BIỂN TỤC: Do chữ bể trần tục, chỉ cho cõi đời chúng sanh đang sống, đầy nhớp nhơ tội lỗi nhiều như bể cả.
MÊ ĐỒ: Đường mê lầm, con đường tối tăm lầm lỗi. Mê đồ là con đường chúng sanh đang đi, đối với Giác Lộ là con đường của Phật Thánh.
Đức Thầy khuyên:
“Thờ Phật đạo tỉnh cơn ác mộng,
Thoát mê đồ thường phóng quang minh”.
(Khuyến Thiện Q.5)
QUẢN THÂN: Quản là ngại; Thân là thân mình. Quản thân là chẳng ngại chi thân mình.
Đức Thầy có câu:
“Tớ với Thầy nào quản thân lươn,
Muốn cứu thế sá chi bùn trịn”.
(Giác Mê Tâm Kệ Q.4)
VONG THÂN VỊ QUỐC: Vì nước quên mình, vì vận mệnh sống còn của quốc dân mà không kể đến thân mình.
CƠ MẦU: Máy mầu nhiệm khó thấu hiểu. Cái lý tạo hóa thật cơ mầu lắm, chỉ có bậc Phật Tiên mới rõ thấu được.
NGAO DU TỨ HẢI: Dạo chơi khắp bốn biển. Ý chỉ cho người đã thong thả siêu thoát, không còn bận đến việc trần thế. Chữ Ngao Du Tứ Hải ở đây ý nói Đức Thầy đã chứng đạo giải thoát và thường lưu hành khắp đó đây để rộng độ chúng sanh. Trong “Giác Mê”, Đức Phật Thầy có nói:
“Lấp ba đường đã thông một cửa,
Thuyền ra vời mặc thủa rộng khơi.
Sớm thời Nam Thiện dạo chơi,
Tối về Trước Quốc gần đời Ma Ha”.
Đức Thầy nay cũng bảo:
“Trượng phu chí cả dọc ngang,
Dạo trong bốn biển mới trang Thánh Hiền”.
(Cảm Tác)
LIỄU ĐẠO: Xong rồi việc Đạo, là viên tịch, là liễu giải thông suốt việc Đạo. Vậy, liễu Đạo là chỉ cho bậc tu hành đã xong rồi việc Đạo, đã được thành Đạo giải thoát.
LÓNG SẠCH PHÀM TÂM: Thanh lọc hết lòng trần tục Tham, Sân, Si v.v…
Đức Thầy có câu:
“Theo dõi gót Từ Bi mấy bữa,
Phàm tâm kia đã rửa hay chăng ?”
(Tặng thi sĩ Việt Châu)
QUẢ BỒ ĐỀ: Bồ đề, tiếng Phạn là Bodhi, phiên âm là Bồ đề, dịch là Chánh giác hay Giác ngộ. Cũng có nghiã là Đạo hay Trí. Quả Bồ đề là chỉ cho bậc tu hành khi chứng quả Chánh Đẳng, Chánh Giác (Phật).
Đắc Bồ đề là diệt hết phiền não, chứng Niết Bàn.
Đắc Bồ đề đầy đủ thì thành Phật Như Lai. Ấy gọi là Đại Bồ Đề, là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, hay Vô Tướng Trí Huệ. Đức Phật Thầy xưa đã nói:
“Nợ tiền duyên Bồ đề giống trước,
Vẹn một mình mới trọn ba thân”.
Đức Thầy nay cũng bảo:
“Say ngọc Bồ đề, đức hạnh cao”
(bài Say)
TRƯỜNG THỌ: Sống hoài không chết. Đây chỉ cho cảnh Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử.
HỒNG TRẦN: Hồng là màu đỏ lợt; Trần là bụi. Ý chỉ cõi chúng ta đang ở, đầy phiền lụy nhớp nhơ đau khổ. Truyện Kiều có câu:
“Đùng đùng gió giục mây vần,
Một xe trong cõi hồng trần như bay”.
Đức Thầy từng cho biết:
“Biển hồng trần lao lý diệu vơi,
Xô đẩy mãi trong vòng ngũ trược”.
(Khuyến Thiện Q.5)