Đtb 60: Lá Thư Xuân

30 Tháng Tư 200312:00 SA(Xem: 14163)
Đtb 60: Lá Thư Xuân

Năm ngoái, Canh-Thìn (2000), tự-nhiên gần như hầu hết mọi người đều cho đây là năm đầu của thế-kỷ 21, đồng-thời cũng là đầu của thiên-niên-kỷ thứ 3. Rồi thì báo-chí, truyền-thanh, truyền-hình đua nhau viết bài, lên tiếng ca-ngợi, chào mừng tân thế-kỷ cũng như tân thiên-niên-kỷ.
Trong khi đó, một số học-giả không đồng ý lối xưng tụng có hơi vội-vã, vô căn-cứ nầy. Theo quý vị học-giả nầy (gồm có các sử-gia, khoa-học-gia, chuyên-gia biên-khảo niên-lịch,...) thì 2000 là năm cuối của thế-kỷ 20 cũng như năm cuối của đệ-nhị thiên-niên-kỷ, chớ không phải là khởi đầu cho thế-kỷ 21 và đệ-tam thiên-niên-kỷ như đa-số đã gán ép. Họ căn-cứ vào toán-học, sử-học, phương-thức biên-niên cổ-điển của các nhà soạn lịch để minh-chứng cho điều nầy. Nhưng dù có biện-luận hợp-lý cách nào, vận-dụng đủ mọi tài-liệu, dữ-kiện chính-xác nào đi nữa cũng không đánh đổ được sự đồng-tình của đa-số nói trên. Và dĩ-nhiên đành phải chịu chấp-nhận luật thiểu-số phục-tùng đa-số. Như để phụ-họa, khắp thế-giới, kể cả những nơi hẻo-lánh lạc-hậu, cũng rầm-rộ liên-hoan tổ-chức mừng kỷ-nguyên mới.
Nhưng rồi bất-ngờ năm nay, Tân-Tỵ (2001), mọi người lại cũng tự-nhiên cho đây là năm đầu của thế-kỷ 21 và đầu của thiên-niên-kỷ thứ 3. Lại cũng báo-chí, truyền-thanh, truyền-hình hân-hoan ca-ngợi tân kỷ-nguyên (cũng vẫn những tờ báo, đài phát-thanh, truyền-hình đã từng ca-ngợi, chào mừng năm 2000 năm rồi).
Tại sao có hiện-tượng lạ-lùng nầy? Năm nào đúng: 2000 hay 2001? Tuy không đá-động gì đến chuyện nhận sai năm 2000 hồi năm ngoái, nhưng chuyện mọi giới ca-ngợi và chào mừng năm 2001 như là đầu thế-kỷ 21 và đầu thiên-niên-kỷ thứ 3 là một sự tự-động sửa-sai và mặc-nhiên xác-nhận năm 2001 (Tân-Tỵ) mới đích-thực là khởi đầu cho tân kỷ-nguyên. Điều nầy rất hợp-lý, không còn phải bàn cãi gì nữa. Khởi đầu thì bao-giờ cũng bằng số 1, chớ không thể bằng số 0 được.
Cái gì của César đã trả lại cho César. Vậy rõ-ràng Canh-Thìn 2000 là năm cuối của thế-kỷ 20 và thiên-niên-kỷ thứ 2. Và vì là năm cuối nên bao nhiêu biến-cố bất-ngờ, trầm-trọng, bao nhiêu tai-ương hiểm-họa khủng-khiếp dồn-dập đổ xuống trần-gian như để thanh-toán mọi chuyện trước khi chấm dứt một chu-kỳ thời-gian. Nào những thiên-tai thảm-khốc (bão lụt, địa-chấn, đất chuồi, núi lửa,thời-tiết khắc-nghiệt nóng lạnh bất-thường), rồi những nạn tai kinh-hoàng trên không, dưới nước. Thêm vào đó là những thảm-họa do chính con người vì tham-vọng quyền lực , tranh-chấp lãnh-thổ, hận-thù chủng-tộc,... gây ra qua các hình-thức khủng-bố, bạo-động, sát-hại, đàn-áp dã-man, chiến-tranh tàn-khốc...khiến thế-giới không lúc nào yên, sanh-linh không lúc nào ngớt đồ-thán. Riêng tại Việt-Nam, cơn lũ-lụt Miền Tây tệ-hại nhứt thế-kỷ đã làm thiệt-mạng trên 600 người (đa-số là trẻ con). phá hủy hàng chục ngàn nhà cửa, mẫu hoa-mầu, khiến hàng trăm ngàn dân-chúng lâm cảnh màn trời chiếu đất, đói rét cơ-cực.
Giờ đây Canh-Thìn đã qua, Tân-Tỵ đã đến. Những chuyện không may, những nạn tai khủng-khiếp cũng sẽ trôi theo năm cũ để nhường chỗ cho những gì mới-mẻ, tốt đẹp, an lành. Con rắn Tân-Tỵ sẽ là con rắn nước hiền-hòa vô hại, không như con rồng Canh-Thìn hung-hãn năm qua, để thế-giới được thái-bình thạnh-trị, nhân-loại được âu lạc hoan ca.

ĐUỐC TỪ-BI
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn