Đtb 58: Lược Sử 60 Năm Thành Lập Đạo

18 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 14278)
Đtb 58: Lược Sử 60 Năm Thành Lập Đạo
Trích diễn văn của Ông Trần Văn Tươi, Hội trưởng Giáo Hội Trung Ương PGHH đọc trong ngày Đai Lễ tại Santa Ana ngày 27-7-1999
Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ-Mão (1939), một nền Đại Đạo ra đời tại miền Nam nước Việt. Đó là nền đạo Phật-Giáo Hòa-Hảo do Đức Huỳnh Giáo-Chủ, một thanh-niên hai mươi tuổi vào thời bấy giờ, khai-sáng. Những nét đặc-thù mới lạ, ưu-việt nào đã khiến PGHH chợt xuất-hiện như một ánh hào-quang chói-lọi, truyền-bá nhanh chóng, sâu rộng và tồn-tại 60 năm qua?
P.G.H.H.: Một sứ-mạng cứu-độ chúng-sanh, chấn-hưng Phật-pháp.

Vì chúng-sanh trong buổi hạ-nguơn nầy say mê vật-dục, chìm đắm trong biển lợi danh, gây nên nghiệp-quả, người thiện-căn thì ít, kẻ tội ác quá nhiều, nên sẽ phải chịu luật Trời trừng phạt. Không nở nhìn bá-tánh chịu cơn thảm-họa, chư Phật mới nhủ lòng từ-bi cùng các chơn-tiên lâm-phàm độ thế mà Đức Huỳnh Giáo-Chủ là một trong những vị cứu đời đó như Ngài đã tiết-lộ trong bài Sứ mạng ĐứcThầy do chính Ngài viết.

Như thế, chúng ta thấy việc truyền khai đạo-pháp của Ngài không phải là một sự ngẫu-nhiên, một nhu-cầu tình-thế hay một chủ-ý cá-nhân, mà là một sự thừa lịnh Thiên-đình:

Lời văn tao-nhã hữu-tình,
Bởi vưng sắc-lịnh Thiên-đình sai ta.

hay:
Ta thừa vưng sắc-lịnh Thế-tôn,
Khắp hạ-giái truyền khai đạo-pháp.

Không phải chỉ có giáo-độ chúng-sanh mà Ngài còn có sứ-mạng chấn-hưng Phật-pháp:
Ta thương đời len-lỏi xuống trần,
Đạo vô-vi của Phật ân-cần,
Nối theo chí Thích-Ca ngày trước.

Chánh-pháp của Đức Phật, từ ngày bặt truyền y bát, bị người đời làm sai lạc tinh-nghĩa thành ra ngày một suy-đồi. Người đời bị màn vô-minh che mờ thiện-tánh, nhận giả làm chân, bỏ giáo-pháp Vô-Vi của Phật chạy theo hình danh sắc tướng. Trước trạng-thái thoái-hóa đó, Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã sửa đổi phương-thức tu-hiền, loại bỏ mê-tín dị-đoan, chấn-chỉnh phong-hóa, kêu gọi mọi người trở lại nếp sống thuần-lương hiền-đức, thương yêu đoàn-kết với nhau. Chính vì thế mà nhiều người cho rằng PGHH là một tổ-chức Phật-đạo canh-tân. Thật ra PGHH không phải là một tôn-giáo mới hay một đạo Phật canh-tân mà là một tông-phái Phật-Giáo với phương-thức hành-đạo giản-dị-hóa cho đúng với giáo-lý chơn-truyền của Đức Phật, một tôn-giáo quy-nguyên về chánh-pháp Vô-Vi mà Đức Thích-Ca đã xiễn-dương.

PGHH: Một tôn-giáo dân-tộc
Đa-số các tôn-giáo, trước khi truyền vào nước nào, đều giữ nguyên chẳng những giáo-lý, kinh sách mà cả hình-thức thờ phượng, tu-hành. Nếu có thay đổi thì chỉ thay đổi ngôn-ngữ (lời giảng) và văn-tự (kinh sách) để cho tín-đồ bản-xứ dễ hiểu và dễ thu nhận. Riêng PGHH thì không đi theo con đường nầy.

Tuy phát-xuất từ giáo-lý Đức Thích-Ca, PGHH (tiếp nối truyền-thống Bửu-Sơn Kỳ-Hương) lại được khai-sáng ở Việt-Nam do chính một vị giáo-chủ người VN. Do đó mà PGHH đã mang những đặc-tính thích-nghi với bối-cảnh xã-hội và lịch-sử thời đó: một nước VN đang bị thực-dân thống-trị và bốc-lột, một xã-hội bất-công trong đó lớp nông-dân là giai-cấp chịu thiệt-thòi và yếu kém nhứt. Thành-phần nầy vốn chất phác, căn-cơ thiển-bạc, không thể lãnh-hội được triết-lý cao thâm, ý-nghĩa huyền-diệu của kinh-điển.. Họ chính là lớp người cần được ánh đạo từ-bi soi rọi, dẫn dắt ra khỏi chốn tối-tăm mê lầm. Chẳng những thế, giáo-lý PGHH, cũng căn-cứ trên nhân-sinh-quan và vũ-trụ-quan của Phật-Giáo, phù-hợp với dân-tộc-tính và đáp-ứng tâm-lý trình-độ của đại-chúng nông-thôn. Điều nầy giải-thích tại sao nền đạo PGHH phát-sinh từ miền Tây, vùng đất phì-nhiêu mà đại đa-số dân-chúng sống nghề ruộng-rẫy trong một nước dĩ nông vi bản như VN. Nói như thế không có nghĩa PGHH là một tôn-giáo bình-dân dành riêng cho quần-chúng nông-thôn ít học như một số người bên ngoài ngộ-nhận hoặc cố-tình xuyên-tạc, xem thường. Trái lại, PGHH dưới sự dìu-dắt của vị Giáo-chủ siêu-phàm quán-thế, với tư-tưởng tiến-bộ, với đạo-pháp gắn liền quê-hương đất nước, đã cảm-hóa cả giới trí-thức, khiến nhiều người học cao hiểu rộng tâm phục quy-y. Bằng-chứng là trong hàng cao-đồ của Đức Huỳnh Giáo-Chủ, số bác-sĩ, kỹ-sư, luật-sư, giáo-sư, nhân-sĩ,chính-khách không phải là ít. Rõ-ràng PGHH là một tôn-giáo dân-tộc, tôn-giáo của mọi tầng lớp chúng-sanh.

Trên bình-diện triết-học, tôn-giáo không phải là một sản-phẩm xã-hội, cũng không chỉ thuần về mặt tâm-linh. Tôn-giáo xuất-hiện với sứ-mạng cải-tạo xã-hội và con người. Điều nầy rất đúng cho PGHH và được Đức Huỳnh Giáo-Chủ chính-thức xác-nhận khi trả lời cuộc phỏng-vấn của một ký-giả vào năm 1946:

Theo như sự nhận xét của tôi về giáo-lý nhà Phật do nơi ĐứcThích-Ca Mâu-Ni đã khai-sáng lấy chủ-nghĩa từ-bi bác-ái đại-đồng đối với với tất-cả chúng-sanh làm nồng-cốt thì tôi nhận Ngài là một nhà cách-mạng triệt-để về tư-tưởng,vì những câu Nhứt thiết chúng-sanh giai hữu Phật-tánh và Phật cũng đồng nhứt thể bình-đẳng với chúng sanh . Đã có những sự bình-đẳng về thể-tánh như thế mà chúng-sanh còn không bằng được Đức Phật là do nơi trình-độ giác-ngộ của họ không đồng đều, chớ không phải họ không thể tiến-hóa ngang hàng với chư Phật được. Nếu trong cõi nhân-gian nầy còn có chúng-sanh tiền-tiến áp-bức những chúng-sanh lạc-hậu thì là một việc trái hẳn với những giáo-lý chơn-chánh ấy. Giáo-lý đó, Đức Thích-Ca Mâu-Ni không áp-dụng được một cách thiết-thực trong đời của Ngài là do hoàn-cảnh của xã-hội Ấn-Độ không thuận-tiện. Ngày nay, trình-độ tiến-hóa của nhân-loại đã tới một mức độ khả-quan, đồng-thời đối với tiến-bộ về khoa-học, thì là có thể thực-hành giáo-lý ấy để thiệt-hiện một xã-hội công-bằng và nhơn-đạo. Thế nên, với tâm-hồn bác-ái từ-bi mà tôi đã hấp-thụ, tôi sẽ điều-hòa với phương-pháp tổ-chức xã-hội mới, để phụng-sự một cách thiết-thực đồng-bào và nhơn-loaiï... Tôi tin rằng giáo-lý giải-thoát chúng-sanh chẳng những truyền-bá trong thiền-lâm, mà còn phải thực-hiện trên trường chánh-trị....

Cũng vì quan-niệm nầy và những hoạt-động tích-cực của Ngài trong công-cuộc vận-động độc-lập tự-do cho đất nước mà người bên ngoài nghĩ rằng Ngài là một nhà cách-mạng hơn là một giáo-chủ. Nhận-định như vậy có vẻ phiến-diện và thiếu sót. Thực ra, Đức Huỳnh Giáo-Chủ không dùng tôn-giáo để hoạt-động chánh-trị mà Ngài muốn áp-dụng giáo-lý của Đức Phật một cách thiết-thực vào đời sống để thực-hiện một xã-hội công-bằng nhân-đạo vì, như Ngài nói ở trên :Nếu trong cõi nhân-gian còn có chúng-sanh tiền-tiến áp-bứcchúng-sanh lạc-lậu thì là một việc trái hẳn với giáo-lý chơn-chánh ấy.. Cho nên, trong khi các tôn-giáo chủ-trương tách rời Đạo và Đời, coi đây là hai địa-hạt hoàn-toàn khác-biệt, không thể lẫn-lộn (Đạo là tu-hành, tìm phương giải-thoát cho chính bản-thân, không dính líu đến việc đời phiền-lụy, Đời là sống trong xã-hội với đầy đủ thất tình lục dục, đua chen danh lợi) thì Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã đưa Đạo vào Đời. Theo Ngài, Đạo và Đời là hai mặt gắn liền và hỗ-trợ cho nhau,, cái nầy là điều-kiện hiện-hữu của cái kia và ngược lại:
Đời không Đạo, đời vô liêm-sỉ,
Đạo không Đời, Đạo biết dạy ai.

Thật vậy, Đời không có Đạo giáo-hóa, dẫn dắt vào đường ngay nẻo thẳng, bác-ái công-bằng thì Đời trở nên vô trật-tự, hỗn-loạn, tàn ác bất-nhân trong đó con người sẵn-sàng xâu-xé, giết hại nhau để tranh danh đoạt lợi. Trái lại, Đạo không có Đời, Đạo cũng không còn lý-do để tồn-tại vì mất đối-tượng giáo-hóa, cải-tạo (giống như mối tương-quan giữa trường-học và học-sinh). Cũng thế, Phật và chúng sanh không có gì khác biệt (Nhứt thiết chúng-sanh giai hữu Phật-tánh), chỉ là hai trình-độ, hai trạng-thái của một thực-thể (Phật là Phật đã thành, chúng-sanh là Phật chưa thành).

Từ tư-tưởng cao sâu của Đức Phật nầy, Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã xiển-dương pháp-môn Học Phật Tu Nhân, tức noi theo giáo-lý chơn-truyền của Đức Phật mà tu sửa con người để vừa làm tròn bổn-phận trong cõi đời đang sống, vừa dọn thân tâm cho trong sáng hầu thoát khỏi cảnh luân-hồi về cõi Cực-Lạc sau nầy. Theo Đức Huỳnh Giáo-Chủ thì vì căn-tánh của chúng-sanh thiển-bạc cho nên có làm tròn Nhân-đạo rồi mới có thể đạt đến Phật-đạo:
Tu đầu tóc không cần phải cạo,
Miễn cho rồi cái đạo làm người.

Đạo làm người đó chính là Nhơn-đạo mà muốn làm tròn phải theo thuyết Tứ Ân:
Tu hành người hãy mến ưa,
Tứ Ân giữ vẹn tam thừa cũng xong.

Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã giải-thích mối liên-hệ giữa Nhơn-đạo và Tứ-ân như sau:
Sanh ra đời, con người dầu muốn hay không cũng phải chịu sự chi-phối của định-luật thiên-nhiên. Định-luật ấy gom vào một chữ Đạo, đạo của con người kêu bằng Đạo Nhân, và nó là con đường đi đúng thì sống, bước trật thì chết. Muốn làm tròn Nhân-đạo, phải giữ vẹn Tứ-ân. Thế cho nên, Tứ-ân mà không vẹn thì Đạo Nhân hay Đạo làm người cũng không tròn.

Tứ-ân là bốn cái ân lớn mà con người đã mang từ lúc sinh ra đời: ân Tổ-tiên Cha mẹ, ân Đất nước, ân Tam-bảo, và ân Đồng-bào Nhân-loại. Nói cách khác, người tín-đồ PGHH trước hết phải làm người, phải đền-đáp nợ thế-gian trước khi tiến về cõi Phật:
Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.

Chính những nét đặc-thù nói trên đã tạo cho PGHH một thế đứng riêng, vững-vàng và kính nể trong cộng-đồng tôn-giáo và trong lòng dân-tộc.

PGHH: Một giáo-sử đầy thăng-trầm.

Tuy-nhiên, tiến-trình 60 năm khai-sáng, phát-triển và hành-đạo không phải êm xuôi, bằng-phẳng mà trải qua lắm bước thăng-trầm. Nếu có những lúc thịnh như những năm đầu thành-lập với sự hưởng-ứng nồng-nhiệt và đông-đảo của quần-chúng nông-thôn mà số tín-đồ lên đến hai triệu người, giai-đoạn kiện-toàn cơ-cấu nội-bộ Bảo-an, Ban Trị-sự, hoặc khi được chính-thức công-nhận và công-khai sinh-hoạt dưới các chính-thể Cộng-Hòa, thì cũng có lúc phải đối-đầu với những khó-khăn thử-thách (thực-dân Pháp biệt-cư và ngăn cấm Đức Huỳnh Giáo-Chủ truyền đạo), những nguy-cơ bị diệt-giáo (CSVM đàn-áp khủng-bố anh em đồng-đạo tín-đồ, ám-hại Đức Huỳnh Giáo-Chủ), rồi tình-trạng phân-hóa, và sau cùng là cơn pháp-nạn 75 (chịu chung số-phận đau thương của quốc-gia dân-tộc khi CS cưỡng-chiếm Miền Nam). Đây là thời-kỳ đen tối nhứt của PGHH. Cơ-sở Giáo-Hội từ Trung-ương đến cấp xã, ấp bị CS vô-thần chiếm đoạt, kinh giảng bị tịch-thu, cấm phổ-biến, giáo-lễ cấm tổ-chức, tín-đồ không được tự-do hành-đạo. Sinh-hoạt Giáo-Hội hoàn-toàn bị tê-liệt.

Nhờ một số tín-đồ may-mắn thoát được gông cùm CS lúc đó và tiếp-tục gia-tăng sau nầy, đã liên-lạc, tìm nhau rồi dần dần quy-tụ lại, nhứt là ở Tiểu-bang California. Từ đó, những buổi họp mặt đượm tình đồng-đạo thân yêu, nhừng ngày lễ tôn-giáo đơn-sơ giản-dị, nhưng vô-cùng cảm-động, đầu-tiên đã được tổ-chức, cử-hành. Kế tiếp, Sấm giảng của Đức Huỳnh Giáo-Chủ, tài-liệu về PGHH được ấn-tống lại (1979), tập-san Đuốc Từ-Bi tái xuất-bản (1981). Với kinh sách và tập-san nầy, sự liên-lạc giữa đồng-đạo được tỏa rộng khắp nơi trên nước Mỹ và thế-giới. Đồng-thời với đà phát-triển không ngừng của Giáo-Hội, nhu-cầu có nơi thờ phượng riêng biệt trang-nghiêm để đồng-đạo đến lễ bái, hội-họp, tham-khảo trao đổi giáo-lý, trau-giồi kiến-thức đạo-đức và tu-hiền trở nên cấp-thiết (trước đó, chỉ mượn tư-gia và lưu-động từ nhà đồng-đạo nầy sang nhà đồng-đạo khác). Hội-Quán được thiết-lập ở những nơi có đông tín-đồ PGHH, bắt đầu từ miền Đông Hoa-Kỳ tại vùng phụ-cận Hoa-Thạnh-Đốn, đến miền Nam California và lần-lượt, dù lớn hay nhỏ, ở các nơi khác để đáp-ứng nhu-cầu nói trên. Và không phải chỉ ở Hoa-Kỳ, mà ở các quốc-gia như Pháp, Úc, Canada,...cũng đã có Ban Trị-sự và Hội-Quán để lo công-tác giáo-sự.

Từ con số không sau 30-4-75 Phật-Giáo Hòa-Hảo, một tôn-giáo dân-tộc, đã được phục-hồi và phát-huy ở hải-ngoại. Tuy không quy-mô, mạnh-mẽ bằng ngày xưa bên nhà, nhưng cũng tạo được cơ-sở Đạo căn-bản cần-thiết, nói lên tầm-vóc rộng lớn cùng sự hiện-hữu tất-yếu của mình không những trong cộng-đồng tôn-giáo quốc-gia mà còn trong cộng-đồng tôn-giáo quốc-tế nữa. Ngày nay, nói đến PGHH, không phải chỉ có các tôn-giáo bạn và đồng-đạo trong Cộng-đồng Việt-Nam mới biết và có thiện-cảm, mà cả những tôn-giáo cũng như các học-giả ở Âu-Châu, Úc-châu, Hoa-Kỳ cũng đến viếng thăm và trao đổi. Đó là nhờ truyền-thống kiên-trì bất-khuất, niềm tin tuyệt-đối vào Đạo-pháp, bản-năng sinh-tồn mạnh-mẽ của anh chị em tín-đồ cùng sự ưu-tư lo-lắng, tích-cực hy-sinh buổi đầu gầy dựng lại của quý vị niên-trưởng, những người lãnh-đạo tinh-thần đầy đủ khả-năng uy-tín trong nội-bộ cũng như bên ngoài đoàn-thể. Đó là dấu-hiệu khích-lệ cho công-cuộc duy-trì và phát-huy Đạo-pháp.

Nhưng CS, vốn coi tôn-giáo là thuốc phiện, là kẻ thù cần phải tiêu-diệt, đã không ngừng đánh phá ác-liệt kể từ sau 30-4-75, đặc-biệt đối với PGHH, trong cũng như ngoài nước, nhằm xóa bỏ niềm tin thiêng-liêng và ảnh-hưởng sâu đậm của nền Đạo dân-tộc nầy trong đời sống tâm-linh của tín-đồ và quần-chúng VN. Dĩ-nhiên, CS không thể ngồi yên nhìn PGHH, chướng-ngại lớn-lao cho chủ-nghĩa phi nhân vô đạo của chúng, phục-hồi, phát-triển, nên lại càng gia-tăng đánh phá ráo-riết bằng mọi thủ-đoạn tinh-vi, thâm độc có hệ-thống (từ khủng-bố, đàn-áp thô-bạo đến cho cán-bộ, tay-sai len-lỏi, xâm-nhập để lũng-đoạn, gây chia rẽ, phân-hóa nội-bộ. Việc CSHN cho tổ-chức Đại-Hội bầu Ban Đại-Diện PGHH trong nước cuối tháng 5 vừa qua do Nguyễn-văn-Tôn còn gọi là Mười Tôn, một cán-bộ đảng-viên kỳ-cựu với 40 tuổi Đảng (hiện giữ chức Phó Chủ-Tich Mặt Trận Tỗ-Quốc), làm Trưởng-Ban, cùng 10 thành-viên khác (gốc tín-đồ PGHH) cũng là đảng-viên nhiều chục tuổi Đảng, là bằng-chứng cụ-thể, điển-hình cho chủ-trương đánh phá, triệt-hạ tinh-vi, có hệ-thống nói trên. Khối tín-đồ PGHH trung-kiên chơn-chánh, tại quốc-nội cũng như ở hải-ngoại, đã sáng-suốt theo dõi, nhận-định, đề-cao cảnh-giác trò dối-trá mị-dân, lừa gạt dư-luận thế-giới cố-hữu của CSVN và nhứt-quyết không chấp-nhận cái gọi là Ban Đại-Diện PGHH do CS dàn dựng để làm công-cụ nhằm thực-hiện ý-đồ biến -thể, khống-chế, và tiêu-diệt tôn-giáo Phật-Giáo Hòa-Hảo.

Trước những biến-chuyển dồn-dập, trong nội-bộ cũng như từ bên ngoài, liên-quan trực-tiếp đến sự tồn-vong của nền Đạo, BAN TRỊ-SỰ TRUNG-ƯƠNG GIÁO-HỘI PGHH, đã được phục-hoạt lại trong Đại-Hội Đạo tại Miền Nam California hồi đầu năm nay. Đây là một quyết-định quan-trọng, đúng lúc, đáp-ứng nguyện-vọng của đồng-đạo khắp nơi hằng ưu-tư cho tiền-đồ Đoàn-thể, muốn có một Giáo-Hội thống-nhứt, đoàn-kết chặt-chẽ, vững mạnh để đảm-nhận trọng-trách bảo-vệ và phát-huy Đạo-Pháp mà Đức Tôn-Sư đã dày công khai-sáng, trong giai-đoạn cực-kỳ khó-khăn nghiêm trọng hiện nay.

Theo nguyên-lý vận chuyển của đất trời, luật tuần-hoàn của Tạo-hóa, cứ hết chu-kỳ thời-gian 60 năm gọi là lục giáp vận niên thì trở lại một chu-kỳ 60 năm mới với những biến-chuyển, đổi thay.
Trong một giáp ân-cần suy tính,

Nền Đạo PGHH, kể từ lúc khai mở đến bây-giờ, đã tròn 60 năm. Do đó, Đại-lễ 18 tháng 5 hôm nay, ngoài truyền-thống mừng ngày thành-lập Đạo năm thứ 60, còn mang một ý-nghĩa đặc-biệt là kết-thúc một lục giáp vận niên để chuẩn-bị bước sang một lục giáp vận niên kế tiếp với đầy triển-vọng đất nước thoát ách thống-trị của CS vô-thần, phục-hồi tự-do dân-chủ để nền Đạo phát-khai rực-rỡ, tiến đến Long-Hoa Đại-hội, lập đời Thượng-nguơn Thánh-đức.

Bốn chữ PHẬT-GIÁO HÒA-HẢO phải được sáng danh, nền Đạo cao sâu của Đức Huỳnh Giáo-Chủ phải vượt không-gian và thời-gian. PGHH không phải chỉ được khai mở và xiển-dương ở Việt-Nam mà còn phổ truyền khắp năm châu thế-giới, không phải chỉ xuất-hiện 60 năm, 100 năm, 1000 năm...mà tồn-tại mãi mãi bao-giờ thế-giới tối-tăm và chúng-sanh đau khổ còn cần đến ánh Đạo nhiệm-mầu dẫn dắt, cứu độ.

Nguyện cầu ƠN TRÊN gia-hộ cho toàn-thể Quý Vị luôn được thân tâm thường lạc, đạo-tâm kiên-cố, đạo-quảviên thành.

Nam Mô Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn