Đầu thế kỷ 17, các giáo sĩ phương Tây đã bắt đầu đến nước ta để truyền đạo Thiên Chúa. Vì mục đích này, một trong những việc cần thiết đầu tiên của họ là phải học tiếng nói của người dân bản địa và tìm cách tạo ra một thứ chữ viết tiện dụng hơn so với chữ Hán và chữ Nôm mà người Việt lúc bấy giờ đang dùng.
Chữ Quốc ngữ bước đầu hình thành như vậy đó, nhưng giai đoạn đầu chủ yếu chỉ được lưu truyền trong phạm vi nhà thờ Thiên Chúa mà thôi.
Mãi sau khi chiếm xong nước ta (Hòa ước Patenôtre 1884), đặt nền móng cai trị, vào những năm đầu của thế kỷ 19, Pháp mới áp đặt đưa chữ Quốc ngữ vào lãnh vực hành chánh, và song song với chữ Pháp, họ còn mở trường dạy chữ Quốc ngữ cho người bản xứ để phục vụ cho công cuộc cai trị thuộc địa. Chữ Quốc ngữ vì thế đã dần dần đi vào cuộc sống của xã hội Việt Nam, nhưng chỉ phổ biến chủ yếu trong giới công chức, còn đa phần nông dân hay thành phần nghèo khổ thất học thì chưa biết đến.
Đến giữa thế kỷ 20, nhiều Hội truyền bá Quốc ngữ lần lượt ra đời: ở Hà Nội ngày 25-5-1938, Trung Kỳ ngày 5-1-1939, Nam Kỳ 18-8-1944…đã cổ súy và truyền bá chữ Quốc ngữ một cách sâu rộng đến toàn dân, góp phần tích cực giúp cho hàng ngàn người Việt dễ dàng biết đọc biết viết tiếng mẹ đẻ. Được biết trước đó, từ năm 1926 tại đất Hà Tiên, nhà thơ Đông Hồ (Lâm Tấn Phác, 1906-1969) cũng đã từng mở Trí Đức Học Xá, được coi là một kiểu trường dạy chữ Quốc ngữ rất sớm ở miền Tây Nam Bộ.
Có điều đường như ít ai để ý, là song song với phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20, người sáng lập đạo Phật giáo Hòa Hảo là Đức Huỳnh Phú Sổ, do nhu cầu truyền giáo của mình, cũng đã có phần đóng góp rất lớn trong công cuộc truyền bá này.
Chính Ngài đã từng xác định số lượng tín đồ của Ngài là đã “kết nạp được hơn một triệu” khi trả lời phỏng vấn của báo Quần Chúng năm 1946 [1]. Như chúng ta đều biết, đối tượng tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo đa số là nông dân Tây Nam Bộ, thuộc thành phần chất phác ít học, trước năm 1939 đa số không biết chữ, ai may mắn lắm chỉ biết đọc biết viết, một phần do chính sách ngu dân của thực dân Pháp gây ra.
Từ tháng 5 năm Kỷ Mão (1939), tại tư gia (ở làng Hòa Hảo, quận Tân Châu tỉnh Châu Đốc, nay thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), lúc ấy Đức Huỳnh Phú Sổ 19 tuổi, Ngài bắt đầu hoạt động làm phước chữa bệnh, được dân chúng ở quanh vùng và nhiều nơi khác thuộc khu vực Tây Nam Bộ tin cậy. Sau khi khai đạo, Ngài đã thuyết giảng giáo lý thao thao bất tuyệt cả ngày lẫn đêm, được kẻ gần người xa đến dự nghe rất đông đảo và sau đó xin được quy y theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo.
Giáo lý Phật giáo Hòa Hảo của Ngài dạy toàn thông qua chữ Quốc ngữ, với lời lẽ giản dị hợp trình độ hiểu biết của nông dân, và dễ nhớ dễ thuộc, đi thẳng vào lòng người nghe. Rất nhiều người dân quê không biết chữ nhờ vậy vẫn thuộc làu làu từng câu từng chữ trong những sách giáo lý của Ngài, trong số đó có những quyển viết bằng văn vần dài trên dưới 800 câu mà họ vẫn thuộc lòng không sót một chữ.
Khi Đức Huỳnh Giáo chủ viết xong kệ giảng, hay một bài thi thì người ta liền sau đó ngâm lên cho nhau nghe để học thuộc lòng hoặc chép tay truyền cho nhau đọc, một cách tự nhiên và sâu rộng đến tận những nơi xa xôi hẻo lánh. Các học sinh nhỏ tuổi hay người biết chữ đọc giảng thi kệ của vị giáo chủ mình cho cả xóm cùng nghe. Nhất là học sinh vào các dịp hè, thường được người lớn nhờ sao chép giảng kệ hoặc thi văn. Nhiều người lớn tuổi không biết chữ, nhưng nhờ đọc giảng kệ mà mau biết đọc chữ.
Có thể thấy, thơ văn thuyết giáo của Đức Huỳnh Phú Sổ nhờ sử dụng chữ Quốc ngữ đã được những người hâm mộ và tín đồ tự động tự giác truyền lan đi rất nhanh, và qua việc tìm hiểu giáo lý ở các bài sấm giảng thi văn, người dân quê miền Tây cũng đã tự bồi dưỡng cho mình khả năng đọc hiểu chữ quốc ngữ rất hiệu quả và nhanh chóng.
Đối với tín đồ, ngoài việc dạy giáo lý “Học Phật” để “Tu Nhân”, Đức Huỳnh Giáo chủ còn khuyên họ phải học chữ Quốc ngữ. Trong quyển Tôn chỉ hành đạo (quyển sáu), Ngài cũng không quên khuyên răn tín đồ về sự cần thiết phải học tập, trong đó có việc phải học chữ Quốc ngữ:: “SỰ HỌC.− Sự học-hành không làm trở ngại cho đạo-đức. Trái lại, nhờ nó mình được biết rõ-ràng giáo-lý cao-siêu của tôn-giáo. Nó tránh cho mình những sự lạc-lầm, bỏ các điều dị-đoan mê-tín. Nó làm cho mình dẹp bỏ những điều huyễn-hoặc không bàn-bạc những chuyện xa vời (như tiên-đoán thiên-cơ chẳng hạn...). Vậy hãy tự mình học hỏi (học chữ quốc-ngữ...) và hãy cho con cháu mình vào trường học tập đặng sự hiểu biết của chúng thêm rộng-rãi. Vả lại, sự hiểu biết về khoa-học không cản-trở sự tu-hành và nó giúp cho mình nghiên-cứu Phật đạo một cách rành-rẽ. ”[2]
Chính lời dạy này, cũng như sự ra đời của các hội truyền bá quốc ngữ, đã góp phần hữu hiệu giúp tín đồ Phật giáo Hòa Hảo nhanh chóng biết đọc biết viết.
Chú thích:
[1] Sấm giảng thi văn toàn bộ, 1965, tr. 480.
[2] Sấm giảng thi văn toàn bộ, sđd., tr. 171.