Ảnh hưởng Lão Trang trong Phật Giáo Hòa Hảo

11 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 43798)
Ảnh hưởng Lão Trang trong Phật Giáo Hòa Hảo
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Người Việt từ xưa, qua những hồi lăn lóc trong bể lợi danh, quá mệt nhọc trên trường khoa hoạn, thường ưa thích những phút giây thư thái tâm hồn. Những Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Nam Hoa Kinh của Trang Tử, đã làm cho tâm hồn họ lâng lâng không ít. Một Nguyễn Công Trứ với con người của khuôn rập Nho gia, đã chẳng khỏi ảnh hưởng Lão Trang cuốn hút :

Chen chúc lợi danh đà chán ngắt

Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao

Đám phồn hoa trót bước chân vào

Sực nghĩ lại giật mình bao kể xiết!  

                                 (Thoát vòng danh lợi)

 

Một Cao Bá Quát đầy tự phụ và cao ngạo, cũng chán ngấy trần gian không kém ông Trang, ông Lão :

Thế sự thăng trầm quân mạc vấn

Yên ba thâm xứ hữu ngư châu

Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu

Đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt

                  (Ngán đời)

Rồi Nguyễn Trãi với trạng thái tiêu dao, gởi hồn vào những câu hát trên núi Côn Sơn, Trạng Trình với “Một mai một cuốc một cần câubên bờ Tuyết Giang và Nguyễn Thiếp với đôi mắt mơ huyền nhìn ngàn Thiên Nhận, núi Thiên Nhận mà lãng quên thế sự thăng trầm… đã dư đủ để nói về ảnh hưởng của Lão Trang trong giới sĩ phu thời cổ.

Bởi vậy, để đưa người từ vẹn đạo tu Nhân, tiến sang quả vị thành Phật, Đức Giáo Chủ đã khơi lên ý thức Thần Tiên tức là gợi ý thoát tục cho con người dần dần tiến mãi.

Cái phong thái xuất thế cầu nhàn được mô tả như là đẹp nhất và an ổn nhất cho tâm hồn để lần lên bờ giải thoát. Ta hãy dò theo ngòi bút của Đức Thầy.

Khi thì như chơi vơi trong cảnh mây bay gió thoảng, trời rộng non cao…

Ngồi trên đảnh núi liên đài

Tu hành tầm đạo một mai cứu đời

Lan thiên một cõi xa chơi

Non cao đảnh thượng thảnh thơi vô cùng

Hiu hiu gió thổi lạnh lùng

Phất phơ liễu yếu lạnh lùng tòng mai

Mùa xuân hứng cảnh lầu đài

Lúc còn xác thịt thì tài hùng anh

Tứ vi mây phủ nhiều đoanh

Bồng lai một cõi hữu danh chữ đề

Kể từ Tiên cảnh ta về

Non Bồng ta ở dựa kề mấy năm…

Lại có hồi như băn khoăn ray rứt, nhưng vẫn tịch mịch thoát trần…

 

Trí thần nhờ đến tiếng quyên

Gọi hồn cố quốc sầu riêng một mình

Trầm ngâm vẻ mặt làm thinh

Tựa mình bên gối giấc quỳnh đã say

Mơ tiên hồn muốn vụt bay

 

Và cũng có lúc như nhàn nhã thong dong, say mê theo những cuộc cờ tiên, câu thơ thần, chung rượu thánh…

Về Tiên cảnh say mùi rượu Thánh

Chén quỳnh tương gác điều gai ngạnh

Vui tinh thần bày biện cuộc cờ

Khi thứa nhàn trổi giọng ngâm thơ

Bày thi phú than qua thời thế…

Chúng tôi đã có dịp nói rằng sự hiện diện của Khổng và Lão trong Phật Giáo Hòa Hảo không phải là sự tổng hợp đồng đều, mà chỉ là một phương tiện. Phương tiện đưa dần từ bước nhập môn tu Nhân, lần lên ý thức thoát tục, để rồi tiến dần đến học Phật cho giác hạnh viên mãn. Tuy vậy, trong kinh kệ của Đức Thầy, thỉnh thoảng Tam Giáo được nhắc đến theo trình tự kề nhau, như có ý khuyên người lần dò theo mà đi đến đích:

Trên non Tiên văng vẳng tiếng phụng hoàng

Phật, Tiên, Thánh an bang cùng định quốc

                     (Không buồn ngủ)

 

Phật, Tiên, Thánh lòng nhơn hà hải

Những ước ao thế giái hòa bình

                                        (Giác Mê Tâm Kệ)

 

Tu là tu Phật tu Tiên

Tu cho rõ biết chữ Hiền ra sao

                                          (Viếng làng Mỹ Hội Đông)

 

Đến đây, sau khi đã biết là Đức Thầy thường dùng các phương tiện để độ rỗi chúng sanh, chúng ta mới không thấy làm lạ khi đọc kinh sách Phật Giáo Hòa Hảo mà thấy có các danh xưng Vua, Chúa, Tiên, Thần, Trời, Thánh… Người ta đã mắc phải những lầm lẫn lớn khi đọc vội vả và hiểu vội rằng Ngài có tư tưởng bảo thủ, hoặc chấp nhận những gì trái với triết học duy lý của Đức Thích Ca.

Không. Bằng những phương pháp hoặc suy diễn hoặc quy nạp tùy lúc, Đức Thầy đã thoát khỏi sự cậu nệ thường tình để có khi chú trọng vào tinh thần hơn là kinh điển, có khi chỉ lưu ý đến một hình ảnh điển hình và cụ thể để dẫn giải một sự kiện siêu hình, miễn làm sao cho dễ nghe dễ hiểu để đạt được cái lý là đủ.

Trở lại vấn đề dung nạp tinh hoa Nho giáo và tư tưởng Đạo giáo trong Giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, chúng ta có thể xác nhận rằng đó là sự “Tùy phong hóa dân sanh phù hạp” để làm cho xuôi đường thuận cảnh dẫn dắt chúng sanh và để quy căn vào bản sắc dân tộc chớ tuyệt nhiên không phải để cải sửa lại bất cứ điểm nào trong Giáo lý chơn truyền của Đức Thích Ca Mâu Ni (2)

 

(1)Xem Việt Nam Tam Giáo Sử Đại Cương của tác giả Phạm Văn Tươi xb 1937

(2)Xem thêm bài của Thành Nam: Nho Giáo trong Giáo Thuyết PGHH, Đuốc Từ Bi số 19-20 tháng 9-10, 1966 và Tinh Thần Lão Giáo trong Giáo Lý PGHH, Đuốc Từ Bi số 21, tháng 11, 1966

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn