Đtb 61: Khoan Dung

15 Tháng Năm 200312:00 SA(Xem: 15281)
Đtb 61: Khoan Dung
Hôm nay chúng ta tham khảo mục khoan dung. Vì sao có mục khoan dung? Bởi con người không ai thập toàn và biết khiêm nhượng dĩ nhiên là có tánh khoan dung. Biết khiêm nhượng tức là hay nhường nhịn đến người, không khi nào muốn cao gát hơn người, trái lại còn có lòng tha thứ người. Ấy là tánh khoan dung đó.

Tập đức tánh khoan dung đại độ,
Tránh tất cả những điều thô lỗ

Đó là lời của Đức Thầy. Đức Thầy kể lại chuyện của Bà Hoàng hậu Ma Da xin Đức Vua Tịnh Phạn, để cho Bà tự do ở long lâu lo tịnh dưỡng tâm trí, tập tánh khoan dung và xin Vua bao dung những kẻ khốn nạn. Người có tánh khoan dung tức là người hay tha thứ. Họ tha thứ những kẻ lỗi lầm mà biết ăn năn và những người vô tình xâm phạm đến họ.

Ai cũng hiểu tánh khoan dung là cao quí tốt đẹp. Song nếu người không lòng từ ái thì không dễ gì làm được; bởi có lòng từ ái mới biết yêu thương người lầm lỡ dốt nát mà mở đức nhiêu dung, hoặc chỉ giáo cho họ. Trái lại người không lòng từ bi, thì họ còn đầy lòng cố chấp oán giận, chỉ biết làm lợi cho mình hơn lợi cho người, chớ không nghĩ đến việc đau khổ của kẻ khác. Bởi thế cho nên, vì muốn đi theo lòng nhân từ, của Thánh hiền và ngừa lỗi cho mình về sau, chúng ta không khi nào quên tha thứ cho kẻ khác. Trước khi tha thứ kẻ có lỗi thì ta đã có suy luận kỹ càng rồi:

1- Người đã làm những việc quấy, ta hiểu đó là điều tội lỗi. Ta đoán biết ngày kia họ sẽ hái lấy quả đau khổ, thế mà ta không thương họ lại ghét bồi thêm, sẽ làm cho họ đau khổ tăng lên nữa, thì chẳng khác nào người té xuống giếng sâu, chẳng những ta không cứu họ lại còn vác đá liệng xuống nữa, khiến họ thêm nguy kịch. Với hành động ấy rất là độc ác.

2- Còn những người hoặc vô tình hay cố ý phạm lỗi, khi biết lỗi họ đã hối hận, mà ta không tha thứ trái lại ghét thêm, họ thấy rằng việc của họ lầm lỗi sái quấy họ đã van xin mà ta không đem lòng chế giảm, thì họ sẽ đánh liều làm quấy thêm nữa. Như thế vô tình ta thúc đẩy họ làm thêm tội lỗi, chẳng khác nào người đã đắm thuyền họ vừa vớ được bè, ta không kéo họ lên lại còn gỡ tay xô họ chìm xuống nữa, thì việc làm ấy rất là tàn nhẫn.

3- Những kẻ làm điều quấy, theo chỗ chúng ta hiểu thì họ còn đầy dẫy vô minh, nghĩa là lòng họ còn rất nhiều tối tăm. Nếu còn lòng tối tăm thì chỉ trong một phút lãng quên thì các niệm ác liền phát khởi xúi giục con người làm lắm việc tội lỗi. Ta thấy như vậy chẳng đoái thương để tìm cách chỉ giáo cho họ thì chưa phải người có tâm lượng rộng rãi. Vả người còn vô minh chẳng khác người mù, mọi việc đi đứng thật khó khăn, không sao tránh khỏi sự đụng chạm. Khi thấy người mù đụng chạm vào tường, vào cột hay sụp hầm hố nếu có ta đứng đó mà không giúp đỡ họ để họ máng lấy tai nạn, như thế ta đâu có lòng ái chủng và không phải người có từ tâm đối với kẻ mù quáng.

4- Chúng ta đã biết sự lỗi lầm có tai hại lưu lại nhiều đời, chẳng khác nào chứng bịnh phong lao cổ lại, có mãnh lực truyền nhiễm người nầy đến người khác, gốc độc của nó lâu đời chưa hết. Con người mới sanh ra liền hấp thụ tập quán trong gia đình, nghĩa là học theo những cái thói quen nhơ xấu của cha mẹ, anh em đến kẻ chòm xóm xa gần truyền lại, nên khi lớn lên trong đầu óc chứa đầy thói nhơ xấu ấy, họ mới biết ham muốn đòi hỏi những sự thường tình. Sự ham muốn đòi hỏi đó, phần nhiều không được chánh đáng tốt lành, nếu không người giáo hóa, họ sẽ dễ phạm tội lỗi. Nói rõ hơn các tội lỗi đó, nguyên nhân vì sự hấp thụ ở hoàn cảnh chung quanh họ gây ra, thế là muốn bắt tội họ, thì hãy nhắm ngay vào hoàn cảnh trực thuộc của họ trước. Như thế ta mới truy nguyên được nguồn cội của tội lỗi và ta khỏi phải gắt gao gieo thêm sự khổ cho kẽ vô cô.

Đã hiểu như thế, chúng ta chỉ nên tìm cách đào tạo đức tốt từ cá nhân, nếu không được uốn nắn họ từ lúc thơ bé, thì phải khuyên can họ từ lúc lớn khôn cho biết lẽ tội phước, việc chánh tà, tức nhiên tánh chất con người ấy sẽ trở nên tốt lành được.

5- Điều chót hết, là suốt đời chúng ta có dám tự hào rằng mình không lỗi chăng? Nếu khi mình có lỗi không cầu người dung thứ chăng?. Nếu khi có lỗi chúng ta còn tha thiết xỉ cầu người dung thứ, thì ngay bây giờ người có lỗi, mình hãy dung thứ họ trước đi, thì đến ngày kia mình lỡ phạm, người sẽ tha thứ lại mình. Còn như hiện giờ họ phạm lỗi, mặc dù họ lắm lời van cầu mà chúng ta vẫn khắc buộc và nghiêm trách lại như thường.Vả như kẻ kia tội đáng mười, thì người đương quyền hãy nhắm ngay chỗ ở của họ có bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của người kế cận không, để chế giảm cho họ phần nào. Còn khi trừng trị, chớ riêng lòng chúng ta rất thương hại họ, vì họ cũng như chúng ta điều biết đau đớn, chỉ vì vô minh mà phải mang lấy tội trạng. Nói rõ hơn, suốt đời mình không sao tránh khỏi một hai lần lầm lỗi, thì khi người lầm lỗi ta hãy nguội bớt sự nóng giận mà nới lòng tha thứ họ.

Tuy nhiên, chúng ta đem lòng thương yêu tha thứ những kẻ vì mê dốt, tham vọng mà gây lấy điều lỗi phạm, nhưng không phải nói thế mà tha hồ cho họ làm quấy mãi, chúng ta phải luôn luôn chỉ bảo họ trước khi lầm lỗi hay dạy dỗ khuyên răn họ sau khi đã phạm, nếu họ không biết ăn năn chừa bỏ, chừng ấy chúng ta sẽ thẳng tay trừng trị giúp xứ sở khỏi cảnh đồi bại.
Nói tóm lại, mục khoan dung nầy dạy chúng ta cần phải tha thứ cho những người không hiểu và nhiêu dung cho những kẻ lầm quấy biết ăn năn, cũng như chúng ta không quên lòng thương xót hạng còn tối tăm gây nên tội ác. Thêm nữa, chúng ta nên nghĩ đến các việc nhơ xấu ở xung quanh họ, khiến họ đã quen theo từ nhỏ đến lớn, thì chúng ta cần chỉ bảo họ sửa cãi lại, để nên người tốt đẹp. Được vậy chúng ta cứu người khỏi thêm sự khổ và làm cho mình khỏi mất lòng khoan dung.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn