- MỤC LỤC
- 1- Tìm hiểu Ý nghĩa chữ THIỆN CĂN
- 2- Tìm hiểu về bài thơ Bát Nhẫn
- 3- NHẪN
- 4- VÔ VI
- 5- PHÁP THÂN và PHÁP THÍ
- 6- TU KHÔNG TU
- 7- Ý NGHIỆP
- 8- Tứ Cú Kệ
- 9- Quy y thì phải làm y
- 10- Chánh pháp tà pháp
- 11- Tướng và vô tướng
- 12- Tự Tánh
- 13- Đạo
- 14- Tìm hiểu tám mươi bốn ngàn pháp môn
- 15- Gài then mở then
- 16- Niết bàn
- 17- Tìm hiểu nghĩa chữ GIÁC MÊ
- 18- Thuyết Pháp
- 19- Chớ lìa NHÂN NGÃ, SẮC KHÔNG
- 20- 2013 Xuân Quí Tỵ
- 21- Mười món MA về sắc ấm
- 23- Xuất Gia Tại Gia
- 24- Vũ Trụ Quan, Nhân Sinh Quan PGHH
- 24- Niết Bàn
- 25. Tìm hiểu Ý nghĩa chữ QUANG MINH
Con người từ đâu tới ?
Sanh ra để làm gì?
Sống đây rồi đi về đâu?
Đây là những vấn đề tới nay tư tưởng giới chưa nhứt trí về giải đáp. Thuyết Tiến- hóa- luận của Darwin cho rằng loài khỉ là thủy tổ của nhân loại, không được Tôn giáo nào chấp nhận.
Một số tôn giáo cho rằng vũ trụ và con người do một “tạo vật chủ” dựng nên. Bà La Môn giáo nhận con người từ đấng Phạm Thiên sanh ra, khi chết trở về với Phạm Thiên.
Thiên Chúa giáo cũng đồng quan điểm với Bà La Môn giáo, cho rằng con người do Đức Chúa Trời sanh ra và khi cuộc đời ở thế gian chấm dứt sẽ trở về với Chúa.
Đạo Phật không đặt sự sáng tạo con người vào một vị Thần linh vạn năng nào, vì theo Phật thì vũ trụ vạn hữu diễn biến vô thỉ vô chung. Mọi sanh khởi đều ở trong định luật nhân duyên. Nếu quan sát riêng rẽ thì thấy có thỉ có chung, nhưng nếu đứng về toàn diện thì là một vòng nhân duyên tương tục của Thành, Trụ, Dị, Diệt biến chuyển trong lịch trình của luật Nhân quả. Nhân sanh ra quả, rồi quả trở lại làm nhân, cứ như thế diễn tiến mãi mãi.
Đạo Phật không nói đến con người đầu tiên, vì theo vòng nhân duyên tương tục chẳng có con người nào là con người đầu tiên cả, mà theo Kinh Trường A Hàm, các thế giới được thành lập đều do nhân duyên mà có, nhưng qua thời kỳ Thành tới thời kỳ Trụ, hết thời kỳ Trụ đến thời kỳ Hoại, rồi sau đó là đến thời kỳ Không. Khi đã trải qua thời kỳ Không thì tái diễn chu kỳ : Thành, Trụ, Hoại, Không mới nữa.
Cứ theo Kinh Điển thì thế giới khi đã thành, trên mặt đất thì chưa có con người, vì loài người đã bị tiêu diệt trong thời kỳ Hoại bởi nạn Tam tai. Khi mới lập, mặt đất phóng ra ánh sáng chiếu lên Trung giới. Những Tiên nhơn ở cõi Sắc giới khi hưởng tận phước báo phải lìa bỏ cõi Trời, thấy ánh sáng trái đất thì cùng nhau kéo xuống. Có thể gọi đó là con người đầu tiên, đầu tiên ở trên địa cầu chớ thật ra không phải là con người đầu tiên của thời kỳ tạo thiên lập địa, con người đầu tiên của loài người, của các cõi nhân thiên.
Như chúng ta đã biết mục đích của Đạo Phật là chỉ dạy chúng sanh tiến đến quả vị thành Phật, tức là con đường cuối cùng của cuộc tiến hóa nhân loại.
Đức Phât có nói: “Ta là Phât đã thành còn chúng sanh là Phật sắp thành.”
Câu nói đầy đủ chứng tỏ tất cả chúng sanh, mọi giống hàm linh đều có khả năng tính thành Phật, vì mọi chúng sanh đều có Phật tánh. (Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh).
Theo Kinh Điển thì con người là trung tâm điểm của cuộc tiến hóa vạn vật. Mọi loại hàm linh đều phải đi ngang qua giai đoạn con người để tiến lên bực Phật.
Muốn tiến đến cực điểm là quả vị thành Phật, con người phải trải qua nhiều giai đoạn đường tiến hóa.
Từ con người tiến lên bực Phật là cả một quảng đường phải trải qua hằng ba A tăng kỳ kiếp, chẳng biết bao nhiêu gian lao tu tập.
Một khi tiến đến bực Phật, là mãn con đường tiến hóa. Trong sách Liên Tông Bửu Giám có nói rằng : Con đường cùng tột là Phật.
Tiến đến bực Phật là con người được tự tại, hoàn toàn vượt ra ngoài mọi sự ràng buộc, ràng buôc của thân tâm, vì Đức Phật đã khai mở Lục thông.
Con người mà đạt được Lục thông tức là thoát ra ngoài vòng ràng buộc, được tự tại, hoàn toàn giải thoát, biết cả những gì mà con người muốn biết.
Tiến đến bưc Phật tức là không còn chi tiến hóa nữa, bởi không còn gì ràng buộc nữa, không còn gì mà không hiểu biết.
Như thế là Đạo Phật đã giải được những thắc mắc của con người về khoản : Sanh ra để làm gì ? Sanh ra rồi đi về đâu ? Đức Phật đã chỉ rõ con đường tiến hóa của nhân loại và chính Ngài đã thể nghiệm và đi hết con đường tiến hóa vậy.
Quan niệm về Vũ trụ và nhân sanh trên đây của Phật Giáo cũng là quan niệm nhân sanh của Phật Giáo Hòa Hảo vì PGHH cũng là một Môn phái của Đạo Phật.
Nhưng về Vũ trụ quan, PGHH hay có thể nói cả giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương đã phân tách tinh tế về quá trình diễn biến của Vũ trụ qua ba thời kỳ mà Môn phái Bửu Sơn Kỳ Hương gọi là Tam nguơn : Thượng Nguơn, Trung nguơn, và Hạ nguơn. Cái chu kỳ Tam nguơn cứ diễn đi diễn lại mãi trong suốt lịch trình diễn biến của kiếp trụ.
Mỗi một Nguơn còn chia ra làm ba thời kỳ nữa. Như Thượng nguơn chia ra làm : Thượng Nguơn Thượng, Thượng nguơn Trung, Thượng nguơn Hạ; đến Hạ nguơn cũng vậy, có Hạ nguơn Thượng, Hạ nguơn Trung, và Hạ nguơn Hạ. Mỗi thời kỳ có mỗi hoàn cảnh và đời sống con người khác nhau.
Ở thời kỳ Thượng nguơn hoàn cảnh cưc kỳ tinh khiết, con người rất mực khinh thanh có đủ huyền năng của con người ở cõi Thiên sa xuống.
Đến thời kỳ Trung nguơn thì hoàn cảnh có phần ô trược và con người cũng mất bản tính huyền linh.
Nhưng xuống đến thời Hạ nguơn thì hoàn cảnh trở nên ác liệt và con người trở nên hung ác để rồi đi đến hoại diệt, trở lại thời kỳ Thượng nguơn. Nghĩa là thời kỳ Thượng xuống đến thời kỳ Hạ nguơn con người càng ngày càng trở nên thối hóa.
Cứ theo Sấm Giảng của Môn phái Bửu Sơn Kỳ Hương thì nhân loại ngày nay đã bước vào Hạ nguơn Hạ, giai đoạn cùng cuối của chu kỳ Tam nguơn.
Có định vi được thời kỳ và giai đoạn tiến hóa của nhân loại mới nhận thức được quan niệm về nhân sanh hay phương pháp tu học mà Môn phái Phật Giáo Hòa Hảo đã hoằng tuyên.
(Trích Phât Giáo Hòa Hảo Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc. Trang 276 -277- 278-279. Của cố Cư Sĩ NGUYỄN LONG THÀNH NAM).
Ước mong trong Đạo PGHH, nghiên cứu quyền Sách khoảng 800 trang nầy.!
Nam mô A Di Đà Phật !
TRƯƠNG VĂN THẠO