Sự phân chia đẳng cấp xã hội Việt Nam thời đó không căn cứ trên tiêu chuẩn kinh tế như trong các xã hội kỹ nghệ gồm các giai cấp: tư sản, tiểu tư sản, vô sản... Xã hội Việt Nam phân hạng theo các tiêu chuẩn tinh thần và nghề nghiệp, nhưng chính yếu là các tiêu chuẩn tinh thần. Các thành phần xã hội: Sĩ, Nông, Công và Thương mới nhìn qua, là sự phân biệt theo ngành hoạt động, nhưng đó chỉ là cái nhìn bề mặt. Phải nhận xét sự xếp hạng này như một cái thang giá trị của xã hội Việt Nam, mà giá trị đây là giá trị tinh thần.
Đứng đầu xã hội là hạng SĨ. Sĩ phu không phải là lớp người có nhiều tài sản như ở xã hội tư bản, mà ngược lại, chính là lớp người rất ít tài sản, đời sống thanh đạm, nhưng lại có nhiều kiến thức và đạo đức nhứt trong xã hội, được quần chúng tin tưởng để lãnh đạo, hướng dẫn xã hội, để làm cái gạch nối giữa bình diện thấp nhứt và bình diện cao nhứt trong xã hội, tức gạch nối giữa Dân và Vua, cũng giống như Vua trong vai trò Thiên tử, là gạch nối của Thượng Đế và Nhân loại trong nước.
NÔNG, tức nông dân, là thành phần đứng thứ hai trong nấc thang giá trị xã hội, bởi vì nghề nông được quý trọng hơn các nghề nghiệp thủ công và thương mãi. Đây là một xã hội nông nghiệp sinh hoạt theo truyền thống lâu đời của nền văn minh nông nghiệp. Lúa gạo là sản phẩm chính yếu trong nền kinh tế và nông dân là sản lực chính yếu để sản xuất ra lúa gạo nuôi cả dân tộc. Đất không có giá trị nếu không có con người nông dân canh tác để sản xuất ngũ cốc bảo đảm nhu cầu vật chất căn bản của mỗi người. Có thể nói rằng, trong xã hội nông nghiệp Việt Nam, sĩ phu là sản lực tinh thần, và nông dân là sản lực kinh tế . Nông dân cũng là thành phần đông đảo nhứt, chiếm khoảng 95 phần trăm dân số trong nước.
CÔNG và THƯƠNG được xem là hai lực lượng sản xuất rất biên tế, do đó được xếp ở thứ bậc thấp hơn, cả về phương diện kinh tế lẫn về phương diện giá trị tinh thần. Cũng vì thế mà xã hội Việt Nam trước khi tiếp xúc với Tây phương mang đặc tính của một xã hội khép kín, sự giao thương với bên ngoài rất ít oi, nền kinh tế trì trệ trong giới hạn tự túc tự tồn.
Trên khía cạnh khác, tinh thần trọng Nông khinh Thương trong xã hội thời đó, còn phát xuất từ sự đánh giá tinh thần đạo đức và lòng ái quốc của con người trong các đẳng cấp khác nhau. Thành phần sĩ phu, do sự thấm nhuần ý thức trung quân ái quốc tam cang ngũ thường của Nho giáo, và thành phần nông dân với truyền thống sống chết với đất ruộng thôn xã , không những có tình tự dân tộc và lòng yêu nước cao độ, mà còn có cuộc sống thuần phác đạo lý hơn, so sánh với tâm hồn và nếp sống của các thành phần công thương. Điều này đã được chứng nghiệm qua diễn trình lịch sử Việt Nam. Khi người Pháp đến xâm chiếm và thống trị, thành phần sĩ phu và nông dân tự nhiên kết hợp thành các tổ chức võ trang kháng chiến rất kiên trì và dõng mãnh, trong khi hai thành phần công thương có thái độ tiêu cực, đợi chờ sự thay đổi của thời cuộc, tìm cách làm ăn sinh lợi trong phạm vi nghề nghiệp của mình. Hình ảnh tương tựa cũng tìm thấy qua các giai đoạn sau này trong cuộc chiến Việt Nam: giới công thương vẫn là lớp người hưởng lợi nhiều nhất và phát triển tài sản mau nhứt, nhiều nhứt, trong khi những thành phần khác trong xã hội phải chiến đấu trong mọi lãnh vực để đối phó với tình thế.
Trong xã hội nông nghiệp Việt Nam, nếp sống giản dị không tạo ra các nhu cầu phức tạp và phong phú như trong xã hội kỹ nghệ. Nhu cầu cuộc sống của con người giới hạn trong phạm vi căn bản nhu yếu: ăn, ở, mặc. Các nhu cầu này có thể được giải quyết trong phạm vi giới hạn của gia đình và cộng đồng làng xã, không cần thiết phải liên hệ đến những thị trường xa xôi. Cũng không có các nhu cầu mà xã hội kỹ nghệ ngày nay xem là căn bản thiết yếu, như nhu cầu di chuyển, y tế, học đường quy mô. Do đó, các vấn đề kinh tế không được đặt lên hàng đầu như trong các xã hội tư bản, và nhứt là không được xem là hạ từng cơ sở theo quan niệm Mác xít.
Tư tưởng tam giáo Đông phương Phật, Khổng, Lão từ lâu đời thấm nhuần trong nếp suy nghĩ và đời sống con người, đã trở thành các phong tục tập quán của xã hội. Trong ba nền triết lý đó, Nho giáo thực tiễn nhứt, và có quan niệm thực tế về nhu cầu kinh tế, nhưng lại nêu lên những giới hạn rõ ràng để bảo tồn tinh thần đạo lý trong cuộc sống. Thuyết Trung dung của Khổng Tử truyền bá là để bảo tồn sự quân bình của con người và của xã hội. Theo thuyết này, về mặt kinh tế, cần phải biết giới hạn các nhu cầu và giới hạn các phương tiện áp dụng để thỏa mãn nhu cầu.
Vinh hoa phú quý không nên tận hưởng (Lộc bất khả hưởng tận). Cũng không nên vì vinh hoa phú quý mà làm những điều quá đáng, tồi tệ, trái với đạo lý. Hạnh phúc con người không chỉ do sự phong phú vật chất, mà được tìm thấy trong trạng thái quân bình tinh thần, nếp sống đạo đức hòa hảo tại gia đình và an bình ngoài xã hội.
Triết lý Lão Tử chủ trương thoát ra khỏi các ràng buộc vật chất, để trở về với tự nhiên, sống suy tư và tự tại, cho nên chỉ có cuộc sống tinh thần là đáng kể.
Triết lý Phật Đạo xem cuộc đời là biển khổ, phải diệt khổ để tự giải thoát khỏi định luật sinh, lão, bịnh, tử cho nên rũ bỏ mọi tham vọng vật chất trong cõi đời hiện tại để thân tâm nhẹ nhàng mà hướng về cõi an nhiên cực lạc.
Dưới nhãn quan duy lý Tây phương, ba nền triết học Đông phương có tính chất phản kinh tế, vì kềm hãm năng lực phát triển của xã hội. Nhưng các tư tưởng này đã ảnh hưởng sâu đậm đến con người và xã hội Việt Nam, tạo ra nếp sống giản dị và chậm tiến về vật chất. Nhu cầu ăn, ở, mặc được tiết chế, và trạng thái nghèo khó không phải là điều xấu hổ, có khi lại là điều hãnh diện của kẻ sĩ, không tham danh tham lợi. Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất đó là thái độ mẫu mực của con người quân tử, dù ở bất cứ trạng huống nào. Người có đạo đức không ham danh lợi, và những kẻ chạy theo lợi danh mà bỏ đạo nghĩa, là những kẻ bị xã hội khinh khi chê cười.
Nhân sinh quan Đông phương này cố nhiên đã không làm cho xã hội Việt Nam phát triển mau về mặt kinh tế, và phải trì trệ trong trạng thái kinh tế nông nghiệp tự tồn. Với sinh hoạt văn hóa thiên về đạo lý, văn chương, tín ngưỡng, mà ít lưu tâm đến khoa học kỹ thuật, nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam tuy cũng có những sáng tạo về phương pháp và dụng cụ canh tác, nhưng tiến bộ rất giới hạn.
Các yếu tố tinh thần và khung cảnh sống nói trên đã tạo nên mẫu người Việt Nam hòa hợp giữa tư tưởng bất vụ lợi của Phật giáo, thoát trần của Lão giáo, thực tế giới hạn của Nho giáo. Mẫu người này tuy nặng về ý thức siêu hình, cũng vẫn thực tế trong cuộc sống. Nhưng dù thực tế phải tìm lợi tức để sinh nhai, cũng tự giới hạn, không vượt quá xa làn ranh giới của các nhu cầu thiết yếu, không cực đoan tiến vào phạm vi của tham vọng vô luân. Có thể nói đây là một mẫu người của nền văn minh nông nghiệp tại Á Châu.
Trong nhân sinh quan này, kinh tế không phải là cứu cánh, mà chỉ là một phương tiện giúp con người sống mà tiến tới trạng thái thăng hoa kiếp người, hoặc thành người quân tử Nho giáo, hoặc thành người siêu nhiên Lão giáo, hoặc tìm giải thoát về cõi cực lạc theo Phật giáo. Mẫu người ấy, trong cuộc sống xã hội, không có khuynh hướng mãnh liệt về tranh đấu vật chất, mà hòa hợp với người chung quanh, dung hòa quyền lợi để kiến tạo một xã hội tốt đẹp chung cho tất cả. Chính cái nhân sinh quan đó, với nếp sống cá nhân và xã hội đó, tuy thiếu mãnh lực phát triển về kinh tế, đã là sức mạnh bảo tồn nền tảng và cấu trúc xã hội Việt Nam qua hàng thế kỷ, trước khi người Pháp đến thổi ngọn gió Tây phương vào xứ này, tạo ra những thay đổi lớn lao về mọi mặt.
Gửi ý kiến của bạn