Đtb 61: Tim Hiểu Phật Giáo Hòa Hảo

16 Tháng Năm 200312:00 SA(Xem: 15390)
Đtb 61: Tim Hiểu Phật Giáo Hòa Hảo
(trích Năm Cuộc Đối Thoại, Hương Sen xuất bản , 1972)
(LTS: Trước 1975, nhiều vị giáo sư ngoại quốc đến Thánh Địa tìm hiểu về Phật Giáo Hòa Hảo và đã tiếp xúc với giáo sự Nguyễn Văn Hầu, Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý của BTSTƯ GHPGHH . Chúng tôi sẽ lần lượt trích đăng để cống hiến cho quý độc giả Đuốc Từ Bi)

Hỏi: Được biết ông từng sang Nhật Bản , từng giao thiệp với nhiều Giáo Hội Phật Giáo Nhật, vậy xin ông so sánh sự giống nhau của một Giáo Hội Phật Giáo ở Nhật với Phật Giáo Hòa Hảo.
GS.Nguyễn Văn Hầu: Giống nhau hoàn toàn thì không. Nhưng riêng về cách tổ chức quần chúng thì PGHH có chỗ tương tợ với hội Phật Giáo Rissho Kosei Kai do Hội chủ Nikkyo Niwano đứng đầu. Hội viên của Rissoho Kosei Kai là cư sĩ tại gia và các cấp lãnh đạo cũng thuộc thành phần đó chớ không có tổ chức tăng giới. Phật Giáo Hòa Hảo, giống với Rissoho Kosei Kai ở phương diện này.
Hỏi:. Về thành phần dân chúng của Rissoho Kosei Kai so với Phật Giáo Hòa Hảo, ông thấy có gì khác không?
Đáp: Có khác. Nếu hội viên của Rissoho Kosei Kai phần đông là thị dân, trí thức và tiểu công nghệ, sống rải rác đó đây thì Phật Giáo Hòa Hảo đa số lại là nông dân và hầu hết được sống trên một vùng châu thổ phì nhiêu màu mỡ.
Hỏi: Như vậy thì vấn đề kinh tế thời hậu chiến, PGHH chắc chắn sẽ nắm được một yếu tố thuận lợi lớn về kinh tế nông nghiệp. Chẳng hay Đức Huỳnh Giáo Chủ trước kia và Giáo Hội PGHH sau nầy có trù liệu gì về việc phát triển quốc gia trên phương diện nầy không?
NVH: Có, Đức Thầy đã dự liệu từ năm 1946 về vấn đề nầy. Chúng tôi có thể cho ông biết mấy điểm chính yếu trong chương trình canh tân nông nghiệp của Ngài:
1. Di dân để mở đất hoang.
2 Lập đồn điền quốc gia, lập làng kiều mẫu theo chủ nghĩa xã hội đồn điền.
3. Mua lại đồn điền bị tập trung quá độ để bán lại cho nông dân hoặc để cho quốc gia.
4. Lập bình dân ngân quĩ và lập hợp tác xã sản xuất để giúp nông dân mua dụng cụ và máy móc (cày, gặt, vận tải....), lập hợp tác xã để tránh nạn trung gian.
5. Phổ thông khoa học để gia tăng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy lợi lâm sản...
Phần Giáo Hội thì hiện nay mặc dù bị ảnh hưởng chiến tranh và nhiều công tác khác chi phối, nhưng củng cố gắng khuyến khích anh chị em đồng đạo di dân khai mở đất hoang tại nhiều nơi, như Đồng Tiến (Tháp Mười), Rừng Tràm (Hà Tiên- Rạch Giá) và đang có sự liên lạc với nhiều cơ sở sản xuất nông cụ khoa học tại Nhật để phát triển nông nghiệp nước nhà, như các hãng Hinomoto, Kubot, v...v...
Hỏi: Nhìn vào sự rạn nứt của Giáo Hội PGHH, người ngoại đạo nào có tinh thần quốc gia và biết lo xa cũng đều cảm thấy e ngại trước sự ly tán lực lượng chống Cộng. Ông là người trong cuộc, có tư cách và thẩm quyền trong vấn đề, chúng tôi xin ông vui lòng phát biểu ý kiến.
NVH: Tôi đồng ý với ông rằng hiện có sự bất đồng quan điểm giữa một số nhận vật trong cấp lãnh đạo Giáo Hội. Điều này có làm thiệt thòi cho sự phát triển đoàn thể và làm đau lòng nhiều người, tất nhiên trong đó kéo theo sự chán nản về những công tác tập thể. Tuy nhiên như tôi vừa nói, chỉ có sự dị đồng giữa một số ít trong cấp lãnh đạo Giáo Hội mà thôi chớ toàn thể anh chị em đồng đạo thì vẫn là một khối. Do đó mà như ông thấy, cuộc nổi dậy của Cộng sản hồi Tết Mậu Thân vừa đây, ở đâu thì xáo trộn được, chớ ở miền đồng bằng sông Cửu Long nầy thì họ không làm gì nổi, bởi sự đồng tâm nhất trí của toàn thể không chấp nhận sự có mặt của Cộng sản trong khu vực mình đã làm cho họ phải hoàn toàn vắng bóng.
Hỏi: Mọi người đều biết chia rẽ là diệt vong, như vậy quí Giáo Hội còn hơn ai nấy nữa, đã thừa rõ điều nầy, vậy xin cho biết đã có biện pháp nào để tái tạo sự hợp quần như xưa kia, lúc mà Đức Thầy còn ở nhà?
NVH: Vấn đề đoàn kết nội bộ bao giờ và lúc nào cũng được giới hữu trách thiết tha nghĩ tới. Tuy nhiên còn có những yếu tố ngoại vi và nội tại khiến chưa thể đạt thành trong một sớm một chiều. Tôi tin rằng thời gian sẽ làm tốt mọi việc đó bởi hoài bão chung của toàn thể anh chị em đồng đạo là luôn luôn lo nghĩ việc thống nhứt. Họ đã căn cứ vào lời vàng của Đức Thầy, vào Kệ Kinh Sấm Giảng của Ngài. Ngoài những lời Ngài thiết tha kêu gọi thương yêu đùm bọc nhau, đoàn kết gắn bó với nhau, họ không thấy có một chỗ nào mà Đức Thầy khuyến khích việc phân ly tranh chấp hết.
Hỏi: Trong đạo Phật, Đức Phật từng cấm các tì kheo và tì kheo ni ăn thịt sinh vật. Theo đó thì nếu người ta còn sát sanh để dùng làm miếng ăn là còn tạo nhân sanh tử, còn tiêu diệt chủng tử Phật tánh nơi mình.
Theo chỗ tôi được biết thì PGHH không đòi hỏi mấy về sự ăn chay. Bởi câu:
Chay bốn bữa ấy là qui tắc.
Hoặc là câu:
Tu hành nào luận mặn chay.
Như vậy thì làm sao phù hợp với giáo điều của Phật và làm sao mà như ý sở cầu?
NVH: PGHH không bao giờ xem nhẹ việc trai giới. Chính Đức Thầy dạy rằng:
Đồ lao muốn lánh sớm nghe ta,
Bố thí, trì chay, giữ giới mà!
Hoặc Ngài khuyên:
Phận tu hành đạm bạc rau tương.
Sở dĩ có lời dạy bốn bữa là Đức Thầy dùng phương tiện giáo hóa chúng sanh, dẫn dắt lần hồi từ thấp đến cao, để mới ứng hợp với thời kỳ cùng cơ tận pháp. Ngài có nói:
Đường đạo đức bước đi từ nấc.
Cái khó nhất là bước nhập môn, chứ khi đã hiểu đạo, muốn tiến cao lên mãi, thì quí hóa biết chừng nào, ai mà không hoan nghênh cảm phục. Mà tiến càng lúc càng cao hơn, cao cho đến mức:
Chữ nam mô trì giái giữ chay,
Chay được tánh chay tâm mới quí.
thì cái sở cầu có lo gì mà không đạt!
Hỏi: Có người nói PGHH không chú trọng đến sự giải thoát, bởi vì người tín đồ của đạo này luôn luôn lẫn lộn với đời, đua chen cùng đời mà không thấy mấy ai an bần lạc đạo?
NVH: Đạo của Đức Thày, căn cứ từ đạo Phật, tức đã là đạo giải thoát rồi, sao gọi là không chú trọng đến giải thoát được. Nhưng giải thoát phải đâu là người tu chỉ xuất gia tìm vào hang sâu am vắng mà đủ để thành đạo! Còn như lẫn lộn với đời để giúp đời, để quảng bá đức từ bi, để luôn luôn lo làm ăn tu hành chơn chất, đừng nệ chấp thế trần, thì bản chất nhập thế đó có hại gì cho con đường giải thoát đâu. Đức Thầy dạy:
Dốc tìm đường phóng giải cho thân tâm.
Và Ngài hết lòng kêu khuyên đi vào giải thoát.
Dầu gian lao dạ sắt chẳng sờn,
Miễn sanh chúng thông đường giải thoát.
Hỏi: Có người nói học Phật tu Nhân là học cho biết đạo Phật để rồi theo đó mà hành đạo Nhân. Nói vậy thì ra PGHH, chỉ là đạo Nho có đọc thêm kinh Phật để tìm gương tốt trong đạo Phật hầu bổ túc Nho Giáo chớ không cần đến pháp môn gì cao xa đặng tu hành cho thành Phật quả. Nói vậy có nghĩa là tu theo PGHH là để làm tròn đạo Nhân chớ không bao giờ thành được đạo Phật bởi họ lúc nào cũng chỉ là cư sĩ tại gia.
Xin ông giải cho điều mà tôi lấy làm phân vân ấy!
NVH: Nghĩ như vậy là xuyên tạc ý nghĩa trong Giáo Lý của Đức Thầy và không nghiên cứu chín chắn kệ kinh PGHH.
Trong quyển Tôn Chỉ Hành Đạo, mục bàn về xuất gia, tại gia và về tu Nhân học Phật, chính Đức Thầy đã xác nhận hạng tại gia cũng sẽ được lần lên con đường giải thoát
Công việc tu Nhân là bước ban đầu, bởi vì:
Muốn về cõi Phật, lập thân cõi trần.
Hoặc là:
Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.
Vả, muốn thành Phật mà chưa thành Nhân thì có khác chi muốn ăn cơm mà chỉ chuyên nấu cát.
Tuy nhiên, đồng thời với việc tu Nhân, hành giả phải học Phật. Bởi tu Nhân để thành Nhân và học Phật để thành Phật. Xưa kia, khi Đức Phật liễu ngộ, Ngài đã giáo hóa đủ các hạng người. Hạng hoàng đế như Bsinbisan; hạng công chúa như Nanda; hạng trưởng giả như Pindoka; hạng hoa khôi như Visakha; hạng cùng đinh như anh chàng gánh phân ngu dốt.... Những người nầy đều là cư sĩ tại gia, tu Nhân học Phật chứ đâu có xuất gia, thế mà họ đều được chứng quả A La Hán hoặc vào hàng Thánh quả.
Ngoài ra, Đức Thầy đã dẫn dắt rất phong phú các pháp môn cần thiết cho những ai muốn đắc đạo. Hàng vạn lời kinh chứa đựng biết bao ý đạo nhiệm mầu, chỉ e hành giả không hành chớ lo gì thiếu la bàn chỉ hướng.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn