Chương III, IV, V, VI, VII

27 Tháng Năm 200412:00 SA(Xem: 17371)
Chương III, IV, V, VI, VII
CHƯƠNG III
GIÁO KỲ, HUY HIỆU, TRỤ SỞ,
THÁNH ĐỊA, THẺ TÍN ĐỒ
*
ĐIỀU 6.- Giáo kỳ: Cờ Đạo toàn một màu dà, không chữ và không dấu hiệu. Việc sử dụng Giáo kỳ (kích thước, vị trí) được áp dụng đúng theo luật pháp Quốc gia. Giáo kỳ được treo trong những ngày rằm, ngươn, những ngày lễ của Đạo và những ngày quốc lễ.

ĐIỀU 7.- Huy hiệu: Huy hiệu của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo hình tròn, nền dà, có chạy bìa vàng, chính giữa có một bông sen màu trắng, và bốn chữ P.G.H.H. ở trên, với ni tấc tùy theo mỗi cấp do Hội Đồng Trị Sự Trung Ương ấn định, được in trên ấn chỉ của Giáo Hội và Trị Sự Viên P.G.H.H. đeo nơi ngực (phía trái tim) trong những ngày lễ Đạo hoặc trong những cuộc tiếp tân.

ĐIỀU 8.- Trụ sở: Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa đặt trụ sở tại Thánh Địa Hòa Hảo thuộc Xã Hòa Hảo, Quận Tân Châu, Tỉnh Châu Đốc. Các Ban Trị Sự Tỉnh, Quận, Xã, Ấp sẽ tùy phương tiện mà xây cất hoặc đặt Trụ sở tại Hội quán, Tự viện, Độc giảng đường hay tư gia nơi địa phương mình.

ĐIỀU 9.- Thánh Địa: Thánh Địa của Phật Giáo Hòa Hảo là nơi phát sanh mối Đạo do ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ sáng lập. Như vậy Thánh Địa gồm Xã Hòa Hảo và Xã Hưng Nhơn. Trong tương lai, nếu có điều kiện thuận lợi sẽ mở rộng phạm vi Thánh Địa tới các xã lân cận.

ĐIỀU 10.- Thẻ Tín đồ: Thẻ tín đồ tức là giấy chứng nhận dùng để cấp phát cho mỗi tín đồ P.G.H.H., màu vàng, giấy cứng, theo một hình thức và kích thước duy nhứt do Hội Đồng Trị Sự Trung Ương ấn định và phát ra.

CHƯƠNG IV
THỜI HẠN, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG
*
ĐIỀU 11.- Thời hạn: Giáo Hội hoạt động trong suốt thời gian vắng mặt của ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ.

ĐIỀU 12.- Phạm vi: Giáo Hội hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa và những quốc gia có liên lạc ngoại giao với Việt Nam Cộng Hòa.

ĐIỀU 13.- Hoạt động: Để thực hiện tôn chỉ nêu trên, Giáo Hội có những hoạt động sau đây:
a) Lập Thư viện (phòng trử và xem kinh, sách, báo chí) tại Trụ sở hay một cơ sở của Giáo Hội.
b) Lập các Độc giảng đường.
c) Sưu tầm, nghiên cứu, phiên dịch, diễn giải, ấn loát và truyền bá những Sấm Giảng Thi Văn của ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ.
d) Biên tập, phát hành các loại sách báo về Phật đạo, văn hoám có tánh cách ích lợi cho nền giáo dục văn hóa Việt Nam .
e) Mở trường đào luyện Giảng viên Phổ thông Giáo lý và những trường học các cấp theo chương trình giáo dục của nước nhà.
f) Khuyến khích việc sùng bái Chư Phật như là: kiến tạo Tự viện, trùng tu Chùa Chiền, đi Chùa cầu nguyện trong các ngày rằm ngươn, tổ chức các ngày lễ Đạo.
g) Liên lạc trực tiếp với Chánh quyền ngỏ hầu giải quyết những sự việc liên hệ đến Giáo Hội và tín đồ.
h) Xây cất cơ sở từ thiện để làm những việc cứu trợ nêu trong tôn chỉ trên đây.

CHƯƠNG V
THÀNH PHẦN, ĐIỀU KIỆN GIA NHẬP
*
ĐIỀU 14.- Thành phần: Giáo Hội gồm tất cả những người không phân biệt nam nữ, quốc tịch, màu da, quy y theo giáo lý của ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ.
Những người có công ơn lớn lao (mà Hội Đồng Trị Sự Trung Ương sẽ định nghĩa trong một văn kiện khác) đối với nền Đạo có thể được coi là Tín đồ Danh Dự.

ĐIỀU 15.- Điều kiện Gia nhập: Ngoại trừ những tín đồ kỳ cựu đã có tên trong danh sách tín đồ, những người khác, bất luận nam nữ và quốc tịch, màu da, đều có thể xin gia nhập làm tín đồ theo các điều kiện sau đây:
a) Phải được ít nhứt 18 tuổi, tính đến ngày gia nhập. Dưới 18 tuổi cũng được gia nhập nhưng phải có sự bảo đảm của phụ huynh.
b) Phải gởi giấy xin gia nhập Giáo Hội, có hai tín đồ kỳ cựu giới thiệu.
c) Phải đóng tiền nguyệt liễm, và tình nguyện đặt mình dưới sự chi phối của Bản Hiến Chương nầy.
Những Ban Trị Sự ở cấp Xã sẽ quyết định về việc xin gia nhập Giáo Hội và cùng với hai người giới thiệu liên đới chịu trách nhiệm tinh thần về hành vi của người mới xin gia nhập.

CHƯƠNG VI
NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN HẠN TÍN ĐỒ
*
ĐIỀU 16. - Nghĩa vụ: Toàn thể tín đồ có nghĩa vụ:
a) Phải tuân hành nghiêm chỉnh Giáo lý và những giới điều của ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ.
b) Phải thi hành các nghị quyết của Giáo Hội, và luôn luôn đoàn kết chặt chẽ với các cấp Trị Sự để bảo vệ quyền lợi chánh đáng của Giáo Hội.
c) Phải giúp nguyệt liễm cho Giáo Hội.

ĐIỀU 17.- Quyền hạn: Toàn thể tín đồ có quyền hạn:
a) Được lãnh thẻ tín đồ. Con em của tín đồ cũng được lãnh thẻ tín đồ, dưới sự bảo trợ của phụ huynh.
b) Được các cấp Trị Sự bênh vực khi tín ngưỡng của mình bị kẻ khác xâm phạm.
c) Được giúp đỡ khi ốm đau, hay quan, hôn, tang, tế, tùy phương tiện của Giáo Hội.
d) Được bày tỏ với các cấp Trị Sự mọi ý kiến của mình về sinh hoạt của Giáo Hội hay công cuộc phước thiện đối với nhân sanh.
e) Được quyền bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu Ban Trị Sự (những tín đồ từ 20 tuổi sắp lên). Tuy nhiên, quyền ứng cử sẽ được quy định bằng những văn kiện riêng.
f) Được tự ý ra khỏi Giáo Hội.

CHƯƠNG VII
HÊ THỐNG VÀ NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC
*
ĐIỀU 18.- Hệ thống Tổ chức: Vị lãnh đạo tinh thần tối cao hiện nay của Đoàn thể là ĐỨC BÀ, Sương phụ ĐỨC ÔNG HUỲNH CÔNG BỘ, Thân mẫu ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ PHU SO, được toàn thể Giáo Hội tôn làm Hội Trưởng Danh Dự Tối Cao.
Kế đó là Hội Đồng Trị Sự Trung Ương và Hội Đồng Bảo Pháp với một hệ thống Trị Sự gồm có:
- Mỗi Tỉnh có một Ban Trị Sự Tỉnh.
- Mỗi Quận có một Ban Trị Sự Quận.
- Mỗi Xã có một Ban Trị Sự Xã.
- Trong một Xã có nhiều Ban Trị Sự Ấp.
- In một Ấp, có nhiều Chi Hội (một Chi Hội gồm có 15 gia đình tín đồ).

ĐIỀU 19.- Nguyên tắc Tổ chức: Giáo Hội áp dụng nguyên tắc tổ chức dân chủ tập trung.
a) Các Ban Trị Sự từ Chi Hội lên đến Trung Uơng đều được bầu cử theo lối bỏ thăm kín và đa số tương đối.
b) Cấp trên lãnh đạo cấp dưới. Cấp dưới tuân hành mạnh lịnh cấp trên.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn