ĐỂ TÌM ĐẾN “HỘI LONG HOA”

18 Tháng Ba 20151:37 CH(Xem: 18207)
ĐỂ TÌM ĐẾN “HỘI LONG HOA”

IMG_0706


Huỳnh Chánh Kiến

 

Nếu từ ngoài nhìn vào giáo lý đạo PGHH, dường như ai cũng chỉ nhận định rằng giáo lý ấy chỉ hành theo tứ Ân, làm tròn Nhân đạo.  Giáo lý ấy chỉ như ánh Trăng khi tỏ khi mờ, khi hành giả chưa hiểu hay chưa nhận rõ về sự “nhiệm sâu” trong giáo lý đạo PGHH.  Và ánh Trăng ấy sẽ là nguồn ánh sáng vô tận dành cho những ai thấu hiểu, ngộ được sự “huyền bí” trong giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

Với sự nhận định trong bài trước về: “giá trị của giáo lý đạo PGHH, là một kho tàng quí báu dành cho những ai quyết lòng khám phá, tìm hiểu để tìm đến chân Trời mới, như các nhà khoa học Anh Quốc hay các tiến sĩ Tây phương đã làm trong chuyến ‘Hành Trình về Phương Đông’ (Tây Tạng).”  Hơn thế nữa, giáo lý đạo PGHH không chỉ mở lối để nhìn về chân Trời mới, mà chỉ dẫn tận tường các đường đi nẽo lánh để giúp những “Đường Tam Tạng” (hành giả) của ngày nay nhận rõ các phương thức hành trì để thuần phục được “Ngộ Không Tánh, Ngộ Năng Tánh, Ngộ Tĩnh Tánh, Tâm Viên-Ý Mã” của bản thân để tìm đến “Lôi Âm Tự” thỉnh Kinh, cầu đạo. 

Giáo lý đạo PGHH khuyên răn tín đồ cùng các bậc hành giả, khởi đầu của việc hành đạo là sự cúng lạy hàng ngày, gìn giới luật, chay lạc, xem Kinh sách….., và trong bài “Tu Thân Xử Kỷ” (Tu xét chính mình), Đức Huỳnh Giáo Chủ còn chỉ rõ: “Sự lễ bái không đủ cho ta tỏ ra một tín-đồ chân thành của đạo Phật được. Tai sao vậy?  Vì Đức Phật chẳng bao giờ ngỏ ý rằng: ‘Các người hãy lạy thờ ta cho nhiều rồi ta sẽ độ giúp các người’ mà trái lại, Ngài dạy rằng: ‘Các người nên hiểu biết phận-sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình.’  Thiệt-hành theo giáo-lý của Ngài thì Ngài sẽ hướng-dẫn và ủng-hộ vậy.  Ta hãy đem đức-tin trong sạch mà thờ kỉnh Phật và hãy đem lòng lành mà hành-động y theo lời phán dạy của Phật” (để nhận ra “Chánh” Lôi Âm Tự).  Và Ngài cũng khuyên hành giả: “phải điêu-luyện khối tinh-thần cho mạnh-mẽ đặng tự lập con đường rõ-ràng, duy nhất của mối Đạo mình đang học để lấy đó làm cương-mục mà bài trừ những thành-kiến, cố chấp, thói quen, sự chần chờ, lòng ham muốn, tánh kiêu-ngạo, tật-đố, gièm-siểm, dua-nịch, ích-kỷ tư tâm, sự gây gổ, mê đắm trong bể dục-tình và sự phiền-não nó làm cho náo loạn cõi lòng” (để thuần phục: Ngộ Không Tánh, Ngộ Năng Tánh, Ngộ Tĩnh Tánh, cùng Tâm Viên-Ý Mã).  Đó là các việc cần làm, là những căn bản khởi đầu khi đã hạ chí, quyết tâm cầu đạo.

Và Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng chỉ dạy cho tín đồ của đạo về những việc nên làm trong sinh hoạt hàng ngày trong “Lời Khuyên Bổn Đạo” hay “Tám Điều Răn”, là giới luật căn bản của người tín đồ khi đã qui y theo đạo hay cho những hành giả khi đã phát tâm tu tập, như sau: “Khi đã coi giảng thì phải tự xét mình và sửa sang những thói hư tật xấu, mình lầm lỗi thì rứt bỏ và giữ những điều răn cấm sau đây:

ĐIỀU THỨ NHỨT: Ta chẳng nên uống rượu, cờ bạc, á phiện, chơi bời theo đàng điếm, phải giữ cho tròn luân lý tam cang ngũ thường. 

ĐIỀU THỨ NHÌ: Ta chẳng nên lười biếng, phải cần kiệm, sốt sắng, lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất, chẳng nên gây gổ lẫn nhau, hãy tha thứ tội lỗi cho nhau trong khi nóng giận. 

ĐIỀU THỨ BA: Ta chẳng nên ăn xài chưng dọn cho thái quá và lợi dụng tiền tài mà đành quên nhơn nghĩa và đạo lý, đừng ích kỷ và xu phụng kẻ giàu sang, phụ người nghèo khó. 

ĐIỀU THỨ TƯ: Ta chẳng nên kêu Trời, Phật, Thần, Thánh mà sai hay hoặc nguyền rủa, vì Thần Thánh không can phạm đến ta. 

ĐIỀU THỨ NĂM: Ta chẳng nên ăn thịt trâu, chó, bò, và không nên sát sanh hại vật mà cúng Thần Thánh nào, vì Thần Thánh không bao giờ dùng hối lộ mà tha tội cho ta, vì nếu ta làm tội sẽ hưởng tội, còn những hạng ăn đồ cúng kiến mà làm hết bịnh là Tà Thần; nếu ta cúng kiếng mãi thì nó ăn quen sẽ nhiễu hại ta. 

ĐIỀU THỨ SÁU: Ta không nên đốt giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo mà tốn tiền vô lý, vì cõi Diêm Vương không bao giờ ăn hối lộ của ta, mà cũng không xài được nữa, phải để tiền lãng phí ấy mà cứu trợ cho những người lỡ đường đói rách, tàn tật. 

ĐIỀU THỨ BẢY: Đứng trước mọi việc chi về sự đời hay đạo đức, ta phải suy xét cho minh lý rồi sẽ phán đoán việc ấy. 

ĐIỀU THỨ TÁM: Tóm tắt, ta phải thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức, nếu ai giữ đặng trọn lành trọn sáng về nơi cõi Tây Phương an dưỡng mà học Đạo cho hoàn toàn đặng trở lại cứu vớt chúng sanh.  Tất cả thiện nam tín nữ trong tôn giáo nhà Phật, lúc rãnh việc nên thường coi kệ giảng mà giữ gìn phong hóa nước nhà, giữ những tục lệ chân chánh, bỏ tất cả những sự dị đoan mê tín thái quá mà làm cho đạo đức suy đồi.
” 

 

Với những khởi đầu căn bản của việc hành đạo cùng các lời khuyên của Đức Thầy vừa qua, ngày nay tín đồ của đạo còn mấy ai quan tâm và hành đúng theo?  Phải chăng chỉ là những lời nói trên đầu môi, chỉ để khuyên răn, nhắc nhở người khác?  Còn mấy ai biết tự xét lấy bản thân hay chỉ biết nắm bắt, xét lỗi người?  Ấy là đã đi ngược lại tôn chỉ “Tiên xử kỷ, hậu xử bỉ” và là lý do vì sao có câu: “Bổn đạo tuy đông, nhưng xuồng dông chở không đầy” là vậy.   Ấy chỉ là những căn bản trong việc hành trì của tín đồ và cho các bậc hành giả.  Nếu hành không đúng và làm không trọn thì làm thế nào có thể nhận rõ được sự “nhiệm mầu” trong giáo lý đạo PGHH, nói chi đến các “nấc thang đạo đức” mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã định sẵn, và làm sao có mặt được ở “Hội Long Hoa” ? 

IMG_0695

 
Để tìm đến được “Hội Long Hoa”, theo nhận định cá nhân, thì tín đồ cùng các bậc hành giả hãy thật tâm hành trì theo những chỉ dạy căn bản vừa qua.  Nên tìm hiểu, nhận rõ sự “nhiệm mầu”, tính “cao siêu” trong giáo lý đạo và hành theo những “trọng yếu”, được liệt kê trong phần sau.  Tuy nhiên, “Tùy phong hóa nhân sanh phù hạp”, tùy theo căn cơ trình độ mà mỗi tín đồ, hành giả có thể nhận ra mỗi nẽo để áp dụng cho sự hành trì của bản thân.  Và như Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng chỉ dạy: “Đường đạo đức bước đi từ nấc”, cũng đừng “ham linh ham nghiệm” mà vội vàng hành theo các điều cấp tiến, sẽ dẫn đến các sự sai lạc, có hại cho công trình tu tập của bản thân.


Sau đây, theo nhận thức riêng của bản thân, là những “nấc thang đạo đức” được đúc kết từ các điều trong giáo lý đạo PGHH, được xếp theo trình tự từ thấp lên cao cho đến việc nhận rõ về sự “luân hồi sinh tử” trong “Thập Nhị Nhơn-Duyên, Môn Hoàn Diệt.”  Đây là những hành trang dành cho tín đồ và các bậc hành giả để tìm đến “Hội Long Hoa”, và chỉ là những La Bàn định hướng, tùy vào sự tín tâm mà mỗi hành giả có thể nhận ra mỗi con đường hành đạo khác nhau.  Hãy đọc và nghiệm kỹ từng điều, nói về các điều sau, trong Sấm Giảng Thi Văn giáo lý đạo để cảm nhận sự “nhiệm sâu” và để hành theo, vì như Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết:

 

Lời truyền sấm như bài toán đố,         Ít câu mà ý nhiệm sâu,

Ai biết tầm thì đặng hưởng nhờ.            Nghĩ suy cho cạn mới hầu khôn-ngoan.

 

Các tín đồ của đạo hãy thử một lần quên đi những gì đã học, đã biết và thử mở lại cánh cửa “giáo điều”, biết đâu sẽ nhận ra các điều kỳ diệu chưa từng khám phá, để có được những hành trang tìm đến “Hội Long Hoa.”  Các bậc hành giả, những ai đã từng nghe hay chưa biết qua về nền đạo PGHH, hãy một lần thử gõ cửa, cánh cửa ấy sẽ mở và đón nhận tất cả những ai quyết lòng khám phá, tìm hiểu về chân Trời mới, qua các điều chỉ dạy của Đức Huỳnh Giáo Chủ về việc:

 

           1.          Tránh xa “Tứ Đỗ Tường” (Tửu, Sắc, Tài của, Khí hùng)

           2.          Diệt Trừ “Ngũ Uẫn” (Tham, Sân, Si, Nhơn, Ngã)

           3.          Đền Đáp “Tứ Ân” (Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, Ân Đất Nước, Ân Đồng Bào & Nhân Loại, Ân Tam Bảo)

           4.          Tránh “Tam Nghiệp” (Thân, Khẩu, Ý nghiệp) – Trừ “Thập Ác” (Sát sanh, Đạo tặc, Tà dâm, Lưỡng thiệt, Ỷ ngôn, Ác khẩu, Vọng ngữ, Tham lam, Sân nộ, Mê si)

           5.          Hành “Bát Nhẫn” (Nhẫn-năng-xử-thế, Nhẫn-giái, Nhẫn-hương-lân, Nhẫn-phụ-mẫu, Nhẫn-tâm, Nhẫn-tánh, Nhẫn-đức, Nhẫn-thành)

           6.          Hành “Bát Chánh Đạo” (Chánh kiến, Chánh tư-duy, Chánh nghiệp, Chánh tinh-tấn, Chánh mạng, Chánh ngữ, Chánh niệm, Chánh định)

           7.          Hành “Tứ Diệu Đề” (Tập-đề, Diệt-đề, Khổ-đề, Đạo-đề)

           8.          Áp dụng “Đường Trung Đạo của Phật”

           9.          Hành trì theo “Bốn Đại Đức của Phật” (Từ, Bi, Hỉ, Xả)

      10.          Tìm hiểu về “Thập Nhị Nhơn-Duyên” (Vô-minh, Hành, Thức, Danh-sắc, Lục-nhập, Xúc-động, Thọ-cảm, Ái, Bảo-thủ, Hữu, Sanh, Lão-tử)
      11.          Nhận rõ về “Môn Hoàn Diệt”

IMG_0711

Đức Huỳnh Giáo Chủ còn dạy thêm rằng: “Thấy đạo lý chớ nào thấy tánh, Còn ẩn nơi tim óc xác phàm”, nhằm nhắc nhở tín đồ cùng các bậc hành giả về việc gặp được giáo lý là một việc, việc hành trì, nghiệm chứng để nhận rõ “tánh” của bản thân là điều cốt yếu.  Với câu châm ngôn: “ai ăn nấy no, ai uống sẽ cảm nhận được sự nóng, lạnh của nước”, đó là sự cảm nhận mà hành giả cần đạt đến trong sự hành trì.  Nếu chỉ nghe giáo lý, nói thao thao các giáo điều mà không hành theo, hay ngồi niệm Phật hàng giờ mà chưa ngộ được “Tánh”, cùng việc cúng lạy trong mấy mươi năm mà chưa chứng nghiệm, hành y….. thì công trình tu tập chỉ là việc “Trăng soi đáy nước.”

 

Ngày nay, tín đồ của đạo cùng các bậc hành giả, nếu hành đúng theo những sự chỉ dạy căn bản trong việc hành đạo và áp dụng đúng những điều trong “Lời Khuyên Bổn Đạo”, sẽ cảm nhận được sự thay đổi của bản thân, sự thay đổi của nhân sinh quan về cuộc sống, và tạo được nền móng căn bản cho việc tiến bước trên những “nấc thang đạo đức” tiếp theo, như Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dạy trong các điều qua.  Mong rằng tín đồ của đạo cùng các bậc hành giả sớm nhận ra và hành đúng theo để tránh việc lầm đường lạc lối, vì: “đi trúng tất sống, bước trật tất chết.”  Dù ngày nay có lắm điều hay, hay nhiều kẻ giỏi, cùng bao phương thức hành trì cấp tiến….., cũng chớ cả tin hay hành theo, mà hãy áp dụng đúng các sự răn dạy của Đức Thầy cho việc hành trì và phụng sự, đó là những hành trang để tìm đến “Hội Long Hoa.”  Mong lắm thay!

 

HCK

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Tư 201612:15 CH(Xem: 19338)
Ngô Tấn Nghĩa. Kể từ ngày ra mở Đạo Phật Giáo Hòa Hảo, 18-5-Kỷ mão (4-7-1939), đến ngày thọ nạn ra đi (25-2 nhuần-Đinh hợi, 16-4-1947), Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ đã xả thân cống hiến ơn cứu khổ cứu nạn cho thế gian 7 năm 10 tháng 12 ngày, trong đó, gần 6 năm thuần túy hoằng pháp và non 2 năm dấn thân cứu quốc.
17 Tháng Ba 201610:45 SA(Xem: 13381)
Phật Giáo phát nguồn từ hơn 2,500 năm trước, khi Ngài Siddhattha Gotama (Sĩ-đạt-ta Cồ-đàm), hay Đức Phật, tự mình giác ngộ vào lúc 35 tuổi.
06 Tháng Chín 20158:51 CH(Xem: 22343)
Đối với người miền Nam, nhắc đến Lê Văn Duyệt, hầu như không ai còn lạ gì, bởi lăng Lê Văn Duyệt, thường gọi là Lăng Ông - Bà Chiểu,(1) tại số 126 đường Đinh Tiên Hoàng - Phường 1, Quận Bình Thạnh, Sài Gòn, ai ai cũng biết.
29 Tháng Tám 20157:05 SA(Xem: 24764)
Rằm tháng bảy lễ vu lan Dâng hoa Tam Bảo thắp nhang nguyện cầu Nguyện xin oai Phật nhiệm mầu Ta bà độ bớt âu sầu bất an
26 Tháng Tám 20159:38 CH(Xem: 19197)
Phụ mẫu ơn dày sánh đại thiên Noi gương đức cả Mục Kiền Liên Đền ơn dưỡng dục khi còn sống Đáp nghĩa sanh thành lúc mãn duyên
26 Tháng Tám 20159:25 CH(Xem: 21608)
Đón lễ Vu Lan đốt nén hương Thành tâm kính bái Phật mười phương Từ bi giáo hóa người mê tối Bác ái khuyên răn kẻ lạc đường
18 Tháng Tám 20159:08 SA(Xem: 26244)
Niệm Phật là một pháp môn, còn gọi là Pháp Môn Tịnh Độ (là tâm thành chí nguyện, nhờ oai thần và tha lực của Phật A Di Đà mà được vãng sanh về Tây phương Cực Lạc).
17 Tháng Bảy 20156:16 SA(Xem: 22056)
Kim Định: Tôi vừa đọc xong tập “Phật Giáo Hòa Hảo Yếu Lược”. Gấp sách lại, thấy tự lòng dấy lên một niềm vui đầy hy vọng: đây chính là nơi đại diện cuối cùng của nền văn hóa nông nghiệp.
12 Tháng Bảy 201511:09 CH(Xem: 20251)
Mừng ngày chánh pháp được khai thông, Rãi khắp ban truyền thỏa ước mong. Chỉ dẫn chúng sanh về cõi giác, Gọi kêu bá tánh vẹn non sông.
12 Tháng Bảy 201510:19 CH(Xem: 20647)
Dạt dào như nước chảy xuôi dòng, Phật xuống thế gian niềm ước mong. Truyền đạt cho đời điều quý trọng, Tám Điều Răn Cấm rán hành xong.