Đtb 58: Tùy Bút- Quê Hương Và Thánh Địa

31 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 17856)
Đtb 58: Tùy Bút- Quê Hương Và Thánh Địa
Sanh ra ở trên đời ai cũng có quê hương, quê hương là nơi chôn nhau cắt rún, sống chung đụng với mọi người chung quanh, với xã hội và rộng hơn nữa là quê hương đất nước. Quê hương là nơi ghi dấu biết bao nhiêu kỷ niệm trong đời từ thuở mới sanh cho đến lúc trưởng thành. Quê hương gắn liền trong cuộc sống.

Quê hương tôi nằm giữa sông Tiền và sông Hậu vùng đất phì nhiêu, hằng năm đến mùa nước lũ mang đến cho rất nhiều phù sa, ruộng lúa xanh tươi trên những cánh đồng bao la bát ngát.

Quê hương tôi tuy nghèo nàn bé nhỏ, những cảnh đẹp thiên nhiên so với nhiều danh lam thắng cảnh hãy còn ở mức khiêm nhường. Nhưng quê hương tôi từ xưa đã lưu lại nhiều di tích lịch sử và những giai thoại mà đến nay trải qua bao thế kỷ vẫn còn được nói đến.

Nơi làng tôi có một ngôi chùa cổ tọa lạc giữa ranh lành Hưng Nhơn và Hòa Hảo nên gọi là Hưng Hòa Tự, cũng có tên là chùa Cây Xanh, vì dưới bến chùa có một cây cổ thụ tàng cao rộng giống cây Đa che phủ ngôi cổ miếu bốn mùa cành lá xanh non tươi đẹp.

Dọc theo làng tôi, con rạch Hưng Nhơn không rộng, quanh co uốn khúc, chạy dài từ bờ sông Tiền xuyên qua sông Hậu, còn gọi là Vàm Tắc Cây Sung, vì đầu làng tôi có cây xanh cuối làng có cây sung. Người dân trong vùng sử dụng thủy trình nầy để đi tắt cho được dễ dàng và nhanh chóng nên gọi là Vàm Tắc Cây Sung.

Gần cuối làng có một cái dinh gọi là dinh Ông Đốc, theo lời truyền tụng thì ngày xưa đây là nơi đóng quân của quan Đại Thần triều Nguyễn. Sau đó dân làng sùng thượng lập dinh để thờ gọi là dinh Ông Đốc, hàng năm dân làng cúng bái rất trọng thể.

Gần đầu làng có một công trình lịch sử đó là con lộ sứ ngang qua cánh đồng nhỏ gọi là đồng Bé. Cánh đồng nầy nằm giữa làng Hưng Nhơn và Hòa Hảo vòng quanh 20 cây số, lộ sứ dài ba ngàn thước đã có từ xưa để dùng vào việc quân binh. Về sau vì sự biến đổi của thời gian, lộ sứ không còn nguyên vẹn bởi gió mưa và nước lũ làm trôi lở khá nhiều. Trước đây không lâu dân chúng trong vùng tưởng nhớ đến công lao khó nhọc của tiền nhân tự nguyện ra công đắp bồi cho lộ sứ thêm cao rộng. Hiện nay lộ sứ đã được tráng nhựa và là con lộ giao thông chính cho đồng bào đi lại trong vùng và sang tỉnh khác.

Một điểm nữa, cách làng tôi độ 10 cây số đến bến đò quận Chợ Mới thuộc tỉnh An Giang có một địa danh là Cù lao Ông Chưởng, lấy tên và tước hiệu của Chưởng Binh Lễ Đình Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, một vị quan đại thần của triều đình nhà Nguyễn. Ngày xưa nơi đây có 2 câu ca dao đến nay vẫn còn truyền đọc: Chiều chiều quạ nói với diều - Cù lao Ông Chưởng còn nhiều cá tôm. Đền thờ tại bến đò Hương Quản Nhung cạnh Vàm Ông Chưởng nằm tại thị trấn Chợ Mới, hằng năm dân chúng đến dâng hương tế lễ. Bên cạnh đó là lòng sông Ông Chưởng chảy quanh co uốn khúc, hai bờ sông trồng cây ăn trái bốn mùa xanh tốt. Những hàng dừa nghiêng nghiêng soi mình trên dòng nước tạo thành cảnh đẹp thiên nhiên của quê hương trù phú.

Đi ngược dòng hướng về Châu Đốc, một tỉnh địa đầu nằm tại biên giói Việt - Miên có 5 quận: Tân Châu, Châu Phú, An Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn là nơi có nhiều di tích lịch sử mà hằng thế kỷ đã qua còn ghi nhó vào lòng dân Việt.

Cách thị xã Châu Đốc 5 cây số có một cái núi rất đẹp tên gọi là núi Sam, nơi đây có nhiều di tích được truyền tụng: Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc trên một diện tích khá rộng, nơi thờ một vị nữ thần là Bà

Chúa Xứ Núi Sam rất linh thiêng và đây cũng là trung tâm du lịch, mỗi năm có hàng triệu du khách từ khắp nơi trong nước về đây chiêm bái, xin xâm, cầu tài, cầu phúc và đặc biệt là vay tiền của Bà để làm ăn mua bán mà họ tin rằng sẽ được Bà ban cho phúc lộc sang giàu.

Mỗi năm vào tháng Tư âm lịch là ngày Vía Bà, du khách lại càng đông đảo hơn. Trên những con lộ giao thông từ khắp nẻo đường, những chiếc xe lớn, nhỏ đông nghẹt hành khách nối đuôi nhau từng đoàn đổ xô về miếu Bà để dâng hương lễ bái và cứ như thế từ năm nầy sang năm khác miếu thiêng vẫn đông người, khói hương không dứt.

Đối diện với Miếu Bà, bên kia lộ là lăng của Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Hữu Thoại, một vị quan có công với triều Nguyễn cùng phu nhân là bà Châu thị Vĩnh Tế, người đã ra công chiêu tập dân chúng các nơi về đây để đào con kinh nối liền từ thị xã Châu Đốc đến Hà Tiên thành con đường thủy lộ giao thông. Con kinh nầy giúp cho đồng bào đi lại chuyên chở mua bán được dễ dàng. Từ đó dân chúng trong vùng nghĩ đến công đức của Bà nên đặt tên con kinh nầy là kinh Vĩnh Tế và kinh nầy cũng là ranh giới của hai nước Việt - Miên.

Gần Bên lăng của Thoại Ngọc Hầu là chùa Tây An Tự, bên chùa có mộ của Đức Phật Thầy Tây An, nơi đây cũng như miếu Bà Chúa Xứ, dân chúng các nơi về đây lễ bái bốn mùa khói hương nghi ngút. Ngoài ra còn có nhiều di tích của Đức Phật Thầy Tây An nằm trong lãnh thổ Châu Đốc như Láng Linh, Trại Ruộng, Trại Rẩy, và những nơi khác khi Đức Phật Thầy đi chu du dạy đạo cứu đời, ban truyền môn phái Bửu Sơn Kỳ Hương thuộc vùng núi Trà Sư, núi Tượng, núi Dài. Sau khi Đức Phật Thần tịch diệt, đệ tử và dân chúng các nơi lập nên những cảnh chùa gọi là: Phước Điền Tự, Thới Sơn Tự (ngày xưa gọi là Trại Ruộng, Trại Rẩy) ngoài ra còn có di tích nữa của Đức Phật Thầy là chùa Tây An Cổ Tự ở làng Long Kiến (An Giang) và chùa Tòng Sơn, ngày xưa là làng Tòng Sơn cùa Đức Phật Thầy, nay là xã Mỹ An Hưng thuộc tỉnh Cao Lảnh. Mỗi năm đến ngày 12 tháng 8 âm lịch là ngày vía Đức Phật Thầy, hằng trăm ngàn bổn đạo về các chùa nói trên để dâng hương lễ bái.

Đất nước Việt Nam đã trải qua mấy ngàn năm lập quốc, đã từng đối đầu với quân Bắc địch Trung Hoa, một cường quốc hung hăng và tàn bạo nhứt, ỷ vào quân đông thế mạnh đã nhiều lần đem quân xâm lấn nước ta. Tiếp đến là đế quốc Pháp, ngót trăm năm xua quân thôn tính, dày xéo quê hương cùng với các lân bang thường xuyên quấy phá. Nhưng với tinh thần yêu nước, truyền thống chống xâm lăng, dân tộc ta đã chiến đấu kiên cường để bảo vệ quê hương đất nước của giống dòng Hồng Lạc, đã nhiều lần làm cho địch quân kinh hồn khiếp vía. Những chiến tích lẫy lừng của trận Đống Đa, sông Bạch Đằng, ải Chi Lăng và dòng sông Nhựt Tảo đã ghi vào lịch sử chiến đấu của dân tộc Việt nam.

Bên cạnh những chiến công hiển hách đó, biết bao những bực khai quốc công thần, các chiến sĩ vô danh đã bỏ mình vì quốc gia dân tộc, máu đã đổ chan hòa vào lòng đất mẹ, thịt cùng xương trộn lẫn với non sông, làm chất phân vun bón cho đất nước quê hương đời đời tươi đẹp.

Nay còn đây vịnh Hạ Long thắng cảnh, hồ Hoàn Kiếm nên thơ, vẻ tôn nghiêm của hoàng thành lăng miếu, êm đềm như núi Ngự, sông Hương và trên đất nước nầy hãy còn nhiều di tích lịch sử đã in sâu vào tâm khảm của người dân Việt muôn đời.

Năm Kỷ Mão (1939) tại làng Hòa Hảo, một địa danh nổi tiếng nhứt thế ky,û đã xuất hiện một vị minh sư giáo truyền Phật pháp, dạy đạo tu hành và trị bịnh. Mỗi năm có hàng triệu tín đồ và du khách đến hành hương lễ bái. Lúc bấy giờ người dân trong vùng gọi Ngài là Cậu Tư Hòa Hảo, nay là Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo, hay còn gọi là Đức Thầy. Tất cả dân chúng trong vùng tấp nập đông đảo kéo tới nhà Đức Ông, nay là Tổ Đình Hòa Hào để nghe giảng Đạo.

Hàng ngày Đức Thầy ngồi trên chiếc ghế trước hàng ba nhà đối diện với nhà khách khá rộng, người mộ đạo ngồi nghe chật nứt. Đức Thầy giảng thao thao bất tuyệt, ứng khẩu bằng các thể loại thi văn, sau nầy là Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý. Giọng Ngài ngân vang cao vút, âm thanh trong trẻo khác thường, thỉnh thoảng giải thích lời thi ca với tiếng cười khác lạ. Có một lần trong số người đến nghe thuyết pháp có ông Cai Tổng Lê Văn Pho, người đạo Thiên Chúa đến chất vấn Đức Thầy và xin Đức Thầy cho biết danh hiệu. Đức Thầy cười và trả lời: Ba năm nữa tôi mới cho biết. Ông Thầy Cai nói ba năm nữa thì tôi chết xuống lỗ rồi.

Tôi còn nhớ vào một đêm trời yên gió lặng, không gian trong sáng bởi trăng sao, nơi Tổ Đình bầu không khí trang nghiêm huyền ảo. Rất đông người đến nghe Đức Thầy giảng Đạo, trị bịnh và qui y. Có một người đem con đến ký bán (danh từ của ông đồng bà cốt) cho Đức Thầy và nhờ trị bịnh. Khi lành bịnh trở về Đức Thầy có cho ông nầy một cái phép bằng cách cột cái vòng tròn bằng cây mây vừa bỏ lọt vào đầu và dặn rằng để sau nầy có chuyện xài. Đến nay không biết ông ấy và đứa bé ở đâu. Cũng trong đêm nầy là đêm kỷ niệm nhứt trong đời tôi là tôi đã quy y thọ giáo, sùng Đạo kính Thầy, xem giảng kinh là diệu pháp trên bước đường tu học.

Thế rồi trước những biến thiên của lịch sử, vì nhu cầu cấp thiết của tình thế, hầu hết những người trai ra đi vì đất nước trả nợ Tứ Ân. Nhưng dầu phải ở đâu, mỗi năm đều trở về có mặt trong ngày Đại Lễ 18 tháng 5, cùng hân hoan với niềm vui nơi Thánh Địa. Cả triệu tín đồ và rất đông du khách các nơi tựu về dự lễ. Hàng chục chiếc hoa đăng, thủy lục trên đường Thánh Địa cùng với con sông chạy dài nhiều cây số diễn hành trong đêm, đèn hoa rực rỡ sáng cả góc trời, loa phóng thanh Sấm giảng vang rền khắp chốn. Đây là Hội Hoa Đăng rực sáng đưa vạn vật chường mình ra khỏi cảnh u tối của đêm đen. Cũng như cách đây hơn nửa thế kỷ, cũng ngày nầy, nơi đây Đức Huỳnh Giáo Chủ lâm phàm độ thế, đuốc từ bi rọi sáng cả nhân gian, xóa tan màn u minh che mờ căn trí, phước huệ khai thông, cho nhân loại chúng sanh tìm dường giải thoát, nương thuyền Bát Nhã, được Đức Thầy cầm tay lái đưa khỏi chốn sông mê, thoát được luân hồi đến bờ chánh giác.

Thế nên Thánh Địa không còn là quê hương bé nhỏ mà lại là một quê hương bao la vĩ đại của chúng sanh, không ngăn chia ranh giới, không phân biệt chủng tộc màu da, không hận thù giết chóc. Đó là quê hương của tình thương, của nhân loại, của bác ái đại đồng, để : Khắp bốn biển liên dây Hòa Hảo.

Biến cố năm 1975, đất nước quê hương nhuộm màu tang tóc, dân tộc lầm than, Đạo pháp gặp cơn pháp nạn. Cả triệu đồng bào vượt biển tìm tự do bất chấp hiểm nguy. Lắm người đã bỏ mình nơi biển sâu, rừng thẳm hoặc cam chịu tủi hờn bởi hải tặc bất lương.

Những đồng bào được may mắn thoát nạn, sống tạm dung trên đất nước tự do. Nhưng lòng vẫn còn ngậm ngùi đau xót trông về cố quốc bên kia bờ đại dương xa thẳm mà thương cho những người thân và đồng bào còn ở lại đất nước và nơi đó cơn pháp nạn đã bao trùm lên Thánh Địa thân yêu. Ngày Đại Lễ 18 tháng 5 không còn được nghe tiếng loa phóng thanh Sấm giảng, không còn thấy những đoàn xe hoa đăng rực sáng, con đường Thánh Địa vắng bóng người đi, lặng yên dưới màn đêm tăm tối và bên bờ Thánh Địa, sông nước Tiền Giang không còn đón nhận những thuyền hoa về ngày Đại Lễ đậu chật cả sông dài, mà chỉ còn lại là dòng sông hoang vắng êm đềm trôi chảy giữa đêm đen.

Mặc dầu như thế, nhưng hàng triệu tín đồ không bi quan chán nản, vẫn giữ niềm tin tuyệt đối vào đạo pháp huyền vi là hết cơn bỉ cực tới hồi thới lai, luôn cầu mong ngày về quê hương thanh bình, trở lại Đuốc Từ Bi rọi sáng cả nhân gian cho Bắc Nam sum họp một đoàn. Theo lời Đức Thầy phán gọi Cả kêu lớn nhỏ quày dìa - Trên hòa dưới thuận chớ lìa chớ phân. Chừng ấy tay bắt mặt mừng, xóa tan những cách ngăn dị biệt, chia rẽ giận hờn, mà chỉ còn lại là tình thương và Đạo Đức, đoàn kết lẫn nhau vui câu an bần lạc đạo để chờ ngày nghinh đón Đức Tôn Sư.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn