Đtb 61: Âm Thanh Và Sóng Nước

16 Tháng Năm 200312:00 SA(Xem: 15371)
Đtb 61: Âm Thanh Và Sóng Nước
(Tâm tình của nhà văn Phạm Thăng gởi về Mỹ Thuận)
Thơ của bạn nhà báo viết một lèo: Nè, anh là dân miền Tây sông Cửu Long, chuyện sinh thái của đồng bằng sông Cửu bị đe dọa, chuyện cây cầu bắt ngang sông thay thế chiếc bắc đã hoàn thành... anh viết gì đi chớ!...
Tôi đang trăn trở với nhiều tình cảm mâu thuẫn việc cây cầu Mỹ Thuận. Bao nhiêu lần bàn cãi với bạn bè: nên có hay không cần cây cầu bắt ngang sông thay thế chiếc bắc Mỹ Thuận, mặc dầu chuyện muốn hay không đều nằm ngoài tầm tay của mình. Vì từ năm 1957, dự án phát triển trên dòng sông Mékong (Cửu Long) theo đề nghị của Ủy ban Kinh tế Á châu và Viễn đông ECAFE (Economic Commission for Asia and Far East) việc xây cầu Mỹ Thuận là một dự án rồi. Người muốn có, kẻ muốn không, nhưng dự án không tiến hành vì cựu hoàng Căm Bốt Sihanouk lúc đó khăng khăng đòi hỏi cây cầu bắt ngang sông Mékong tại Mỹ Thuận phải cao 41m kể từ mặt sông (đó chỉ là lý do để làm khó dễ VN), để cho tàu thuyền qua lại dễ dàng đến thủ đô Nam Vang, vì sông Cửu Long là thủy trình quan yếu cho Căm Bốt.
Mấy mươi năm qua, việc xây cầu cứ lơ lửng, nhưng nay biết chắc đã và đang thành hình, chuyện chiếc xe chạy bon bon qua cầu Mỹ Thuận để lại sau lưng một ít bụi đường là sự thật hiển nhiên, rồi đây những hình ảnh xưa, bao kỷ niệm cũ ...sẽ phai mờ. Thế hệ tương lai nào biết đến? Tôi đang bùi ngùi lại được thơ nhắc nhở, nên quyết định ghi lại vài tâm tình với Mỹ Thuận của tôi thì bỗng choàng dậy vì từ máy phát thanh ở góc phòng vọng lại tiếng hát nghẹn ngào truyền cảm của ca sĩ nổi tiếng Hương Lan : ... một chuyến sang ngang khi sang qua đò Mỹ Thuận... nắng xế ban chiều soi bóng mặt trường giang... Tiếng độc huyền cầm của một nhạc sĩ vô danh đang nắn đường tơ não nuột u hoài...
Chao ơi! Lại hình bóng của dòng Cửu Long thân thương! của bến bắc Mỹ Thuận!... câu chuyện kể về người nhạc sĩ vô danh đang tạo âm thanh tại đó...
Suốt hơn nửa thế kỷ, dầu sanh trưởng tại Long Hồ, Vĩnh Long nhưng tôi theo ba lên Châu Đốc từ lúc nhỏ nên lúc được là học sinh trường tỉnh rụt rè theo bạn đi từ An Giang lên Sài Gòn, mỗi năm đi về bốn lượt... đến khi mang hành trang học hỏi nhảy vào đời làm báo, chuyên thương vay khóc mướn cho thiên hạ, tôi đã không còn nhớ nổi là bao nhiêu lần qua lại bến bắc Mỹ Thuận nầy.
Có thể nói không sai là nhiều văn nhân thi sĩ Miền Tây, hay ký giả báo chí...ngay cả các du học sinh nam nữ lòng còn tinh khiết, chưa vướng nợ áo cơm, khi đi qua các bến bắc Vàm Cống, Cao Lãnh, Cần Thơ, Mỹ Thuận, An Hòa, Rạch Miễu... đều thấy có một cảm giác gì là lạ ở trong hồn, để khi có dịp viết hay nói thì đem đề tài chiếc bắc ra nhắc lại. Riêng tôi, lúc còn làm báo trong nước cũng như khi sống tạm dung ở xứ người, khi bạn bè mời nói chuyện quê hương, tôi hay đem chuyện dòng sông Cửu Long ra kể. Không phải tôi có tánh địa phương nên kể chỉ chuyện Tiền giang, Hậu giang của mình, mà vì giống như mọi người: ai sống xa quê nhà đều mang theo trong lòng một dòng sông quê hương, dù sông to lớn hùng vĩ mang nhiều dấu tích lịch sử như sông Hồng, sông Bạch Đằng... hay con sông nhỏ xíu như sông Long Hồ, sông Trèm Trẹm... và người ở vùng nào sẽ quen thuộc con sông quê mình hơn. Có người miền Nam nào dám kể chuyện cảnh quan của sông Thao, sông Thu Bồn bằng người Bắc, người Trung?
Thế nên khi nhắc về quê hương, kể chuyện bờ tre ruộng lúa, bông cau, bông bưởi... một loáng là hết, còn nói về dòng sông thì dài dài. Tha hồ nhắc lại các câu hò, tiếng hát trên sông, nhắc đến hàng cau hàng dừa lã ngọn bên bờ, những cánh buồm trắng nhỏ bọc gió, vài chiếc tàu dòng theo đoàn ghe chở nặng lướt qua tạo nhiều đợt sóng xô vào bờ làm tròng trành mấy chiếc ghe mui tròn đang đậu im lìm dưới rặng cây v.v. Đó là vẻ đẹp con sông được mô tả lại, nhưng hiện nay, sông Cửu Long đang là đề tài nóng bỏng được các Hội Khoa học Kỹ Thuật VN và Mekong Forum, Hội ái hữu Tiền giang & Hậu giang, các nhà Khoa học, Kỹ thuật gia VN đang ở nước ngoài, Tạp chí, Tuần báo, Nhật báo VN khắp nơi đang gởi tuyên ngôn đến các Cơ quan quốc tế liên quan đến sông Cửu Long vì con sông nầy, nhứt là Biển hồ Tonlé Sap và dân cư sống trên Đồng bằng sông Cửu (nam phần VN) đang đứng trước nguy cơ do những kế hoạch khai thác phát triển, sử dụng dòng sông và nước sông một cách thiếu trách nhiệm của các quốc gia phía thượng nguồn.
Tiếng chuông do các bậc trí thức VN gióng lên chắc chắn sẽ được xem xét để giải quyết thỏa đáng trong tương lai gần đây, các bài phân tách về dòng sông thân yêu nầy đều nói đầy đủ, nhưng sao tôi lại viết về nó nữa? Tôi không lạm bàn thêm về sông Cửu mà chỉ nhắc kỷ niệm, tâm tình với một đoạn ngắn trên sông thôi. Đó là bến bắc Mỹ Thuận.
Như đã nói ở trên, bến bắc (các bạn người miền Bắc gọi là phà) được nhắc đến nhiều lần. Dễ hiểu thôi. Đi tàu thủy trên dòng sông hoặc ngồi trên xe suốt quãng đường, hình ảnh hai bên lướt qua mau, có khi lại đơn điệu giống nhau, nhưng đến bến bắc nào đó, nhứt là bắc Mỹ Thuận, xe phải dừng lại chờ chuyến bắc chở sang sông có khi lâu đến nửa ngày, hoặc mấy tiếng đồng hồ. Sinh hoạt của dân chúng diễn ra trước mắt đã ghi đậm vào lòng và tạo bao nhiêu chuyện buồn vui lẫn lộn. Vậy nên những bài văn thơ, những bài ca vọng cổ, những chuyện tình lãng mạn (có chút hư cấu) đều nảy sinh từ đây.
Nếu nhắc lại kỷ niệm của bắc Mỹ Thuận để sau nầy không bị lãng quên thì đầu tiên đa số chúng ta đều nhắc đến âm thanh não nuột gây một âm hưởng khó quên tại đó như chuyện một ông già mù ngồi nắn nót cây đờn độc huyền cho cháu bé gái ốm tong teo, đen đúa vì nắng, ráng lấy hơi hát câu vọng cổ, một bà già quần áo bạc đen, vá nhiều mảnh, cầm nón lá rách tơi tả, đưa qua đưa lại trước mặt khách lên xuống cầu bắc để thiết tha xin tiền, một bác già khác đang để hồn vào tiếng đàn nguyệt của mình, ngửa mặt lên trời cao với đôi mắt sâu hút vì mù lòa không phải để nhìn mà là như không cần đến thế nhân, vì bác đang sống với vị công tử lưu linh ngày xưa trong bài vè Cậu hai Miên bác đang hát. Thế nhân, du khách đi ngang qua, họ có nghe? họ có bố thí tiền vào cái lon nhỏ trước mặt? Bác cũng không cần biết... Hình ảnh về người mù đờn hát để xin tiền trước 1975 và sau nầy có thêm tiến bộ là ông nhạc sĩ mù ôm đờn đi sau đứa bé gái. Đứa bé tay cầm chiếc loa phát âm nhỏ chạy bằng pin, hát vài câu tân nhạc giao duyên với vọng cổ rời rạc, để mọi người đi trên chiếc bắc nghe mà cho tiền. Cảnh tượng ông lão mù ôm đờn đi theo sau cháu gái, phải len lỏi qua số người đông đảo lố nhố, một tay lo bảo vệ cây đờn, tay kia phải vịn vai bé gái mà đi, làm sao tạo được hình ảnh và âm thanh buồn buồn như trước kia ngồi một chỗ nơi lên xuống?
Hình ảnh đó được soạn giả Viễn Châu đưa vào bài vọng cổ, các nhà văn Nguyễn văn Ba, nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà đưa vào tác phẩm với tựa bài na ná như nhau: Lão già đờn độc huyền trên bến đò Mỹ Thuận, Người nghệ sĩ mù ở bến bắc..., Sân khấu lộng gió (bài nầy của Phạm Thăng) v.v. và những chuyện thương tâm đó có lần được nhóm nghệ sĩ tên tuổi Thủ đô xuống tận bến bắc Mỹ Thuận để quay phim.
Kết cấu câu chuyện gợi thương tâm cho người đọc, để họ có dịp trở lại bắc Mỹ Thuận kỳ sau, họ sẽ mở cửa lòng bố thí... hay lại chỉ như chuyến đò lướt qua sông rộng? Chuyện phim do nghệ sĩ Thanh Sang của thủ đô thủ diễn rất hay. Hình ảnh đoạn chót là mấy mảnh gỗ bể nát của cây đàn độc huyền trôi bập bềnh trên sóng nước, cạnh đó có cái nón lá rách của lão già mù. Ông đã trầm mình cho xong kiếp ve sầu đói khát??
Những âm hưởng và hình ảnh ăn xin đó càng làm ray rứt lòng tôi càng làm tôi nhớ đến một câu chuyện có người bà con trong đó... Lúc tôi theo học trên Sài Gòn, mỗi năm về quê trong hai kỳ bãi trường: Tết và Hè. Lần đó, tôi đi từ Châu Đốc lên nhập học, xe đến bắc Mỹ Thuận gặp may mắn không bị chờ vì xe quá ít nên hành khách vội vã bước xuống vừa đi vừa chạy theo xe... Vừa chạy đến cầu phao nối liền bờ với chiếc bắc, tiếng đàn từng tưng của cây đàn nguyệt và bóng dáng của một em trai nhỏ, mặt tô son phấn, trên đầu đội cái mão cườm làm bằng tay, dán giấy thô sơ, bộ đồ bà ba bạc màu có cột dây lưng nhiễu đỏ. Cậu đang múa hát trên manh chiếu rách. Người xem vòng trong, vòng ngoài chật cả lối đi. Đó là những người rỗi rảnh không cần theo chuyến bắc sắp tách bến. Thoáng nghe lời hát, tôi biết cậu bé đang diễn xuất vai Thần nữ dưng Ngũ Linh kỳ. Dầu vội vàng nhưng tánh tò mò khiến tôi đứng lại nhìn kỹ. Trời! Có thiệt vậy chăng? Sao cậu bé giống đứa em họ của tôi ở Long Hồ? và bác già ôm đờn, gương mặt cúi gằm dưới cái nón nỉ rách, dầu bác muốn che dấu mọi người, tôi vẫn thấy quen quen: đó là cậu Bảy của tôi, cha đứa bé!
Thấy ngờ ngợ biết có đúng hay lầm, tôi còn do dự nên đứng lại chờ xem kỹ, thì dòng người theo xe xô đẩy tôi bước tới. Chiếc bắc sắp tách bến, tiếng kêu la ơi ới của anh lơ xe làm tôi phải mau chân sợ trễ chuyến đò, bị xe bỏ lại. Khi yên chỗ trên bắc, hình ảnh bác già và đứa bé trai thủ vai Thần nữ lại hiện ra. Lòng tôi xốn xang, bán tín bán nghi, nhưng làm sao đây? Hình ảnh đó theo tôi đến thủ đô. Đêm đó tôi viết vài chữ tóm tắt gởi về người chị ở Long Hồ (Vĩnh Long) để hỏi gia thế cậu Bảy lúc này ra sao? Trong khi chờ thơ trả lời, lòng tôi thấp thỏm mong hình ảnh gánh hát nghèo thấy tại bến đò chỉ là người giống người. Nhưng linh tánh mạnh hơn, lý trí tôi nghĩ đến cậu Bảy, vì biết cậu trước đây là một hương chức nhỏ trong làng lại say mê kiếp hát bội. Không một buổi diễn nào quanh vùng mà thiếu mặt cậu. Cậu có tài nhận xét, thuộc nhiều tuồng tích, nên được chọn làm người cầm chầu mỗi khi làng cúng Kỳ yên có mời gánh hát bội. Đáng lẽ danh dự cầm chầu nầy do Ông Hương Cả đảm nhiệm nhưng qua mấy năm trước, ông Cả cầm chầu không đúng căn bản thưởng phạt lại có tánh hảo ngọt nên khi có cô đào đẹp bước ra sân khấu, dầu hát không hay, ông Cả cũng đánh chầu khen dồn dập. Thiên hạ biết chuyện, đàm tiếu quá, nên mấy năm sau nầy, vai thưởng phạt đào kép bằng trống chầu, cậu Bảy tôi được đề cử. Hai tháng sau tôi được thơ trả lời, nghi vấn cha con ông già đáng thương trên bến bắc Mỹ Thuận càng làm tôi buồn vì chị tôi cho biết: Cậu mợ nuôi vịt bị chết cả mầy trăm con, làm ruộng bị thất thu, cậu thất chí nên lơ là việc làm, và đang lúc ông Cả mắc cỡ vì việc cầm chầu nên chèn ép cậu, rồi mợ Bảy buồn rầu sanh bịnh, chết. Cậu dẫn thằng con trai 10 tuổi bỏ làng quê, theo đoàn hát bội quen. Đúng như tôi suy nghĩ: nghiệp cầm ca của cậu tôi! Nhưng tin đồn nói cậu theo đoàn hát để làm ông Nhưng (nhà đạo diễn) sao nay lại... hát trên manh chiếu rách giữa bến đò lộng gió? Từ đó đến khi ra đời, qua lại bao nhiêu lần ngang bắc Mỹ Thuận, tôi không bao giờ gặp lại cậu Bảy!
Nhắc đến kỷ niệm ở Mỹ Thuận không phải toàn chuyện buồn như âm thanh đờn bầu, mà có nhiều chuyện vui. Những chuyện vui của tuổi hoa niên, của du học sinh tỉnh lẻ lên Sài Gòn học thì nhiều. Không là những chuyện mua trái cây tươi, ăn quà vặt như ốc len, ốc gạo... bán dài hai bên đường xuống bến bắc của các cô nữ sinh mà bọn nam sinh chúng tôi, ngược lại, thích làm ra vẻ đạo mạo của chàng trai vừa ra khỏi vòng tay gia đình mặc dầu thấy các cô liến thoắng đùa giỡn và chu đôi môi đỏ xuýt xoa vì nước chấm quá cay, chúng tôi cũng thèm lắm, nhưng nhìn thấy vài thanh niên lớn tuổi đạo mạo tay xách cặp da, áo sơ mi thẳng nếp, chúng tôi muốn được như vậy nên thèm ăn vặt cứ thèm mà không sà xuống bu quanh rổ ổi, rổ bắp như các cô.
Không biết gương mặt vác hất làm vẻ đạo mạo của tôi lúc đó ra sao mà một lần tựu trường khác, tôi bị các cô bỏ bom tơi tả.
Lần đó trong đoàn du học sinh Sài Gòn có thêm 3 nữ sinh. Trong ba cô có Nhàn là nữ sinh cùng lớp mà tôi thầm yêu trộm nhớ. Đây là mối tình đầu đời của tuổi 17, yêu đơn phương, yêu câm nín, yêu trong mộng, không hiểu Nhàn có biết không? Khi được tin Nhàn lên Sài Gòn học trường Lê Bá Cang, tôi mừng lắm. Hi vọng lên thủ đô sẽ có dịp bày tỏ... Cuộc tiễn đưa của người thân tại bến xe Châu Đốc kỳ nầy không đượm nước mắt vì trên xe đò có bóng dáng người trong mộng của tôi. Xe chạy qua Cái Dầu, qua chợ Long Xuyên, qua bắc Vàm Cống để đám nữ sinh nhứt quỷ, nhì... nữ sinh nầy (lúc bây giờ là 6 cô), nhảy xuống ngồi quanh nồi ốc len nước dừa béo ngậy, sau cùng đến bắc Mỹ Thuận đúng giờ trưa. Xe bị kẹt lại bắc, anh lơ xe cho biết có thể chờ lâu đến hai giờ, ai muốn ăn cơm, ăn quà cứ ăn. Tôi liếc trộm Nhàn. Cô nữ sinh có đôi mắt đen lay láy, má lúm đồng tiền lại nhu mì ít nói hơn các cô kia. Tôi muốn được ngồi chung bàn trò chuyện với Nhàn quá. Đây là dịp hãn hữu sao lại bỏ qua? Tôi quá nhút nhát, không dám mở lời mời, bỗng tôi nhớ đến cô nàng tên Kim trong đám, tôi đến mời Kim và Nhàn ăn cơm.
Kim là bạn cùng lớp Tiếp liên, bạo dạn và chắc sành tâm lý nên nhìn ánh mắt tôi liếc trộm Nhàn nhiều lần và lời mời ấp a ấp úng của tôi, Kim chịu liền. Sau khi hội ý và bàn tán với nhau, cả đám nữ sinh vui vẻ vâng lời, trong khi Nhàn đỏ mặt và có ý phản đối còn Kim lại cười ranh mãnh. Tôi sung sướng lắm, lại được Kim cố tình dàn xếp cho Nhàn ngồi cạnh làm tôi quên bẵng tôi là kẻ đứng mời... Các cô tha hồ chọn thức ăn, tha hồ mua thêm nem, trái cây khi được mời, để đầy trên bàn. Nhàn cứ liếc nhìn tôi, tôi nào biết, cứ làm ra vẻ ga-lăng. Uống nước xong, Kim kéo các cô đi lang thang qua các hàng quán khác, bỏ lại Nhàn và tôi. Chúng tôi biết nói gì nhau, lòng tôi cứ lâng lâng bay bổng, đến khi anh chủ quán ra tính tiền, lúc đó tôi mới nhìn lại thực tế. Tiền cơm và mua thêm thức ăn hơn 330 đồng. Tôi thấy lùng bùng lỗ tai... nhưng cứ bậm môi trả tiền, (chắc miệng méo xệch?) Tôi thầm nhủ: hãy để cho Nhàn biết là ta ga-lăng. Có nhầm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó. Mình là sex payant mà!
Lên xe, cả đám nữ sinh cười khúc khích chỉ có Nhàn im lặng đến lúc bước xuống bến Phú Lâm, Nhàn chia tay tôi với giọng bùi ngùi: Nhàn hi vọng chúng ta sẽ gặp nhau. Rồi nàng hạ thấp giọng nói đủ tôi nghe: Xin tha lỗi, không phải Nhàn bày mưu... bọn nó bỏ bom anh đó. Tôi cười gượng nói: Hổng sao đâu Nhàn ơi!.
Hổng sao, làm sao được? Cần nói rõ lúc đó mỗi tháng ba tôi trích trong số lương khiêm tốn của ông 500 đồng để tôi chi 250 tiền cơm tháng nhà trọ và 250 tiền quà sáng tiêu vặt. Bây giờ coi như tiền quà vặt tháng nầy tiêu mất và tiền cơm tháng còn chưa đủ. Phải nhịn ăn quà để chờ măng-đa đầu tháng sau. Mối tình câm nín đầu tiên coi như tan vỡ giống như bong bóng nước trôi trên mặt sông Cửu Long, vì tôi không được dịp gặp Nhàn. Hỏi ra, Nhàn bỏ trường Lê Bá Cang, về học ở Cần Thơ.
Nói đến bắc Mỹ Thuận ai ai cũng hình dung quang cảnh buôn bán sống động tại đó. Đủ loại ngon của nhà vườn lân cận. Thương những bà mẹ quê khi thấy trong vườn nhà có trái đu đủ rám vàng sắp chín, những chùm ổi tròn trịa bóng lưởng đong đưa hấp dẫn... là vội hái xuống để cắp ne cắp nắp đem ra bắc Mỹ Thuận bán cho du khách dư tiền... Các cụ cần gạo, cần dầu hỏa hơn. Có món ngon cũng không dám ăn!
Mỹ Thuận được tiếng trái cây ngon là như vậy. Dầu trái cây của Nha Mân, Long Hồ... đem đến đây là trái cây Mỹ Thuận. Mà trái cây ở đây cũng như tại bắc Vàm Cống, Cao Lãnh, được bán ra không phải mỗi chục 12 trái, mà tới 16 hoặc 18 trái. Nghe vậy ai lại không ham. Vùng đồng bằng sông Cửu Long mầu mỡ, cây trái phát triển sum suê dễ dàng, sao lại không bán ra số nhiều như trên? Nghe vừa khêu gợi vừa thâu thêm được tiền. Giá tiền 16 hay 18 trái vẫn được nhích lên đấy chứ. Trước kia, người đi xe qua lại nhiều, người bán hàng quán hay bưng rổ, thúng không bao nhiêu nên ít có gạt gẫm giả dối. Vẫn có đôi ba người trộn những trái cây đèo hay sắp hư phía dưới thúng, nhưng người mua có quyền bươi lên chọn lựa... còn giờ đây, hãy coi chừng, chớ đòi đem nguyên thúng trái cây lên xe chọn lựa. Họ không nhận lại, và bắt du khách phải lấy hết, coi như đã chịu mua! Trước kia, đôi lần vào quán ăn dĩa cơm chim nướng, tôi cười cười hỏi bác chủ quán: Bác ơi, chim nầy có khi là chim bị để ba bốn ngày... Bác chủ quán dễ dãi trả lời: Không có đâu. Nói thiệt với cậu, ở đây mùa lúa chín, chim nhiều lắm và khách qua lại bến bắc cũng nhiều, ai cũng thích vào quán ăn cơm với chim nướng thì chim đâu đủ bán... Mà nếu có ngày chim rộ quá, bán không hết, buổi tối lại có người từ mấy quán nhậu trong chợ Vĩnh Long ra mua cho mấy tay lưu linh nhậu hết. Chúng tôi sống từ đời ông, cha đến đời con, lẽ nào vì mối lợi nhỏ mà để mất tiếng. Khách đi đường cũng biết đồn đãi với nhau chớ.
Đúng như vậy. Lúc trước làm ăn dễ dàng, quán hàng dọc theo bến bắc là nơi nuôi sống cho ba bốn thế hệ. Tôi quen với gia đình bà Sáu sống hơn 40 năm tại đây. Bà đã tâm sự khi tôi hỏi dò la (làm báo bị méo mó nghề nghiệp nên gặp dịp là điều tra), được bà trả lời khi nghe hỏi: Tui với ông nhà tui theo ba má tui đến đây lập nghiệp từ lúc xe Đại Đồng, Công Tạo mới ra chạy. Ba má tui bán cà phê pha bằng túi vải chớ đâu như bây giờ pha phin vậy mà khách nhảy xuống xe vô uống, pha không kịp. Tui bưng thúng xoài, ổi đến chào mời khách trên xe, ông nhà tui tiếp ông cụ bán cà phê. Quán càng ngày càng rộng theo đà con cháu tui đẻ thêm. Khi đứa con trai khôn lớn, nó tiếp chạy xe ba bánh chở nước đá từ chợ Giảng (Vĩnh Long) về đây xong, nó chở trái cây cho bạn hàng. Cưới cho nó con vợ. Vợ nó bày thêm quán bán cơm thịt chim nướng, sườn heo quay... Bán không hở tay. Thấy ham quá nên đám cháu nội tôi học quọt quẹt mớ chữ đủ để tính toán, đọc thơ, là nhảy ra tiếp cha mẹ. Hai đứa con gái thì đứa lớn 16 tuổi róc vỏ mía cho xe nước mía của nó, đứa gái nhỏ giúp mẹ lau chén, bưng cơm cho khách hàng. Bà day qua đứa cháu trai 12 tuổi: thằng nầy thì xách bọc túi ni-lông nước mía, trà đá, bán cho khách ngồi trên xe làm biếng xuống hay sợ cái nắng gay gắt nầy.
Tôi phụ họa: Vậy là tứ đại đồng đường đều buôn bán. Bác Sáu ơi, cái vụ nước mía lạnh bỏ bao ni lông thì không nói, nhưng... cái vụ... nước đá trà, có thiệt là trà không hả bác?
- Cũng có thiệt chớ. Nhưng lúc xưa, chưa có loại bao ni lông, mấy đứa trẻ xách bình trà lớn và cái ly đi mời khách thì trà trong bình phải có nhưng ít thôi... Còn sau nầy, bao ni lông ra đời, cho nước trà, cục đá vào bao, nhét thêm ống hút, xách được nhiều túi và nhẹ nhàng. Khách đang khát nước thấy túi nước trà đá màu vàng vàng, là mua uống ừng ực ngon lành. Có khi người bán pha thêm tí nước cà phê dợt chung với xác trà cũ... Ai biết đâu mà lo. Nhà tui cứ pha với xác trà cũ. Nhiều bình trà cũ khách uống không hết, lấy xác trà lại mà xài...
Bà Sáu nhẹ giọng nói: Gia đình nhà tui cũng như nhiều gia đình cố cựu khác sẽ sống ra sao... khi dân chúng ở đây nghe phong phanh sẽ bắc cầu Mỹ Thuận...! (Lúc bà Sáu than thở thì cầu nằm trong dự án. Hôm nay cây cầu đã thành hình, từ tháng 4 năm 2000 đã sử dụng. Chắc ông cụ, ba của bà Sáu, đã theo bà cụ đi vào lòng đất? còn ông bà Sáu và đám con, dâu, cháu... đã ra sao? ).
Tiếng than của bà Sáu sống tại đây cả bốn đời giống như nhiều tiếng than khác. Đó là ý nghĩ của người dân mưu sinh nhờ bến bắc, nhưng với đối tượng khác là hành khách cần xê dịch gắp v.v. thì lại khác. Họ mong có cầu để đi mau về sớm, khỏi cảnh đợi chờ lâu lắc, khỏi phải vào quán mua bán rồi phải xách theo lỉnh kỉnh (xin hiểu cho tác giả chỉ nói đối tượng nam, không nhắc đến các bà, các cô là đối tượng nữ thích ăn quà vặt và mua sắm). Thương nhớ lắm những cảnh tượng ăn quà tại bến Bắc của giới phụ nữ!
Nói về chiếc bắc và cây cầu Mỹ Thuận, tâm trạng nhiều giới có mừng vui lẫn lộn, và rất thiếu sót nếu không nhắc đến các bạn ở vùng sông Tiền như Hồng Ngự, Tân Châu, Hòa Hảo, Chợ Mới, Mỹ Luông, Cái Tàu Thượng v.v. vì trước kia, các Tín đồ Hòa Hảo cũng như người dân vùng nầy nếu từ Thủ đô Sài Gòn đi về nhà, không cần vội vã, thì cứ nhẩn nha đi về qua ngã Bắc Mỹ Thuận, nếu không, họ đi ngã Kiến Văn, Đồng Tháp để tiện lợi qua Bắc Cao Lãnh, từ đó quẹo mặt hướng về Tổ Đình hay Chợ Mới, Tân Châu... sẽ gần hơn. Còn giờ đây đã có cầu Mỹ Thuận, khỏi bị kẹt bắc, họ sẽ cho xe chạy qua cầu rồi hướng theo ngã Sa Đéc để về Mỹ Luông, Chợ Mới... khỏi qua thêm lần bắc Cao Lãnh. Đường về quê, đường về Tổ Đình như gần lại... nhưng chừng nào chúng ta mới được về Tổ Đình đây? (Calgary, Hè 2001)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn