CHÁNH VĂN (Từ câu 233 tới câu 296)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 40188)
CHÁNH VĂN (Từ câu 233 tới câu 296)

233.-Mau trở lại đừng theo tà-quỉ,

Tham, Sân, Si chớ để trong lòng.

Phải giữ lòng cho được sạch-trong,

236.-Mới thoát khỏi trong vòng bịnh khổ.

Lớp đau chết kể thôi vô số,

Thêm tà-ma yêu-quái chật đường. 

Chốn hồng-trần nhiều nỗi thảm-thương,

240.-Làm sao cứu những người hung-ác.

Khắp thế-giới cửa nhà tan-nát,

Cùng xóm làng thưa-thớt quạnh-hiu.

Bấy lâu nay nuôi duỡng chắt-chiu,

244.-Nay tận-diệt lập đời trở lại.

Khắp lê-thứ biến vi thương-hải,

Dùng phép-mầu lập lại Thượng-Ngươn. 

Việc Thiên-Cơ Khùng tỏ hết trơn,

248.-Cho trần-hạ tường nơi lao-lý.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 233 tới câu 248)

          -Đức Thầy kêu gọi những ai chạy theo tà đạo (mê tín dị đoan), sớm trở lại con đường chánh giáo.Vì:“Những hạng ăn đồ cúng kiếng mà làm hết bịnh là tà thần; nếu ta cúng kiếng mãi thì chúng ăn quen sẽ nhiễu hại ta”.(Tám điều răn cấm: Điều thứ năm).Còn lòng tham, sân, si của mỗi người, chính nó là thứ tà quỉ của nội tâm:“Tà kiến tam độc thật Ma Vương”.(Pháp Bửu Đàn Kinh). Hễ tham sân si càng tăng thì bịnh khổ càng nhiều và hột giống trí tuệ càng bị vùi lấp. Cho nên Đức Thầy khuyên người tu cần diệt trừ tận gốc, ba món phiền não căn bản ấy, tức lòng mình được thanh tịnh, huệ mạng sáng suốt, vững vàng và khỏi nỗi khổ, do tham, sân, si khuấy động.

          Ngài còn cho biết, sắp tới đây: nào cảnh ốm đau chết chóc, nào tà quái cả âm lẫn dương, nhiễu hại khắp lê dân. Bởi:

                   “Thời kỳ nầy nhiều quỉ cùng ma,

                     Trời mở cửa Quỉ Vương xuống thế”.

                                                (Giác Mê TK, Q.4)

          Thảm thương cho kẻ hung ác, phải gặp nhiều khổ nạn, dù Phật Tiên có đầy lòng từ bi, nhưng cũng không sao cứu được. Lại nữa, cơ Trời tiêu diệt buổi Hạ ngươn bắt đầu diễn tiến: trước nhất là cảnh chiến tranh chết chóc xảy ra, làm xóm làng thưa thớt, tài vật tiêu hao. Kế đó là nạn đói đau tiếp diễn, khiến cả nhân loại, đều chịu cảnh lầm than thống khổ. Trong “Giác Mê TK, Q.4” Đức Thầy nói rõ:

                   “Khổ với thảm ngày nay có mấy,

                     Sợ mai sau dòm thấy bay hồn.

                     Trừ tà gian còn thiện chỉ tồn,

                     Cảnh sông máu núi xương tha thiết”.

          Và rồi đây cuộc diện sẽ xảy ra:

                   “Ngọn thủy triều nô nức sục sôi,

                     Bầu trái đất một phen luân chuyển”.

                                                (Nang thơ cẩm tú)

          Hoặc là:

                   “Ôi ! Khổ thảm bốn bề sóng dậy,

                     Dòm lưng trời lửa cháy liên miên.

                            Tiêu điều sản vật điền viên,

               Thần thông biến hóa dưới miền trung ương”.

                                                (Đến làng Nhơn Nghĩa)

          -Sở dĩ có thảm cảnh như vậy là định luật trả vay của nhân và quả. Đó là do phép mầu của trời đất, dùng rửa sạch những phần tử xấu xa, tội ác trong thời hạ mạt, lập lại cảnh đời Thượng ngươn Thánh đức. Tất cả huyền cơ của tạo hóa, Đức Giáo Chủ đã nói hết cho thế trần được rõ những đau thương thống khổ, hầu sớm cải ác tùng thiện.

CHÚ THÍCH

          TÀ QUỈ: Tà ma quỉ quái. Đây chỉ cho các tà đạo thường bày ra sát hại sanh vật cúng tế quỉ thần ma quái, để cầu cho hết bịnh, nhưng bịnh đã không hết dứt mà trong gia đình lại thường bị đau ốm liên miên, nên Đức Thầy thường kêu gọi:

                    “Đừng theo lũ quỉ lũ ma,

              Cúng kiếng nó mà, nó phải ăn quen”.

          THAM, SÂN, SI: Là ba điều ác của ý nghiệp, là ba món phiền não trong “Ngũ độn sử”(Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi). Cũng gọi nó là Tam độc (ba điều độc hại):

          -Tham: là lòng ham muốn quá độ, nó thường sanh ra chiến tranh, giết hại và trộm cướp.v.v…

          -Sân: là tánh nóng giận, hay sanh gây gổ, cấu xé, hận thù.

          -Si: là mê muội tà kiến, không phân biệt được lẽ tội phước, hư nên, tốt xấu; không nhận đâu là chân lý. Tham Sân Si là nguồn gốc sanh ra muôn ngàn tội lỗi khác, Đức Thầy thường răn dạy:

                   “Chữ tham trong ý muốn mặc tình,

                     Rán định tánh trừ cho nó tuyệt.

                     Chữ gây gổ là sân hãy diệt,

                     Cho nó đừng thấp thoáng trong lòng.

                     Thêm chữ si thiệt quá lòng dòng,

                     Nên tỉnh trí tìm nơi dụt tắt”.(Giác Mê, Q.4)

            THẢM THƯƠNG: Đau đớn thương xót.

          CHẮC CHIU: Cũng viết là chắt chiu và cũng gọi là chít chiu. Có nghĩa là đùm bọc, dắt dìu. Cổ thi có câu:

                   “Chắc chiu trong trứng mới nở ra,

                     Diều đâu bay lại sớt con gà”.(Thân gà)

          Hoặc là:“Mẹ gà, con vịt chắt chiu”.(Ca dao)

          TẬN DIỆT: Dứt hết, tiêu diệt hết. Cơ tận diệt, đời tận diệt.

          BIẾN VI THƯƠNG HẢI: Do câu “Tang điền biến vi thương hải”, hoặc “Thương hải biến vi tang điền”. Có nghĩa ruộng dâu hóa ra biển xanh, biển xanh trở thành ruộng dâu. Tục truyền trong Trời đất, cứ 500 năm có biến đổi một lần. Do tích Tiên nữ Ma Cô: Bà thấy ba lần biển xanh hóa ra ruộng dâu…Đây ý nói sự biến đổi từ cảnh đời Hạ ngươn ra Thượng ngươn, theo luật “Châu nhi phục thỉ”.

          THƯỢNG NGƯƠN: Ngươn đầu tiên (Xem thêm Chú thích chữ Hạ ngươn đoạn 5 bài Sứ Mạng).

          THIÊN CƠ: (Xem chú thich đoạn 7, bài Sứ Mạng).

          LAO LÝ: Nhà ngục. Ý nói bị giam hãm trong tù ngục, rất buồn thương khổ sở. Ví dụ: Mắc vòng lao lý.

 

CHÁNH VĂN

249.-Lão nào có bày điều ma-mị,

Mà gạt-lường bổn-đạo chúng-sanh.

Đức Minh-Vương ngự chốn Nam-Thành,

252.-Đặng phân xử những người bội nghĩa.

Trung với hiếu ta nên trau-trỉa,

Hiền với lương bổn-đạo rèn lòng.

Thường nguyện-cầu siêu-độ Tổ-Tông,

256.-Với bá-tánh vạn dân vô sự.

Đời Ngươn-Hạ nhiều người hung-dữ,

Nên xảy ra lắm sự tai-ương.

Đức Di-Đà xem thấy xót-thương,

260.-Sai chư Phật xuống miền dương-thế.

Tu kíp kíp nếu không quá trễ,

Chừng đối đầu khó kiếm Điên Khùng.

Cứu lương-hiền chẳng cứu người hung,

264.-Kẻ gian-ác đến sau tiêu-diệt. 

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 249 tới câu 264)

          -Đoạn nầy ý nói Đức Thầy chẳng hề mị dối để lừa gạt tín đồ và bá tánh mà lúc nào Ngài cũng tỏ thật cho mọi người được biết: sau nầy sẽ có Đức Thánh Vương ngự tại Hoàng thành Việt Nam để phân xử những người vong ân bội nghĩa:

                   “Trên Vua Minh Chánh cầm cân,

             Dưới quan liêm tiết xử phân công bình”.(Hoài Cổ)

            -Cho nên Ngài khuyên vạn dân phải vẹn gìn trung hiếu, vì đó là hai điều trong “Tứ đại trọng ân”:“Hiếu trung phải liệu cho xong, Đến chừng gặp chúa mới mong trở về”.(Sám Giảng Q.3) Đồng thời lo rèn tập thân tâm được trở nên hiền từ thanh khiết và luôn tu cầu cho Cửu huyền Thất tổ đặng siêu thăng, cả vạn dân đều an cư lạc nghiệp, sớm tỉnh ngộ tu hành.

          -Bởi chúng sanh thời mạt hạ quá hung tàn bạo ác, nên có tai biến hãi hùng xảy đến. Đức Di Đà xót thương cho bá tánh gặp hồi tai họa, nên sắc lịnh cho chư Phật cùng Đức Thầy lâm phàm khai Đạo cứu dân. Ngài truyền dạy mỗi người gấp rút tu hành, để kịp thời thoát khỏi “Nếu để trễ chầy e chẳng kịp”.(Để chơn đất Bắc). Và:“ Để chừng đến việc kiếm Thầy khó ra”.(Sám Giảng Q.3).

            -Căn cứ luật công bằng của tạo hóa thì hiền còn dữ mất; trong cuộc tẩy trần tới đây, chỉ có người lương thiện, mới được sống tồn ngày Thượng ngươn an lạc, còn những phần tử ác hung, tất phải bị luật đào thải diệt vong.

 

CHÚ THÍCH

          MA MỊ: Dua mị dối trá.

          NAM THÀNH: Thành trì nước Việt Nam.

          BỘI NGHĨA: Bội ơn, bạc nghĩa, không nhớ ơn nghĩa. Đức Thầy có câu:“Gẫm nhiều người bội bạc thâm ân”.(Khuyến Thiện Q.5)

            TRUNG VỚI HIẾU: (Xem chú thích chữ “Thảo cha ngay chúa” câu 290, Q.1).

          TRAU TRỈA: Cũng đọc là trau tria. Có nghĩa tu sửa, giồi chuốt. Ý chỉ người hành Đạo cần trau sửa bào chuốt cho thân tâm được hoàn toàn tốt lành. Đức Thầy từng dạy:“Mau mau trau trỉa chữ lành cho xong”.(Thiên lý ca)

          Và:     “Trau tria nhục thể về nơi cũ,

                     Chùi rửa tim gan một tấc lòng”.

                                      (Cho một vị sơ tâm)

          SIÊU ĐỘ TỔ TÔNG: Siêu độ là cứu lên cho khỏi. Cũng gọi là độ thoát. Tổ tông là Ông bà dòng họ (Cửu huyền Thất tổ)… Ý nói người tu cần lo trau thân hành Đạo, bố thí trì chay để hồi hướng công đức, cầu nguyện cho Tổ tiên dòng họ được siêu thăng Tịnh độ, thoát khỏi sự khổ não trong luân hồi lục đạo. Đức Thầy dạy tín đồ hằng nguyện:

                   “Nguyện đem công quả tu hành,

                Cứu trong Tông Tổ vãng sanh liên đài.

                   Về Phật quốc ngày ngày an lạc,

                   Cả giống dòng giải thoát luân trầm”.

                                 (Bài nguyện trước bàn thờ Cửu huyền)

            TAI ƯƠNG:          Tai họa lớn. Đức Thầy có câu:

                   “Nếu chẳng nghe hồn vướng tai ương,

                     Chừng ấy mới kêu mời khó rước”.

                                                (Khuyến Thiện Q.5)

          KÍP KÍP: Gấp gấp, ý khuyên việc gì cần làm mau, làm gấp mới kịp. Đức Thầy từng khuyên:“Đời cùng tu gấp kịp thì, Đặng xem báu ngọc ly kỳ năm non”.(Sám Giảng, Q.3).

          ĐỐI ĐẦU: (Xem chú thích câu 126, Q.1)

          GIAN ÁC: Gian trá và hung ác. Phường gian ác. Đức Thầy thường cảnh tỉnh:

                   “Thương đời văn vật say mê,

        Làm điều gian ác thảm thê sau nầy”.(Sám Giảng Q.3)

            TIÊU DIỆT: Diệt hết, làm tan mất cả, không để sót lại.

CHÁNH VĂN

265.-Nay trở lại như đời Trụ-Kiệt,

Hãy tu nhơn chớ có tranh-giành.

Tuy nghèo hèn mà chí cao-thanh,

268.-Được hồi-phục nhờ ơn chư Phật. 

Hãy thương-xót những người tàn-tật,

Thấy nghèo hèn chớ khá khinh cười.

Trên Năm-Non rồng phụng tốt-tươi,

272.-Miền Bảy-Núi mà sau báu-quí.

Mặc trai gái trẻ già có nghĩ,

Thì khoan cười tôi rất cám ơn.

Khùng ra đời truyền dạy thiệt hơn,

276.-Chư bổn-đạo chớ nên khinh rẻ.

Nay Khùng đã hết già hoá trẻ,

Nên giữa đồng bỗng lại có sông.

Ở Tây-Phương chư Phật ngóng trông,

280.-Chờ bá-tánh rủ nhau niệm Phật.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 265 tới câu 280)

-Thế cuộc hiện nay, chẳng khác thời Kiệt Trụ khi xưa, tình trạng Vua bất minh, tôi bất trung:“Loạn luân cang kỷ bất từ bất lương”.(Cảm tác) Khiến chúng dân gánh chịu cảnh lầm than cơ cực. Đức Thầy kêu gọi mọi người nên mở rộng lòng nhơn bố thí cho những ai nghèo đói tàn tật. Đồng thời diệt bỏ tánh tham lam giành giựt. Tuy sống trong cảnh nghèo hèn, nhưng hãy rán giữ lòng trong sạch cao khiết, tất có ngày chư Phật sẽ hộ trì cho phục hồi cựu vị Phật Tiên.

          -Ngài còn cho biết tại miền “năm non bảy núi”, tuy hiện giờ thấy toàn là cây đá âm u, nhưng sau nầy sẽ có cảnh vui tươi quí báu:“Rừng lâm cây đá thấy ngày nay, Mà ruột năm non có các đài”.( Đến làng Nhơn Nghĩa).

          -Vì lòng quá thương xót chúng dân, nên Ngài kể hết sự tình, mặc cho nam nữ trẻ già có tin hay không tùy ý, chớ không nên khi dể nhạo chê làm chi cho vương nghiệp tội.

          -Thời gian trước Đức Thầy giáo dân với xác thân là một ông Lão, nhưng Ngài chuyển kiếp khai Đạo kỳ nầy, với một thể xác trẻ trung. Nguồn giáo pháp của Ngài thuyết ra ví như con sông thông ra biển cả. Nếu ai biết nương theo đó mà tiến hành và chuyên tâm làm lành niệm Phật, tất được giải thoát an vui. Vì bên cõi Tây phương Cực Lạc Đức A Di Đà cùng chư Bồ Tát rất mong đợi khắp bá tánh đồng tâm niệm Phật để được các Ngài tiếp dẫn vãng sanh về cảnh giới ấy.

 

CHÚ THÍCH

          TRỤ: (Xem chú thích câu 305, Q.1).

          KIỆT: (Xem chú thích câu 125, Q.2).

          CAO THANH: Cũng đọc là thanh cao. Có nghĩa cao thượng và thanh nhã, trong sạch. Truyện Kiều có câu:“Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Đức Thầy cũng dạy:

                   “Thường trau giồi chí hướng cao thanh,

                     Cho khỏi thẹn con lành Phật giáo”.

          HỒI PHỤC: Khôi phục lại như cũ. Ý nói cái gì đã bị mất mát, sai lạc hay bịnh hoạn mà nay được hồi phục trở lại.

          NĂM NON: Năm cái chỏm cao (vồ) trên núi Cấm (Thiên Cẩm sơn), gồm có:

1-     Vồ Bò Hong: vì khi xưa, ít người lai vãng nên giống bò hong sanh sản nhiều vô số ở tại vồ nầy. Cao 716 thước, ở về hướng Tây.

2-     Vồ đầu: phải chăng vì cái vồ đầu tiên mà người ta gặp được khi lên núi do ngã chợ Thum Chưng. Cao 584 thước ở về hướng Tây Bắc.

3-     Vồ Bà hay Phnom Barech: vì ở đây có một cái điện thờ Bà Chúa Xứ. Cao 579 thước, ở về hướng Nam.

4-     Vồ Ông Bướm: vì khi xưa Ông Bướm và Ông Vôi, vốn người Miên, tướng lĩnh của Cố Quản Trần Văn Thành, tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. Sau về ẩn náo tu hành ở nơi đây và được chứng Đạo.

5-     Vồ Thiên Tuế hay Phnom Prapéal: Vì ở đây có nhiều cây thiên tuế, cao 514 thước ở về hướng Đông.(Dẫn theo quyển Thất sơn Mầu nhiệm).

          BẢY NÚI: (Xem chú thích câu 88, Q.1).

NAY KHÙNG ĐÃ HẾT GIÀ HÓA TRẺ: Đức Thầy đã nhiều lần chuyển kiếp độ đời, từ xác già chuyển sanh lại xác trẻ, bởi Ngài:“Thương hồng trần mượn xác tái sanh”.(Diệu pháp Quang minh).

          Như từ Phật Thầy Tây An chuyển sanh lại Đức Huỳnh Giáo Chủ:

                   “Tạo xác Huỳnh danh thanh sắc trẻ,

                     Chờ thời Thiên định thiết hùng ca”.

                                 (Hai mươi chín tháng chạp)

            (Câu giảng trên còn có ý nghiã đúng theo lời tiên tri của Đức Phật Thầy: - Bấy giờ (1856), Đức Phật Thầy Tây An cùng các đệ tử đứng trước thềm chùa Tây An núi Sam, nhìn xuống đồng Láng Linh, nhằm mùa nước lớn mênh mông như biển, Ngài có nói: - Chừng nào giữa đồng Láng Linh nầy có con sông thì Ngài sẽ trở lại độ đời với hình thể trẻ trung hơn bây giờ. Đến năm 1939, người Pháp cho xáng múc con Kinh Vịnh Tre xuyên qua đồng Láng Linh. Và cũng trong năm 1939 ấy, Đức Huỳnh Giáo Chủ ra đời khai sáng PGHH – Nên biết Đức Phật Thầy tiên tri lời nầy năm 1856 lúc Ngài 50 tuổi. Và 83 năm sau Đức Giáo Chủ PGHH ra đời mới 20 tuổi. Cho nên sự việc nầy cũng rất ứng với các câu giảng kể trên).

            NÊN GIỮA ĐỒNG BỖNG LẠI CÓ SÔNG: Phàm những người ở giữa đồng khô, thường bị thiếu nước xài và cũng chẳng có sông rạch, để thông ra biển cả. Bỗng nhiên lại được con sông đào đến, thật là điều may mắn ít có. Ý nói chúng sanh sống thời mạt pháp cảnh khổ bao trùm, rất khao khát trông đợi người cứu tinh. Bỗng được Đức Thầy khai nguồn Đạo pháp, thì có chi vinh hạnh cho bằng.

          Con đường Đạo lý của Ngài vạch ra ví như dòng sông, giúp cho chúng sanh nương theo đó mà vượt ra biển cả, tức được giải thoát an vui. Như Ngài cho biết:

                   “Cá to mà phải ở ao,

          Muốn ra biển rộng phải nhào kiếm sông.

                   Một mai dạo được Tây Đông,

            Khắp trong thế giới thỏa lòng ước ao”.

          TÂY PHƯƠNG: Cảnh Phật, tức cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.

          NIỆM PHẬT: Trì niệm lục tự Di Đà. Tức chỉ người tu theo Pháp môn Tịnh độ để được vãng sanh về cõi Tây phương Cực lạc. Bởi Đức Phật A Di Đà có nguyện:“Nếu chúng sanh nào xưng danh hiệu Ta (niệm Phật) thì chắc sanh về nước Ta, nếu không y lời thì ta chẳng thể làm Phật”. Đức Thầy nay cũng xác định:

                   “Ao sen báu Tây phương đua nở,

                   Chờ chúng sanh niệm Phật chí tâm”.

                                      (Khuyến Thiện Q.5)

 

CHÁNH VĂN

281.-Làm nhơn-ái ắt tiêu bệnh-tật,

Vậy hãy mau tầm Đạo Thích-Ca.

Phật tại tâm chớ có đâu xa,

284.-Mà tìm kiếm ở trên Non-Núi. 

Chúng đục-đẽo những cây với củi,

Đắp xi-măng sơn phết đặt tên.

Ngục A-Tỳ dựa kế một bên,

288.-Chờ những kẻ tu hành giả-dối.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 281 tới câu 288)

          -Đức Giáo Chủ khuyên mỗi người, nên mở rộng lòng nhơn ái, đối với vạn loại chúng sanh thì ít vương mang bệnh tật. Bởi căn cứ vào luật nhân quả, hễ ai tạo nghiệp sát, hoặc đánh đập làm đau khổ chúng sanh khác thì kiếp nầy hoặc kiếp sau bị giảm thọ (bớt tuổi), đau ốm liên miên và thân hình xấu xí tàn tật. Bằng ai bố thí phóng sanh đối với người và vật thì được phúc thọ (sống lâu), ít bệnh tật, thân xác tươi đẹp. Kinh Niết Bàn có chép:“Có hai nhân duyên làm cho chẳng sanh ra bệnh khổ: Một là thương xót tất cả chúng sanh. Hai là thí thuốc cứu những người có bệnh”.

          -Trên đường tu học, nếu hành giả muốn kết quả chắc chắn, trước phải tìm hiểu Đạo Phật cho chính xác. Bởi muôn ngàn phương tiện trong Giáo lý của Phật đều dạy nhà tu hãy tìm lại Phật tâm của mình:“Phải bền lòng tầm Phật trong tâm”.(Kệ Dân Q.2) Muốn thế, hành giả phải dùng trí huệ diệt hết vọng tâm phiền não, tức Phật tánh hiện bày:“Trí hiền tâm đức chùi lau, Ra công lọc kỹ thì thau ra vàng”.(Sám Giảng Q.3) Bằng ai tìm Phật theo những tượng cốt (thinh âm sắc tướng) hoặc núi non am cốc thì chẳng khác “người cỡi trâu lại đi tìm trâu”, tu như thế rất sai lầm mong gì kết quả.

          -Còn những kẻ tu hành giả dối, phô trương hình thức bên ngoài để lừa bịp thế gian. Chính họ đã hành sai chân lý, lại còn dẫn dắt bá tánh lầm lạc thì ắt:“Khó mong cửa Phật dựa kề, Càng gần Địa ngục nhiều bề thảm thương”.(Phụ nữ Ca Diêu).

CHÚ THÍCH:

          NHƠN ÁI: Cũng gọi là nhân ái, tức lòng nhơn đức hay thương người mến vật, tha thứ người, thương xót hạng cơ bần và tận tâm giúp đỡ họ mọi điều ích lợi. Người có lòng nhơn ái bao giờ cũng tròn hiếu Đạo với cha mẹ, kính thuận với đệ huynh, hòa hài với xóm chòm, cô bác; tôn trọng mạng sống các sanh vật, không vô tình hay cố ý làm đau đớn hoặc thiệt hại thân mạng của chúng.

          Kinh Phật bảo:“Cái lợi lớn hơn hết là ở nơi lòng nhân từ, cái phước lớn hơn hết là do tâm thanh tịnh”. Đức Thầy nay cũng từng dạy trong “Khuyên người giàu lòng Phước Thiện”:“Lòng nhơn xin khá tập rèn” và trong “Diệu pháp Quang minh”:“Chí quân tử lòng nhơn vạn đại”.

          ĐẠO THÍCH CA: Đạo Phật, vì Đức Thích Ca là Giáo chủ Đạo Phật toàn cõi Ta bà. Truyện Quan Âm Thị Kính có câu:“Buồn muốn đi tu Đạo Thích Ca”.

          PHẬT TẠI TÂM CHỚ CÓ ĐÂU XA: Tâm của mỗi chúng sanh đồng một bản thể với chư Phật. Từ vô thỉ trong thể chơn như ấy, vì một tích bất giác vọng niệm sai lầm, nên bị đám mây phiền não che lấp Phật tâm. Từ đó mọi kiến thức đều do phiền não chi phối, nên ta không thể thấy được Phật tâm của mình. Cũng ví như hồ nước đang trong sạch, bỗng bị gió thổi, sóng trào, khiến cặn cáu nổi lên làm nước đục ngầu, không thể nhìn ra đâu là nước trong. Nhưng khi hết gió, sóng lặng, bùn cặn lắng chìm tận đáy, bấy giờ ta thấy hồ nước trong lành trở lại.

          Vậy trong hồ nước đục trước kia, có sẵn thể nước trong sạch. Cũng như trong tâm chúng sanh (vọng), có sẵn chơn thân (Phật), tức trong phiền não vẫn có Bồ đề, trong mê có giác. Nên người muốn tìm Phật mà cứ chạy theo hình tướng bên ngoài, hoặc tìm nơi non cao rừng thẳm là sai lầm. Bởi không có Phật nào khác hơn là bản lai thanh tịnh của chính mình.

          Kinh Niết bàn, Phật bảo:“Nhược nhơn bất tri Phật tánh giả, tắc vô trượng phu tướng giai danh nữ nhơn”.(Nếu người không biết mình có tánh Phật thì người đó không phải là bậc trượng phu, chỉ gọi là nữ nhơn thôi). Đức Lục Tổ Huệ Năng cũng nói:

                   “Người tu hành muốn kiếm Phật thân,

                     Nơi nào kiếm chơn thân của Phật.

                     Trong tự tánh thấy thường chơn thật,

                     Có chơn thì giống Phật mới thành.

                     Chẳng thấy tâm kiếm Phật ngoài thân,

                     Tâm vọng khởi thiệt phần si ám”.

           Đức Phật Thầy Tây An cũng dạy:

                   “Lọc lừa thì được nước trong,

               Ma, Phật trong lòng lựa phải tầm đâu ?”

          Đức Thầy nay cũng đã hằng khuyên:

                   “Nhàn thanh tìm kiếm kiếm nơi tâm,

                     Phật cũ ngày xưa hãy rán tầm”.

                                      (Đến làng Nhơn Nghĩa)

          NGỤC A TỲ: Phạn ngữ là Avichi, phiên âm là A Tỳ, dịch là vô gián. Có nghĩa: không phút nào gián đoạn. Ngục A Tỳ là cảnh địa ngục thấp hơn hết và nguy khổ hơn hết trong 8 Địa ngục lớn (Bát đại Địa ngục). Tội nhân vào đó bị trừng phạt không lúc nào ngừng nghỉ, nên có tên là ngục vô gián.

          Trong Địa Tạng kinh có giải năm nghiệp cảm chẳng gián đoạn ấy như sau:

1-     Tội nhơn vào đây, ngày đêm đều chịu sự trừng phạt, cho đến hằng số kiếp, không lúc nào gián đoạn.

2-     Nhiều người nằm trong giường ngục thì bị chật, nhưng bớt ra, chỉ còn một người cũng thấy chật như thường.

3-     Những đồ trừng trị như: gậy, côn, chim cắt, rắn, chó sói, chó thường, cối xay, cối giã, cưa xẻ, đâm, xẻo, vạc dầu, lưới sắt, dây sắt, ngựa sắt, da sống trói đầu, sắt nóng dội vào mình, đói ăn viên sắt, khát uống nước sắt, quanh năm suốt kiếp, kể vô số.

4-     Bất luận nam nữ, thổ mán mọi rợ, già trẻ sang hèn, hoặc Trời, người, quỉ, thần.v.v…Hễ ai làm ra tội gì thì mang lấy tội nấy đều phải chịu mãi như vậy.

5-     Đọa xuống Địa ngục nầy, từ khi mới vào cho đến trăm ngàn kiếp, trong một ngày một đêm muôn lần chết đi rồi sống lại, cầu xin tạm nghỉ một chút cũng không được, cứ liên tiếp như vậy mãi, trừ ra khi nào hết tội nghiệp mới được đi đầu thai.

                   Cũng trong Địa Tạng Kinh còn nói rõ, những người phạm tội như sau đây sẽ bị đọa vào Ngục A Tỳ:

          “Kẻ bất hiếu với cha mẹ, chê bai Tam Bảo hủy báng Kinh Pháp; làm thân Phật chảy máu; kẻ xâm lấn tổn hại nhà chùa, làm ô uế tăng ni, ở trong vòng chùa chiền làm việc dâm dục, phóng túng hoặc giết hại nhơn vật. Kẻ giả bộ thầy tu để phá đồ vật nhà chùa, lường gạt kẻ tại gia, làm trái giới luật và tạo ra nhiều tội ác; kẻ trộm cắp đồ vật của nhà chùa và chúng tăng”. Tất cả những tội phạm nói trên đều bị đọa vào Ngục A Tỳ.

 

CHÁNH VĂN

289.-Khuyên sư-vãi mau mau cải-hối,

Làm vô-vi chánh Đạo mới mầu.

Đạo Thích-Ca nhiều nẻo cao sâu,

292.-Hãy tìm kiếm cái không mới có.

Ngôi Tam-Bảo hãy thờ Trần-Đỏ,

Tạo làm chi những cốt với hình.

Khùng nói cho già trẻ làm tin,

296.-Theo Lục-Tổ chớ theo Thần-Tú.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 289 tới câu 296)

          -Bởi thấy thời nay có số tăng ni trong các chùa tu theo sắc tướng thinh âm làm sai lạc chân truyền của Đạo Phật từ trước, nên Đức Thầy khuyên họ mau trở về với Chánh pháp vô vi:“Huyền Pháp thâm trầm thơm bất tuyệt, Vô vi Chánh Đạo hỡi người ôi !”(Cho ông Tham tá Ngà).

          Có thế mới đúng chân truyền của Đức Phật Thích Ca và mới kết quả trên đường tu Phật. Vì rằng: tất cả hình tướng màu sắc đều là hư vọng, ảo ảnh. Người tu theo sắc tướng (hữu vi), khác nào kẻ bắt bóng trong gương, mò trăng đáy nước. Kinh Thiền Môn đã nói:“Tu mà cầu hình tướng bên ngoài, tuy trải qua nhiều kiếp, rốt cuộc chẳng đặng thành công. Nếu giác ngộ trở về xem bản tánh mình, thì trong một niệm liền chứng quả Bồ đề. Cho nên hành giả phải tìm cái chơn không (chơn tâm) mới là thật có”. Đức Giáo Chủ hằng dạy:

                   “Chuyện cao siêu Phật pháp còn dài,

                     Khó gặp chữ không không mà có”.(Sa Đéc)

          -Do đó, về nghi thức thờ phượng, Đức Thầy không cho tín đồ tạo thêm hình cốt, hoặc tụng tán trống mõ, chuông đẩu, mà:“…nên thờ đơn giản cho lòng tin tưởng trở lại tâm hồn hơn ở vào sự hào nháng bề ngoài”. :“Về cách cúng Phật, chỉ nên cúng nước lạnh, bông hoa và nhang thôi. Nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, còn nhang dùng đặng bán mùi uế trược. Ngoài ra chẳng nên cúng một món gì khác cả. Bàn thờ Ông Bà cúng món chi cũng đặng”.(Thờ phượng).

          -Đức Thầy hằng khuyên dạy tín đồ hãy tu theo Đức Lục Tổ Huệ Năng, tức là tu đúng theo chánh pháp vô vi của Đức Thích Ca, vì Đức Lục Tổ đã chứng thọ chân truyền, chớ không nên tu theo Thần Tú, bởi phái nầy thường bày ra sắc tướng thinh âm, làm sai lạc chân lý của Đạo Phật.

CHÚ THÍCH

          SƯ VÃI: Các Tăng sư và những Ni Cô đã xuất gia vào chùa tu hành.

          CẢI HỐI: Hối hận những việc đã lầm lỗi và quyết định sửa đổi lại.

          VÔ VI: Phạn ngữ Asamskrta. Dịch là Vô Vi, có nghĩa: không có nhân duyên tác động, không có hình tướng màu sắc, không có bốn tánh sanh, trụ, dị, diệt. Vô vi cũng gọi là chơn lý tuyệt đối, là Niết Bàn, là Đạo, là vô tướng và thật tướng.

          Vậy làm vô vi là làm không có hình tướng về sắc mà cũng không có hình tướng về tâm. Tuy tri hành tất cả việc Đạo pháp, nhưng tâm không còn phân biệt ngã chấp, không có tướng người, tướng ta, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tất đạt đến thật tướng Niết Bàn, chơn không diệu hữu.

          Đức Thầy dạy “làm vô vi” mới là Chánh Đạo, và mới đúng chân truyền của Đức Thích Ca, bởi tâm ấn của Ngài là:“Chánh pháp nhãn tàng, Niết Bàn diệu tâm”, lìa cả hình tướng văn từ, ngôn ngữ, chỉ dùng tâm mà trì hành chứng đắc và dùng tâm truyền qua 33 vị tổ. Tới Đức Lục Tổ Huệ Năng cũng chỉ có một tâm ấn. Đức Thầy hiện nay cũng bảo: Đạo vô vi của Phật ân cần, Noi theo chí Thích Ca ngày trước”.(Giác mê Tâm kệ Q.4).

          Và:     “Xả thân tầm Đạo vô vi,

                Nhiệm mầu thâm diệu nan tri Lão bày”.

                                      (Từ giã làng Nhơn Nghĩa)

          CÁI KHÔNG MỚI CÓ: Cái lý chơn không mà diệu hữu. Cái không ở đây là không có sắc tướng, bởi Đức Phật từng bảo:“Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thinh cầu ngã. Thị nhân hành tà Đạo, bất năng kiến Như Lai”.(Nếu dùng sắc mà thấy ta, lấy âm thinh cầu ta. Thiệt là người hành Tà đạo, chẳng bao giờ thấy được Như Lai). Hoặc là:“Phàm hữu sở tướng, giai thị hư vọng; nhược kiến chư tướng, phi tướng, tức kiến Như Lai”.(Các pháp tướng đều là không thật, ví như ảo mộng. Bằng thấy các tướng mà chẳng chấp tướng tức thấy được Như Lai).

          Vậy hành giả nếu không còn thiên chấp theo sắc tướng tức chứng được “cái không”, tức là chơn không, cũng gọi là Tạng Tánh Như Lai. Nhưng không mà chẳng không, nên gọi là có. Bởi trong cái chơn không thanh tịnh ấy vốn có diệu dụng sáng mầu, chẳng thể nghĩ bàn được, nên gọi “không mà có”. Như Đức Thầy từng bảo (trong Giác mê Tâm kệ Q.4):“Vô pháp tướng mới là thiệt tướng”. Hoặc là:

                   “Tìm tõi Đạo mầu trong Phật pháp,

                     Cho đời hiểu rõ lý chơn không”.

                                      (Khuyên bỏ dị đoan)

          TAM BẢO: Phạn ngữ Triratna, dịch là Tam bảo. Có nghĩa: Ba ngôi quí báu, tức Phật, Pháp, Tăng.

1-     Phật là đấng toàn thiện toàn giác “bác ái vô cùng, quyết cứu vớt sanh linh ra khỏi vòng trầm luân khổ hải”. (Ân Tam bảo)

2-     Pháp là lời của Phật thuyết ra để giáo hóa chúng sanh, sau các Đại đệ tử kết tập lại thành Tam tạng: Kinh, Luật, Luận. Người tu nhờ trì hành theo đó mà đắc thành Đạo quả.

3-     Tăng là các Đại đệ tử của Phật, bậc giới hạnh tinh nghiêm, liễu ngộ Phật pháp và vâng ý Phật mà giáo hóa chúng sanh.

          Lúc Đức Phật Thích ca còn trụ thế, chính Ngài là Phật bảo. Lần đầu tiên Ngài đến rừng Lộc Giả thuyết pháp Tứ Diệu Đề và Bát Chánh Đạo cho năm anh em Kiều Trần Như nghe, đó là Pháp bảo. Năm vị ấy khi nghe xong đều tỏ ngộ chứng quả A La Hán, ấy gọi là Tăng Bảo. Rồi từ đó Phật pháp truyền dạy lan rộng thêm vô số Pháp bảo và Tăng bảo.

          Còn luận giải theo lý tánh thì tự tâm mình giác ngộ là Phật Bảo.- Tự tâm mình chơn chánh là Pháp Bảo.- Tự tâm mình thanh tịnh là Tăng Bảo.

          Ngôi Tam Bảo mà Đức Thầy đề cập ở đây là chỉ cho Bàn thờ Phật tại mỗi gia đình của mỗi tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.

          TRẦN ĐỎ: Bức trần màu đỏ thờ trên ngôi Tam bảo để biểu hiện tinh thần từ bi của Phật, đó là lúc Đức Thầy mới khai Đạo, nhưng sau đó 8 tháng Ngài cho đổi lại màu dà. Về ý nghĩa và lý do thay đổi Ngài có nói rõ trong một đoạn văn như sau:

          “Từ trước chúng ta thờ trần điều là di tích của Đức Phật Thầy Tây An để lại. Nhưng gần đây có nhiều kẻ thờ trần điều tự xưng cùng Tông phái với chúng ta, làm sái phép, sái với Tôn chỉ của Đức Phật, nên toàn thể trong Đạo đổi lại màu dà. Lại nữa, từ trước đến giờ các Sư dùng màu dà để biểu hiện cho sự thoát tục của mình, và màu ấy là sự kết hợp của tất cả các màu sắc khác, nên có thể tượng trưng cho sự hòa hiệp của nhân loại, không phân biệt chủng tộc và cá nhân. Vì vậy chúng ta dùng nó trong chỗ thờ phượng để tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật”.(Những điều Sơ lược cần biết của kẻ tu hiền, mục Thờ phượng – Q.6)

          LỤC TỔ: (638-713). Ngài là vị tổ đã được thọ truyền tâm ấn của Đạo Phật. Kể từ Sơ tổ Ca Diếp truyền dẫn đến Ngài là Tổ thứ 33, song kể riêng bên Trung Hoa, từ Đạt Ma Tổ sư thì Ngài là tổ thứ sáu (Lục Tổ).

          Lục Tổ tên thật là Huệ Năng, họ Lư, đạo hiệu là Phụ Trung Cư sĩ, con của Lư Khánh Thao và bà Lý Thị. Nguyên quán Ngài tại đất Phạm Dương, sau dời về Tân châu, xứ Lãnh Nam.

          Ngài sanh vào đêm mùng 8 tháng 2 năm Mậu Tuất (638), thuộc nhà Đường (Tr.Hoa). Từ khi lọt lòng mẹ, Ngài không bú sữa, vì hằng đêm có thần nhân cho uống nước Cam lồ. Mới ba tuổi Ngài phải mồ côi cha; mẹ của Ngài thủ tiết nuôi con trong cảnh nghèo khổ, cháu rau đạm bạc. Lớn lên Ngài chuyên đốn củi đổi gạo về nuôi mẹ. Một hôm, Ngài gánh củi xuống chợ đặng đổi gạo nghe có người tụng Kinh Kim Cang đến câu:“ Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”(Không trụ vào chỗ nào để sanh tâm mình) thì Ngài tỏ ngộ và ý quyết đi tu. May được người giúp cho 10 lượng bạc, Ngài chu cấp cho mẹ già, rồi đến chùa Đông Thiền, huyện Huỳnh Mai cầu học với Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn.

          Trên tám tháng Ngài vui vẻ làm công quả bửa củi, giã gạo, gánh nước.v.v…mà không hề than van, chỉ chuyên trì môn kiến tánh:“Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Một hôm Ngũ Tổ truyền khắp môn đồ: mỗi người hãy làm một bài kệ tự tánh, nếu ai được tỏ ngộ sẽ được kế truyền ngôi Tổ thứ sáu. Trong đồ chúng cả ngàn người, nhưng không ai dám làm, duy có Thần Tú học rộng biết nhiều, làm một bài kệ lén dán trên tường:

                   “Thân thị Bồ đề thọ,

                     Tâm như minh cảnh đài.

                     Thời thời cần phất thức,

                     Vật sử nhá trần ai”.

          (Thân ấy Bồ đề thọ, Tâm như minh cảnh đài.

            Giờ giờ cấn phủi sạch, Chớ để vướng trần ai).

          Bài kệ ấy được đồ chúng truyền tụng, thấu đến tai Huệ Năng. Ngài liền đến xem và muợn người chép giùm bài kệ của Ngài lên vách:

                   “Bồ đề bổn vô thọ,

                     Minh cảnh diệc phi đài.

                     Bổn lai vô nhứt vật,

                     Hà xứ nhá trần ai”.

          (Bồ đề vốn không thọ, Minh cảnh cũng không đài.

              Xưa nay không có vật, Nào chỗ vướng trần ai”.

          Sau đó, Ngũ Tổ đến xem biết Huệ Năng đã ngộ chơn tánh, nên dùng mật ngữ gọi vào phòng, truyền tâm ấn và phú chúc y bát cho Ngài nối ngôi Tổ thứ sáu. Lúc ấy nhằm đời Đường Cao Tông, hiệu Long Sóc năm Tân Dậu. Ngài lãnh y bát, về phương Nam ẩn dật 16 năm mới ra truyền Đạo. Đến ngày 13 tháng 8 năm Quý Sửu, Ngài ở chùa Quốc Ân kêu đồ chúng lại thuyết bài kê:

                   “Trơ trơ chẳng làm lành,

                     Xăn xăn chẳng tạo ác.

                     Bặt bặt dứt thấy nghe,

                     Lộng lộng tâm không mắc”.

          Thuyết kệ xong, tới canh ba Ngài ngồi ngay thẳng mà tịch. Đến đời vua Hiến Tông nhà Đường, ban hàm ân cho Tổ là:“Đại Giám Thiền Sư” và đề tặng trên tháp bốn chữ “Nguyên Hòa Linh Chiếu”, các đệ tử tạo tháp thờ Ngài ở Tào Khê. Nhục thân của Ngài không hư rã, đệ tử xây tháp lưu giữ cho đến ngày nay.

          Quan huyện Thiều Châu có dựng bia ghi Đạo hạnh của Tổ sư để làm kỷ niệm:“Tổ Sư Xuân Thu bảy mươi lẻ sáu. Hai mươi bốn tuổi được truyền y bát, ba mươi chín tuổi xuống tóc. Sư thuyết pháp ba mươi bảy năm. Trong các môn nhơn của Ngài có bốn mươi ba người đặng đạt Tông Chỉ và nối truyền chánh pháp. Còn những người ngộ Đạo siêu phàm chẳng biết bao nhiêu mà kể”.

          Trong hàng cao đệ của Lục Tổ như: Thanh Nguyên Hành Tư, Nam Nhạc Hoài Nhượng, Hà Trạch Thần Hội, Vĩnh Gia Huyền Giác, Nam Dương Tuệ Trung và Pháp Hải.v.v…Đó là những nhân vật trọng yếu.

          Lời truyền giáo của Ngài còn lưu lại cho đời quyển Pháp Bửu Đàn Kinh; lý nghĩa diệu mầu khó tả, hàm chứa tâm ấn và chánh Pháp của Đạo Phật.

          Ngày nay Đức Giáo Chủ bảo chúng ta tu theo Lục Tổ là tu đúng theo Chánh Pháp vô vi của Đức Phật Thích Ca vậy.

          THẦN TÚ: (606-707) Trong lịch sử Phật giáo không có ghi chép tiểu sử rõ ràng, chỉ biết đại lược: Thần Tú là đệ tử của Tổ Hoàng Nhẫn, làm chức Giáo thọ, trông coi đồ chúng tu học; mọi người đều kính nể sự học tập nghe nhiều của ông.

          Khi ông làm Kệ dâng Ngũ Tổ, lòng luôn nao nức tự phụ: trong hàng tăng chúng chẳng ai bằng mình. Song sau khi chẳng được truyền y bát, ông đâm ra hiềm khích Lục Tổ Huệ Năng, bèn lập thành một tông phái Đạo Phật truyền bá phương Bắc nước Tàu, trụ trì tại chùa Ngọc Tuyền, ở Kinh Châu. Học trò của Tú có khoảng 3.000. Thầy trò đều chủ trương lối tu tiệm giáo, lần lần bày ra âm thinh sắc tướng: gõ mõ, tụng kinh, cúng kiếng chè xôi…làm sai lạc tông chỉ của Đạo Phật.

          Trong hàng đệ tử muốn tôn ông làm Tổ thứ sáu, nhưng vì Lục Tổ Huệ Năng đã được thọ truyền y bát, thiên hạ đều tin nghe. Thế nên đã mấy lần đệ tử của Tú âm mưu hành thích Lục Tổ, song cơ mưu bất thành. Từ đó hai tông phái Bắc, Nam lần lần xa cách.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn