7- Ý NGHIỆP

19 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 11808)
7- Ý NGHIỆP

Trong bài “LUẬN VỀ TAM NGHIỆP”, Đức Thầy cho biết mỗi người đều có ba nghiệp chướng sau đây:

Thân nghiệp: (tội lỗi do xác thân gây nên);

Khẩu nghiệp: (tội lỗi do miệng lưỡi gây nên);

Ý nghiệp: (tội lỗi do ý tưởng gây nên).

Ba nghiệp chướng ấy khiến con người phạm mười điều ác (gọi là Thập Ác), rồi đi đến chỗ vô minh tăm tối.

Riêng về Ý nghiệp, Đức Thầy giải thích Ý nghiệp sanh 3 điều ác:

1.- Tham-lam,

2.- Sân-nộ,

3.- Mê-si.

Một trong 3 điều ác do Ý nghiệp gây ra là Mê si, chính Mê si đã che khuất Huệ căn, nên chúng ta làm ác mà không thấy ác, như lời Đức Thầy chỉ rõ trong Quyển 5 “Khuyến Thiện”:

“Ác thứ mười đọan chót Mê si,

Nguyên tăm tối từ hồi vô thỉ.

Màn vô minh che mờ căn trí,

Nên thường khi nhận ngụy làm chơn.”

Thật vậy, vì Ý Nghiệp mà đã xô đẩy Ông UẤT ĐẦU LAM PHẤT, từ một Ông Tiên trở thành một con chồn bay. Chỉ vì một vọng tâm mà vướng vào Ác nghiệp, tất cả đều do Tham lam, Sân nộ, Mê si mà ra cả.

UẤT ĐẦU LAM PHÂT: Cũng viết Uất-Đà-La. Ông tu học theo phái DU-GIÀ, ở gần thành Vương-xá nước Ma-kiệt-đà, con của Ông Ra-ma (đã quá vãng). Ông là một Ông thầy giỏi nhứt toàn xứ Ấn độ. Ông được cha truyền giáo cho. Ông giảng với Thái tử Thích Ca rằng:“Phàm người chấp nơi hình tướng, muôn sự muôn vật, hay nơi không hình tướng, đều là lầm lạc cả. Vậy nên cần suy xét cho chín chắn, chỉ lãnh thọ cái thể nhiệm mầu của muôn sự muôn vật mà thôi. Như vậy mới chắc đặng quả Giải thoát cao nhứt và sanh về cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng. Tôi nay đương tu tập phép nhiệm mầu ấy”.

Thái Tử Thich-Ca nhập định một hồi đã chứng được Phi tưởng phi phi tưởng. Ngài trội hơn Uất Đầu Lam Phất, bèn từ giã mà đi nơi khác.

Đến khi Đức Thích Ca thành Phật nơi cội Bồ đề thì Ông Uất Đầu Lam Phất qui thăng.

Trong Kinh có chép rằng mặc dầu đắc phép Định phi tưởng Phi phi tưởng thiên, nhưng vì một lúc chẳng kềm được vọng tâm mà thành ra sa ngã:

Uất Đầu Lam Phất tu ngoại định, đặng Ngũ thông, bay tới đền vua Tần-bà-sa-la ở Nước Ma-Kiệt-đà. Vua mừng, làm lễ dưới chơn, cúng dường bá vị. Vua có dặn phu nhơn rằng: “Như ta đi khỏi mà Tiên nhơn tới, khanh nên lễ kính và cúng dường cũng như ta vậy.” Phu nhơn vâng mạng, lễ bái dưới chơn. Tiên nhơn trông thấy Phu nhơn, sanh lòng tưởng quấy. Liền đó mất phép thần thông, phải đi bộ về núi.

Có lần, Ông ngồi nhập định trên non nghe chim thú kêu la; xuống gần nước và tọa thiền bị cá tôm làm rối! Tâm thần bất định, nhơn đó phát quạu, bèn lỡ lời nguyện làm con Phi ly (chồn bay), trên giết bầy chim, dưới giết đàn cá.

Sau đó tự mình ăn năn, lâu lắm mới lấy lại phép Phi tưởng Phi phi tưởng xứ Định. Khi Ông thác, sanh lên cõi Trời Vô sắc giới, Phi tưởng Phi phi tưởng thiên.

Nhưng Phật nhìn thấy số Ông: Tới chừng hưởng hết phước trời, Ông sẽ đọa làm giống Phi ly theo lời đã nguyện lỡ trong cơn buồn giận.

Ôi! nữ sắc đã làm Ông Uất Đầu Lam Phất, khi ra đi thì đằng vân, khi trở về thì đi bộ.

Đức Thầy sau khi phân tích mười điều ác là do Tam nghiệp gây ra, đã giải thích về ý nghĩa ác MÊ SI (từ Ý nghiệp) như sau:

-“Tội ác nầy do sự thiếu óc phán đoán, thiếu sự nghĩ suy mà ra; vì vậy con người ít hay phân biệt được lẽ phải trái, bo bo giữ thiển kiến sai lầm, chẳng chịu nhìn nhận chân lý, suốt cả đời ngu muội, chỉ biết mê man theo những vật nhỏ nhen, mau tan, mau rã, chỉ biết tin bướng làm càn, không tìm hiểu con đường giải thoát.

Hãy xóa bỏ các điều mê tín, qui thuận theo tinh thần Đạo đức, lánh chốn mê lầm tỉnh cơn mộng huyễn, phá tan màn vô minh che mờ tâm trí, lần bước trên con đường Đạo hạnh, đi đến chỗ Bất diệt, Bất sanh.”

Trong quyển “Chú giải Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ”, cố đồng đạo Thiện Tâm cũng có giải thích:

Mê si cũng gọi là vô minh. Có nghĩa lòng mê mờ không nhận rõ lý sự, khởi lên vọng hoặc điên đảo (tà kiến), khiến người lầm lũi trong tội lỗi, như người đi đêm không có đèn đuốc nên phải lạc vào hầm hố. Mê si là đối tượng của trí huệ.

Xưa Đức Phật bảo rằng:“Tâm trí mê muội tội lỗi chập chồng, không biết đường giải thoát. Đó là nguyên nhân của sanh tử luân hồi, không bao giờ dứt”.

Đức Thầy nay cho biết:“Tội ác nầy do sự thiếu óc phán đoán, thiếu sự suy nghĩ mà ra”.

Người còn mê si không phân biệt được lẽ phải trái, nên hay bảo thủ những thiển kiến sai lầm, chẳng chịu nhìn nhận chân lý. Họ chỉ biết:

“Lo huyễn thân vật chất kém hơn,

Chẳng tìm biết tinh thần đạo đức”.

Để giải trừ ác mê si, chúng ta phải thi hành các phương cách sau đây:

1)- Nương theo tinh thần đạo đức, giác ngộ và tu tập trí tuệ. Vì mê si như đêm tối, trí tuệ như ngọn đèn. Có đèn thì bóng tối tiêu tan, nên khi có trí huệ thì vô minh (mê si) dục vọng chẳng còn, thấu đạt chơn lý. Đức Thầy dạy:

Nương theo đuốc huệ tầm chơn lý,

Lóng tiếng từ bi diệt dục lòng”. (Q.5)

2)- Dùng trí huệ xóa bỏ những mê tín dị đoan, mê lầm mộng ảo, phá tan lòng nghi ngờ giải đãi. Nhứt tâm tinh tấn theo con đường giác ngộ để tiến tới Niết Bàn:

Lúc Đức Thầy mới khai đạo, ông Đặng Thành Tựu có đến Tổ Đình hỏi Ngài:

- Bạch Thầy con muốn trừ diệt mê si phải làm sao?

Đức Thầy đáp:

- Muốn diệt mê si tâm mình phải giác.

Sau nầy trong KHUYẾN THIỆN (Quyển 5), Đức Thầy có dạy rõ:

“Diệt mê si phải nương thuyền giác,

Muôn việc làm chánh trực khôn ngoan.

Đừng bạ đâu tin bướng nghe càng,

Làm ngu muội đọa thân uổng kiếp”.

Tóm lại, Mê si là một trong 10 món phiền não căn bản. Chính nó sanh ra 8 vạn 4 ngàn trần lao phiền não và nghiệp nhân luân hồi sanh tử. Dù cho các bực Tiên gia, có ngũ thông mà chưa trừ dứt Mê si cũng phải huờn tục, như Thiên Bồng Nguyên Soái bị đọa làm Trư Bát Giái. (Bát Giái dụ cho tâm mê si): Mê ăn, mê ngủ, mê sắc dục. Tam Tạng nhờ có Tề Thiên (dụ cho Trí huệ) mới thâu phục được Bát Giái cải tà qui chánh cùng đi thỉnh Kinh bên Tây phương. Sau Thầy trò mới thành chánh quả.

Cho nên người tu muốn trừ nghiệp nợ luân hồi sanh tử, là 10 điều ác mà gốc của nó từ Mê si, tất phải dùng trí giác ngộ soi tan bóng tối (mê si). Như Đức Thầy đã dạy:“Muốn diệt mê si tâm mình phải giác”, tất nhiên chúng ta sẽ được tự tại mà tiến đến nơi bất diệt, bất sanh tức là cõi Niết Bàn vậy./.

Nam mô A Di Đà Phật !

TRƯƠNG VĂN THẠO

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Chín 2014(Xem: 9168)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 19285)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 20598)