6- TU KHÔNG TU

18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 10696)
6- TU KHÔNG TU

Thiền Không Thiền

Nguyên lý thông thường từ ngàn xưa cho đến ngàn sau là người tiểu nhân không làm muốn có ăn, không lo muốn có mặc. Hiền nhân quân tử muốn có làm và có ăn. Bậc trí giả thâm sâu cầu làm mà không mong đạt lợi. Bậc xuất gia thấu lý Đạo là làm không làm, tu không tu.

Hầu hết người của Thiền Tông đều xem việc không nói về chân lý tuyêt đối là phương pháp biểu hiện chân lý tuyệt đối. Phương pháp ấy là “bất đạo chi đạo” (nói mà không nói). Họ xem không tu hành là tu hành. Phương pháp ấy là “vô tu chi tu” (tu mà chẳng tu).

Có một giai thoại về đại đệ tử của Huệ Năng là Hoài Nhượng (677-744) như thế nầy: “Mã Tổ Đạo Nhất (709-788) tu ở Tuyền Pháp Viện trên núi Nam Nhạc, một mình ở trong cái am, chỉ luyện ngồi thiền. Hễ ai ghé thăm, ông đều chẳng màng. Ngày nọ, Hoài Nhượng lấy viên gạch mài trước cửa am Mã Tổ, Mã Tổ cũng không quan tâm. Một hồi lâu, Mã Tổ bèn hỏi: “Ông làm gì thế?” Hoài Nhượng đáp:“Mài gạch để thành gương soi.” Mã Tổ hỏi: “Mài gạch lẽ nào thành gương soi cho được?”. Hoài Nhượng đáp:“Nếu không thể mài gạch để thành gương soi, lẽ nào tọa thiền có thể thành Phật ?”.

Nói tọa thiền không thể thành Phật, tức là nói: Đạo không thể tu (Đạo bất khả tu). Ngữ Lục của Mã Tổ chép: Có người hỏi: “Như thế nào là tu Đạo?” Mã Tổ đáp: “Đạo không thuộc về những thứ có thể tu luyện. Nếu nói tu mà đắc, thì đắc rồi lại trở thành hư mất, giống như trường hợp của bậc Thanh văn (Sravakas). Nếu nói không tu, tức là đồng bọn với kẻ phàm phu.” Phương pháp đắc đạo là không tu nhưng không phải không tu. Tức là tu mà không tu (vô tu chi tu).

Tu mà có tu, tức là một hành vi có dụng tâm, một hành vi cố ý. Đó chính là hữu vi. Hữu vi tức là pháp sinh và diệt, là có sinh và có diệt. Cho nên tu thành rồi trở lại hư mất. Hoàng Bá (tức Hi Vận) nói: “Giả sử hằng hà vô số kiếp, người ta thực hành Lục Độ Vạn Hạnh và đắc Phật bồ đề, thì đó cũng chẳng phải là mục đích cuối cùng. Tại sao vậy? Bởi vì nó thuộc về sự tạo tác của nhân duyên. Hễ nhân duyên hết, thì trở lại vô thường. Mọi hạnh hết thì trở lại vô thường, thế lực nào cũng có kỳ hạn cùng tận, giống như mũi tên bắn đi, hết đà thì rơi xuống. Tất cả đều trở về sinh tử luân hồi. Tu hành như vậy không hiểu ý chí của Phật, uổng công chịu cay đắng, lẽ nào chẳng phải là lỗi lớn sao?”.

(Trích trong Lịch Sử TRIẾT HỌC TRUNG QUỐC –

Phùng Hữu Lan về Thiền Tông).

Cũng như không tọa Thiền mà toạ Thiền. Đức Lục Tổ dạy chúng rằng: Pháp môn tọa Thiền vốn không chấp nơi tâm, cũng không chấp nơi tịnh, cũng chẳng phải chẳng động. Nếu nói chấp tâm, tâm vốn là vọng, biết tâm như huyễn nên không có chỗ chấp vậy. Nếu nói chấp tịnh, tánh người vốn là tịnh, bởi vì vọng niệm che đậy chơn như, chỉ không có vọng tưởng thì tánh tự thanh tịnh. Khởi tâm chấp tịnh trở lại sanh ra cái tịnh vọng. Vọng không có chỗ nơi, chấp ấy là vọng; tịnh không hình tướng trở lại lập tướng tịnh, nói là công phu, người khởi kiến giải nầy là chướng tự bản tánh trở lại bị tịnh trói.

Nầy Thiện tri thức! Nếu người tu hạnh bất động, chỉ khi thấy tất cả người, không thấy việc phải quấy, tốt xấu, lỗi lầm của người tức là tư tánh bất động. Nầy Thiện tri thức! Người mê thân tuy bất động, mở miệng liền nói việc phải quấy, hay dở, tốt xấu của người (tức là) cùng Đạo đã trái nhau, chấp tâm, chấp tịnh tức là chướng Đạo.

Tổ dạy chúng rằng: Nầy thiện tri thức! Sao gọi là Tọa Thiền? Trong pháp môn nầy không chướng không ngại, ngoài đối với tất cả cảnh giới thiện ác tâm niệm chẳng khởi gọi là tọa, trong thấy tự tánh chẳng động gọi là thiền.

Nầy thiện tri thức! Sao gọi là Thiền Định? Ngoài lìa tướng là thiền, trong chẳng loạn tức là định. Ngoài nếu chấp tướng, trong tâm tức loạn; ngoài nếu lìa tướng tâm tức chẳng loạn, bản tánh tự tịnh tự định, chỉ vì thấy cảnh, suy nghĩ cảnh tức là loạn; nếu thấy các cảnh mà tâm chẳng loạn ấy là chơn định vậy. Nầy thiện tri thức! Ngoài lìa tướng tức là thiền, trong chẳng loạn tức là định, ngoài thiền trong định, ấy gọi là Thiền định.

Kinh Bồ Tát Giới nói: Bản tánh của ta vốn tự thanh tịnh. Nầy Thiện tri thức! Trong mỗi niệm tự thấy được bản tánh thanh tịnh, tự tu, tự hành, tự thành Phật Đạo.

Cũng vậy, trong bài “Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ”, Đức Thầy có chỉ dạy:“Sự lễ bái không đủ cho tỏ ra là một tín đồ chân thành của đạo Phật được. Tại sao vậy?

Vì Đức Phật chẳng bao giờ ngỏ ý rằng: “Các người hãy lạy thờ ta cho nhiều rồi ta sẽ độ giúp các người” mà trái lại, Ngài dạy rằng: “Các người nên hiểu biết phận sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình”. Thiệt hành theo Giáo Lý của Ngài thì Ngài sẽ hướng dẫn và ủng hộ vậy.

Ta hãy đem đức tin trong sạch mà thờ kỉnh Phật và hãy đem lòng lành mà hành động y theo lời phán dạy của Phật.

Nếu ta cứ đem đức tin thờ phựơng tôn giáo bằng cách sai lầm thì rất có hại cho đời mạng của ta. Như vậy chỉ tỏ ra một người rất mê tín (mặc dầu Đạo của ta thờ là một Đạo rất chánh đáng).

Đọc qua TAM LUẬN của Thiền Sư, Tổ Sư và của Đức Thầy, chúng ta thấy rõ sự tu hành của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo.

Vì :

“Tu đầu tóc không cần phải cạo,

Miễn cho rồi cái Đạo làm người.”

(Giác Mê Tâm Kệ, Quyển 4)

Nhìn chung chủ trương Giáo Lý của quý Ngài chúng ta mới thấy được:

“Dọn bề trong mới gọi đẹp xinh,

Chớ mang lốt bề ngoài chẳng tốt.”

(Giác Mê Tâm Kệ, Quyển 4)

Nếu tu mà theo âm thinh sắc tướng, luôn chọn bề ngoài làm căn bản thì cả đời không thấy Đạo.

Bởi thấy thời nay có số tăng ni trong các chùa tu theo sắc tướng thinh âm làm sai lạc chân truyền của Đạo Phật từ trước, nên Đức Thầy khuyên họ mau trở về với Chánh pháp vô vi:

“Huyền Pháp thâm trầm thơm bất tuyệt,

Vô vi Chánh Đạo hỡi người ôi !”

(Cho ông Tham tá Ngà).

Có thế mới đúng chân truyền của Đức Phật Thích Ca và mới kết quả trên đường tu Phật. Vì rằng: tất cả hình tướng màu sắc đều là hư vọng, ảo ảnh. Người tu theo sắc tướng (hữu vi), khác nào kẻ bắt bóng trong gương, mò trăng đáy nước. Kinh Thiền Môn đã nói:“Tu mà cầu hình tướng bên ngoài, tuy trải qua nhiều kiếp, rốt cuộc chẳng đặng thành công. Nếu giác ngộ trở về xem bản tánh mình, thì trong một niệm liền chứng quả Bồ đề. Cho nên hành giả phải tìm cái chơn không (chơn tâm) mới là thật có”. Đức Huỳnh Giáo Chủ hằng dạy:

“Chuyện cao siêu Phật pháp còn dài,

Khó gặp chữ không không mà có”.(Sa Đéc)

Do đó, về nghi thức thờ phượng, Đức Thầy không cho tín đồ tạo thêm hình cốt, hoặc tụng tán trống mõ, chuông đẩu, mà:“…nên thờ đơn giản cho lòng tin tưởng trở lại tâm hồn hơn ở vào sự hào nháng bề ngoài”. :“Về cách cúng Phật, chỉ nên cúng nước lạnh, bông hoa và nhang thôi. Nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, còn nhang dùng đặng bán mùi uế trược. Ngoài ra chẳng nên cúng một món gì khác cả. Bàn thờ Ông Bà cúng món chi cũng đặng”.(Thờ phượng).

Đức Thầy hằng khuyên dạy tín đồ hãy tu theo Đức Lục Tổ Huệ Năng, tức là tu đúng theo chánh pháp vô vi của Đức Thích Ca, vì Đức Lục Tổ đã chứng thọ chân truyền, chớ không nên tu theo Thần Tú, bởi phái nầy thường bày ra sắc tướng thinh âm, làm sai lạc chân lý của Đạo Phật.

Khi Lục Tổ đến thọ giáo với Đức Ngũ Tổ, Ngài đã rõ tâm mình có đủ Phật Đạo, Pháp mầu. Thời gian ở đây Ngài bị đồ chúng đưa xuống nhà bếp giã gạo, chẳng được lên Giảng đường tham học Kinh văn, song Ngài vẫn chuyên hành pháp kiến tánh. Thế mà khi nghe Ngũ Tổ thuyết kinh Kim Cang đến câu:“ Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.(Không nên trụ vào chỗ nào mà sanh tâm) thì Ngài hoát nhiên tỏ ngộ.

Nên nay Đức Thầy nhắc lại chuyện Ngài Lục Tổ, ý để dạy môn đồ là việc tu chẳng đợi phải học giỏi hay thông suốt kinh văn, nếu ai biết xoay về bản tâm của mình, lọc hết các vọng niệm tà quấy, tức được tỏ ngộ chơn tánh:

Lòng ngộ rồi chẳng đợi nhiều kinh,

Thì cũng thấy bổn lai diện mục”.(Sa Đéc)

Vậy ai biết lo tu hành, điều cốt yếu là phải hành trì cho lòng được bình tịnh. Muốn vậy ta cần hành theo các phép, như: diệt trừ vô minh phiền não hay niệm lục tự Di Đà để đánh chết vọng niệm, hoặc:“Diệt lục căn đừng nhiễm lục trần”.(Giác Mê TK, Q.4) hay ngăn chận các luồng gió tục, đừng để nó len vào tâm thức của mình tức nhiên cõi lòng thanh tịnh và trí huệ phát khai.

Bởi lòng từ bi thương khắp chúng sanh, Đức Thầy mới viết ra Kệ Giảng, khuyên các giới tu hành, từ hàng Tăng Ni đến cả thiện nam, tín nữ. Khi xem đến Sấm Kinh của Ngài, nên nghĩ suy cạn lẽ để tìm hiểu nghĩa lý, cho được rõ ràng chính xác, rồi cố gắng thực hành y theo, chắc chắn sẽ được đắc đạo.

Đức Thầy còn cho biết khoảng trên ngàn năm trở lại đây (sau thời Lục Tổ bặt truyền y bát) lòng người rất băn khoăn tự hỏi: Tại sao trong giới xuất gia hành Đạo cũng khá đông, nhưng chẳng thấy bao người chứng đắc? Ấy chẳng qua là kẻ hành đạo không đúng qui điều pháp hạnh của Thầy Tổ đã dạy, hoặc tu hành giả trá, nói làm chẳng hiệp nhứt.

Ngoài ra, còn có số Tăng chúng quá chú trọng về hình tướng bên ngoài, quên phần nội tâm pháp hạnh, chỉ lo khuyên tởi khắp nơi để xây chùa, tạo tượng cốt, hoặc sơn vẽ hoa hòe lộng lẫy. Xét ra, chư Phật chẳng bao giờ ham muốn các điều đó, thế mà chúng tăng mãi gây tạo làm chi, cho hao tiền tốn bạc của bá tánh?

Do đó, Đức Thầy cảnh tỉnh các giới tu hành, nên bỏ hẳn những điều mị dối để lo tu thân lập hạnh đúng theo chánh pháp vô vi của Đạo. Đặng vậy, chúng ta mới chẳng phụ công trình vĩ đại của Tổ, Thầy đã dày công khai hóa, và cũng chẳng uổng cho một kiếp sanh được làm người./.

Nam mô A Di Đà Phật !

TRƯƠNG VĂN THẠO

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Chín 2014(Xem: 9533)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 19560)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 20899)