11- PGHH Và DXĐ Trong Dòng Lịch Sử Của Phật Giáo Và Dân Tộc Việt Nam, Trần Ngọc Ninh

18 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 75480)
11- PGHH Và DXĐ Trong Dòng Lịch Sử Của Phật Giáo Và Dân Tộc Việt Nam, Trần Ngọc Ninh
1. HOÀN CẢNH CHÍNH TRỊ
Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, và mở ra một triều đại mới trong lịch sử Việt Nam là triều đại nhà Nguyễn thì đất nước tuy thống nhứt nhưng toàn cõi Việt Nam lâm vào một tình trạng phân hóa sâu rộng, mở đường cho những điêu linh chồng chất của lịch sử cận đại và đương thời.
Vào thời ấy, nước Việt Nam như ta hiểu ở đời này chỉ mới là một danh hiệu. Cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn kéo dài hơn 250 năm, từ 1533 đến 1788 đã cắt đứt nước thành một Đằng trong và một Đằng ngoài, với một cuộc chiến rả rích, nuôi dưỡng bởi những sưu thuế nặng nề buộc trên cổ người dân. Miền Bắc, tức là Đằng ngoài, còn rất nhiều tình nghĩa với nhà Lê, sót lại từ cuộc khởi nghĩa gian khổ của Lê Lợi, và còn rung động với uy vũ sấm sét của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, chỉ thần phục Nguyễn Gia Long vì quá mệt moœi và thiếu người lãnh đạo. Gia Long hiểu rõ điều ấy nên đã cho san bằng cả cung điện cũ của nhà Lê ở Thănh Long để xóa boœ những hình ảnh vàng son của thuở trước, như thi của Bà Huyện Thanh Quan để lại:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương,
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

Còn ở Đằng trong tức là miền nam Hoành Sơn thì mặc dầu sự trọng người Việt Nam đã bắt đầu từ thời các chúa Nguyễn, nhưng đến đời Minh Mệnh mới thu thập được hết những tàn dư của Chiêm quốc và mở rộng thêm bờ cõi miền Tây bằng sự đẩy lui nước Thủy Chân Lạp. Nhân tâm ở những vùng này còn mới quá để có thể theo về, và văn hóa của người dân vẫn còn nhiều tính cách mọi hơn là kinh.

Một yếu tố mới lại reo vào trong lòng dân tộc các mầm của một sự rạn nứt mà sự xuẩn động chính trị của triều đình đã xé ra thành sâu rộng hơn. Đó là sự xâm nhập bùng nổ của Gia Tô giáo dưới sự bảo trợ của một nhà tôn giáo và chính trị tài ba mà Nhà Chung Việt Nam gọi là Cha Cả, tức là Giám mục Bá Đa Lộc, Pigneau de Behaine, người đã được lòng tin tuyệt đối của Nguyễn Ánh và đã mộ được một số binh lính Pháp đánh thuê sang giúp cho Nguyễn Ánh lập nên nghiệp Vua ở Việt Nam.

Tuồng “Tây Nam Đắc Bằng” của Hoàng Cao Khải kể lại một giai đoạn rất quan trọng trong đó Cha Cả dìu dắt người con trưởng của Nguyễn Ánh là Hoàng tử Cảnh sang Pháp để cầu viện. Nếu Hoàng tử Cảnh, đã được phong là Đông cung, sau đó mà không chết sớm thì người nối ngôi vua Gia Long không phải là Minh Mệnh và vấn đề tôn giáo cũng như chánh trị ở Việt Nam chắc chắn là được beœ quật sang một con đường khác.

Nhưng Hoàng tử Cảnh đã không may chết sớm, và người con thứ tư của Gia Long, húy là Đảm, lên ngôi, lấy hiệu là Minh Mệnh. Cái chết đầy nghi vấn của vợ góa và các con của hoàng tử Cảnh là những sự kiện tiên thường, sau đó là sự đàn áp đạo, dẫn dắt đến sự can thiệp bằng binh lực của chính phủ Pháp, biến nước Việt Nam dòng dõi vua Gia Long thành một thuộc địa của Pháp, với một đất Nam Kỳ tự trị, cắt rời hẳn ra ngoài bản đồ của Việt nam trong một thế kỷ.

Phật Giáo Hòa Hảo bắt nguồn trong cái thời thế đó.

2. BỬU SƠN KỲ HƯƠNG PHẬT GIÁO HÒA HẢO
Phật Giáo Hòa Hảo bắt nguồn từ sự hành đạo của Đức Phật Thầy Tây An và Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương trong khoảng 1849 đến 1856 ở ba tỉnh miền Tây Nam là Long Xuyên, Châu Đốc và Sa Đéc, sáu năm trước khi quân Pháp bắt đầu xâm lăng miền Nam Việt Nam.

Ngọn lửa thiêng của Đức Phật Thầy được truyền bởi Đức Phật Trùm rồi đến Đức Bổn Sư rồi qua ông Sư Vải Bán Khoai, đến 1939 thì thành hẳn một Tông phái với danh hiệu Phật Giáo Hòa Hảo dưới sự dẫn đạo của Huỳnh Giáo Chủ, tục danh là Huỳnh Phú Sổ. Năm 1946, đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội được thành lập.

Đây là những điều mà các đạo hữu trong Phật Giáo Hòa Hảo đều biết cả, tôi không dám dài lời.

Tôi chỉ xin được đặt sự khai sinh và hành thế của Phật Giáo Hòa Hảo trong dòng của lịch sử tôn giáo và lịch sử dân tộc theo cái nhãn quan của sử gia.

3. PHẬT GIÁO HÒA HẢO VÀ PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Phật giáo Việt Nam không phải chỉ là Phật giáo ở Việt Nam mà là Phật giáo Việt Nam tính, Phật giáo trong tâm của người Việt Nam.

Những nhà truyền giáo đầu tiên của đạo Phật đã từ Đông Ấn tới Đại Việt, Chiêm Quốc và Phù Nam vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai theo Dương lịch. ở đất Việt khi ấy là chế độ đồng hóa và khai thác bạo tàn của nhà Hán trên đầu trên cổ đám dân đen của nền đô hộ.

Dân Giao Chỉ gần như diệt chủng, quận Cửu Chân bị bới đào cho đến hết cả các thứ châu báu, còn Tượng quân thì sạch giống có ngà để có đủ đồ cống về Thiên Triều và chất đầy túi tham của các Thái thú, Thứ sử. Trong cái khung cảnh điêu linh ấy, đạo Phật đã tới như một ngọn gió mát, một cơn mưa rào, đem lại cho con người ở đây một an ủi với niềm tin mới: Tin ở đấng Đại Từ, Đại Bi, Đại Trí, Đại Giác, Đại Hùng, Đại Lực, có thể ở trên cả ông trời, và tin rằng ở trong đời có thể có một cái gì gọi là giải thoát mà không ai còn dám tưởng vọng từ sau khi Mã Viện đã tận diệt các cừ soái Hai Bà Trưng.

Đến thế kỷ thứ sáu thì quả cái chính trị đầu tiên của Phật giáo đã được cấu thành, đó là cuộc khởi nghĩa quy mô chống lại đế quốc, cầm đầu bởi Lý Bí và một người cháu mà lịch sử gọi đơn giản là Lý Phật Tử, người con Phật họ Lý. Nền Bắc thuộc bị gián đoạn 60 năm với cuộc nổi dậy của hai nhà Tiền Lý.

Trọn khoảng thời gian này, Đạo Phật ở Trung Hoa đang chuyển hướng mạnh mẽ, một phần vì những vị sư hành hương qua Ấn Độ để thỉnh kinh và học Đạo, một phần vì sự bắt rễ nẩy nở của Đạo Thiền với Bồ Đề Lạt Ma (Bodhidharma) và nhất là với sự ngộ đạo của Lục Tổ Huệ Năng (671).

Lục Tổ là người Man ở miền Nam (tôi không dám khẳng định gì hơn về nguồn gốc của Lục Tổ chẳng những vì muốn tránh những suy luận chủ quan mà vì tinh thần của Phật giáo và của đạo Thiền không nhận những cái chấp hão huyền và hẹp hòi kiểu ấy) theo lời dạy của Thầy là Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn, Lục Tổ trở về phương Nam và lập ra Nam Tông Thiền.

Bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ sáu thì Thiền đạo du nhập vào Việt Nam là sư Pháp Hiền, gốc ở Châu Diên, thụ giáo với thầy Vinitaruci (Tì Ni Đa Lưu Chi). Truyền đến thế hệ thứ 12 thì có sư Vạn Hạnh là Thầy của Lý Công Uẩn và là tinh thần của Nhà Lý.

Thiền tông thứ hai ở Việt Nam thuộc dòng Thiền Bích Quán cử Vô Ngôn Thông. Lý Thái Tông đã từ ở dòng này và thuộc về đời thứ bảy.

Thiền Tông thứ ba là phái Thảo Đường, khai sáng ở Thăng Long năm 1069 và là một Thiền phái thuần thành Việt Nam. Lý Thánh Tông thụ pháp trong dòng này và thuộc về thế hệ thứ nhất.

Đến đời nhà Trần thì cả ba phái Thiền được thống nhất lại thành dòng Trúc Lâm Yên Tử với sự ngộ đạo sáng toœ của một thiền sư mà nhục thân là vua Trần Thái Tông và sự khai đạo của một thiền sư mà nhục thân là vua Trần Nhân Tông.

Trong lịch sử dân tộc, người Việt Nam chúng ta hết thẩy đều biết rằng đời nhà Lý là thời kỳ thuần từ nhất trong sử Việt (theo lời sử gia Hoàng Xuân Hãn), mà cũng là một thời vang dội những chiến công vô cùng oanh liệt của nhân dân Việt Nam. Đời nhà Trần, dưới hai vị anh quân Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông, quân dân ta đã ba lần đánh đuổi đoàn quân bách chiến bách thắng của Mông Cổ đến nỗi rằng tên thượng tướng thống lãnh của giặc phải chui vào trong ống để chạy về nước.

Thiền môn Việt Nam, ngay từ lúc khai đạo đã quang minh chủ trương là nhập thế cứu nước. Các hành vi lịch sử của các vị Thiền sư những đời ấy đã chứng minh các tính cách đặc thù ấy của Thiền đạo Việt Nam. Đó là một ý nghĩa của bài kệ mà Tuệ Trung Thiền sư trong nhục thân là anh cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đã nói ra:
Vô tâm là vô đạo,
Đạo không thể vô tâm.
(Dịch giả: Nguyễn Lang)

Lịch sử Phật giáo và Thiền môn Việt Nam trong gần một nghìn năm đầu tiên đã giữ đúng những tôn chỉ tu hành của Đức Phật Tổ Như Lai, là đưa đạo vào đời và lấy ánh sáng của đạo làm cái sức mạnh tinh thần lớn để cách mệnh cuộc sống trên mọi bình diện xã hội chính trị cũng như bản thân.

Thiền đạo Việt Nam suy vi rất nhiều vào khoảng cuối đời nhà Trần. Phái Trúc Lâm Yên Tử cũng gần như chỉ còn cái tên mà thôi!

Tôi nghĩ rằng Phật Giáo Hòa Hảo đã thừa kế dòng Thiền Nhập Thế của đời Lý, đời Trần và biến hóa cái hình hài cổ điển của truyền thống thiền Nam tông ở Việt Nam thành một pháp môn thuần túy của miền Nam nước Việt ở một thời quốc nạn. Do đó, Huỳnh Giáo Chủ mới tuyên bố rằng:
Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô.

Cũng như Trần Nhân Tông, cũng như Tuệ Trung Thượng Sĩ ở một thời quốc nạn trước.

TRẦN NGỌC NINH
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn