1 - Phong Trào Văn Thân Kháng Pháp

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 109251)
1 - Phong Trào Văn Thân Kháng Pháp

Các tổ chức kháng Pháp phát sanh trước hết tại Nam Việt, ngay từ lúc quân đội xâm lược Pháp đặt chân lên lãnh thổ Việt Nam năm 1860. Phong trào phát khởi tại miền Đông, sau đó lan rộng khắp Nam Việt rồi khắp nước Việt Nam. Đó là phản ứng chung của dân tộc chống ngoại xâm, hễ quân Pháp chiếm cứ nơi nào, là tổ chức kháng Pháp lập tức phát sanh tại nơi đó.

Đặc tính căn bản chung của các phong trào này là Văn thân Cần Vương. Nghĩa là các tổ chức kháng Pháp được lãnh đạo bởi giới Văn thân, tức giới Sĩ phu Nho học đã từng đóng vai trò lãnh đạo hướng dẫn quần chúng. Giới sĩ phu quy tụ dân chúng nổi dậy đánh Pháp để phục hồi uy quyền triều đình, tức là nhà vua Việt Nam (cần vương). Về mặt tư tưởng, giới sĩ phu thấm nhuần Nho giáo, đặt mối tương quan quân thần lên trên hết (Tam cương: Quân thần, Phụ tử, Phu thê) xem nhà Vua là biểu tượng quốc gia, và trung quân đồng nghĩa với ái quốc. Về mặt xã hội, giới sĩ phu được dân chúng kính trọng, nghe theo, phần đông truyền bá giáo dục trong vùng, cho nên khi dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp, họ có khả năng huy động quần chúng tham gia. Đương nhiên các phong trào kháng Pháp thời kỳ đầu tiên cho tới cuối thế kỷ 19, đều do giới sĩ phu lãnh đạo và mang tư tưởng phục vụ triều đình, có mục đích đánh đuổi Pháp, để tái lập chế độ quân chủ truyền thống.

Từ 1860 đến 1885, nhiều tổ chức khởi nghĩa chống Pháp đã xuất hiện, trong đó lịch sử Việt Nam ghi nhận các tổ chức sau đây có tầm quan trọng cao hơn hết:

Nguyễn Trung Trực 1860-1868, Trương Công Định 1861-1864, Nguyễn Hữu Huân 1863-1868, Võ Duy Dương 1865-1866, Trần Văn Thành 1865-1873, Đinh Công Tráng 1866-1867, Nguyễn Thiện Thuật 1885-1889, Phan Đình Phùng 1885-1895, Hoàng Hoa Thám 1887-1913.

Tất cả những lãnh tụ kháng Pháp này đã thất bại, mặc dù họ đã chiến đấu rất dũng cảm. Lý do thất bại là: lần đầu tiên binh sĩ Việt Nam phải đương đầu với một lực lượng quân sự địch khác hẳn với tất cả quân đội địch mà họ đã phải đương đầu trong lịch sử, như quân Trung Hoa, Chiêm Thành, Chân Lạp. Điều kiện chiến trường, võ khí, chiến thuật, và trình độ tiến hóa trước kia không có sự cách biệt quá đáng giữa các địch thủ Á Châu, trên các chiến trường Á Châu. Còn Pháp là một địch thủ hoàn toàn xa lạ, với khoa học chiến tranh khác, phương pháp chiến đấu khác, và các loại võ khí cơ giới tiến bộ rất xa so với võ khí cổ điển thô sơ của Việt Nam...

Do đó, tương quan lực lượng trong cuộc chiến đấu này trên phương diện khí giới tiến bộ, rất chênh lệch và có hại cho kháng chiến Việt Nam. Mặc dù đã đạt những thắng lợi ngoại hạng với võ khí yếu kém, như những trận đánh chìm tầu Pháp tại Nhựt Tảo hay hạ đồn Pháp tại Kiên Giang do lãnh tụ Nguyễn Trung Trực chỉ huy, nhưng rốt cuộc các lãnh tụ kháng chiến đã bị Pháp bắt giết hay tử trận, vẹn danh kẻ yêu nước, sau khi đã xả thân đem nhiệt tình và dõng cảm để cố bù đắp sự thua thiệt về võ khí, sự thất thế về lực lượng quân sự so với quân Pháp.

Phong trào Văn thân Cần vương kháng Pháp được xem như đã chấm dứt sau khi nhà lãnh tụ Cần vương nổi tiếng trong lịch sử là Phan Đình Phùng tạ thế năm 1895. Cũng từ đây, theo sự phân định của các nhà biên khảo Việt sử, tư tưởng Cần vương bắt đầu phai lạt trong bối cảnh xã hội mới, nhường chỗ cho tư tưởng canh tân hướng về quốc gia dân tộc, hơn là sống chết vì Vua.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn