Mẩu chuyện số 25 - NGÀY THẦY TRỞ LẠI

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 45410)
Mẩu chuyện số 25 - NGÀY THẦY TRỞ LẠI

B

à Út có kể mẩu chuyện như sau: Lúc còn ở Tổ Đình, có lần Thầy qua nhà ông Út, lúc có đủ mặt ông Út, bà Út. Đức Thầy nói:

-Sau nầy có thời gian tôi vắng tín đồ tôi, không một ai biết tôi ở đâu mà tìm, làm cho tín đồ tôi phải buồn tủi lắm. Nhưng đó chẳng qua là một cơn thử thách thôi.

Thầy nói tiếp:

-Ông Út bà Út biết không, lần trước họ bắt tôi, tôi không cho họ bắt, nhưng lần sau tôi đến cho họ bắt. Lúc đó tôi dùng hóa thân cho họ bắt tôi, từ đó làm cho tôi xa vắng tín đồ tôi luôn.

Ông Út hỏi:

-Rồi Thầy về không Thầy?

Đức Thầy đáp:

-Về chớ, nhưng ông nên nhớ là tôi sẽ về nguyên xác cũ, nghĩa là tôi đi sao về vậy chớ không có gì thay đổi hết.

Ông Út hỏi?

-Như vậy Thầy về luôn hay sao Thầy?

Đức Thầy đáp:

-Không! Tôi chỉ về một thời gian ngắn để sắp xếp công chuyện rồi đi nữa. Mà tôi báo cho ông Út bà Út hay nghe, khi tôi vắng mặt rồi ở nhà có chư Thần ghi chép hết các việc làm không sai một mảy. Khi tôi về thì các ông đem nạp sổ, cuốn nào cuốn nấy dầy cộm. Kẻ nào chân tu, kẻ nào giả tu, giữ giới hay không giữ giới, hung ác hay lương hiền, đều được kiểm soát kỹ lưỡng hết. Khi tôi xét bộ sổ rồi mới niêm yết lại, từ đó về sau không ăn năn sám hối được nữa. Nhưng tôi về chỉ bảy ngày là vắng mặt nữa.

Ông Út hỏi:

-Sao Thầy về mau quá vậy?

Ông Út hỏi tới đây Thầy lộ sắc buồn, châu đôi mày nói:

-Vì lúc đó là thời kỳ của Năm Chèo nổi lên sát phạt nhơn sanh chết vô số kể. Nếu tôi ở lại thì làm sao khỏi động lòng, mà ra tay bắt nó sớm thì sẽ có tội với Thiên Đình, nên phải vắng mặt để nó trị hết người hung, rồi mới trở về mà thâu nó.

Đức Thầy nói tiếp:

-Khi Năm Chèo nổi lên không phải nó nuốt riêng một nước mình nghe ông Út bà Út, mà các nước cũng bị nó nuốt nữa à! Nếu là người hung nó nuốt tất cả, mà còn người hiền thì ở đó nó chẳng làm gì. Tu hành như bà Út đây thì đứng coi chớ sao đâu. Còn người hung thì chư Thần lôi cổ lại cho nó nuốt, đến khi nó no thì cắn rảy bỏ, cho đến máu chảy thành sông, thây trôi lểnh nghểnh. Chừng đó ai muốn vớt thây thì xuống Chợ Mới mà vớt. Lúc mười tám nước thấy vậy đem bom to, súng lớn, đại bác, thần công, máy bay, tàu chiến đến để trừ nó. Nhưng đâu trừ được, bởi nó có phép thần thông, nên khi cường quốc đem vũ khí tối tân đến, đều bị nó phun lửa cháy hết. Rồi nó còn dùng phép bay lên hư không phun lửa đỏ trời, làm cho các nước đều kinh sợ. Bấy giờ họ mới hội kiến với nhau để tìm phương trị nó, nhưng tất cả đều bó tay. Cuối cùng họ mới đặt bàn cầu nguyện, nhờ Phật Trời cho có một bậc đức rộng tài cao ra tay cứu thế, chớ họ thì phải chịu đầu hàng. Lúc đo tôi mới đi trên mặt nước mà trở về. Hỏi các ông cường quốc: Sao? Các ông có cách nào để trị nó nữa không? Các cường quốc mười tám nước đồng đứng lên nói:

-Thưa Ngài, chúng tôi không còn cách nào trị nó nữa hết.

Thầy nói:

-Nếu như vậy các ông đứng qua một bên đi, để tôi thâu nó cho.

Còn Năm Chèo, từ khi biết Thầy về, nó lặn mất không còn tâm dạng. Dùng thần thông kêu lên một tiếng tức thì nó nổi lên. Từ thân hình to lớn dị thường, nó rùng mình một cái, bỗng biến ra nhỏ lại và không phải hình con sấu Năm Chèo, mà là một con Long Mã. Long Mã liền chạy tới trước mặt Thầy; qùy hai chân trước xuống. Con Long Mã nầy trên lưng có hàm ấn rõ ràng. Khi đó Thầy lên lưng cỡi nó. Long Mã liền chạy đi biểu diễn, ban đầu trên mặt đất, kế chạy trên mặt nước. Sau cùng chạy giữa hư không như ở đất liền.

PHẦN NHẬN XÉT:

Ngược dòng sử Đạo, ta thấy sự vắng mặt khá dài của Đức Tôn Sư đã để lại cho các đệ tử trung kiên biết bao là buồn tủi, đau xót. Điểm nầy đâu phải là Thầy không thấu hiểu cho ta. Hơn nữa là một vị Phật lâm phàm thì có điều gì Ngài không thông đạt.

Nhưng dù cho Đức Thế Tôn còn trụ tại thế cũng chẳng làm gì khác hơn, bởi do nghiệp quả của chúng sanh và cũng là cơ thử thách. Cho nên chúng ta phải:

Đợi cơ Thiên Địa xoay vần đến.

Chờ cuộc phong lôi đổi vận lành.

(Muốn Lánh Phồn Hoa)

Hơn nữa một cuộc chọn lọc để chuyển biến con người từ Hạ Nguơn Hạ trở lại Thượng Nguơn Thánh Đức đâu phải là một chuyện giản đơn. Thế nên, chẳng những Ngài đã báo trước trong nhiều đoạn Sấm Thi, mà còn nói riêng ở nhiều câu chuyện khác, về sự vắng mặt của Ngài. Có điều ta cần lưu ý, dù là Tiên Đạo hay Phật Đạo, nếu đã thử đệ tử tức nhiên là phải đòi hỏi ở sự khó khổ, nhẫn nại, trường kỳ, mới biết được sự kiên trinh bền chí của đệ tử ra sao, chớ đâu thể một sớm một chiều, thí sinh được chấm đậu lãnh thưởng bao giờ.

Về việc Năm Chèo thì Ngài cho biết:

Con sông nước chảy vòng cầu,

Ngày sau có việc thảm sầu thiết tha.

Chừng ấy nổi dậy phong ba,

Có con nghiệt thú nuốt mà người hung.

Đến chừng thú ấy phục tùng,

Bá gia mới biết người Khùng là ai.

(Sấm Giảng Quyển1:Khuyên Người Đời Tu Niệm)

Chẳng những thâu con Long ác nghiệt mà Đức Thầy còn hàng phục chư bang như câu:

Khùng mới nói chơi chư bang hàng phục.

(Hố Hò Khoan)

Thâu cho được con Long ác nghiệt,

Thì khắp nơi mới biết mến yêu.

(Sa Đéc)

Trong kinh Pháp Hoa phẩm Dược Thảo Dụ thứ năm, Phật tỷ dụ ông Trưởng Giả, thấy các con vì ỷ lại cha thương lo cho mình rồi không nghe lời cha dạy. Cha biết con có bịnh, nhưng không lo tìm thuốc. Cha có khuyên dạy, nhưng chẳng nghe lời, nên ông tìm cách lánh mặt, trước khi lánh mặt, ông tìm cách dạy con ở nhà lo uống thuốc và chỉ rõ cái lợi ích của người biết dùng thuốc, cái hại của người có bịnh không lo uống thuốc v.. .v.. .

Khi ông vắng mặt, các con vì thương nhớ cha mới suy gẫm lời dạy của cha mà trước kia mình không nghe nay phải khổ, phải chịu mất cha v.. v.. . Từ đó họ ăn năn sám hối, lo dùng thuốc đúng liều nên lành mạnh, bấy giờ cha về được sum họp an vui.

Ông Trưởng Giả khéo tạo phương tiện để vừa thử thách vừa thức tỉnh con. Đó chính là Đức Thích Ca Từ Phụ.

Chúng ta hôm nay cũng thế, sự vắng mặt khá lâu dài của Đức Thầy là một cơ thử thách mà cũng là một phương tiện khéo léo của đấng cha lành.

Thế nên, nếu ta biết nghe lời Thầy dạy dùng thuốc, tức tu theo Giáo Lý của Ngài để trị cho hết bịnh tà quấy, mê si, thì nhứt định ngày Long Hoa sẽ có mặt.

Dầu cho nay xa cách Sở, Tề,

Sau Thầy tớ gặp nhau Phật cảnh.

(Sa Đéc)

Ngoài ra, người thiện tín còn được ban thưởng xứng vị, xứng ngôi, và được coi hội của Phật Tiên chuyển lập, như câu:

Dương trần bỏ bớt tánh tham,

Đừng chơi cờ- bạc, đừng làm ác- gian.

Để sau coi Hội coi hàng,

Coi Tiên coi Phật mới ngoan bớ trần.

(Quyển 3 Sám Giảng)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn