Những Bài Sáng-tác Năm Canh-thìn (1940) - Phần 9

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 42367)
Những Bài Sáng-tác Năm Canh-thìn (1940) - Phần 9

Chữ rằng: "Nhơn thiện vi nan".
Dầu cho tài trí cũng mang nợ nần.
Có đeo bịnh tật vào thân,
Giấy vàng xé nhỏ vái Thần độ vô.
Thành lòng nước lã nên hồ,
Hữu tâm chí đức cam-lồ Phật ban.
Cám thương bá-tánh tai nàn,
Gặp cơn dông tố nào an lòng nầy.
Đờn ta vốn thiệt không dây,
Vô duyên khó biết lời Thầy nói xa.
Từ trên tới dưới thuận hòa,
Hay hơn châu báu ngọc-ngà giầu sang.
Thầy về tâu lại Phật-đàng,
Cúi xin nhỏ phước xóm làng bình yên.
Giống nòi thiệt cốt Rồng Tiên,
Mà nay lạc mất gương hiền nơi đâu.
Muốn xem bốn chữ Long-Châu,
Bền gan sắt đá sồng-nâu tu trì.
Tu hành mà mãi nan nghi,
Sợ ta gạt-gẫm cũng kỳ cho dân.
Giã từ khắp hết dương-trần,
Vân du chốn cũ lưới Thần bủa ra.
Non cao nhiều thứ cáo-xà,
Trừ loài độc-địa mới là yên thân.
Biết sao cho toại lòng dân,
Kẻ ưa đạo-đức người cần vinh-hoa.
Xót lòng cậy nước ma-ha,
Hớp vô ba hớp ắt là lặng tâm.
Thân Khùng đêm vắng khóc thầm,
Cựa mình cũng nhờ giấc nằm nào an.
Từ nay cách biệt xa ngàn,
Ai người tâm đạo đừng toan phụ Thầy.
Giữa chừng đờn nỡ dứt dây,
Chưa vui buổi hiệp bỗng Thầy lại xa.

Tỉnh say trong giấc mộng hoa,
Mơ-màng cũng tưởng như ta bên mình.
Tuy là hữu ảnh vô hình,
Chớ dân lòng tưởng sân trình đáo lai.
Nghe sơ lời lão cạn bày,
Tìm trong não óc gặp ngày bình-an.
Kim-lân, xích-phụng lâm nàn,
Cho nên phận lão đâu an thân già.
Tảo-tần lo liệu năm ba,
Biết sao hiệp mặt lòng già mới nguôi.
Mặt ngoài gượng-gạo bải-buôi,
Chớ trong tim phổi rối nùi như tơ.
Tuồng đời như cá trong lờ,
Thọc tay vô bắt còn ngờ kẹt hom.
Bao nhiêu tâm não góp tom,
Dặn-dò kỹ-lưỡng chăm-nom khắp cùng.
Chừng nào tôi được hết khùng,
Thì là dân-sự còn dùng làm chi.
Bận lòng cạn tỏ vân-vi,
Bớ dân hai chữ công-trì sớm khuya.
Nhớ câu ăn giấy bỏ bìa,
Được thân sung-sướng vội lìa Tổ-tông.
Kể ra lại bắt mủi lòng,
Ngán đới mua bưởi bán bồng chát-chua.
Cứ theo cái lối a-dua,
Dạ toan đốt miễu phá chùa từ-bi.
Vàng kho thêm gánh ích gì,
Thôi ta than lắm vậy thì thẹn thêm.
Bóng trăng cậy đỡ ban đêm,
Trầu ăn nhả bã lại têm mời hoài.
Khùng ngồi nói chuyện quá dai,
Bị lòng bác ái nói hoài chẳng thôi.
Thấy đời mặt lọ không bôi,
Lại khoe kép giỏi một hồi múa men.
Từ nay cửa Khổng gài then,
Chờ ta trở lại thì đền hết lu.
Thân khùng là phận sĩ-phu,
Chẳng ham danh-diệu miễn tu vuông tròn.
Khôn thì lánh chốn đau đòn,
Dại thì lòn cúi đồ ngon ăn thừa.
Hai lòng uốn lưỡi đẩy đưa,
Ỷ hơi Hạng-Võ mắc lừa Trương-Lương.
Nhớ qua hồi lúc đời Đường,
Hiền thần Nhơn-Quí người đương ẩn mình.
Cửu-Thiên còn giấu tại dinh,
Chờ ngày mãn hạn phép linh ban rày.
Giảng kinh đọc tụng chiều mai,
Làm theo lời chỉ ngày rày gặp ta.
Xác trần để lại làng Hòa,
Lời thăm bốn phía Ngọc-tòa ta lui.
Âm dương cách trở xa-xuôi,
Nhắn cùng bá tánh chớ nguôi tấc lòng.
Phận khùng thân hỡi long đong.
Còn lo cho thế hai lòng toan mưu.
Ta không gây oán kết cừu,
Cớ sao dân-sự phiền ưu nỗi gì?
Khoan tràng lịnh mở hội thi,
Nên ta xuống bút dạy thì trần-gian.
Chớ mình hồn dựa lâm-san,
Thảnh-thơi còn xuống thế-gian làm gì?
Ước-mơ Thượng-cổ hồi qui,
Thế-trần no ấm phú thi an nhàn.
Quân-thần, phụ-tử vinh-vang,
Hết lo cay đắng, Khùng an phận Khùng.
Tới đây từ biệt khắp cùng,
Thầy lìa khỏi xác Thiên-cung phản hồi.
Đục trong cạn tỏ khúc nôi,
Thấy dân tu dối nghĩ thôi bận lòng.
Lang tâm như thú thiếu lông,
Trớ-trêu cửa miệng trong lòng gươm đao.
Ra đời chẳng nệ công lao,
Chẳng hờn không giận, hùng-hào còn ganh.
Hiệp chung một cội nhánh-nhành,
Sum-sê lá thắm chim xanh nối đường.
Từ-bi tình ấy đoạn trường,
Kể qua tích cũ mà lường lòng đây.
Như ai có đọc đoạn này,
Xin đừng chê nhạo rằng Thầy nói nhăng.
Muốn sao có phép phi đằng,
Cũng như Đại-Thánh, Đường-Tăng thoát nàn.
Rưng-ưng nước mắt hai hàng,
Lánh nơi cõi tục Phật-đàng lui chơn.

Hòa-Hảo, ngày 1-4 Canh-Thìn
(Đức Thầy viết bài nầy vì Ngài tiên-tri rằng Ngài sẽ xa cách bổn-đạo. Quả thật ngày 12-4 Canh-Thìn nhà chức-trách ở Châu-Đốc dời Ngài đi Sa-Đéc).

TẠM NGƯNG LÝ-THUYẾT

Gặp buổi gian-truân tiếng nhộn-nhàng,
Cảm-tình bổn-đạo sự riêng than.
Thấy an nghỉ xác trong đôi bữa,
Đây cũng trải qua hết nhộn-nhàng.

Nhộn-nhàng già trẻ có lòng lo,
Mà ấy chẳng qua ngược gió đò.
Đậu lại ít ngày chờ lặng sóng,
Tớ Thầy sẽ gặp việc hay-ho.

Hòa-Hảo, ngày 1-4 Canh-Thìn
(Đức Thầy viết bài nầy vì lúc ấy có nhân-viên sở Mật-thám ở Châu-Đốc đến dòm ngó).

DIỆU-PHÁP QUANG-MINH
(Khùng Điên tự cảm tác)

Gươm trí-huệ từ-bi chớp nháng,
Bóng quang-âm ngày tháng dập-dồn.
Ta thừa vưng sắc lịnh Thế-Tôn,
Khắp hạ-giái truyền khai đạo-pháp.
Tùy phong-hóa dân-sanh phù-hạp,
Chấp bút thần tả ít bổn kinh.
Bởi luật trời mở rộng thinh-thinh,
Tri phong-võ bất kỳ chuyển kiếp.
Giống Hồng-Lạc kim chi ngọc diệp,
Nay đổi đời nhiều sự thấp hèn.
Từ ngàn xưa Phật-pháp gài then,
Nên ít kẻ tu hành đắc Đạo.
Ta cũng tỏ đôi lời khờ khạo,
Ngắm cảnh đời tâm não bắt cuồng.
Hiệu Điên Khùng ban rải dư muôn,
Khùng đạo-đức Khùng câu tuyệt-diệu.
Khùng toán biết âm-dương kết-liễu,
Khùng huyền-cơ Khùng Đạo Thích-Ca.
Hươi bút thần dẹp lũ cáo-xà,
Loài độc-địa toan trừ dứt nọc.
Noi tục cổ xác Khùng để tóc,
Phải đua chen tập tánh ông cha.
Mong dương-trần tỉnh giấc Nam-Kha,
Trừ vật-dục trì chơn bất hoại.
Cặp mắt Thánh dòm xem tứ hải,
Thương hồng-trần mượn xác tái sanh.
Bởi vì đời văn-vật cạnh-tranh,
Nên cấu xé cùng nhau thảm-não.
Sá chi kẻ ngu si khinh-ngạo,
Vì trên đời nhiều hạng khác nhau.
Đấng trung-thần dạ ngọc ước-ao,
Người bội phản ghét-vơ đạo-lý.
Khùng cảm mến truyền câu hồi vị,
Thà làm hiền mà biết non sông.
Điên như ta Điên giống Tiên Rồng,
Điên gở ách xích-xiềng thế tục.
Chuông Linh-khứu ba hồi giục-thúc,
Đờn Lôi-âm khởi điệu êm tai.
Con lành duyên khá trở gót hải,
Điên quyết chí dắt người lánh tục.
Đạo mở cửa bày câu minh mục,
Nước ma-ha tưới tắt lòng phàm.
Cõi Trung-Ương luân chuyển phương Nam,
Mở hội Thánh chọn người trung hiếu.
Tử vì nước còn ghi linh miếu, (1)
Thác vì đời thanh-sử danh bia.
Mũ cánh chuồn, đai giáp, mang hia,
Tuy thô-kịch mà tâm chánh-trực.
Nước văn-minh chê đồ ấy nực,
Mảng trau-tria xác thịt thanh bai.
Cảnh dương-trần khó sánh Bồng-Lai,
Về Tiên cảnh say mùi rượu Thánh.
Chén quỳnh tương gác đều gai ngạnh,
Vui tinh-thần bày biện cuộc cờ.
Khi thừa nhàn trổi giọng ngâm thơ,
Bày thi phú than qua thời thế.

(1) Vì để tránh sự khó dễ của người Pháp, Đức Thầy đã có lần đổi lại là: Tượng Quan Thánh còn ghi linh miếu.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn