Đtb 60: Sứ-mạng Tôn-giáo Trong Thiên-niên-kỷ Thứ Ba

30 Tháng Tư 200312:00 SA(Xem: 14418)
Đtb 60: Sứ-mạng Tôn-giáo Trong Thiên-niên-kỷ Thứ Ba
Xưa nay người đời thường quan-niệm Đạo và Đời là hai địa-hạt khác-biệt, không thể hòa lẫn. Đạo là tu-hành, tìm phương giải-thoát cho thân tâm, không dính líu đến cõi trần phiền lụy. Đời là sống trong xã-hội với đầy đủ thất tình lục dục, chen-chúc lợi danh. Cho nên Đạo là Đạo, Đời là Đời. Muốn tìm Đạo phải lìa Đời. Vì thế, mới có người phát-nguyện vào nhà tu kín suốt đời biệt-lập với thế-giới bên ngoài, hay thí-phát quy-y vào chùa mãn kiếp nương nhờ cửa Phật. Thấp hơn một bực, gặp lúc thất thời lỡ vận, khổ đau tuyệt-vọng, người ta chán đời tìm về với Đạo, không thiết gì đến xã-hội nhân-sinh. Tư-tưởng bi-quan yếm-thế nầy xuất-hiện rõ-rệt trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn-Như-Hầu, một vị quan bị thất-sủng đời Hậu-Lê:

Thà mượn thú tiêu-dao cửa Phật,
Mối thất tình quyết dứt cho xong.
Đa-mang chi nữa đèo-bòng,
Vui gì thế-sự mà mong nhân-tình.
Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa,
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên....

Từ nhận-thức sai lầm đó, Đạo bị lu mờ dần ý-nghĩa cao thâm, tinh-diệu, chỉ còn là môi-trường để lãng quên, chôn chặt những phiền-não, bất như-ý của cuộc đời.

Thực ra, Đạo không phải là chán đời, mà Đạo vì Đời. Trong kinh Tăng-Nhứt A-Hàm có nói rằng: Nếu không có sự sanh, sự già, sự chết thì Như-Lai chẳng giáng trần làm gì và Phật-pháp cũng chẳng có cơ-hội để ban rải ánh sáng siêu-việt khắp thế-gian.... Vì thương chúng-sanh nên Đức Thích-Ca đã khổ-hạnh đi tìm Đạo. Và cũng vì thương chúng-sanh nên khi đắc-đạo rồi, thay vì về cõi Niết-bàn để hưởng quả bồ-đề, Ngài đã ở lại thế-gian chịu khổ chung với bá-tánh để giác-ngộ và cứu vớt chúng-sanh với lời thệ-nguyện: Ta chỉ về Cực-Lạc khi nào tất-cả chúng-sanh đều thành Phật. Ngài đã đi khắp nơi thuyết-pháp độ đời suốt 49 năm trước khi viên-tịch.

Xem đó, Đạo rất cần cho Đời, mà Đời cũng rất cần có Đạo. Đạo là ngọn đuốc soi sáng khắp nẻo tối-tăm. Đạo là chiếc thuyền đưa người qua sông mê đến bến giác. Đạo và đời là hai mặt gắn liền và hỗ-trợ cho nhau, cái nầy là điều-kiện hiện-hữu của cái kia và ngược lại. Mối tương-quan mật-thiết bất-khả-phân nầy được nêu rõ trong giáo-lý nhà Phật:

Đời không Đạo, Đời vô liêm-sỉ.
Đạo không Đời, Đạo biết dạy ai.

Thật vậy, Đời không có Đạo giáo-hóa, dẫn dắt vào đường ngay nẻo thẳng, bác-ái công-bằng thì Đời trở nên vô-trật-tự, hỗn-loạn, tàn ác, bất-nhân trong đó con người sẵn-sàng xâu xé giết hại nhau để tranh quyền đoạt lợi. Trái lại, Đạo không Đời, Đạo cũng không còn lý-do để tồn-tại vì mất đối-tượng giáo-hóa, cứu-độ.

Mặt khác, trên bình-diện triết-học, tôn-giáo không phải là một sản-phẩm xã-hội, cũng không chỉ thuần về mặt tâm-linh. Tôn-giáo xuất-hiện với sứ-mạng cải-tạo xã-hội và con người. Mối tương-quan Đời-Đạo và mục-đích cải-tạo của tôn-giáo trên đây được thể-hiện rõ-rệt và thi-hành trọn vẹn ở PGHH mà Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã khai-sáng vào năm Kỷ-Mão (1939). Mang sứ-mạng lập Đạo cứu Đời được minh-thị ngay từ buổi đầu khai mở:

Khai ngọn đuốc từ-bi chí thiện,
Tìm con lành dắt lại Phật-đường.
Thương dân hiền giáo đạo Nam phương,
Đặng chỉ ngõ làm lành lánh dữ...

Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã chấn-hưng Phật-pháp (canh-tân phương-thức tu-hành), chấn-chỉnh phong-hóa (kêu gọi chúng-sanh trở lại với nếp sống thuần-lương đạo-đức, thương yêu đoàn-kết lẫn nhau), cải-tiến xã-hội (đưa quần-chúng nông-thôn thất-học ra khỏi cảnh tối-tăm bế-tắc), Nói cách khác, Ngài đã đưa Đạo vào Đời, đem Phật-pháp ban truyền khắp nơi khiến chúng-sanh vốn khổ đau vô-vọng có được đời sống ý-nghĩa an vui. Bằng thái-độ nhập-thế hành-đạo mà tiêu-biểu là lòng ái-quốc nhiệt-thành, hành-động đấu-tranh cứu nước hăng say tạo nên nét đặc-thù, bản-sắc riêng biệt của nền Đạo dân-tộc PGHH, với giáo-lý Tứ Ân căn-bản mà ân Đất Nước được đưa lên hàng thứ hai, Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã dạy cho tín-đồ biết yêu nước thương nòi, xả thân vì đại-nghĩa khi Tổ-Quốc lâm nguy.

Nhìn chung, tôn-giáo từ khởi-thủy mang bản-chất tâm-linh, có sứ-mạng cứu nhân độ thế. Do đó, tôn-giáo gắn liền với con người, đời sống, xã-hội. Tuy-nhiên, vì điều-kiện địa-lý, nhân-văn giới-hạn, tôn-giáo buổi đầu chỉ sinh-hoạt trong phạm-vi nhỏ hẹp của địa-phương, quốc-gia hay rộng hơn một chút là vùng như Nho-Giáo ở Trung-Hoa, Phật-Giáo ở Ấn-Độ, Thiên-Chúa-Giáo ở Trung-Đông. Ngay bản-thân tôn-giáo cũng rất bảo-thủ, độc-tôn, chỉ biết và ngưỡng-vọng niềm tin của mình mà không chấp-nhận hay tôn-trọng các tín-ngưỡng khác mặc dù cùng chung sứ-mạng cứu rỗi chúng-sanh nhân-loại. Thậm-chí còn có thái-độ khinh-bạc, xem thường đưa đến tranh-chấp, xung-đột tôn-giáo quyết-liệt. Tuy những năm gần đây, sự giao-hảo giữa các tôn-giáo có phần cởi-mở thân-thiện hơn, nhưng về phương-diện hành-đạo thì vẫn còn đường ai nấy đi, chưa có sự trao đổi, chia xẻ, hợp-tác trong công-cuộc giáo-hóa, cứu độ nhân-sinh.

Từ sau Đệ-nhị Thế-chiến, tiếp theo những thập-niên sau cùng của Thế-kỷ 20, với những tiến-bộ vượt bực của khoa-học kỹ-thuật, những phát-minh kỳ-diệu của khối óc con người, quả địa-cầu gần như nhỏ lại. Dân-chúng ở khắp năm châu bốn biển dễ có cơ-hội gặp-gỡ, tiếp-xúc, trao dỗi ý-kiến, ảnh-hưởng lẫn nhau. Đã có nhiều vấn-đề vượt khỏi ranh-giới địa-phương, quốc-gia và trở thành sự việc lớn của toàn thế-giới như vấn-đề môi-sinh, kinh-tế, chính-trị, an-ninh, hạn-chế sinh-sản, kỳ-thị chủng-tộc, v...v... Nhân-loại tiến dần đến quan-niệm toàn-cầu, thấy rằng cá-nhân, đoàn-thể, quốc-gia,... không còn là những ốc-đảo biệt-lập mà là những bộ-phận của một cơ-thể nhơn-sanh vĩ-đại. Điều gì xảy ra cho một bộ-phận liền ảnh-hưởng đến toàn cơ-thể mà tôn-giáo không thể tách rời hay đứng bên lề trong trách-nhiệm góp phần xoa dịu.

Nhưng nếu Thế-kỷ 20 được coi là thế-kỷ của văn-minh tiến-bộ đã đưa đời sống nhân-loại đến chỗ đầy đủ tiện-nghi vật-chất, sung-túc hoan-lạc, nhứt là tại các quốc-gia giàu có, thịnh-vượng thì trái lại, đời sống tinh-thần ngày càng thoái-hóa thấp hèn. Con người sống buông thả theo bản-năng dục-vọng, chỉ biết hưởng-thụ, ích-kỷ, tham-lam khiến xã-hội trở thành vô trật-tự, tội ác dẫy đầy. Không ngày nào là không thấy xuất-hiện trên báo-chí, truyền-hình, mạng lưới điện-toán toàn-cầu (Internet)... những tin-tức, hình ảnh về các vụ bạo-động, khủng-bố, tình-dục bất-chánh, cưỡng-hiếp, bạo-hành, cướp bóc, sát-nhân..Kinh-hoàng nhứt là hiện-tượng học-sinh còn ít tuổi ở Tiểu-học mang súng vào trường bắn bừa-bãi bạn học, thầy cô giáo mình, khiến các nhà đạo-đức, xã-hội phải lắc đầu ngao-ngán.

Trên bình-diện rộng lớn hơn, vượt khỏi tầm mức địa-phương, quốc-gia là những vi-phạm trắng-trợn nhân-quyền, chà đạp thô-bạo tự-do tín-ngưỡng (Trung-Hoa, Việt-Nam), thủ-tiêu, thanh-toán chính-trị đối-lập ghê tởm, những cuộc thánh-chiến khốc-liệt nhân-danh Đức Tin tối-thượng (Iran, Iraq, Nam-Dương, Nigeria, Afghanistan...), các cuộc chiến chủng-tộc đẫm máu (Kosovo, Chechnya), những thủ-đoạn xâm-lược, đồng-hóa độc hiểm (Tây-Tạng)...khiến thế-giới luôn sống trong biến-động, bất-ổn, đau thương tang-tóc. Trước thảm-trạng khủng-hoảng trầm-trọng về đạo-đức, tình thương của nhân-loại ngày nay nầy, người ta nghỉ rằng chỉ có tôn-giáo mới có đủ uy-thế và quyền-năng tâm-linh để giáo-hóa, giải-trừ hầu mang lại an bình cho thế-giới.

Trong tinh-thần và niềm tin-tưởng đó, một buổi hội-luận đã được Hội-Đồng Liên-Tôn Việt-Nam tại Hoa-Kỳ (HĐLTVN/HK) bảo-trợ hồi đầu năm Canh-Thìn (2000) tại Miền Nam California để nhận-định về sứ-mạng của tôn-giáo trong thiên-niên-kỷ mới. sứ-mạng đó, qua nhận-định chung của đại-diện các Tôn-giáo trong buổi hội-luận, rất quan-trọng và cấp-thiết: tạo cảm-thông, gieo tình thương, nối dây đoàn-kết.

Có cảm-thông thì con người mới thấy gần-gũi, thân-thiện, vui-vẻ, hòa-đồng chung sống, không còn e-dè, nghi-kỵ, sợ-sệt lẫn nhau.

Có tình thương thì sẽ không còn hận thù. Con người coi nhau như anh em (tứ hải giai huynh đệ), thương yêu nhau như ruột thịt thì làm gì còn áp-bức, bốc-lột, đàn-áp, khủng-bố, chiến-tranh, thảm-sát, diệt-chủng,.. như đã khủng-khiếp xảy ra trong quá-khứ và hiện còn tiếp-tục xảy ra ở một số nơi trên thế-giới.

Có đoàn-kết mới tạo được sức mạnh tinh-thần vững chắc, niềm tin đạo-giáo vô-biên để đương-đầu, hóa-giải những thảm-họa do loài người gây ra hầu cùng sống chung an bình hạnh-phúc.

Một cách rõ-ràng, sứ-mạng tôn-giáo của các tôn-giáo trong thiên-niên-kỷ mới là đưa nhân-loại đến chỗ bác-ái đại-đồng. Sứ-mạng cao-cả nầy được Đức Huỳnh Giáo-Chủ đề-xướng và cổ-động 61 năm trước đây khi Ngài khai-sáng nền Đạo PGHH. Có thể nói Ngài đã đi trước thời-đại với chủ-thuyết hòa-bình qua tình thương bao-la sâu rộng:

Rèn dân bằng giáo-thuyết bình-hòa,
Giống bác-ái gieo sâu vô-tận.
để tiến lên cõi đại-đồng:
Đem nguồn sống mới cho nhân-loại,
Để tiến, tiến lên cõi đại-đồng.
Nhằm thực-hiện chủ-thuyết nầy, Ngài mơ-ước một sự liên-kết rộng-rãi khắp thế-giới trên căn-bản tinh-thần hòa-hảo:

Ước mơ thế-giới lân hòa-hảo,
Nhà Phật con Tiên hé miệng cười.
hay:
Mãng chờ trông bá-tánh thảnh-thơi,
Khắp bốn biển liên giây hòa-hảo.

Bốn biển liên giây hòa-hảo ở đây là một thế-giới hòa-bình, an lạc, tốt đẹp, khắp nơi sống thuận-hòa, không còn xung-đột, chiến-tranh, thù hận, áp-bức,bất-công, kỳ-thị chủng-tộc, tôn-giáo,...Ngài cũng gián-tiếp khẳng-định chỉ có Đạo mới tạo được cái thế-giới hòa-bình an lạc lý-tưởng đó:

Biết làm sao gieo Đạo khắp đại-đồng,
Đưa nhân-loại đi vào vòng hạnh-phúc.

Đó là mục-tiêu tối-hậu của tôn-giáo. không còn có ngã, nhân, không còn có Công-giáo, Phật-giáo, Hồi-giáo,...hay một danh-giáo nhỏ bé riêng rẽ nào, mà chỉ có duy-nhứt một Đạo bao-la rộng lớn, Đạo của Đất Trời, Đạo của Vũ-Trụ Nhân-Sinh:

Mong ước ngày kia đặng khải-hoàn,
Địa-cầu sanh-chúng được nhàn an.
Bốn biển một nhà Cha, Phật, Thánh,
Thì là dân sự hết tàn ngang...

Sứ-mạng tôn-giáo đối với nhân-loại trong ngàn năm thứ ba hay niềm ước-mơ thế-giới đại-đồng của vị Giáo-Chủ trẻ tuổi 61 năm trước chắc-chắn không có ai hay tập-thể nào có đủ tư-thế, khả-năng, điều-kiện thuận-lợi để thực-thi, hoàn-thành viên-mãn bằng chính các tôn-giáo, vì có thể nói 90% dân-số thế-giới là hữu-thần, không là tín-đồ của Đạo nầy thì cũng là tín-đồ của Đạo khác, và sẵn-sàng nghe theo tiếng gọi tâm-linh của tín-ngưỡng mình. Do đó, cảm-nhận nhu-cầu cần-thiết kết-hợp để cùng thi-hành sứ-mạng thiêng-liêng chung đến từ Ơn Trên tùy thuộc vào sự thỏa-thuận, đồng-tâm hiệp-lực, và quyết-định của quý vị Giáo-Chủ, quý vị Lãnh-Đạo Tinh-Thần tối-cao các tôn-giáo. Chính Đức Giáo-Hoàng Phao-Lồ Đệ II đã đi tiên-phuông bằng lời kêu gọi thế-giới hãy bỏ qua mọi chuyện tệ-hại kinh-hoàng của thiên-niên-kỷ cũ và khởi-sự Thế-kỷ 21 bằng một thế-kỷ của đoàn-kết trong bài diễn-văn thường-niên hồi đầu năm 2000. Và thực-hiện lời kêu gọi nầy, Ngài đã viếng thăm Ai-Cập, Do-Thái và Palestine ở Trung-Đông để mở cuộc đối-thoại giữa Công-giáo, Hồi-giáo và Do-Thái-giáo.

Cùng lúc, trong cuộc tập-họp đông-dã tín-đồ tại Bombay (Ấn-Độ), khi nói về vấn-đề đạo-đức trong thiên-niên-kỷ mới nầy, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, vị Phật Sống Tây-Tạng đã từng được giải Nobel Hòa-Bình năm 1989, đã tuyên-bố như sau: Trên thế-giới hiện nay có nhiều tôn-giáo khác nhau, nhưng tất-cả chỉ là nâng cao con người. Tất-cả các tôn-giáo đều có chung một thông-điệp của nhiệt-tình, thương yêu và tha-thứ.

Đây là một dấu-hiệu tốt, một cuộc cách-mạng tâm-linh, một bước tiến khích-lệ cho công-cuộc hòa-đồng, bao-dung và thương mến. Tuy-nhiên, nó vẫn còn hạn hẹp trong phạm-vi một số ít tôn-giáo lớn liên-hệ với nhau, và ở thượng-tầng chớ chưa thực sự mở rộng đến tất-cả cá niềm tin đạo-giáo. Để đạt đến cảnh-giới vạn giáo đồng nguyên, đại-đồng bác-ái mà mọi người thường mơ ước, con đường chắc hẳn còn dài và nhiều cam-go thử-thách, chớ không dễ trong một sớm một chiều mà có được. Điều cốt-yếu căn-bản và quan-trọng là các Tôn-giáo, không phân-biệt lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, đông hay ít tín-đồ, đều phải lấy thành-tâm thiện-ý, tin-tưởng thương yêu, tương-thân tương-trợ, thực lòng chia xẻ hợp-tác mà đến với nhau. Và nhứt là phải kết-hợp từ hạ-tầng ở địa-phương, quốc-gia đến các Châu,...như hình-thức Hội-Đồng Liên- Tôn Việt -Nam tại Hoa-Kỳ hay tại Âu-Châu, từ trong nội-bộ của tôn-giáo mình rồi ra đến tôn-giáo bạn bên ngoài. Nội-bộ mà phân-hóa, chia rẽ thì làm sao có thể nói đến chuyện đoàn-kết, hòa-đồng thế-giới?

Nhứt là trong giai-đoạn tranh-đấu cho tự-do tôn-giáo quyết-liệt nóng bỏng hiện nay ở quốc-nội, nhu-cầu đoàn-kết và hợp-tác rất cần và cấp-thiết hơn bao-giờ hết, vì tình-trạng đàn-áp bức-bách thô-bạo, nghiệt-ngã mà PGHH đã và đang gánh chịu có thể và sẽ xảy ra cho bất-cứ tôn-giáo nào, vào bất-cứ lúc nào.

Nguyễn-Thành-Long
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn