Bước thứ nhứt là học Phật. Con người phải hiểu yếu lý Phật đạo, biết mình từ đâu tới, ra đời để làm gì, và sẽ đi về đâu. Kiến thức đạo học tạo cho con người những đức tánh căn bản cần thiết để có nếp sống đạo đức trong xã hội, thành người tốt và hữu dụng của xã hội mà mình đang sống.
Bước thứ hai là Tu Nhân. Con người đã được trang bị kiến thức đạo lý, phải hòa nhập vào cuộc sống xã hội, phục vụ xã hội, và trong trường hợp Việt Nam bị ngoại xâm thống trị, phải nhận lấy nhiệm vụ cứu nước. Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo trở thành người chiến sĩ của phong trào tranh đấu giải phóng đất nước.
Bước thứ ba là tìm về cứu cánh giải thoát. Người tín đồ tranh đấu với chính bản thân mình, khắc phục các cám dỗ lợi danh để tự giải thoát khỏi các tham vọng trong cuộc sống vật chất, chuẩn bị các điều kiện tinh thần và tâm linh cho hành trình sau cùng là thoát khỏi luân hồi tái sinh, thoát khỏi định luật Sanh, Lão, Bịnh, Tử, như đức Phật đã dạy.
Công thức BA bước đào tạo con người theo giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, cũng tương tợ công thức Nho giáo: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Trước hết phải tu thân thành con người tốt, mới có tư cách bước ra ngoài phục vụ và gánh vác nhiệm vụ xã hội.
Tính chất bất khả phân của công thức Ba bước nầy là điều căn bản cần phải nhớ. Bởi vì học Phật mà không tu Nhân, là không hành động, không tròn bổn phận trong xã hội. Người học Phật tu Nhân nếu dừng ở bước thứ hai, sẽ không bao giờ đi đến cứu cánh giải thoát. Huỳnh Giáo Chủ đã có nói một câu biểu lộ tầm quan trọng của bước thứ ba là:
Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật Đà nam mô. (*)
Đó là chí lớn của các bậc Thiền sư Đại đức trong lịch sử như Khuông Việt, Tuệ Trung Thượng Sĩ, không lấy chiến bào làm sự nghiệp, mà chỉ sử dụng để làm bổn phận con dân khi quốc biến. Lúc giặc đã dẹp, bờ cõi đã yên, người chân tu phải từ bỏ mọi tước vị lợi danh, để tiếp tục cuộc hành trình còn lại của bước thứ ba, là tiến về cõi giải thoát. Dừng chân ở bước thứ hai, là một sự thất bại của người tu hành.
Theo đúng công thức này, mọi việc làm phải quan niệm như hành Đạo, những việc thuộc về Đạo phải theo đúng chánh đạo, mọi việc thuộc về Đời, phải theo đúng chánh nghĩa. Chánh nghĩa trong hành động cứu nước là chơn chánh phục vụ, đặt quyền lợi Tổ quốc dân tộc trên hết, không vụ lợi cá nhân, không cầu mong thụ hưởng. Nếu phải đảm đương một quyền tước gì để thi hành nghĩa vụ, thì cứ xem đó là phương tiện để hành sử đạo nghĩa, chớ không phải cứu cánh mục đích. Bởi vì cứu cánh của người chân tu là Lạc cảnh Niết bàn, không phải chức vụ thế gian. Hành giả học Phật tu Nhân phải xem quyền tước như là chiếc áo mưa để mặc trong cơn mưa, như chiếc thuyền để “đáo bỉ ngạn”; khi đã qua bờ rồi, đừng lưu luyến con thuyền nữa.
Luận về hạnh làm quan quyền, Mạnh Tử có viết: “Khả dĩ sĩ tắc sĩ, khả dĩ chỉ tắc chỉ, khả dĩ cửu tắc cửu, khả dĩ tốc tắc tốc”. Có nghĩa là: “lúc nên làm quan thì làm quan, lúc nên thôi thì thôi, cần làm quan lâu thì ở lâu, cần ra đi thì đi gấp”. Điều tai hại thường xảy ra, là khi thấy không nên lưu lại mà còn cố bám ở lại, đó là hạng người tham quyền cố vị, trái đạo nghĩa, làm tổn thương đến hạnh đức của người tu. Huỳnh Giáo Chủ có khuyên:
Tu mà ham cho được giàu sang,
Với quyền tước là tu dối thế.
Để kết luận, Phật Giáo Hòa Hảo không phải là đạo Phật cải cách, mà chính là một tôn giáo quy nguyên về chánh pháp mà Đức Thích Ca đã xiển dương. Những đặc điểm nêu trên, chưa phải là toàn bộ giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, cũng không phải là cải cách giáo lý, mà chính là những điều đã có sẵn trong đạo Phật, bây giờ Phật Giáo Hòa Hảo nhấn mạnh để thích nghi với hoàn cảnh xã hội và con người.
Thuyết Tam nguơn, Hội Long Hoa, học Phật tu Nhân, thuyết Tứ Ân lược giảng trên đây, thật sự đã làm cho đạo Phật được phổ biến sâu rộng hơn, được thêm năng động tính và tích cực tính, để sinh động và thích nghi với một giai đoạn đặc biệt của lịch sử dân tộc và đạo pháp tại Việt Nam.
Gửi ý kiến của bạn