5- Cải Tiến Phương Pháp Hành Đạo

21 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 80129)
5- Cải Tiến Phương Pháp Hành Đạo
CẢI TIẾN PHƯƠNG PHÁP HÀNH ĐẠO

Bài “Đôi Lời Diễn Giải” trích ra sau đây từ tập sách “Phật giáo Hòa Hảo Yếu Lược” xuất bản bởi Văn phòng Phật Giáo Hòa Hảo/Hải ngoại tại Hoa Kỳ năm 1987 có thể được xem là một sự sắp xếp có trình tự của một chương trình hướng dẫn cho người đọc tìm hiểu giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo qua một số tác phẩm văn xuôi của Huỳnh Giáo Chủ.

Tuy không dùng danh từ “hệ thống hóa”, giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo đã được “truyền bá như một dòng lưu thủy chảy xuôi chiều trong đồng ruộng miền Nam, một cách êm ái nhẹ nhàng, thấm dần từng giọt từng giọt vào tâm hồn mộc mạc của người tín đồ...

Trước hết, Sấm Giảng Quyển 1 là lời “báo động” rằng cuộc thế đến giai đoạn cuối cùng của chu kỳ Tam nguơn, con người hãy mau kịp thời tu tỉnh trong thời kỳ Mạt Hạ nguơn đầy tai ương khốn khổ này, để khi mở hội Long Hoa, người hiền đức được chọn sống thời kỳ Thượng nguơn, tiếp tục tu học để tiến lên cứu cánh Tịnh độ giải thoát.

Nghe được lời báo động, hành giả tự giác biết mình phải “lên đường” vào lộ trình dẫn đến Hội Long Hoa, nhưng biết đường nào mà đi?

Bài đầu tiên của Phần Giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo nói về TRUNG ĐẠO CủA PHẬT, là địa bàn chỉ hướng cho hành giả: hãy vào Trung đạo, đó là con đường Đức Thích Ca đã đi qua, giữa hai thái cực: khổ hạnh thái quá và sung sướng quá độ, đều không đến đích. Phải vào Trung đạo.

Bài kế tiếp giảng về nguyên lý cuộc sống, cũng là nhân sinh quan Phật Giáo. Đó là SƠ GIảI TỨ DIỆU ĐẾ, theo bài pháp đầu tiên mà Phật Thích Ca thuyết tại vườn Lộc Uyển sau khi đạt đạo, cũng là bài học căn bản nhập môn cho các đệ tử vào triết lý đạo Phật. Cuộc đời là biển khổ. Có biết rằng chính mình đang ngụp lặn trong biển khổ, có hiểu rõ nguyên nhân và hình thái của những Sự Khổ, mới giác ngộ rằng mình phải tìm Đạo để diệt khổ. Không hiểu Tứ Diệu Đế, thì không thể hiểu tại sao mình khổ, tại sao mình phải tu.

THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN là cấu trúc cái vòng nghiệp lực tạo Sự Khổ, đưa con người vào Luân hồi, theo tiến trình vòng tròn bất tận, mà người ta thường ví như “kiến bò miệng chén” bò mãi không biết đâu là khởi, đâu là dứt. Muốn dứt, phải theo tiến trình ngược lại: MÔN HOÀN DIỆT để phá vỡ cái vòng tròn mà khởi điểm là Vô minh.

Hiểu được những điều căn bản trên đây, hành giả hiểu được lý do và mục đích cuộc hành trình, và trên hành trình ấy, được hướng dẫn bởi ánh sáng của Bắc đẩu tinh là BỐN ĐẠI ĐỨC (Từ, Bi, Hỉ, Xả) CủA CHƯ PHẬT, để mà noi theo.

Những bài ngắn tiếp theo: ĐỨC PHẬT VỚI CHÚNG SANH, TRONG VIỆC TU THÂN Xử Kỷ, là để hành giả hiểu rằng trên hành trình tu tiến, mình được hưởng đặc ân của Phật, nhưng cũng phải tự chiến thắng chính mình. Nhờ tha lực (của Phật) và do tự lực (của mình), người tu hành phải có cả Niềm tin và Lòng lành, nghĩa là có cả Trí tín và Tâm tín, để bước đi được quân bình, bởi vì “Có trí mà vô tâm thì dễ xảo trá, có tâm mà bất trí thì dễ mê tín...”

Sau đó là LỜI KHUYÊN BỔN ĐẠO, Đức Giáo Chủ ân cần dặn dò bổn đạo phải thể hiện TÌNH THƯƠNG YÊU, “lấy khoan dung mà đối đãi lẫn nhau, lấy bác ái nhân đạo cư xử với mọi người...”

Đạo pháp thường hay dung với hòa,
Xét người cho tột, xét thân ta.
Nếu người rõ phận vui lòng thứ,
Ta thứ được người, người thứ ta.

Sau phần tổng quát, Huỳnh Giáo Chủ thuyết giảng những điều cương yếu trong giáo lý, để người tu áp dụng trong cuộc sống:

THUYẾT TỨ ÂN, con người có bổn phận đền đáp bốn điều Ân lớn đối với Cha mẹ, Đất nước, Tam bảo, Nhơn loại.

LUẬN VỀ TAM NGHIỆP, để biết rõ Mười điều Ác phải ráng mà tránh, cũng như ‘’... muốn làm giàu thì phải cố tránh đừng thiếu nợ...’’ Thân, Khẩu, Ý nghiệp khiến con người phạm vào Thập ác, muốn tránh và diệt ác, phải hiểu và hành theo tám đường chánh.

LUẬN VỀ BÁT CHÁNH, Đức Giáo Chủ nói với tín đồ rằng đó là ‘’... quyển kinh nhựt tụng của những ai muốn thoát chốn mê đồ, tấn triển trên con đường giải thoát...”

Đạo Phật cao rộng vô cùng, với 84.000 pháp môn, hành giả rất dễ lạc trong rừng kinh kệ. Huỳnh Giáo Chủ đã chọn lựa con đường giản dị nhứt, ngắn nhứt, thuyết giảng các yếu lý căn bản của Phật đạo bằng lời văn dễ hiểu nhứt, để hành giả nương theo đó mà bước vào hành trình, tiến lên trong hành trình, và đạt cứu cánh của hành trình tới giải thoát. (*)

Về mặt giáo lý, Phật Giáo Hòa Hảo không tự nhận là một nền đạo Phật cải cách, nhưng về mặt hành đạo, Huỳnh Giáo Chủ đã đưa ra những thay đổi táo bạo nhưng mang tính chất cách mạng sau đây:
1. Bài trừ các loại mê tín dị đoan.
2. Loại bỏ các nghi lễ phiền toái, rườm rà, vụ hình thức.
3. Giản dị hóa nghi thức thờ phượng.
4. Không tạo dựng tự viện (chùa, miễu) mà tu hành tại gia.
5. Hướng mạnh giáo lý vào thái độ và hành động nhập thế.
6. Hướng tinh thần từ bi bác ái vào cải tiến xã hội.
7. Hướng đức Dũng của Phật đạo vào tình yêu đất nước.

BÀI TRỪ MÊ TÍN DỊ ĐOAN, BỎ NGHI LỄ PHIỀN TOÁI,GIẢN DỊ HÓA NGHI THỨC THỜI THƯỢNG, KHÔNG CẤT CHÙA ĐÚC TƯỢNG

Cuộc cách mạng tôn giáo này, trong một thời gian ngắn, đã làm một cuộc thanh lọc tín ngưỡng trong quần chúng. ảnh hưởng rõ ràng nhất là dân chúng vùng này không tìm đến những ông thầy cúng, thầy phù thủy, thầy bùa thầy ngải như thói quen trước đó của họ. Các ông thầy này bỗng nhiên mất hết khách hàng và không còn hành nghề được nữa trong vùng Phật Giáo Hòa Hảo. Người dân cũng không thấy cần thiết phải đến các chùa miễu, vì họ hiểu rằng họ có thể tu hành thờ Phật ngay tại nhà họ, theo nghi thức giản dị mà gia đình nào cũng làm được, lại tiết kiệm chi phí cho ngân sách giới hạn của họ.

Theo giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, người tín đồ đặt trong nhà mình một bàn thờ, trên thờ Tam Bảo Phật-Pháp-Tăng, Anh Hùng Dân Tộc, dưới thờ Tổ Tiên Cha Mẹ đã qua đời. Không có hình tượng chuông mõ, chỉ thờ một tấm trần màu đà biểu tượng hòa hợp màu sắc và theo truyền thống Thiền Việt Nam. Trên bàn thờ chỉ có nhang đèn, nước lã và bông hoa. Lúc thờ cúng họ im lặng lâm râm đọc những bài kinh cầu nguyện, chứ không trổi giọng ê-a hoặc chuông mõ nhạc khí. Bài nguyện của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ngôn ngữ giản dị, dễ nhớ. Mỗi ngày họ cầu nguyện ba lần: sáng, trưa, tối. Đặc biệt là buổi tối, tại vùng Hòa Hảo, tất cả các nhà đều đốt một ngọn đèn nhỏ trên bàn thờ thông thiên đặt trước nhà, mọi gia đình đều cúng lạy, cầu nguyện, nhưng tất cả đều im lặng một cách trang nghiêm. Huỳnh Giáo Chủ cẩn thận dặn dò họ rằng: ‘’Đi làm ruộng đến thời cúng, ngó về hướng Tây nguyện rồi xá bốn phương. Còn đi xa nhà thì nguyện tưởng trong tâm cũng được”. (*)

Trong nhà tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo việc trang trí chỗ thờ phượng thật hết sức giản dị tinh khiết. Cư sĩ tại gia Phật Giáo Hòa Hảo chỉ chú trọng vào ba nơi thờ chánh là Bàn Thông Thiên (đặt giữa trời), Bàn thờ Ông Bà và Bàn thờ Phật (đặt trong nhà). Trong trường hợp giản dị tối đa, người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo có thể tưởng niệm trong lòng mình cũng đủ.

ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà,
Phật bất chấp không nài thời khắc. (*)

Việc cúng Phật, theo quy tắc chính yếu của đạo, là không cúng bằng vật gì khác hơn bông hoa, nước lã và đèn hương. Nhưng nếu người tu không đủ phương tiện vật chất hoặc điều kiện thuận tiện thì được phép giảm chế tất cả. Chính Đức Giáo Chủ đã dạy các tín đồ của Ngài: ‘’Có nhang thì đốt, không có thì nguyện không”.

Cái bản chất giản dị của dân tộc từ thời cổ sơ cho mãi mãi đến về sau, được giữ lại trong tinh thần hồn nhiên của Phật Giáo Hòa Hảo. Hãy nghe những lời giảng dạy của Đức Giáo Chủ trong việc thờ tự:

“Nếu trong nhà chật, nội bàn Thông Thiên với một lư hương không cũng được, bởi vì sự tu hành cốt ở chỗ trau tâm trỉa tánh hơn là do sự lễ bái ở ngoài.

Còn người nào có cốt Phật trong nhà, để vậy cũng đặng, hình tượng bằng giấy không nên chừa lại và phải đốt đi.

Kẻ nào ở chung đậu với người khác không có tu hiền, hoặc nhà cửa nhỏ hẹp quá không có chỗ thờ phượng thì đến giờ cúng kiến, chỉ vái thầm và niệm Phật trong tâm cũng được”. (**)

Tính cách giản dị thể hiện trong các sinh hoạt xã hội như tang lễ, hôn nhơn, ăn Tết tất cả đều nằm trong chủ trương giản dị, tiết kiệm, vụ vào ý nghĩa nội dung và giảm bỏ hình tướng bề ngoài. Đám tang, không có kêu khóc thảm thiết, chỉ lâm râm cầu nguyện cho linh hồn kẻ quá vãng được siêu thoát về lạc cảnh. Hôn nhơn, không ép duyên, cũng bỏ tục lệ thách tiền cheo và lễ vật, bỏ bớt sự ăn uống linh đình mà sau đó mang thêm nợ nần.

Những dòng sau đây nói về việc hôn nhơn, cho thấy rằng Huỳnh Giáo Chủ không những thuyết giảng về giáo lý, mà còn hướng dẫn tín đồ rất chi tiết cặn kẽ về các sinh hoạt trong xã hội:

HÔN NHƠN

Bổn phận cha mẹ phải chọn lựa đôi bạn cho con một cách xứng đáng bằng sự quan sát tường tận về đức tánh đôi trai gái. Không nên ép uổng con mình quá đáng, vì như thế làm cho khốn khổ nó về sau, nhưng cũng không để chúng quá tự do mà sự thiếu kinh nghiệm làm cho đời chúng phải hư hỏng.

Nên bỏ tục lệ thách giá đòi tiền và đòi lễ vật. Thông gia hai bên không nên làm khó cho nhau. Cũng chẳng nên bày ra tiệc, lễ linh đình tốn kém nhiều tiền, làm cho trở nên nghèo khổ. (*)

Đối với quần chúng nông dân, phương thức dẫn giải cặn kẽ, chi tiết, với lời lẽ bình dị như thế, có tác dụng chắc chắn hơn là những lý thuyết cao siêu mà khó hiểu, viễn vông không sát với thực tế đời sống quần chúng. Chính lối giảng dạy này đã ảnh hưởng mạnh mẽ làm thay đổi nếp suy nghĩ và các thói quen của quần chúng. Khi quần chúng thay đổi nếp suy nghĩ và các thói quen, xã hội cũng theo đó mà thay đổi.

Với quần chúng nông dân, Huỳnh Giáo Chủ nói những lời rất dễ hiểu, như:

Tới với ta chớ đem đồ cúng,
Chỉ đem theo hai chữ thành lòng. (**)

Người dân làng xưa nay đã quen với nếp suy nghĩ: đến chùa, đến nhà ông chủ điền, đến đám giỗ tết, đến cửa quan quyền, đến ông thầy cúng... đều phải có ít nhiều lễ vật. Túng thiếu gì cũng phải vay mượn tiền mua sắm lễ vật, để rồi càng túng thiếu thêm. Bây giờ Huỳnh Giáo Chủ nói minh bạch “chớ đem đồ cúng” làm cho người dân làng không còn phải thắc mắc về lễ vật, không còn phải e sợ rằng “không có lễ vật thì không được che chở hay tiếp đãi tử tế...” Họ cảm thấy thoải mái, hân hoan, và nhận thấy từ nay trút bỏ được một thứ thói quen tạo nên bởi các ước thúc bất công có sẵn trong xã hội, mà họ là kẻ chịu thiệt hại. Từ đó, họ thay đổi nếp suy nghĩ về vấn đề “giao tế xã hội” và bỏ thói quen về đồ cúng và lễ vật.

Phật Giáo Hòa Hảo không cất chùa, đúc tượng Phật, không thờ hình tượng nào. Vị Giáo Chủ nói rằng ‘’nên dùng tiền ấy mà cứu giúp người nghèo khổ, thay vì cất chùa to đúc tượng lớn’’. Cũng không dùng thực phẩm cúng Phật ‘’vì chư Phật không cần đến thực phẩm thế gian” (*) Tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo cũng không có sư sãi, hệ thống giáo phẩm, cũng không có sắc phục đặc biệt khác thường, chỉ mặc áo dài màu đà khi cúng lạy theo tôn giáo và mặc quốc phục áo dài khăn đóng màu đen khi đi tham dự các buổi lễ ngoài xã hội. Sau này Phật Giáo Hòa Hảo có thiết lập hệ thống độc giảng đường, kiến trúc như một ngôi chùa nhỏ, (rất nhỏ vì không phải để cư trú) mục đích chính yếu là để truyền bá giáo lý, đọc kinh giảng qua hệ thống phóng thanh công cộng vào những ngày giờ nhứt định cho đồng đạo trong vùng cùng nghe.

HƯỚNG GIÁO LÝ VÀO THÁI ĐỘ NHẬP THỂ

Về mặt giáo lý, Huỳnh Giáo Chủ lựa chọn và tóm lược yếu lý Phật đạo để đưa thẳng vào đời sống con người, đào tạo con người có thái độ nhập thế, sống ở thế gian, tu với thế gian, phục vụ thế gian, đó là hành động thực tế, tạo cho mình các điều kiện để về cõi Cực lạc Niết bàn sau khi chấm dứt cuộc sống thế gian. Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nào cũng hiểu rằng “Muốn về cõi Phật” thì phải “Lập thân cõi trần”. Nếu không xong bổn phận con người tại thế gian hôm nay, tất nhiên ngày mai không có hy vọng được tiến lên cõi Cực lạc.

Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen. (**)

“Tòa sen” là biểu tượng của Phật cảnh, cảnh giới an lạc vĩnh viễn mà mọi Phật tử nhận là cứu cánh của tu hành.

Tính chất nhập thế của giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, thái độ nhập thế của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo được diễn tả dễ hiểu qua hai câu giảng nói về mối liên quan mật thiết giữa Đạo và Đời:

Đời không đạo, đời vô liêm sỉ,
Đạo không đời đạo biết dạy ai.

HƯỚNG TINH THẦN TỪ BI BÁC ÁI VÀO CẢI TIẾN XẢ HỘI

Kinh sách Sấm Giảng của Huỳnh Giáo Chủ không những chỉ nhắc nhở con người có lòng từ bi bác ái, mà còn nói thẳng cho con người phải làm những điều gì trong vị trí xã hội của mình để thực thi giáo lý nhà Phật. Vì xã hội trước mặt là xã hội bất công, thiểu số điền chủ nắm hầu hết các phương tiện sản xuất (đất ruộng và tư bản) trong khi đại đa số quần chúng nông dân là lớp tá điền phải đi mướn ruộng trả tô tức cao và lãi suất nặng trên số tiền đi vay làm vốn sản xuất, cho nên đối tượng chính của khuynh hướng cải tiến xã hội mà Huỳnh Giáo Chủ thường nhắc nhở là giới điền chủ và giới nông dân.

Nhà nghèo dạ tợ như bào,
Vợ con đau yếu phương nào cho an.
Cả kêu cùng khắp xóm làng,
Mấy ông điền chủ cứu nàn mới qua.

Giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, qua những lời kêu gọi trực tiếp của vị lãnh đạo được tín đồ tuyệt đối tin theo, quả đã tạo ra những thay đổi xã hội quan trọng trong những vùng nông thôn Hậu Giang. Nhiều vị điền chủ khi đã quy y nhập đạo Phật Giáo Hòa Hảo, đã ý thức được qua giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, rằng tiền bạc của cải chỉ là vật chất thế gian, sẽ trở thành gánh nặng trên con đường giải thoát, bởi vậy, muốn nhẹ bước để tiến đến cứu cánh giải thoát, trước hết phải sả bỏ mọi vật chất thế gian. Cho nên họ đã thay đổi thái độ trong mối tương quan đối với tá điền, tức những người mướn đất của họ để canh tác. Nhiều điền chủ đã từ bỏ các hình thức và thủ đoạn bóc lột tá điền, chấm dứt thái độ áp bức tá điền như trước kia. Nhiều người tự nguyện xé bỏ giấy nợ, cho không tá điền các món nợ cũ lưu niên không trả nổi. Nhiều người đã hạ mức địa tô, hạ mức lời cho tá điền vay làm mùa. Có người còn đi xa hơn là chia đất cho tá điền làm chủ, không còn cách biệt chủ điền tá điền nữa. Đó là những thay đổi lớn lao trong xã hội, từ mối tương quan đối nghịch thành tương quan thân ái, cái hố giữa hai giai cấp không còn cách biệt nữa. Về mặt xã hội, sự kiện này đã tạo ra thay đổi trong cấu trúc xã hội (không còn tá điền chủ điền đúng nghĩa giai cấp xã hội nữa) và về mặt văn hóa, đây là sự thay đổi nếp sống tại nông thôn. Có người cho rằng giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo đã tạo ra một cuộc cải cách ruộng đất (giới hạn) mà không cần hệ thống luật lệ.

Những thay đổi xã hội khác cũng rất quan trọng, như là cởi bỏ hủ tục, bảo tồn phong tục tốt, phát huy nếp sống hòa hài, hợp tác, lương thiện, cần kiệm, nói chung là nếp sống đạo đức tại vùng nông thôn. Rất ít những loại chơi bời đàng điếm, cờ bạc hút sách, trụy lạc rượu chè, đầu trộm đuôi cướp, tại vùng Phật Giáo Hòa Hảo.

Cũng phải ghi nhận ở đây một trạng thái cực đoan trong tiến trình thay đổi xã hội xảy ra năm 1944-1945 tại các vùng Phật Giáo Hòa Hảo. Vì nghiêng nặng về tu hành, coi nhẹ vật chất, nên chính các thành phần nông dân cũng rủ nhau “chỉ sản xuất đủ ăn, cơm ngày hai bữa” không nỗ lực canh tác nhiều hơn nhu cầu gia đình. Vì vậy diện tích ruộng bỏ hoang tăng gia, sản lượng mễ cốc sụt nhiều, trong khi nhu cầu đòi hỏi trong nước tăng gia. Vì lẽ đó, Huỳnh Giáo Chủ phải đích thân đi diễn thuyết khuyến Nông suốt hai tháng giữa năm 1945, tại 107 địa điểm ở miền Tây Nam Việt.

HƯỚNG ĐỨC DŨNG VÀO TÌNH YÊU ĐẤT NƯỚC

Giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo đã làm nổi bật mối liên hệ giữa Đạo pháp và Dân tộc. Điều này được giải thích rằng: từ ngàn xưa đạo Phật đã thấm sâu vào dân tộc Việt Nam, được tiếp nhận và sùng bái từ triều đình xuống dân gian, cho nên đã hòa hợp với bản sắc dân tộc để trở thành nếp sống văn hóa của dân tộc này. ‘’Hễ nước mất thì cơ sở Đạo bị lấp vùi, nước còn thì nền Đạo mới được phát khai rực rỡ” (*). Nếu vị Giáo Chủ này chỉ truyền Đạo mà không đồng thời khơi dậy lòng yêu nước của quần chúng, hẳn là sinh lực hưởng ứng của quần chúng không mãnh liệt và đông đảo như hiện tượng đã xảy ra. Bởi vì chính quần chúng Việt Nam đang sống tối tăm nghèo khổ, dưới ách thống trị của Pháp.

Huỳnh Giáo Chủ đã giải thích sự nghịch lý giữa tu hành và đấu tranh bằng câu nói: ‘’Nếu trong cõi nhân gian này còn có chúng sanh tiền tiến áp bức chúng sanh hậu tiến thì là một việc trái hẳn với giáo lý chơn chánh ấy (Phật đạo) (**). Trong bối cảnh xã hội Việt Nam lúc đó, chúng sanh tiền tiến (Pháp) thống trị áp bức chúng sanh hậu tiến (Việt) và đó là một trạng thái nghịch lý, trái với tinh thần Phật Giáo, cho nên người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tranh đấu cách mạng là hành đạo, dù có cầm vũ khí chống lại chúng sanh tiền tiến cũng là điều hợp lý: vừa biểu lộ lòng yêu nước, vừa chống lại trạng thái bất công theo nhãn quan Phật Giáo.

Ông Nguyễn Văn Hầu nhận xét:

“Như vậy, ái quốc là một khía cạnh của Từ bi, vì chánh nghĩa, vì đức hiếu sinh mà đứng lên đấu tranh cứu khổ cho một dân tộc, siêu thoát cho một giống nòi, chấm dứt một tình trạng áp bức bất công, không có gì trái với định luật thiên nhiên cả”.

Trong kinh điển Phật Giáo có khuyên con người đền đáp bốn điều Ân. Nhưng giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo đã cải biến bốn điều Ân của kinh điển Phật Giáo cho thích hợp với hoàn cảnh mới, lập thành “Thuyết Tứ Ân” và đặt thuyết này vào vị thế của một chủ đề quan trọng.

Tứ Ân trong kinh điển là: Ân Phụ Mẫu, Ân Chúng Sanh, Ân Quốc Vương, và Ân Tam Bảo.

Tứ Ân trong giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo là: Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, Ân Đất Nước, Ân Tam Bảo, Ân Đồng bào Nhân loại.

Tứ Ân kinh điển mang tính chất tôn giáo, Tứ Ân Phật Giáo Hòa Hảo rõ ràng mang thêm ý thức dân tộc và xã hội, tuy rằng vẫn nằm trong căn bản Phật Giáo. Phần khai triển, giải thích Tứ Ân trong giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo chứa đựng ngôn từ kích thích lòng ái quốc và nhiệt tình vì nước đấu tranh. Đây là những dòng văn xuôi do Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo viết ra, với thể văn giản dị, rõ nghĩa, có tác dụng đi thẳng vào tâm hồn người nông dân chất phác mà không cần phải suy nghĩ rắc rối nhiều. Bất cứ người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nào cũng xem Tứ Ân là bài học nhập môn, và sau khi đã học bài đó, họ ý thức mình phải làm gì để đền đáp ân Đất nước.

Ân Đất nước: Sanh ra, ta phải nhờ Tổ tiên, cha mẹ, sống ta cũng nhờ đất nước, quê hương. Hưởng những tấc đất, ăn những ngọn rau, muốn cho sự sống được dễ dàng, giống nòi được truyền thụ, ta cảm thấy bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp. Ráng nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo, và làm cho được trở nên cường thạnh. Ráng cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm.

Hãy tùy tài tùy sức, nỗ lực hy sinh cho xứ sở. Thảng như không đủ tài lực đảm đương việc lớn, chưa gặp thời cơ giúp đỡ quê hương, ta phải ráng tránh đừng làm việc gì sơ xuất đến đỗi làm cho nước nhà đau khổ, và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất nước.

Đó là ta đền ơn cho đất nước vậy.

Ân Đồng bào và Nhân loại: Con người vừa mở mắt chào đời đã thấy mình phải nhờ đến sự giúp đỡ của những kẻ ở xung quanh, và cái niên kỷ càng lớn thêm bao nhiêu, sự nhờ nhõi càng tuần tự thêm nhiều chừng nấy.

Ta nhờ hột cơm của họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm thân, nhờ cửa nhà của họ mời tránh cơn phong vũ. Vui sướng: ta đồng hưởng với họ. Hoạn nạn: họ cùng chịu với ta.

Họ và ta cũng một màu da, cũng nói một thứ tiếng. Ta và họ hợp nhau thì thành lại một: ấy Quốc gia đó. Họ là ai? Tức những người ta thường gọi bằng đồng bào vậy.

Đồng bào ta và ta cùng chung một chủng tộc, cùng một nòi giống roi truyền, cùng có những trang lịch sử vẻ vang oanh liệt, cùng tương trợ lẫn nhau trong cơn nguy biến, cùng chung phận sự đào tạo một tương lai rực rỡ trong bước tiền đồ của giang san đất nước. Đồng bào ta và ta có một liên quan mật thiết, không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau, và chẳng khi nào có ta mà không có đồng bào, hay có đồng bào mà không có ta. Thế nên, ta phải ráng giúp đỡ họ hầu đáp đền cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một. (*)

Một điểm khác biệt đáng lưu ý là sự thay đổi trình tự Tứ Ân trong Phật Giáo Hòa Hảo so với Tứ Ân kinh điển Phật Giáo. Tứ Ân Phật Giáo Hòa Hảo đã đưa Ân Đất nước từ hàng thứ ba lên hàng thứ hai, làm tăng gia tầm quan trọng của bổn phận con dân đối với đất nước. Từ ngữ “Quốc vương” được đổi ra là “Đất nước” theo ý nghĩa ái quốc, không phải thuần túy trung quân.

Thuyết Tứ Ân quả thật đã tạo ảnh hưởng mãnh liệt trong tâm hồn các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo, sản sanh những anh hùng áo vải Trần Văn Thành, Nguyễn Trung Trực và lớp nghĩa binh dựng cờ kháng Pháp, chống Cộng sau này trong hàng ngũ tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Do đó, Tứ Ân được các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo xem như một chương trình hành động trọng yếu trong cuộc đời tu hành của họ, và họ hiểu rằng “Tứ Ân trả vẹn, tội căn chẳng còn” làm trọn Tứ Ân là đã tròn bổn phận làm người, để hoàn thành hạnh tu.

Một điểm khác trong giáo lý Phật giáo đã được sử dụng như một động cơ tâm lý rèn luyện tinh thần phục vụ và đức hy sinh của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Đó là Hạnh Vô Úy, một hạnh cao nhứt và khó nhứt trong ba hạnh bố thí của Phật Giáo (Tài thí, Pháp thí, Vô úy thí). Đem tiền ra bố thí, đem đạo ra dạy đời, hai hạnh bố thí này không khó thực hành bằng hạnh vô úy, tức là không sợ hãi lùi bước trước bất cứ trở lực hiểm nguy nào để hành đạo cứu đạo. Vô úy thí là tinh thần Dũng cao độ trong đạo Phật. Người chiến sĩ phục vụ đất nước, với hạnh vô úy thí, sẵn sàng xả thân hy sinh, không sợ chết, vì đó là đem tánh mạng mình bố thí cho sự an vui của chúng sanh đồng bào. Có lẽ đó cũng là tâm trạng của tín đồ Hồi giáo ở Trung Đông gần đây, xem cái chết như tấm giấy thông hành để lên đường về với Allah. Người tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo, tuy không cuồng tín ở mức độ người tín đồ Hồi giáo kia, nhưng cũng nghĩ rằng hy sinh thân sống vì Tổ quốc, là đã hành đạo, là đền xong nợ thế, để được về cõi Phật.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn