7- Những di tích có liên hệ đến Đức Phật Thầy .

13 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 38137)
7- Những di tích có liên hệ đến Đức Phật Thầy .
A. Ở Tòng – Sơn

Từ chợ Cái-Tàu-Thượng (Sađec) đi đổ xuống rề sang lộ đất lối hai ngàn thước, du khách sẽ trông thấy xa xa một ngôi đình lợp bằng ngói, ẩn hiện sau mấy chồn cổ thụ như trôm, dầu… đó là đình làng Tòng-Sơn, một dấu-vết ở quê-hương của Đức Phật-Thầy, nơi mà xưa kia, Ngài về nương-náu sau mái hiên, sau bao nhiêu năm xa cách.

Trải mấy lần đất lở, đình nầy phải dời đi cất lại đến chỗ ngày nay. Trong đình, tại bàn chánh thì thờ trần điều, còn bàn Thần thì đặt ngay một hương-án ở chính giữ phía trước. Hai bên: tả ban thì thờ cửu-huyền, hữu ban thì thờ Đức Phật-Thầy, trên bàn có một tấm biểng bằng cây, sơn son thiếp vàng, lớn độ một thước bề ngang, một thước rưởi bề đứng, có khắc sâu những chữ: Đoàn Phật Sư ở giữ, và một đôi liễn kiến hai bèn đề:

Tòng-Sơn đắc ngộ Phật,
Tây-An quả giác Sư.

Hằng năm đến ngày 12 tháng 8 là ngày vía của Đức Phật-Thầy, đình nầy có vùng kiếng long-trọng như các chùa chiền vậy.

B. Ở Cái – Nai

Mộ Phật-Mẫu (thân-mẫu của Đức Phật-Thầy) hiện ở rạch Cái-Nai (thuộc thôn An-thạnh-Trung Quận Chợ-Mới, tỉnh Long-Xuyên). Rạch nầy cách chợ Cái-Tàu-Thượng lối năm ngàn bốn trăm thước. Từ vàm rạch vào đến mộ chừng hai trăm thước nữa, chung quanh mộ có trồng ô-môi và có cất một cái nhà thờ, có người ở đây lửa hương phụng-tự.

Tương truyền rằng khi chưa có người coi giữ mộ nầy, trâu bò cũng không dám đến gần; có khi người ta đi cho trâu ăn khuya lỡ lạc gần đó thì trâu bỗng nhiên nghinh lên rồi thục lui mà chạy, chừng như nó thấy được ai chận đuổi nó vậy. Bởi thế nên ngôi mộ nầy đến nay, dù đã trải nhiều mưa nắng, nhưng đất vẫn gò lên khách đi thuyền qua đây dòm lên còn thấy cao hơn các chỗ khác.

C. Ở Long - Kiến

Tại làng Long-Kiến (tổng Định-Hòa, Long-Xuyên), phía hữu ngạn sông Ông Chưởng, khách đi đường sẽ trông thấy một ngôi chùa lộng lẫy nguy-nga, trước sân có một cây dầu, chung quanh có xây bồn bằng gạch, ấy là chùa Tây-An Cổ-Tự, một di-tích của Đức Phật-Thầy. Ngày xưa Ngài có về đây để phát phù trị bịnh cho đến khi bị dời về An Giang. Nơi nầy trước kia là cái cốc của ông Kiến. Tuy đã qua mấy bận hư-hao và một lần bị cháy, người ta đều sửa lại cho có chỗ thờ-phượng. Đến năm 1952, chùa nầy mới được dựng lại và sửa-sang đồ-sộ như ngày nay.

D. Ở Núi Sam

Từ chợ Châu-Đốc đi vào năm ngàn thước thì tới núi Sam, rẽ sang phía tả, nhìn lên thấy ngôi chùa lồng-lộng nằm trên triền núi, ngoài ngõ có đề ba chữ Tây-An Môn, ấy là chùa Tây-An (tục gọi là chùa chánh) ở núi Sam. Đây là nơi Đức Phật-Thầy nương-náu để độ dân cho đến ngày tịch diệt. Trong chùa, Phật cốt rất nhiều, vì chùa nầy là của giáo-phái Lâm-Tế như đã nói ở đoạn trước, nên không có chi là dấu-vết của Đức Phật-Thầy.

Sau chùa, về phía đông, có một vòng thành vuông rộng 5 thước 45 bề dài, 4 thước 75 bề ngang, nằm trên chín cấp nấc gạch, ấy là mộ của Đức Phật-Thầy.

Mộ không có đắp nấm, trước mộ có một tấm bia khắc những chữ:
« Nguơn sanh Đinh-mão niên, thập ngoạt, thập ngũ nhựt, ngọ thời chú sanh.
« Tự Lâm-Tế gia chư thiên phổ chánh-phái tam thập bát thế, thượng pháp hạ tạng tánh Đoàn; pháp-danh húy Huyên, đạo hiệu Giác-Linh chi vãn tọa.
« Tịch ư Bính-Thìn niên, bát ngoạt thập nhị nhựt, ngọ thời thị tịch-diệt ».

E. Ở Thới-Sơn

Trại ruộng ở Thới-Sơn cách xa núi Sam trên 10 ngàn thước. Ngày xưa, khi lập xong, Đức Phật-Thấy giao cho ông Tăng-Chủ và ông Đình-Tây ở giữ. Nơi nầy có hai di tích: Phươc-Điền Tự và Thới-Sơn Tự. Hai chùa nầy cách nhau độ 2 ngàn thước. Khi Đức Phật-Thầy mới vào đây, Ngài để trâu (ông Sấm ông Sét) và làm ruộng tại Phước-Điền, còn Thới-Sơn (ngày xưa là trại ruộng Hưng-Thới) thì cất để thờ-phượng và ở mà thôi.

Tại Phước-Điền Tự còn có hai đôi liễn thờ ở bàn chánh và dán ngoài cửa ngõ. Người ta bảo là của Đức Phật-Thầy chỉ cho tín-đồ viết và lưu truyền đến ngày nay.

Liễu ở cửa ngõ:

« Nhứt trần bất nhiễm bồ-đề địa,
« Vạn thiện đồng quy bát-nhã môn ».

Liễu thờ ở bàn chánh:

« Phước bảo thiền quang thanh-tịnh vô-vì thường phổ chiếu,
« Điền kinh công đức viên dung bát-nhã biến thông truyền ».

Và một linh vị:

« Nguơn sanh Đinh-mão niên, thập ngoạt, thập ngũ nhựt, ngọ thời hưởng dương ngũ thập tuế.
« Cung thỉnh Lâm Tế chánh tông tam thập bát thế, thượng pháp hạ tạng, tánh Đoàn, pháp danh húy: Minh-Huyên, đạo-hiệu Giác-Linh chứng minh.
« Vãng ư Bính-thìn niên, bát ngoạt, thập nhị nhựt, ngọ thời nhi chung.

Về sau, khi ông Đình-Tây tịch, trại ruộng Thới-Sơn được sửa-sang lại thành một ngôi chùa nguy- nga, nhưng bao nhiêu lần dâu bể, chùa ngày nay chỉ còn mấy nếp lợp thiếc và lá mà thôi. Gần chùa còn có mấy ngôi mộ của ông Tăng-Chủ và ông bà Đình-Tây là những người có công-nghiệp rất to-tát trong việc mở-mang làng xóm dân cư ở đây ngày xưa.

G. Ở Láng – Linh

Từ vàm kinh xáng Vịnh-Tre đi vô độ mười ngàn thước thì tới trại ruộng Bửu-Hương Các ở Láng-Linh (thuộc làng Thạnh-Mỹ-Tây, tổng An-Lương, Châu-Đốc) Chỗ nầy là một di-tích mà Đức Phật-Thầy xưa đã rẽ đất rạch hoang để mở cơ hoằng pháp. Ngài giao trại ruộng nầy cho Đức Cố-Quản Trần-văn-Thành coi giữ. Ngày nay, qua nhiều trận hư-hao, nơi đây được chấn-chỉnh lại trang-hoàng, lợp ngói, vách gạch và có ông Nguyễn-văn-Tịnh, một đệ-tử cũ của ông Hai trần-văn-Nhu ở giữ gìn phụng-tự.

Ý kiến bạn đọc
25 Tháng Năm 20172:30 SA
Khách
Hiện còn 2 di tích liên quan đến đức Phật Thầy Tây An và đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là:
- Chùa Ông Chín nay thuộc xã Nhị Mỹ (Cao Lãnh-Đồng Tháp), do ông Đặng Văn Ngọan (Đạo Ngọan) đệ tử của Phật Thầy chỉ huy khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, ở khu vực rạch Trà Bông, sông Cần Lố, rạch ông Bường, xây dựng một chùa ở tại Trà Bông (chùa ông Chín)
- Chùa Thầy Hai, đệ tử của ông Cố Chín (Đạo Ngoạn) đỉa chỉ Rạch Chùa, ấp Mỹ Nghĩa 1, xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, khai hoang vùng Cái Bè, Mỹ Thiện, khu vực Rạch Chùa, sông Mỹ Tây, sông Mỹ Thiện.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn