Tìm hiểu về "Tu thân-Hành đạo"

11 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 12805)
Tìm hiểu về "Tu thân-Hành đạo"
sen11-content

 Trong bài viết: “Tìm Hiểu Về Chữ Tâm”, đã trình bài về Chơn tánh, Giác tánh, Bồ đề tánh, Phật tánh, Bản lai diện mục, Bản lai thanh tịnh,, là yếu tố chính trong việc tu học. Tuy nhiên, để sớm tìm về với chính mình, ngoài chữ tâm, cần phải có những yếu tố song hành để giúp chúng ta được vững dàng trên con đường tu thân, như trong “Tu Thân Xử Kỷ”, Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dạy:“…Các người nên hiểu biết phận-sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình..., bài trừ những thành-kiến, cố chấp, thói quen, sự chần chờ, lòng ham muốn, tánh kiêu-ngạo, tật-đố, gièm-siểm, dua-nịch, ích-kỷ tư tâm, sự gây gổ, mê đắm…, nên bài trừ được nó rồi trí huệ tất mở-mang…” Và Ngài cũng chỉ rõ qua những câu sau:

Ai muốn tầm Đạo cả cao sâu,
Thì hãy dẹp tánh tình ích-kỷ.
Những thói hư tật xấu phải răn chừa,
Sau sẽ thấy người xưa tường tận mặt.
Nương theo đuốc huệ tầm chơn-lý,
Lóng tiếng từ-bi diệt dục lòng.

Con Phật thì chẳng có khôn lanh,
Tỉnh trí tu thân khỏi lạc lầm.
Nên chọn một nơi thanh-tịnh ấy,
Rứt trần bất nhiễm mới là yên.
Sau khi đã dứt bỏ những thói quen, những tật đố và nhận rõ được thể tánh, chúng ta nên tập suy gẫm nhằm mở mang trí huệ, song hành cùng tâm để nhận rõ, phán xét đúng sai, để sớm đi đến thành công đắc quả, như Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên bảo: “…Người có tâm nếu không tập suy-gẫm cho mở trí thì hay dễ bị lường gạt… Nên trí và tâm người học Đạo cần tìm cách làm cho nó được phát-triển cả hai để lấy tâm làm chủ trì mọi việc, lấy trí mà phán xét mọi việc trước khi ta sắp đưa cho tâm chủ trì. Được như thế chắc-chắn ta học Đạo mau thành công đắc quả…”

Khi trí đã sáng suốt và tâm đã làm chủ được bản thân, khi ấy chúng ta dễ dàng diệt trừ Tam-Bành, Lục Tặc, Thập Tam Ma, phá tan Ngũ Uẩn, không còn nhiễm trược, vô sự thảnh thơi. Và hành theo Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đề…, để giúp chúng ta vững bước trên con đường hành đạo, giữ tròn Đạo-Trung, đạt bậc Thần-Thánh, như Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết:

Lời ta dạy hãy nên suy-nghiệm,
Phải phá tan Ngũ-Uẩn trong mình.

Lũ Tam-Bành trong bụng còn đeo,
Đoàn Lục-Tặc ta mau sớm giết.

Chữ Xúc-Pháp treo gương Hiền Thánh,
Tránh Sáu Đường cũng đặng về Thần.

Thắng Thất-Tình giữ vẹn Đạo-Trung,
Trừ Lục-Dục chớ cho ô-nhiễm.

Thập-tam Ma diệt bằng trí-kiếm,
Rứt xong rồi vô sự thảnh-thơi.

Câu bát-chánh rán mài chạm dạ,
Tứ mục-điều người khá hành y.
Đạo mầu bát-chánh rán ghi,
Chuyên chi xét đoán xảo tinh mới là.
Trong khi hành đạo hay trong sinh hoạt hàng ngày, ít nhiều gì chúng ta cũng phạm những sai lầm do không “lấy trí mà phán xét mọi việc” và không áp dụng phần chánh kiến khi xét đoán, để vô tình phạm phải ý nghiệp và khẩu ngiệp. Và do “những thành-kiến, cố chấp, thói quen, tánh kiêu-ngạo, gièm-siểm, ích-kỷ tư tâm…” đã làm cho chúng ta không thấy những lỗi lầm, sai phạm của bản thân, cố chấp vào những lỗi lầm, sai phạm của những người xung quanh để phạm phải những thiển kiến, tà kiến… Nên Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên chúng ta hãy tự xét lấy bản thân và nhận thấy chính mình là điều trọng yếu.

Tiên xử kỷ hậu lai xử bỉ,
Bắt lỗi người phải xét lỗi mình.

Và như mẫu chuyện “Hai Cái Bị Của Người Đời”, Tỳ-Khưu Thích Chân Tuệ có viết: “Người đời thường mang hai cái đãy (cái bị). Một cái trước ngực chứa đầy lỗi lầm của người khác. Một cái sau lưng chứa đầy lỗi lầm của chính bản thân. Do đó, người đời thường bực bội, bất an trước các lỗi lầm quá dễ thấy của người khác. Trái lại, với các lỗi lầm của chính bản thân, người đời thường che giấu, không muốn ai thấy, chính mình cũng không thừa nhận, không nhận ra, cho nên khó khá được… Khi nhận thấy chính bản thân cũng có quá nhiều khuyết điểm, nhược điểm, người đời chắc chắn không còn dám cất cao giọng, … cũng như không còn chỉ trích… Trên đời này, người nào không có tâm cố chấp, không có tâm phân biệt, không mang nặng hình thức thế gian thì người đó sống đời an lạc với hạnh phúc xuất thế gian.”

Khi đã nhận rõ bản thân, dứt trừ được những thiển kiến, tà kiến, tránh được Tam Nghiệp…, chúng ta nên tập chịu cay đắng, chịu nhục vinh, như Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên dạy, dù gặp phải những trở ngại, cùng những phê bình, những xiểm dèm…, bất cần thối thắng, cố gắng hành trì để lo tròn bổn-phận:

Ai có nói Ta là người quấy,
Ta cũng cam bụng chịu tiếng lời.

Đây khuyên đó đắng cay rán chịu,
Mặc người trên bận-bịu chẳng phê.

Phận tu-hành tai gác mặt lỳ,
Chịu cay đắng của người sang-sớt.

Theo học Đạo mặc ai mai-mỉa,
Ta cũng đừng gây-gổ với người.

Việc đạo-đức bất cần thối thắng,
Chữ tu hiền ngay thẳng lần hồi.
Tu hành đâu kể nhục vinh,
Ta làm bổn-phận ngạo khinh mặc đời.
Và nếu hành đúng theo điều mà Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dạy: “… Sự đầu tiên của người hành Đạo là cốt sửa những tư-tưởng, tìm cách đánh đổ tư-tưởng xấu-xa, đem thay vào những tư-tưởng ôn-hòa, đạo-đức”, khi ấy chúng ta đã đạt một bước xa trong việc hành đạo và có thể đạt được: “Nội quang-cảnh tâm vô kỳ vật - Ngoại quan hình bất chấp kỳ hình.” Khi có được tâm thanh, trí tịnh thì chúng ta cũng đạt được điều mà Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết:
Lòng ngộ rồi chẳng đợi nhiều kinh,
Thì cũng thấy bổn lai diện mục.
Chúng-sanh mê nên đem pháp thuyết,
Giải thoát rồi pháp bất khả dùng.
 Ngoài việc hành đạo để tìm về với chính mình, thì việc gìn giữ và phát huy đạo pháp cũng là điều mà chúng ta cần quan tâm, nhằm mang giáo lý của Đức Phật đến với mọi người và để nền đạo pháp ngày càng phát triển rộng rãi, như Đức Huỳnh Giáo Chủ hằng khuyên: 
Nên cố gắng trau thân gìn Đạo,
Hiệp cùng nhau truyền-bá kinh lành.
Làm cho đời hiểu rõ thinh-danh,
Công đức Phật từ-bi vô lượng.

Muốn Phật-Giáo từ đây bền vững,
Đừng riêng lo lợi-dưỡng một mình.
Nếu xuất gia thì phải hy-sinh,
Cả vật-chất tinh thần lo đạo.

 Mong rằng mỗi chúng ta có gắng hành trì để có được tâm lành, trí sáng để tìm được chính mình và tiếp tay vun đắp tòa lâu đài đạo pháp ngày càng vững chắc. Cầu xin Hồng Ân Tam Bảo hộ trì cho chúng ta cùng bá tánh vạn dân được tiêu tai tịnh sự, sớm tìm về với con đường Phật pháp, tinh tấn hành trì để đi đến sự giải thoát.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.

 Nguyễn Hoàng Vũ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 15320)
Trong một Phật Giáo Hòa Hảo, Đức Thầy cùng dạy phương pháp Niệm Phật, nhưng do căn cơ mà mỗi người xác định cho mình một phương pháp hành.
18 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 15778)
Nhẫn nghĩa là gì? Nhẫn là nhường, nhịn, dằn lòng xuống (nhẫn nhịn), cố-gắng chịu đựng (nhẫn-nại), bền chí, không nóng-nảy, nãn lòng (kiên-nhẫn), cam chịu nhục để đạt mục-đích nào đó (nhẫn-nhục),...
11 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 13882)
Trong việc tu học, với biết bao kinh sách, nghiên cứu, sưu tập… cùng muôn vạn pháp mà chư Phật đã giáo hóa, nhằm giúp tìm về với Tâm, là bản thể thanh tịnh và là sự giải thoát.
18 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 26170)
Hầu hết chúng sanh đều có căn lành tánh thiện. Nhưng do vô minh huân tập che khuất tự tánh lành, lại theo tà vọng lôi cuốn, hiệp với Ác Nghiệp: Tham lam, Sân nộ, Mê si mà che khuất đi Bổn Lai Diện Mục của mình.
10 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 12933)
Trương Văn Thạo- Phần đông, chúng ta nhờ học hỏi mà hiểu biết ít nhiều về Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa hiểu đầy đủ ý nghiã của chữ Pháp thân và Pháp thí, đặc biệt là của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
10 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 26410)
Hình Danny, Melbourne, Úc Châu; bài Truong Văn Thạo, Texas, Hoa Kỳ. Theo Hán tự, BÁT NHẪN (八忍) nghĩa là Tám điều nhẫn nhịn, gồm có: Nhẫn năng xử thế, Nhẫn Giái, Nhẫn Hương lân, Nhẫn Phụ mẫu, Nhẫn tâm, Nhẫn tánh, Nhẫn đức, Nhẫn thành.