6- Chánh Sách Chia Rẽ Của Pháp

30 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 75811)
6- Chánh Sách Chia Rẽ Của Pháp
Trong thâm tâm, Pháp không muốn Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng (gọi tắt Dân Xã) ảnh hưởng chính trị đến các đơn vị quân sự Phật Giáo Hòa Hảo. Và họ đã định sẵn chủ trương “coi như không có Dân Xã”. Điều cần thiết chính yếu của Pháp là khả năng quân sự của các đơn vị võ trang Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã, đóng góp vào công tác bình định lãnh thổ miền Hậu Giang, chớ không phải các hoạt động chánh trị. Càng không phải các yêu sách chánh trị đòi hỏi chủ quyền quốc gia độc lập mà Dân Xã chủ trương.

Nghiên cứu lập trường Dân Xã Đảng, Pháp thấy rằng chủ trương độc lập quốc gia và thống nhất lãnh thổ của đảng này, rõ ràng đối nghịch tham vọng tái lập chủ quyền thực dân Pháp, và chánh sách “chia để trị” cố hữu của họ. Pháp nhìn cấp lãnh đạo Dân Xã Đảng như các phần tử gây rối, phải bị loại ra ngoài.

Ở thời điểm 1947, Pháp chỉ muốn nghe nói đến “tự trị” chớ không thích nghe nói đến “độc lập”. Pháp chỉ muốn cho Việt Nam tự trị trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp, như một quy chế thuộc địa tiến bộ hơn trước. Cho nên Pháp không thể chấp nhận các quan điểm cách mạng của Dân Xã Đảng.

Sau đây là một quan điểm của tình báo Pháp về Dân Xã: ... Mấy ngày sau khi bản thỏa hiệp án 14-9-1946 ra đời, (bản Modus Vivendi ký kết giữa Hồ Chí Minh và Marius Moutet tại Paris), các thành phần thuộc Mặt Trận Quốc Gia họp tại Bà Quẹo (Hóc Môn), đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội ra đời ngày 21-9-1946. Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân, Nguyễn Hoàn Bích tự Nguyễn Bảo Toàn và Huỳnh Phú Sổ cùng với Mai Văn Dậu, một luật sư không có văn phòng, thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, gọi tắt là Dân Xã, mà Nguyễn Văn Sâm và Giáo Chủ là đại biểu. Nguyễn Văn Sâm nhờ đó mà tìm được hậu thuẫn quần chúng, và Huỳnh Phú Sổ thì từ đây bước vào đấu tranh chánh trị.

Đảng Dân Xã nói rằng đã liên kết được mọi thành phần dân tộc không phải là Việt Minh, nhưng thực sự đó là ý đồ của Nguyễn Văn Sâm, chánh trị hóa khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo để tạo thành một hậu thuẫn mạnh mẽ của ông ta...

Cơ cấu tổ chức Dân Xã khởi đầu từ cấp Chi bộ tại Xã lên Trung Ương tại Saiogn, qua các cấp bộ Tỉnh và Liên Tỉnh. Chủ trương và đường lối Dân Xã vừa chống Cộng vừa chống Pháp, và như thế khó có thể được phe Cộng Sản Staline ở Việt Nam chấp nhận...

Với quan điểm đó về Dân Xã Đảng, theo như tài liệu phân tích của đệ nhị phòng, tình báo quân sự Pháp, chủ tâm của Đại tá tư lịnh miền Tây Cluzet và Tướng Boyer de la Tour là không nói chuyện với Dân Xã Đảng, không đề cập các vấn đề chánh trị, chỉ giới hạn trong phạm vi hợp tác quân sự và địa phương giữa Pháp và các đơn vị võ trang Phật Giáo Hòa Hảo.

Luật sư Mai Văn Dậu, người được ủy nhiệm thay mặt cơ quan quân chính tối cao Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã để thương thuyết với Pháp, đã phải giữa đêm lén leo qua cửa sổ nơi ông tạm trú trong thời gian thương thảo, để cùng với mấy đồng đạo thân tín trốn thoát từ Cần Thơ về Thánh Địa Hòa Hảo bằng đường riêng. Ông tiết lộ âm mưu của Pháp và sự thất bại của mình, không đạt được mục tiêu mà cơ quan lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã đã ấn định cho ông để đi thương thuyết.

Người viết sách này còn nhớ hình ảnh luật sư Mai Văn Dậu lúc về tới Thánh Địa Hòa Hảo, mặc bộ quần áo bà ba đen như một nông dân, quần rách te tua, chân đi đất, cặp kiếng cận bị bể, sắc mặt bi quan, xổ một tràng tiếng Pháp nguyền rủa âm mưu và dã tâm của Pháp. Ông cho biết rằng, nếu ông không trốn về giữa ban đêm, thì thế nào Pháp cũng giết ông hay bắt giam ông.

Thật ra, theo ý kiến của giới lãnh đạo chánh trị Dân Xã Đảng lúc đó, họ cũng đã tiên liệu rằng Pháp đang ở thế thượng phong sẽ không chấp nhận bốn điểm lập trường Dân Xã. Nhưng dù biết vậy, Dân Xã vẫn cứ phải đưa ra như một biện minh trạng lịch sử cho sự bảo thủ lập trường tranh đấu và thái độ trung thành với lập trường mà Đảng đã công bố khi thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.

Cuộc thương thuyết này cũng là hình ảnh thu hẹp của những cuộc thương thảo giữa Pháp và Chánh phủ Nam Kỳ Tự Trị của bác sĩ Nguyễn Văn Thinh năm 1946, và sau này các chánh phủ của Cựu Hoàng Bảo Đại từ 1948. Pháp đã biểu lộ chủ trương cứng rắn và thái độ ngoan cố. Pháp không muốn hành động như Anh quốc tự ý trao trả chủ quyền độc lập cho các thuộc địa Mã Lai, Ấn Độ theo một kế hoạch chuyển quyền tuần tự. Pháp cố níu kéo, duy trì quyền lợi đế quốc tại Đông Dương, dù biết rằng phải tiêu phí sinh mạng thanh niên Pháp và ngân quỹ quốc gia. Rốt cuộc về sau, Pháp vẫn phải ra đi, nhưng khi còn có thế lực tại Đông dương, Pháp vì tham vọng mà trở thành mù quáng, không nhìn thấy viễn tượng tất nhiên là sự bắt buộc phải ra đi khỏi Việt Nam, để mà có thái độ thích nghi kịp thời.

Cũng vì thế mà Pháp đã làm cho Cộng Sản Việt Minh có được “chánh nghĩa kháng chiến”, và ngược lại, làm hoen ố chánh nghĩa của các giới tranh đấu có khuynh hướng dân tộc. Các giới cách mạng quốc gia tranh thủ độc lập quốc gia qua giải pháp hợp tác hòa bình với Pháp, đồng thời tránh cái họa dịch chủ tái nô, chủ Pháp đi chủ Nga đến, lúc đó phải kẹt vào cái thế hợp tác với Pháp, nhưng không phải hợp tác để làm nô lệ cho Pháp, mà hợp tác để tranh thủ chủ quyền độc lập bằng đường lối hòa bình. Pháp đã ngoan cố tham lam, làm cho giải pháp Bảo Đại mất giá trị, và chế độ Bảo Đại mất chánh nghĩa.

Hoàn cảnh của giới lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã khi vị Giáo Chủ vắng mặt đột ngột sau biến cố 16-4-1947, cũng bi đát và khó khăn như thế, cũng vẫn phải “liên quân” hợp tác, và đối diện với những chức quyền quân sự chánh trị của Pháp tại Việt Nam, trong một vị trí thất thế rõ ràng cho phía Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã.

Thời gian tiếp theo sau khi ký kết bản hiệp định 18-5-1947, là thời kỳ Pháp thi hành một chánh sách hai mặt: Một mặt Pháp võ trang thêm các đơn vị quân sự Phật Giáo Hòa Hảo để trục xuất các đơn vị Cộng Sản khỏi khu vực Hậu Giang một cách có hiệu quả rõ rệt và mau chóng; nhưng mặt khác, Pháp cương quyết ngăn chận, cấm đoán các hoạt động chánh trị của đảng Dân Xã, không ngần ngại bắt giam cán bộ Dân Xã, từ cấp lãnh đạo trở xuống.

Trong cuộc phỏng vấn một nhân vật Phật Giáo Hòa Hảo có hiểu biết về cuộc thương thuyết Pháp-Phật Giáo Hòa Hảo năm 1947, và có quen biết với luật sư Mai Văn Dậu, nhân vật này tiết lộ rằng sau khi bản hiệp định liên quân 18-5-1947 được báo cáo lên Bộ tư lịnh Pháp ở Đông Dương và được phúc trình về Paris, thì Đại tá Cluzet bị triệu hồi về Pháp, rồi bị khiển trách bởi lý do đã ký kết một văn kiện mà theo nguyên tắc, không thể được ký kết, với hình thức và ngôn từ không thể chấp nhận được. Điều này còn nói rõ thêm về dã tâm và thái độ ngoan cố của thực dân Pháp, từ bản tuyên ngôn Brazzaville 1945 của Tướng De Gaulle đến Chánh phủ Mendès France 1954, chỉ nghĩ đến tham vọng quyền lợi Pháp, không bao giờ lưu tâm đến niềm đau khổ và ước vọng của mấy chục triệu dân Việt Nam.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn