Mẩu chuyện số 67 - MỘT BUỔI KHUYẾN NÔNG

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 44342)
Mẩu chuyện số 67 - MỘT BUỔI KHUYẾN NÔNG

V

ào năm 1944-1945 cuộc chiến trở nên ác liệt giữa hai phe Đồng minh và Phát xít. Bấy giờ nước ta bị phong tỏa, hàng hóa không nhập cảng được, trở nên khan hiếm đắt đỏ. Ngược lại thì lúa gạo không xuất cảng đặng, nên bị mất giá. Trong lúc đồng bào Miền Bắc chịu cảnh đói khổ thì ở Sài Gòn tức là miền Nam chúng ta, người Pháp dùng lúa thế cho than chụm các nhà máy điện. Vì thế lúa quá rẽ, nông dân bắt đầu bỏ ruộng hoang tìm nghề khác sanh sống. Nguyên nhân:

Cũng là vì Tây di bày kế,

Phá hoại nền kinh tế nước ta.

Làm cho điên đảo san hà,

Làm cho điêu đứng con nhà Lạc Long.

Để cứu vãn tình thế, người Nhựt yêu cầu Đức Thầy đi Khuyến Nông khắp vùng châu thổ sông Cửu Long, bởi họ biết Đức Thầy có ảnh hưởng lớn đối với đồng bào ở trong các tỉnh Miền Tây. Vì có nhiệm vụ thiêng liêng đối với dân tộc, Đức Thầy nhân cơ hội ấy nhận lời đi Khuyến Nông, để vừa khuyến khích nhân dân nổ lực cày cấy và vừa củng cố hàng ngũ Phật Giáo Hòa Hảo.

Cuộc Khuyến Nông nầy kéo dài suốt hai tháng từ ngày mồng Một tháng 5 đến 30 tháng 6 năm Ất Dậu 1945 gồm có 107 vị trí, mỗi vị trí số người dự nghe hàng năm bảy ngàn, nên phần nhiều các nơi thường tổ chức ở sân vận động.

Vào ngày mùng 4 tháng 6 năm Ất Dậu, Đức Thầy thuyết giảng ở sân vận động xã Mỹ Luông, Chợ Mới, Long Xuyên. Hai giờ chiều hôm ấy tôi có mặt tại vị trí. Lòng nôn nao trông ngóng vì bấy lâu nay chưa gặp Đức Thầy lần nào, mặc dù tôi đã qui y từ bốn năm trước. Nay là ngày tôi thỏa mãn nhứt vì được trực tiếp nghe lời thuyết giáo của Ngài.

Khoảng 3 giờ chiều trời đang nóng nực, mây đen phủ tới, ai ai cũng tản mác tìm nhà ẩn trú, rồi một đám mưa thật lớn như cầm thùng đổ. Qua bốn giờ, mưa tạnh, màn trời trở nên trong lặng, người ta kéo nhau trở lại sân vận động. Từ hai bên đường xuống đến bến tàu, nơi nào cũng đông nghẹt, không thể đếm lường con số được. Dầu vậy, nhưng chẳng hề nghe tiếng động hay tiếng nói chuyện lớn, tất cả đều trong tư thế nghiêm trang chờ đón.

Từ thuyền máy, Đức Thầy vừa đi vừa chào đáp mọi người cho đến khi bước lên diễn đàn Ngài xây mặt bốn phía, chào đồng bào bằng cách hai bàn tay nắm chặt vào nhau, đầu hơi cúi. Đoạn Ngài cất tiếng nói, giọng Ngài nghe thanh ấm như chuông đồng. Tôi ngồi cách rất xa vẫn nghe được rõ ràng, lời lẽ của đấng Từ Bi tuông ra như suối đổ, mà sức nhớ của kẻ phàm phu nầy có hạng, nên nơi đây tôi chỉ sơ lược những gì còn nhớ rõ mà thôi.

Đức Thầy bắt đầu thuật lại cảnh đói Miền Bắc:

“Có nhiều làng dân chúng chết chỉ còn lại thưa thớt, hết lúa khoai rau cỏ và thịt cá, gia súc, người ta hái lá cây mà ăn. Phái đoàn cứu trợ nhìn hai bên đường thấy vườn tược cây cối đều xơ xác còi cọc. Tại một đống rơm trên mười người nằm chết chung quanh, miệng còn ngậm vài cọng rơm. Cũng có nhiều người đi chưa tới đống rơm đã ngã chết dọc đường, thậm chí người ta còn ăn cả da giày da dép, nằm liệt hai bên lộ.

Cảnh rùng rợn hơn tại góc vườn nọ, năm bảy người ngồi chung quanh một cái nồi lớn đang đun sôi bốc hơi nghi ngút, đó không phải nồi cháo rau chi cả, mà chính là thịt người, do các đứa trẻ cha mẹ chết hết, không ai đùm bọc, bị những người ấy bắt làm thịt nấu ăn.

Ngài còn kể lại một thảm trạng bi đát. Là sau hè một cái nhà nhỏ, bà mẹ đem chôn sống một đứa con 6 tuổi, bởi bà thấy mình sắp chết. Nếu để con ở lại, người ta cũng bắt làm thịt mà ăn, nên bà chôn con trước rồi bà chết theo. Song vì sức yếu quá, bà chỉ đào được cái lỗ sâu chừng ba bốn tấc, rồi nhận đứa bé xuống lấp đất lại. Đôi mắt bà đẫm lệ, lòng như đứt từng đoạn ruột, đứa bé biết mẹ chôn sống mình, nên kêu khóc với mẹ:

-Mẹ ơi! Con sống đây, sao mẹ nỡ chôn con!?

Bà mẹ vừa đùa đất xuống vừa khóc:

-Mẹ thương con mẹ mới chôn con!

Đứa bé cố ngoi lên và kêu một lần nữa:

-Mẹ ơi! Con còn sống đây mẹ!

Bà mẹ lập lại mấy tiếng:

-Mẹ thương con mẹ mới chôn con!!

Rồi từ đó người ta chỉ còn nghe hai tiếng đứt quãng.. .mẹ ơi!. . .Con ơi! . . .cho đến khi dứt hẳn, bà mẹ ngã gục bên đứa con! Rồi mẹ con cùng chết!”

Nghe Đức Thầy thuật tới đây tự dưng nước mắt tôi trào ra dù là trong lứa tuổi 19 của hàng nam tử. Từ trước chưa lần nào bị xúc động như thế, tôi liền đưa mắt nhìn chung quanh thấy ai nấy cũng đều gục mặt, lấy khăn chặm nước mắt. Có nhiều bà nhiều cô khóc ra tiếng, bỗng nghe Đức Thầy kêu lớn lên ba tiếng:

-ĐÓI! ĐÓI! ĐÓI!

Mọi người đều giựt mình im lặng và hướng về diễn đàn, Đức Thầy liền cất giọng:

-Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào! Thần chết đã tràn vào Trung Bắc!

Ngài vừa đọc vừa giải thích hết bài. Tiếng Ngài nghe vừa vang rền cao vút, vừa thanh ấm thâm trầm, thật là khó tả, cả mấy ngàn người đều im phăng phắt để lắng nghe từ tiếng.

Ngài vừa đọc vừa thuyết giảng đến hết bài khuyến nông, rồi Ngài kêu gọi đồng bào hãy xây lưng đoàn kết nổ lực cấy cày và nhắc đến câu: “Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang, Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu” Ngài còn khuyến tấn mỗi người trong bổn đạo phải tuyệt đối thi hành hai phương diện: Phải cần kiệm sốt sắng lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất. Kế đó, Ngài đọc bài đính chánh để khuyến cáo đồng bào hãy cảnh giác, đừng để lầm lý thuyết vu vơ, những mối manh mê tín không đúng với chân lý của Đạo Phật.

Suốt hai tiếng đồng hồ Đức Thầy nói, tiếng Ngài càng lớn và thanh ấm, lưu loát chẳng hề lạc giọng.

Trên đường về ai nấy đều trầm trồ thán phục và tiếc uổng không làm sao nhớ cho hết lời thuyết giảng của Ngài.

PHẦN NHẬN XÉT:

Quay lại cuốn phim buổi Khuyến Nông của Đức Thầy tại xã Mỹ Luông, các tín hữu từ năm mươi tuổi trở lên chắc ai cũng có tham dự hoặc còn nhớ ít nhiều lời lẽ, một trong những nơi Khuyến Nông khác, tuy câu chuyện cách đây gần 40 năm nhưng với hình dáng giọng điệu và lý lẽ của Đức Thầy hình như đang hiện ra trước mắt kẻ cầm bút.

Đạo Phật phát ra từ dân tộc tín với chủ trương đời đạo liên hoan nhập thế cứu đời. Kẻ hành Đạo đúng theo ý tưởng xác thực của nó là làm thế nào phát hiện những đức tánh cao cả và thực hành trên thực tế bằng mọi biện pháp đem lại cái phúc lợi cho toàn thể chúng sanh, thì đó là thỏa mãn cho đời hành đạo của mình. Do đó, Đức Thầy và hầu hết tín đồ của Ngài đều có trách nhiệm thiêng liêng cứu nguy dân nước. Trước nạn đói khổ miền Bắc, Ngài đứng ra kêu gọi:

Cả kêu điền chủ phu nông,

Đứng lên đừng để ruộng đồng bỏ hoang.

Muốn cứu khỏi tai nàn của nước,

No dạ dày là chước đầu tiên.

Nam Kỳ đâu phải sống riêng,

Mà còn cung cấp cho miền Bắc Trung.

(Khuyến Nông)

Với các nhà điền chủ, tiền của đầy rương, ruộng vườn muôn mẫu, Ngài giác tỉnh họ:

Điền chủ phải một lần chịu tốn,

Giúp áo quần giúp vốn thêm lên.

Muốn cho dân được lòng bền,

Mua giùm canh cụ là nền khuyếch trương.

(Khuyến Nông)

Với những người nghèo khổ, làm thuê, làm mướn, như người xưa đã bảo: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, thì nay Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng dạy:

Kẻ phu tá cũng là trọng trách,

Cứu giống nòi quét sạch non sông.

Một phen vác cuốc ra đồng,

Thề rằng ruộng phải được trồng lúa khoai.

(Khuyến Nông)

Sau cùng, Ngài đem tấm lòng từ ái nhắn gởi các giới đồng bào, hãy xây lưng đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau để xứng là con cháu Tiên Rồng:

Gởi một tấm lòng son nhắn nhủ,

Khuyên đồng bào hãy rủ cho đông.

Nắm tay trở lại cánh đồng,

Cần lao nhẫn nại Lạc Long cổ truyền.

(Khuyến Nông)

Riêng phần tín đồ, Ngài dạy mỗi người cần thể hiện cả hai việc: sốt sắng lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất. Bởi có làm ăn gia đình mới đủ sống và yên tâm tu học, “Có thực mới giựt được Đạo”, lại còn dư ra để bố thí giúp đời và đủ phương tiện đền đáp Tứ Ân. Tứ Ân đã trả chẳng còn tội căn. Song sự làm ăn phải đúng theo chánh nghiệp và biết tiết kiệm để tránh sự tiêu xài xa xí mà suốt ngày dồn hết thân tâm phụng sự cho vật chất, không rảnh rỗi tu hành. Và có tu hiền chơn chất, hành giả mới đặng trọn lành trọn sáng để thoát qua tai nạn hãi hùng của cơ tận diệt và vượt khỏi vòng sanh tử luân hồi:

Tội tiêu phước hưởng trường tồn,

Không còn mắc nẻo dại khôn luân hồi.

Cho nên cả hai mặt nói trên, người tu theo Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo không thể thiếu một.

Cũng trong thời gian năm 1945 có bọn tà thuyết tung ra một bài sấm loan truyền ra khắp vùng Hậu Giang nói rằng tháng 8 tới đây sẽ tối trời, tối đất, người chết, nhà tan v. .. v…. . .Đức Thầy biết đó là điều mị dối có hại chung cho quốc dân:

Hại cho quốc kế dân sanh,

Ruộng đồng tươi đẹp dân đành bỏ ngơ.

Thương thay những kẻ ngu khờ,

Lầm mưu gian trá ngẩn ngơ ưu sầu.

Bọn chúng còn ngầm mưu toa rập với nhau làm mất uy tín của Phật Giáo Hòa Hảo, phao tin là chuyện đó do ông Tư Hòa Hảo truyền ra, nên buộc lòng Đức Thầy phải đính chánh:

Buộc lòng tôi phải đính ngoa,

Cho trong toàn quốc gần xa đều tường.

Chuyện nầy là chuyện hoang đường,

Của bọn phá hoại chủ trương hại mình.

Anh em ta hãy đồng tình,

Nếu gặp “nắm óc” đem trình “Công an”.

Chúng ta giải quyết lẹ làng,

Đừng để chuyện huyễn tràn lan ra nhiều.

(Đính Chánh)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn