ngài chỉ chỗ cho ông lão cất nhà gần chơn núi. Sau ông Cử đăng tiên thì chỗ ở heo rừng phá rẫy, làm ăn không được. Ông lão bèn dời về gần châu thành cho dễ bề sanh sống.
Đêm đã khuya, gà gáy canh đầu, người người đều từ giã ra về.
Đức Thầy và tôi nghỉ đây một đêm, trời vừa rựng sáng, Thầy trò từ giã lên đường, Đức thầy khuyên ông lão ráng bền chí trên con đường đạo hạnh, ngày sau gặp nhau một lần nữa, và sẽ được lắm điều vinh hạnh vui tươi.