Phật Giáo Hòa Hảo hưởng ứng lời kêu cứu thiết tha của lịch sử dân tộc và lịch sử loài người đứng ra nhận lãnh một sứ mạng. Sứ mạng đó là võ trang tinh thần cho nòi giống để chặn ngăn mọi luồng tư tưởng tà ngụy từ bốn phương tám nẻo tràn vào, rồi đứng lên trên cái ưu thế của dân tộc Việt đã được giác ngộ qua cơn khói lửa triền miền, mà thiết lập một “niết bàn nơi hạ giới” cho loài người chung cả.
Muốn hiểu rõ sứ mạng đó phải thực hiện ra sao, chúng ta cần trở lại dĩ vãng cách đây 100 năm, để xem tất cả những sức lực chánh trị kinh tế, văn hóa nó đã đè nén xã hội Việt như thế nào.
Khi nước ta tiếp xúc với Tây Phương, thì cái văn hóa bệnh hoạn thời Nguyễn không đủ sức kháng cự với cái văn hóa đại kỹ nghệ, đại thương mại đương tích cực tìm đường phát triển ra bên ngoài, đặc biệt vào Châu Á và Châu Phi. Văn hóa thời Nguyễn chỉ là thứ văn hóa vụ hình thức, rỗng tuếch về nội dung. Đa số các nhà Nho không nuôi chí học những thứ gì cần thiết cho dân tộc, đất nước mà chỉ cốt gọt giũa câu văn cho óng chuốt, câu thơ cho điêu luyện, hợp điệu hợp vần và gác ngoài tai, không chịu tìm tòi nghiên cứu tất cả những biến chuyển bên ngoài quốc tế.
Một Nguyễn Trường Tộ không đủ uy thế cảnh tỉnh cả một triều đại thối nát. Con người sống chỉ còn vì cá nhân mình, vì gia đình mình mà không còn vì quốc gia dân tộc nữa. Bè phái tông tộc, hương đảng tranh giành khuynh loát lẫn nhau. ở triều đình, người ta thi nhau mua quan bán tước, ở thôn xã thì tranh giành chiếu trên chiếu dưới, thủ lợn phao câu.
Đó là đời sống chính trị của quốc gia, còn trên phương tiện kinh tế thì vẫn là thứ nông nghiệp cổ hủ muôn xưa, vẫn thứ tiểu công nghệ có tính cách gia đình, làng xóm, vẫn cái thứ thương mại chật hẹp, gà què ăn quẩn cối xay. Văn học đó, chánh trị đó, kinh tế đó đã khiến cho quốc dân sống thiếu chỉ nam, không còn tiềm lực đấu tranh tự vệ.
Trong hoàn cảnh đó quân Pháp đến nước ta. Chúng ta có thể đoán ngay rằng thế nước không thể nào giữ được. Một ít phát súng đại bác là quân địch hạ được thành. Những vị anh hùng chỉ còn biết tuẫn tiết để khỏi sống trong cái nhục mất nước. Rồi khi quân Pháp đã đặt được nền móng đô hộ, xã hội lại càng thối nát thêm.
Dân chúng sống trong mê tín dị đoan. Nơi góc tường này, dưới gốc cây đa kia, người ta thấy nhan nhãn những bàn thờ ông thần, bàn thờ bà chúa. Ốm đau người ta không lo chạy chữa thuốc thang, mà chỉ lo đi cúng đền này phủ nọ, xin tàn hương nước thải về uống, hoặc lập đàn cúng kiếng rước thầy pháp bùa ếm quỉ ếm ma. Có việc khó khăn, người ta không nghiên cứu lẽ thành bại, mà lại đi coi bói toán, hay đi xin quẻ xin xâm. Rượu chè cờ bạc đàng điếm hoành hoành khắp nơi. Người ta ca ngợi những ai tiền nhiều bạc lắm, ngày tháng rong chơi, ăn xài lớn. Tất cả những thứ đó, người Pháp không làm gì để bài trừ, lấy cớ họ là dân chủ, không xen vào đời sống riêng tư và những tục lệ cổ truyền của dân “bản xứ”.
Nguy hiểm và độc địa hơn nữa là họ đem nước ta cắt ra làm ba khúc, dưới cái danh hiệu ai oán và nực cười là Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Mỗi nơi có một nền hành chánh khác nhau để cho sự khác biệt giữa cá tính địa phương (nước nào chẳng có?) mỗi ngày một sâu đậm hơn. Những xu hướng Nam Kỳ tự trị hay Nam Kỳ quốc đều là hậu quả của chánh sách độc ác chia để trị của thực dân. Hoàn cảnh bi đát ấy của đất nước lồng một hoàn cảnh quốc tế rất bấp bênh trước một viễn ảnh sắp đổ vỡ tan tành, có thể chôn vùi cả nền văn minh nhân loại. Đó là viễn ảnh thế chiến thứ hai.
Để cứu vãn tình thế của nước nòi, rộng ra cứu vớt loài người, Phật Giáo Hòa Hảo ra đời, với sứ mạng đem đuốc từ bi đốt cháy mọi mê lầm để dẫn dân Việt từ chỗ Đại bi đến Đại giác, đứng lên làm cách mạng bằng một Đại hành hoàn thành Đại Đạo cho toàn dân và toàn thể loài người!
Sứ mạng thật nặng nề, khó khăn, nhưng cũng thực cao cả. Chúng ta hãy lắng tâm tỉnh trí, mở các tập Thi Văn Sấm Giảng ra, thắp nén hương lòng lên mà đọc, đọc với tất cả tấm lòng tha thiết thương yêu nòi giống, thương yêu nhân loại, chúng ta sẽ thấy ở đây những gì cần phải học, cần phải biết, những gì cần phải cứu vớt, cứu vớt lấy bản thân chúng ta đang chìm đắm trong hôn mê, trong ngõ lợi đường danh, cứu vớt lấy dân tộc đang phân hóa một cách ghê sợ do những tư trào quốc tế tràn vào xung đột lẫn nhau, để rồi, tiến lên góp phần với mọi cá nhân tiến bộ, mọi tổ chức tiến bộ, mọi quốc gia tiến bộ trên thế giới mà cứu vớt loài người đương đứng trên bờ vực thẳm, có thể vì một giây điên khùng mà tự tiêu diệt bằng đủ loại vũ khí hạch tâm.
Phật Giáo Hòa Hảo ra đời với một sứ mạng cứu vớt. Vậy sự cứu vớt đó khai triển như thế nào, bắt đầu từ đâu để rồi chấm dứt ở nơi đâu?
Trong hoàn cảnh đất nước sống quằn quại dưới gót sắt của thực dân Pháp, những người hơi tỏ ra yêu nước thương nòi là bị thực dân kiềm chế hoặc bắt tù đày, giam cầm; còn đa số quốc dân trí thức đuổi theo danh lợi lãng quên sự nghiệp Tổ Tông. Khối dân quê đông đảo nhất, thuần phác nhất, giữ được nhiều đức tính của dân tộc nhất thì lại dốt nát, sống cơ cực làm chẳng đủ ăn, không người lãnh đạo. Mà chính khối dân quê này trong suốt dòng lịch sử đã là chủ động cho mọi cuộc phục hưng dân tộc quốc gia. Những cuộc cách mạng Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Quang Trung đều do nông dân hoàn thành bằng cách cung cấp nhân lực, tài lực, vật lực.
Cho nên cứu vớt gì thì cứu, nếu không chú trọng đến nông dân thì chỉ là làm cái công việc của dã tràng xe cát. Vì lý do đó mà Phật Giáo Hòa Hảo xuất hiện ngay trong lòng nông dân để giác ngộ họ, giúp họ tiến lên tự giải thoát lấy mình, giải thoát dân tộc rồi góp phần vào công việc giải thoát loài người.
Vì Giáo Chủ là người sinh trưởng ở nông thôn đã đau khổ cái đau khổ của nông dân, ước ao và hy vọng cái ước ao hy vọng của nông dân, nên mới hiểu được họ, cảm hóa được họ.
Sau hơn nửa thế kyœ sống dưới triều Nguyễn, một triều đại đã xao lãng cái căn bản tinh thần của nòi giống, sau ngót trăm năm Pháp thuộc, lòng người dân tựa đống tro tàn trong mùa gió lạnh, họ sống không có chỉ nam, mất tin tưởng ở bản thân mình, ở dân tộc mình, trước sự tràn lan của nền văn minh vật chất Tây phương. Bởi vậy, việc cần thiết là phải gây cho họ lòng tin ở tự mình, ở dân tộc mình bằng cách phác vẽ cho mọi người một lý tưởng nhân sinh, một lý tưởng sống.
Lý tưởng đó là Lý tưởng Phật Giáo Hòa Hảo, một lý tưởng tổng hợp cả ba luồng tư tưởng lớn nhất ở Châu Á là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo.
Từ Đinh qua Lê, Lý, Trần, ba luồng tư tưởng này đã ảnh hưởng rất lớn đến nhân sinh và kiến quốc của dân Việt, ngày nay chỉ cần hiện đại hóa bằng tinh thần khoa học Tây phương. Tinh thần Từ bi Bác ái của nhà Phật, tinh thần Nhân thứ của Khổng Tử, tinh thần Tiêu dao không màng danh lợi của Lão Tử, được phô diễn bằng những lời vàng ngọc, khi thì như hiệu lệnh, khi thì như nhắn nhủ khuyên răn, khi thì như cảnh cáo, thấy bàng bạc khắp trong Thi văn Giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Trên cái căn bản tinh thần đó, một chủ trương cách mạng khắp mặt được ngấm ngầm đề ra, mới coi thể như rời rạc, lập đi lập lại, nhưng tinh ý thì thấy ngay cả một chủ trương vĩ đại của một vị cứu thế muốn dùng văn thơ đi thẳng vào lòng người. Phác vẽ cho mọi người thấy cái cảnh khổ não của xã hội Việt và xã hội nhân loại, rồi giác ngộ họ tìm đường giải thoát. Đó là chủ trương Đại bi Đại giác. Từ chỗ giác ngộ đó, khuyên răn ai nấy phải lo làm tròn bổn phận làm người để cứu lấy thân mình, gia đình mình, quốc gia dân tộc mình hầu hoàn thành cho dân tộc, cho loài người một đời sống bác ái tự do. Đó là chủ trương Đại hành và Đại đạo.
Đi vào chi tiết ta sẽ thấy Phật Giáo Hòa Hảo chủ trương cải tạo tôn giáo, cải tạo tâm lý, và cải tạo xã hội để rồi gây một tin tưởng lớn vào lòng người ở tương lai.
Vấn đề thực là quan trọng. Giữa thế kyœ 20 mà dân Việt nhất là nông dân sống trong một màn dầy đặc mê tín và dị đoan. Nhiều người đi chùa chỉ hiểu mang máng rằng nếu năng tới lui lễ bái, dân cúng lễ vật bạc tiền, thì được phước, ngược lại thì gặp tai ương. Đa số có hiểu đâu rằng cốt tượng chuông mõ chỉ là hình tượng giúp cho con người dễ tập trung tư tưởng mà suy gẫm về nền Giáo Lý, có nó là để nhắc nhở con người tu khỏi xao lãng việc tu hành. Nó chỉ là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh. Phải giác ngộ cho mọi người hiểu cái yếu lý của tu hành: giữ sao cho tâm linh được luôn luôn yên tĩnh đừng để cho lòng dục sai khiến, nhất là khi một mình mình đối diện với mình. Phải xét nét xem lòng mình niệm Ma hay niệm Phật. Ma là vẩn đục, là gian ác. Phật là sáng suốt, hiền hậu, từ bi.
Một nhà Nho xưa kia mỗi ngày xét mình ba lần để xét xem tư tưởng, ngôn ngữ, hành vi của mình có chi phải, có chi quấy, ngày nay người đời còn truyền tụng ngợi khen. Nhưng lối tu của nhà Phật từng buộc nhà tu xét nét mọi sát na (đơn vị nhỏ nhứt của thời gian ước vào 1/1.000.000 cái nháy mắt), phải giữ cái tâm cho tụ, không thể để cho tư tưởng chờn vờn như con bướm bay từ hoa nọ đến hoa kia. Đó là điều cốt yếu, còn cúng lạy chỉ là phương tiện giúp thêm cho sự tu tĩnh sửa mình mà thôi:
Tu không cần lạy cần quỳ,
Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau.
Hai câu gỏn gọn 14 chữ đủ nói lên hết cái cách mạng về tu hành của Phật Giáo Hòa Hảo, thiết tưởng ta không cần quá dài dòng cho lắm, nhiều lời thêm nữa, e làm giảm cả cái cô đọng mà bao quát của 14 chữ đi.
Sau việc cải tạo tôn giáo là cải tạo tâm lý. Trong thời gian Pháp thuộc, tâm lý dân Việt bị băng hoại, người ta bon chen danh lợi, sống độc thiện kỳ thân, ích kyœ, giả dối, không chỉ hướng và nhất là không nghỉ đến nước nòi, mà chỉ:
Sớm lo lòn cúi chiều ăn ngủ,
Nào biết liệu toan gỡ nợ nần.
Bởi vậy việc cần thiết là phải hun đúc cho họ có một chí quyết hiểu biết và quyết làm. Về tu niệm, phải làm sao cho họ có một đức tin trong sạch, nhưng tin không phải là mù quáng mà là đức tin được hướng dẫn bởi lòng lành và soi sáng bằng trí tuệ. Có như thế, mới khỏi mắc vào mê tín dị đoan, hầu vững tâm tiến bước. Về bổn phận đối với tổ tông đất nước, phải làm sao cho ai nấy nuôi một chí hướng sắt đá là:
Sống làm sao vẹn chữ tu mi,
Sống vùng vẫy râu mày nam tử.
và luôn luôn vững lòng vững dạ, không vì những lời phê phán bất chính của những kẻ tiểu nhân dèm pha mà bỏ việc dở dang.
Đấng anh hùng dựng nên thời thế,
Sá chi loài trùn dế nhỏ nhen.
Khi chí lập rồi, thì phải tìm cách mở mang trí tuệ, mới mong hiểu biết mối đạo của mình đang theo đuổi. Đạo đây phải hiểu là một thể, làm thống nhất, đem hiểu biết giác ngộ ra mà làm việc đời. Phải đọc kinh sử, lấy bài học của người xưa làm kinh nghiệm cho công việc ngày nay, công việc ngày nay không thể tách rời ra khỏi dòng sông lịch sử xưa kia được, nếu ta muốn lập cho đất nước một sự nghiệp thánh vương.
Đời phải biết suy kim nghiệm cổ,
Thông cơ đồ dựng nghiệp Thánh Hiền.
Có như thế mới mong đem được cái đạo của mình ra giúp cho dân tộc thịnh trị, giúp cho loài người thoát khỏi bến mê đi về bến giác.
Đến vấn đề trau giồi tình cảm cũng là một vấn đề trọng yếu. Nếu ta không làm chủ được tình cảm của ta, cứ để cho tình cảm tự do phóng túng thì chương trình kế hoạch của ta có tốt đẹp, có khoa học chăng nữa, thì cũng không giúp ta làm nên nổi trò trống gì! Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên răn tín đồ của Ngài phải đem cái ý chí sắt đá ra mà rèn luyện tình cảm: “Phải điêu luyện khối tinh thần cho mạnh mẽ đặng tự lập con đường rõ ràng duy nhất của mối đạo mình đang theo đuổi để lấy đó làm cương mục mà bài trừ những thành kiến, cố chấp thói quen, sự chần chờ, lòng ham muốn, tánh kiêu ngạo, tật đố, gièm xiểm dua nịnh, ích kyœ, tư tâm, sự mê đắm trong bể dục tình, và sự phiền não nó làm cho náo loạn cõi lòng.”
Về phương diện này, chúng ta không thể nói gì hơn bằng cách lấy những câu trên làm kinh nhật tụng.
Ở trên chúng ta đã nói xã hội Việt trong thời Pháp thuộc băng hoại và thối nát như thế nào. Cờ bạc rượu chè đàng điếm hoành hành khắp nơi, mê tín dị đoan đè nặng lên mọi tầng lớp xã hội. Vấn đề đặt ra cho Phật Giáo Hòa Hảo là phải cải tạo hết những cái bẩn thỉu trong xã hội. Công việc thực khó khăn, bởi không có thể lực của một chánh quyền, chỉ có cách dùng cái quyền uy tinh thần, để tâm phúc mọi người bằng giác ngộ. Trong Tôn Chỉ Hành Đạo của Phật Giáo Hòa Hảo, rượu chè, thuốc sái bị cấm. Vàng mã, thầy bùa, thầy pháp, làm chay làm đàn bị coi như những thứ tin nhảm, mê hoặc lòng người.
Xá với phướn làm trò kỳ quái,
Làm chay đàn che miệng thế gian.
. . . . . . .
Những giấy tiền vàng bạc cũng thôi,
Chớ có đốt tốn tiền vô lý.
Tất cả những điểm trên là những chủ trương cải tạo cần thiết trong Phật Giáo Hòa Hảo mà chúng ta được thấy thực hiện ngay từ bước đầu. Đi xa hơn, chúng ta sẽ gặp một niềm tin lớn được xây đắp lên cho tương lai.
Đọc Thi Văn Sấm Giảng không ai bảo ai, mà người nào người nấy đều tin tưởng rằng, tuy nước nhà đương trải qua một hồi cực bĩ, nhưng sẽ có một tương lai huy hoàng xán lạn. Tác dụng của Sấm Giảng về điểm này thực vô cùng quan trọng. Giữa lúc đất nước bị qua phân, giữa lúc lòng người chia rẽ, xã hội băng hoại đến cùng cực, giữa lúc những biến chuyển ở bên ngoài ảnh hưởng không mấy tốt đẹp đến nội tình đất nước, lòng người hoang mang mất tin tưởng ở vận mạng loài người, Phật Giáo Hòa Hảo đã là một thứ dầu mầu nhiệm nuôi ngọn lửa lòng cho người dân Việt. Một cảnh thái bình vĩnh viễn được vẽ ra, ai muốn được hưởng phải trau tria tu sửa thân tâm. Cảnh đó là cái cảnh cả nước tự do, người người sống ấm no an vui dưới sự lãnh đạo của các phần tử trí thức một lòng vì nước vì dân.
Trên kẻ trí lấy công bình phán đoán,
Dưới vạn dân trăm họ được im lìm.
Cảnh đó là cảnh nhân loại đại đồng, các quốc gia không còn hiềm khích lẫn nhau mà một lòng thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau nắm tay trên đường tiến bộ.
Ấy là xong bổn hiệp một nhà,
Không ganh ghét dứt câu thù hận oán.
Tất cả sự nghiệp trên đây đã làm cho Phật Giáo Hòa Hảo đóng một vai trò trọng yếu trong xã hội nước Việt hiện nay, mỗi ngày mỗi rõ thêm lên. Giữa lúc nước nòi vùng lên đấu tranh giành lấy sống còn, độc lập tự do dân chủ, lý thuyết Mác Xít đã tràn khắp thành thị thôn quê. Những lý thuyết Mác Xít làm mưa làm gió đâu thì làm, chứ ở miền châu thổ sông Cửu Long này, nó đã không tìm được đất sống. Là bởi đại đa số dân chúng ở miền này đều đã thấm nhuần lý tưởng Phật Giáo Hòa Hảo, nên tinh thần họ được đầy đủ võ trang, không chấp nhận những tư tưởng thiếu gốc rễ dân tộc.
Ngay từ thuở còn sống thành bộ lạc, trên đất Trung Hoa ngày nay, dân tộc ta đã có ý tưởng Tiên Rồng làm kim chỉ nam cho kiến quốc và sinh hoạt quốc dân. Rồng tượng trưng cho đời sống vật chất. Tiên tượng trưng cho đời sống tinh thần. Đời sống của dân Việt là một đời sống quân bình phát triển hai mặt sống đó. Không phải vật chất là tất cả, mà cũng không phải tinh thần là tất cả, mà hai mặt đó phải đặt ngang hàng nhau thì đời sống mới không lệch lạc. Những thời thạnh trị trong lịch sử nước nhà đều đã những thời kinh tế và văn hóa phồn thịnh ngang nhau.
Lý tưởng Phật Giáo Hòa Hảo lấy yếu lý nhà Phật là căn bản đã rất thích hợp với cái lý sống của dân tộc từ muôn xưa. Nhà Phật lấy con người làm cốt cán cho học hiểu. Theo huyền thoại, khi Đức Thích Ca mới sinh ra thì một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà nói rằng: “Thiên thượng, địa hạ duy ngã độc tôn”. Thiên thượng, địa hạ đây tượng trưng cho khoảng thời gian vô hạn định là vũ trụ, ngã đây là con người mà Đức Thích Ca là tượng trưng. Trong vũ trụ tự nhiên chỉ có loài người đã giác ngộ, xứng đáng mang cái danh hiệu là “người”.
Lý tưởng Phật giáo thật là thích hợp với tư tưởng cốt cán của dân tộc ta, mà Phật Giáo Hòa Hảo lại là một luồng tư tưởng tổng hợp Phật Khổng Lão, một thứ tổng hợp gạn lọc qua tinh thần Tiên Rồng đã làm cho nước nhà thoát ra khỏi âm mưu diệt chủng của người phương Bắc mà thành một quốc gia có một văn hóa riêng biệt nó chối bỏ tất cả những thứ văn hóa nô dịch, nhưng luôn luôn sẵn sàng hấp thụ những tinh hoa của nền văn hóa khác. Miền Tây Nam này của nước Việt mến yêu tránh được một phần lớn những đau thương tang tóc của chiến tranh, do sự tranh chấp quốc tế gây nên, là nhờ dân chúng đã được Hòa Hảo hóa, lý tưởng tà ngụy không còn tìm được đất nở sinh.
Chúng tôi tin tưởng rằng nơi đây là thành trì của dân tộc, chống với mọi tư tưởng ngoại lai ác hại, để tự do dân tộc tập trung nhân lực, tài lực, vật lực, chờ cơ hội, vùng lên cao cả và đại hùng hoàn thành sứ mạng, thiết lập một “niết bàn nơi hạ giới”. Chỉ lúc đó và chỉ sau lúc đó, Phật Giáo Hòa Hảo mới hoàn thành được sứ mạng của mình:
Chừng ấy mới tịnh vô nhứt vật,
Bụi hồng trần rứt sạch cửa không,
Chuông linh ngân tiếng đại đồng,
Ta bà thế giới sắc không một màu.
TRẦN NGUYÊN BÌNH
Gửi ý kiến của bạn