III. KHUYẾN TU & GIÁ TRỊ CỦA SỰ TU TẬP

17 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 11751)
III. KHUYẾN TU & GIÁ TRỊ CỦA SỰ TU TẬP

Chỉ một kiếp Tây phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.

Lời Đức Huỳnh Giáo Chủ


III. KHUYẾN TU & GIÁ TRỊ CỦA SỰ TU TẬP

 

Với những điều trong hai phần đầu thì chúng ta có thể nhận rõ về Luật Nhân Quả, về Thiên Đàng Địa Ngục, về những điều khổ của Cõi Ta Bà và những điều vui ở Cõi Cực Lạc là những điều thật có. Cho nên chúng ta nên tin rằng những gì mà chúng ta làm ra hay tạo nên ở Cõi Ta Bà là những điều giả tạm và vay mượn dưới những hình thức khác nhau. Như thân thể của chúng ta là do mượn tạm của Tứ Đại: Đất, Nước, Gió, Lửa mà tạo nên, và khi chúng ta không còn tồn tại thì tất cả đều trả về lại cho Tứ Đại. Nói là giả tạm là vì khi không còn tồn tại thì chúng ta không mang theo được những gì mà chúng ta làm ra hoặc tạo nên, mà chỉ có thần thức, tội phước hay nghiệp quả hãy còn. Và tùy theo tội phước, nghiệp quả nặng nhẹ, nợ vay ít nhiều, rồi theo luật Nhân-Quả sẽ được đền bù hay phải trả.

 

Cho nên trong cuộc sống hàng ngày, ngoài việc lo chăm sóc bề ngoài thân thể, chúng ta nên tìm hiểu giáo lý đạo-pháp, làm theo những gì Phật Trời chỉ dạy như làm lành lánh dữ, giữ lòng trong sạch, để giúp bồi bổ cho phần tâm linh của chúng ta về sau, đó là những điều giúp chúng ta giảm nhẹ được những nghiệp chướng và là những điều sẽ tồn tại, giúp đưa Thần Thức của chúng ta về cõi An Lạc. Chúng ta cũng nên tìm hiểu về sự nhiệm mầu của Đạo Pháp để nhận rõ được những điều vui ở cõi Cực Lạc, nơi chúng ta mong mỏi được đến, để giúp chúng ta tự tìm cho mình con đường giải thoát. 

 

 Vì đây là thời kỳ cuối, Hạ Ngươn Hạ, trong luật tuần hườn của vũ trụ và là thời kỳ mà Phật Trời xả tội, cứu độ nhân sanh thoát khỏi những khổ ải trầm luân ở Cõi Ta Bà, được Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết qua những câu Sấm Giảng sau đây:

 

Đời nầy vốn một lời hai,
Khắp trong trần-hạ mấy ai tu trì.

Kỳ xả tội nay còn một lúc,
Sao chẳng tu đặng có hưởng nhờ.

 

Mau mau kíp kíp chuyên cần,
Chúng sanh còn có lập thân hội nầy.

 

Đời tận thế mà còn lần-lựa, 
Chẳng chịu mau cải dữ về lành
Làm Phật-Nhi phải được lòng thành
Thì mới đặng vãng-sanh Cực-Lạc

 

Trong thời kỳ này có biết bao những vị Phật, những vị Bồ Tát, những vị Thánh, Tiên luôn hóa hiện ở khắp mọi nơi trong cõi Ta Bà, hằng khuyên chúng ta nên tu hành, làm lành lánh dữ, tìm về với bản thể thanh tịnh, hầu giúp chúng ta có được sự an nhàn ở cuộc sống hiện tại và giúp cho thân sau của chúng ta có được những sự tốt đẹp hơn. Và chữ Tu thật không khó như những gì chúng ta thường nghĩ như là phải xuất gia hay xuống tóc…, mà chúng ta có thể hành theo những điều Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên bảo như sau:

 

Tu đầu tóc không cần phải cạo,
Miễn cho rồi cái đạo làm người.

 

Tu không cần lạy cần quì,
Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau.

 

Qua sông nhờ được cầu Lam,
Tu-hành nào đợi chùa am làm gì.

 

Bá gia bá tánh đâu đâu,
Xem lời ta chỉ về cầu tại gia.

Với thời kỳ xả tội này chúng ta có thể tu tại gia và áp dụng những phương thức phù hợp với hoàn cảnh để giúp chúng ta sửa đổi bản thân, bỏ những tánh tình không tốt, làm lành lánh dữ, ăn chay, niệm Phật, và làm theo những điều Phật dạy khuyên..., như trong MƯỜI ĐIỀU KHUYẾN TU của Đức Phật Thầy Tây An (1807-1856) chỉ rõ:

 

Điều thứ nhất: Thầy khuyên nên nhớ,
Lòng trung kiên muôn thưở còn nêu.
Dù ai nặng nhẹ trăm điều,
Quyết không bỏ lý cao siêu của Thầy.
Nhiều thử thách đang vây con đó,
Nếu ngã lòng công khó tiêu tan.
Việc chi còn ở trần gian,
Là điều huyễn hoặc chớ mang trong lòng.

 

Điều thứ hai: Thầy trông đệ tử,
Tình bạn bè phải giữ thủy chung.
Luôn luôn tha thứ khoan dung,
Nhủ khuyên nhỏ nhẹ chớ dùng lời thô.
Dìu dẫn nhau điểm tô công quả,
Phải thật lòng với cả chung quanh.
Thiệt thòi cam chịu đã đành,
Vô vi phẩm vị Thầy dành cho con.

Điều thứ ba: vẹn toàn hạnh đức,
Tuy bán buôn cơ cực tảo tần.
Đổi công nuôi lấy tấm thân,
Đừng ham mến chuyện phi nhân gạt lường.
Dầu tiền bạc đầy rương tràn tủ,
Cuộc trần này biết đủ con ơi.
Ác gian cũng hưởng một đời,
Thà nghèo trong sạch thảnh thơi linh hồn.

 

Điều thứ tư: Pháp môn qui luật,
Lục thập chay gắng sức trau dồi.
Thịt thà xương máu tanh hôi,
Cỏ cây rau cải cũng rồi bữa ăn.
Đức từ bi thường hằng thể hiện,
Không sát sanh lòng thiện ta còn.
Lạt chay tuy chẳng ngọt ngon,
Còn hơn thú vị cơm chan máu hồng.

 

Điều thứ năm: quyết không hờn giận,
Ghét ganh chi cho bận lòng mình.
Con xem vạn điển thiên kinh,
Hiền nhơn quân tử rộng tình vô câu.
Muôn việc xảy bắt đầu sân nộ,
Là nguyên nhân thống khổ ly tan.
Chơn truyền chánh pháp đạo vàng,
Tập xong chữ Nhẫn Niết bàn không xa.

Điều thứ sáu: Thiết tha Thầy dặn,
Ngày hai thời lẳng lặng công phu.
Việc chi dầu quá cần cù,
Cũng nhơn vài khắc tập tu nguyện cầu.
Khi rảnh việc đồng sâu chợ búa,
Đem sấm kinh tự của Thầy ban.
Học cho thông thuộc đôi hàng,
Ngâm nga trong lúc thanh nhàn bâng khuâng.

 

Điều thứ bảy: Quyết tăng công quả,
An ủi người già cả ốm đau.
Tùy duyên có thể giúp vào,
Lâm cơn hoạn nạn khi nào cần con.
Phước đức ấy vẫn còn muôn thưở,
Tuy vô hình đừng ngỡ rằng không.
Con ơi! Trong cõi hồng trần,
Mấy ai nghĩ đến tấm lòng thanh cao.

 

Điều thứ tám: Lời nào Thầy dạy,
Dầu khổ lao chớ nại công trình.
Biết rằng con phải hy sinh,
Phật Tiên đâu nỡ quên tình con sao?
Đừng chấp việc núi cao rừng thẳm,
Hay là đường muôn dặm xa trông.
Nếu con thề giữ trọn lòng,
Đương nhiên đắc đạo thoát vòng tử sinh.

 

Điều thứ chín: Đạo lành căn bản,
Giữ làm sao có bạn không thù.
Từ đây con nhớ rằng tu,
Hạ mình nhận lỗi mặc dầu là không.
Lời nói sao hoà trong hiệp ngoại,
Đừng hơn người nếu phải ép lòng.
Không tham tính chuyện mênh mông,
Vừa no đủ ấm đèo bồng mà chi.

 

Điều chót hết: mười ghi trăm nhớ,
Phật - Pháp - Tăng con chớ quên ơn.
Gia đình nghĩa trọng nhiều hơn,
Tình thương xã hội giúp cơn thiết cần.
Ơn Tổ tiên dành phần con cháu,
Đó những điều dạy bảo Thầy mong.
Con ơi hãy khá ghi lòng,
Bấy nhiêu tâm quyết mấy dòng thi văn.

 

Những gì chúng ta đạt được trong sự tu tập là những lợi ích không chỉ cho riêng bản thân chúng ta, mà còn cho tổ tông cha me, cho chúng sanh nhân loại, cho quốc gia thủy thổ, cho sự bình an của thế giới..., được Đức Huỳnh Giáo Chủ truyền dạy qua những câu sau:

 

  1. 1. Những điều giúp cho bản thân:

 

Ngày nay sớm đến Phật-đàng,
Tu cầu chư Phật cứu an linh-hồn.
Tội tiêu phước hưởng trường-tồn,
Không còn mắc nẻo dại-khôn luân-hồi.

 

Tu cầu bịnh tật tiêu-tan,
Từ-bi hỉ-xả Phật ban phép lành.

Tu cầu thoát khỏi xích-xiềng,
Dựa kề chơn Phật xa miền trần-lao.

 

Tu cầu thoát khỏi tử sanh,
Nương theo Phật-Quốc lời lành hằng nghe.

 

Tu cầu Phật hóa tánh tình,
Lưới mê chẳng buộc nhẹ mình tiêu-dao.

 

Tu cầu gia-đạo vuông tròn,
Chồng hòa vợ thuận cháu con thảo hiền.

 

Tu cầu cửa Phật đặng vào,
Gót sen thong-thả xiết bao thanh-nhàn.

Tu cho qua cửa Diêm-phù,
Khỏi sa Địa-ngục ngao-du Thiên-đài.

  1. 2. Những điều giúp cho tổ tông cha mẹ:

 

Tu cầu cha mẹ thảnh-thơi,
Quốc-vương thủy-thổ chiều mơi phản hồi.

Ngày nào đắc được lục thông,
Vớt hồn cha mẹ, tổ-tông bảy đời.

Đắc Đạo rồi cứu vớt Tổ-tông,
Cũng như Phật xuất gia thuở trước.

Rán tu đắc đạo cứu cửu-huyền,
Thoát chốn mê-đồ đến cảnh Tiên.
Ngõ đáp ơn dày công sáng tạo,
Cho ta hình vóc học cơ-huyền.

Tu là : tâm trí nhu mì,
Tu hiền tu thảo vậy thì mới xong.

Tu cầu cứu vớt Tổ-Tông,
Với cho bá-tánh máu hồng bớt rơi.

 

  1. 3. Những điều giúp cho chúng sanh nhân loại, cho quốc gia thủy thổ, cho sự bình an của thế giới:

 

Tu cầu Đức Phật Như-Lai,
Cứu dân qua khỏi nạn tai buổi nầy.

Tu cầu trăm họ hiền lương,
Đồng thinh niệm Phật tai-ương chẳng còn.

 

Tu cầu yên nước lợi nhà,
Cửu-huyền Thất-tổ Diêm-la thoát hình.

 

Tu cầu thuận gió hòa mưa,
An-hòa nhơn-vật phước thừa trời ban.

 

Tu cầu chóng hết binh đao,
Gặp đời bình trị xiết bao vui-vầy.

Tu cầu thoát chốn gian-nan,
Cầu trong chư quốc chư bang giao-hòa.

Với những điều mà Đức Phật Thầy Tây An cùng Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy khuyên, hầu giúp chúng ta nhận thấy được những giá trị thiết thực của việc tu tập như: được tiêu tan chướng nghiệp, bịnh tật tiêu trừ, gia-đạo vuông tròn, được thoát khỏi sanh tử luân hồi, được hưởng phước nhờ công tu tập…, giúp cho tổ tiên cha mẹ bảy đời được thảnh-thơi, được giải thoát về nơi cực lạc, và giúp cho trăm họ hiền lương tai-ương chẳng còn, cho quốc-vương thủy-thổ chóng hết binh đao… Với những giá trị thiết thực của việc tu tập nêu trên, mong chúng ta có thể nhận rõ và sớm phát tâm tu tập hầu mang lại những lợi ích không chỉ cho riêng bản thân chúng ta mà cho cả những người thân người quen, cho bá tánh trăm họ, cho quốc-vương thủy-thổ để mọi việc được thuận gió hòa mưa và an-hòa trong nhơn-vật… 

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô A Di Đà Phật.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Chín 2014(Xem: 9166)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 19285)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 20598)