5- Các Đại Đệ Tử Của Bữu Sơn Kỳ Hương

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 96409)
5- Các Đại Đệ Tử Của Bữu Sơn Kỳ Hương

Phật Thầy Tây An có mười hai Đại Đệ tử, cũng gọi là Thập nhị hiền thủ. Trong số này hai vị nổi tiếng hơn hết là Cố Quản Trần Văn Thành và Ông Ba Nguyễn Văn Thới.

Cố Quản Trần Văn Thành nổi bật do công nghiệp tổ chức trại ruộng Láng Linh và lập chiến khu Bẩy Thưa đánh nhau với Pháp. Ông Ba Nguyễn Văn Thới nổi tiếng vì đã viết cuốn Kim Cổ Kỳ Quan để giải thích và khai triển giáo lý và các điều tiên tri của Bửu Sơn Kỳ Hương trong quần chúng.

Đứng đầu hàng Đại Đệ tử là ông Trần Văn Thành, được gọi là ông Đạo Lành về mặt tôn giáo, và Cố quản Thành về mặt tranh đấu chống Pháp.

Ông Trần Văn Thành tức Cố Quản, tức Đạo Lành... 1873
Ông Tăng chủ bộ Bùi (không rõ tên)... 1907
Ông Bùi Văn Tây tức Đình Tây, 1802-1890
Ông Nguyễn Văn Xuyến tức Đạo Xuyến, 1834-1914
Ông Đặng Văn Ngoạn tức Đạo Ngoạn, 1820-1890
Ông Phạm Thái Chung tức Đạo Lập... 1877
Ông Đạo Lãnh (không rõ tên) biệt tích 1856
Ông Trần Văn Nhu tức Cậu Hai Nhu, 1847-1914.
Ông Nguyễn Văn Thới tức Ba Thới, 1866-1927.

Ngoài ra còn các vị Đạo Lập, Đạo Sang, Đạo Thạch, Đạo Sĩ, Đạo Thắng, Đạo Chợ, Đạo Đọt... nhưng không có tài liệu về các vị này, mà chỉ nhận theo lời đồn lại trong dân gian.

Danh sách trên đây gồm 9 vị. Tục truyền trong dân gian, Phật Thầy Tây An có thập nhị hiền thủ. Có thể vị còn lại là ông Đạo Sang ở Cái Dầu Châu Đốc, và ông Đạo Thạch ở Thạnh Mỹ Châu Đốc, ông Đạo Lãnh ở Gò Sát.

CỐ QUAN TRẦN VĂN THÀNH
Ông làm chức Chánh Quản Cơ dưới triều vua Thiệu Trị và Tự Đức. Không có tài liệu nào ghi chép ngày sanh, chỉ được biết ông từ trần năm 1873. Quê quán tại Cồn Nhỏ làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương tỉnh Châu Đốc, ông là con một gia đình khá giả có điền sản, lớn lên đi học chữ Nho, và luyện tập võ nghệ. Tướng mạo khôi ngô cao lớn, ông thường mặc áo mầu dà, đầu chít khăn xước bằng nhiễu điều.

Khi nghe tin đồn rằng Phật Thầy Tây An giáng lâm độ bịnh cứu dân và giảng đạo, ông tìm về Xẻo Môn, làng Long Kiến, tỉnh Long Xuyên, để xem xét hư thực ra sao. Gặp lúc bịnh nhân đông đảo, ông phải chờ suốt ba ngày ở ngoài sân, rồi đức Phật Thầy kêu vào hỏi chào và chuyện vãn thân mật. Sau đó ông xin quy y theo Bửu Sơn Kỳ Hương. Cả gia đình ông sau đó cũng quy y luôn.

Khi Phật Thầy bị cưỡng bách định cư tại chùa Tây An núi Sam, ông thu xếp việc nhà giao hết ruộng vườn cho người trong thân tộc, rồi bỏ làng ra đi theo đường đạo hạnh với Phật Thầy.

Ông tổ chức và lãnh đạo trại ruộng Bửu Hương Các tại Láng Linh (tỉnh Châu Đốc) theo công thức vừa tu hành vừa sản xuất nông nghiệp của Bửu Sơn Kỳ Hương.

Sau khi Phật Thầy viên tịch (1856) ông Trần Văn Thành được tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương rất tin tưởng và tuân thủ các mạng lịnh của ông.

Khi Pháp cưỡng chiếm ba tỉnh miền Đông và ba tỉnh miền Tây, ông được chứng kiến cảnh uy hiếp của Thủy sư Đô đốc De Lagrandière và Doudart de Lagrée đem tầu chiến và đại bác đến hăm dọa bắn vào thành Châu Đốc, để đòi phải giao nạp Thủ khoa Huân, gieo rắc sự kinh hãi và phẫn uất trong dân chúng. Đã thấm nhuần giáo lý Tứ Ân, lại bực tức nung nấu trước cảnh bị ngoại chủng uy hiếp, ông bí mật chiêu mộ nghĩa quân trong vùng, tổ chức kháng chiến. Đồng thời liên lạc với các vị lãnh tụ kháng Pháp khác, ông chuẩn bị cho tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tinh thần sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Đến lúc tình hình trở nên khó khăn, các lãnh tụ Cần Vương kẻ bị bắt người bị giết, ông rút về lập căn cứ tại Bảy Thưa giữa Long Xuyên và Châu Đốc, để cố thủ đợi thời. Nhưng chẳng bao lâu, quân Pháp dò biết, nên kéo quân đến vây đánh. Trận này, quân của Cố Quản đại bại.

Từ trận này trở đi, ông biệt tích. Có người nói ông đã từ trần, nhưng điều này không thấy ghi trong tài liệu, cả phía Pháp cũng không có tài liệu xác định nào.

ÔNG BA THỚI
Trong hệ thống Đại Đệ tử Phật Thầy Tây An, ông Nguyễn Văn Thới là người sau cùng và cũng là một nhân vật đặc biệt, do công trình sáng tác phong phú của ông. Đó là bộ Kim Cổ Kỳ Quan mà dân chúng vùng Hậu Giang rất truyền tụng.

Nguyên danh là Nguyễn Văn Thới, tức ông Ba Thới, sanh năm 1866 (Bính Dần) đời Tự Đức 19, tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (sau này Cao Lãnh trở thành tỉnh lỵ tỉnh Kiến Phong). Tác người ông cao lớn, đặc biệt có chòm râu bạc dài tới rún.

Ông tự phát đạo tâm, mùa đông năm 1906 từ bỏ gia đình đi thẳng lên núi Sam, vào trại ruộng Thới Sơn tìm cậu hai Trần Văn Nhu để học đạo. Cậu hai Nhu là con cố Quản Trần Văn Thành, một Đại Đệ tử của Phật Thầy. Rồi ông dời cả gia đình về trại ruộng Bửu Hương Tự, vừa làm ruộng vừa hành đạo.

Năm 1913, nhà cầm quyền Pháp bao vây trại ruộng, đốt phá tan tành. Cậu Hai Nhu và người trong trại bị xiêu tán đi. Ông Ba Thới phải dời gia đình về xã Kiến An tại doi lộ lở, thuộc Cù Lao Ông Chưởng tỉnh Long Xuyên. Tình Thầy nợ Nước miên man bao nỗi cảm hoài, ông ký thác lòng mình vào bộ sách Kim Cổ Kỳ Quan, gồm chín cuốn, cũng gọi chín bổn: Vân Tiên, Thiên Tứ, Cổ Vãng Kim Ca, Ngồi Buồn, Kiểng Tiên, Kim Cổ Kỳ Quan, Cáo Thị, Tứ Đại và Thừa Nhàn, toàn văn vần, tuy văn chương bình dân mộc mạc, có khi bí hiểm tiên tri, nhưng chứa đựng mối cảm hoài tha thiết tình Thầy nợ Nước, ưu đời ái đạo trong một hoàn cảnh xã hội bi đát, quốc phá gia vong, mà Phật Thầy đã nói trước về những khổ cảnh tai nạn đang chờ đợi chúng sanh trong những thời kỳ sắp tới.

Kim Cổ Kỳ Quan được xem là một tác phẩm giảng đạo, chú giải và khai triển giáo lý và những điều tiên tri trong kinh sách Bửu Sơn Kỳ Hương. Đây cũng là tác phẩm ra đời sau cùng, trước khi dòng Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương chuyển sang giai đoạn mới, gọi là giai đoạn Phật Giáo Hòa Hảo, cũng là thời kỳ phát triển sâu mạnh và toàn diện của Tông phái này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn