XI. TRÁNH TAM NGHIỆP - THẬP ÁC

17 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 14833)
XI. TRÁNH TAM NGHIỆP - THẬP ÁC

Quyết lòng tầm kiếm cõi thanh,
Lánh nơi trần tục học hành đường Tiên.

Lời Đức Huỳnh Giáo Chủ

 

 

Tam Nghiệp-Thập Ác, là những điều ác và nghiệp do thân, khẩu, ý của chúng ta tạo ra. Nếu đọc và tìm hiểu kĩ thì chúng ta sẽ nhận rõ hơn về những điều này, do không khéo trong cư xử mà chúng ta tạo nên những việc không lành. Hay vì do không khắc phục được bản thân nên chúng ta có những lời nói, suy nghĩ và hành động gây hại đến những người xung quanh, vạn vật và xã hội... Những việc ấy tạo cho tâm luôn bất ổn, không có được mấy lúc tịnh tâm, cuộc sống không được yên vui, sinh ra những dị kỹ, giận hờn, gây gổ, chia rẽ… Đó là những điều chúng ta thường mắc phải, để rồi phải chịu cảnh luân hồi quả báo của luật nhân quả. 

 

Chúng ta nên tránh những nghiệp quả ấy để tâm được thanh tịnh, trở về với tự tánh, đó là tự tạo một thiên đàng cho bản thân ngay ở cõi ta bà hiện hữu. Sau đây là những điều về Tam Nghiệp - Thập Ác, được trích nguyên văn trong Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý PGHH. Mong hãy đọc và tìm hiểu từng điều, sẽ giúp chúng ta thấy rõ được những lợi ích của từng ý.

 

 - Thân nghiệp: tội lỗi do xác thân gây nên

1) Sát sanh
2) Đạo tặc
3) Tà dâm

 - Khẩu nghiệp: tội lỗi do miệng lưỡi gây nên

1) Lưỡng thiệt
2) Ỷ ngôn
3) Ác khẩu
4) Vọng ngữ

  - Ý nghiệp: tội lỗi do ý tưởng gây nên

1) Tham lam
2) Sân nộ
3) Mê si

 

THÂN NGHIỆP – sanh 3 điều ác

 

 1- Sát Sanh

Con người mới sanh ra ở đời đều có tánh hiền lành cả. Song đến lớn khôn vì phải chung chạ với thế giới người hung tàn bạo ngược, tánh nết ô nhiễm những sự xấu xa hèn kém, trở nên độc ác dữ dằn. 

 

Loài người giết nhau vì tiền bạc, vì sắc đẹp, vì lợi danh, vì quyền thế, vì thù hềm, vì háo thắng... Nghĩa là họ giết nhau vì sự ích lợi của một người, của một nhóm người, của một đẳng cấp xã hội, của một quốc gia; họ muốn tiêu diệt tất cả nhân loại, không một ai có quyền sanh sống cùng họ cả.

 

Tại trào nội, sự mà vua coi bầy tôi như cỏ rác, bầy tôi sánh vua như thể địch thù đã làm nguyên nhân cho biết bao cuộc tương tàn tương sát. Ngoài lê thứ thì con giết hại mẹ cha, tớ hại chủ, trò giết thầy, chồng vợ giết nhau, huynh đệ xâu xé. Những cuộc tương tàn rất thường xảy ra trong nhân loại không ngoài các lý do đã kể trên. Đó là người đối với người.

 

Người đối với thú cầm, sanh vật còn tàn nhẫn gấp mấy nữa: họ giết thú vật vì miếng ăn, vì dị đoan mê tín, vì sự vui thích. Đành rằng mình không thể dứt tuyệt giết các sanh vật (gà, vịt, heo... ) để nuôi thân sống, nhưng chẳng khá dựa vào lý "vật dưỡng nhơn" (thú vật sanh ra đặng nuôi con người) mà giết nó một cách quá đáng. Chỉ cần dùng nó vào đúng theo sự nhu cầu cần thiết của các món thực phẩm mình thôi và không nên hoang phí hy sinh nó, nếu sự hy sinh ấy không ích lợi cho mình lắm, nhất là chẳng khá giết các thú vật trong khi tế lễ. Người ta tưởng rằng khi mình phạm tội với Thánh, Thần, Trời, Đất có thể sát hại sanh vật cúng tế cầu cho tội quả tiêu trừ. Sự tin tưởng ấy rất sai lầm huyễn hoặc, vì đứng vào bực siêu hình cao cả như chư vị Thánh Thần, có lý nào vì một tình riêng làm sai chạy lẽ công. Khi gặp tai nạn bất ngờ hay rủi ro đau ốm, con người không chịu thuốc thang, khấn vái Phật Trời cầu cho tai qua nạn khỏi, lại giết các thú vật tế Thần cúng Thánh, kêu cốt, kêu đồng. Họ không chịu tìm nguyên nhân các sự họa hoạn, không chịu tìm hiểu rằng những tai biến xảy ra đều do căn tiền báo quả hậu, và không chịu ăn năn chừa lỗi, tạo tác phước điền. Trong khi giết các thú vật đặng tế lễ, họ đã phạm thêm một tội ác lúc họ chưa đền bồi các tội ác trước được.

 

Chẳng những vậy thôi, họ còn giết các thú vật vì sự vui thích của mình; kẻ bắn chim đang bay trên trời, người chặt cá đang lội dưới nước. Họ bắt thú vật làm tấm bia cho họ nhắm trong những khi cao hứng, quên hẳn rằng sanh vật cũng có linh hồn, cũng có thân xác, cũng biết tìm lẽ sống còn như nhân loại vậy.

 

Thế nên, hãy tha thứ cho chúng, hãy dung dưỡng chúng, và nhất là đối với các gia súc: trâu, bò, ngựa, chó, mèo... chẳng khá sát hại, vì chúng đã giúp ích cho ta trong việc sanh hoạt hằng ngày. Tóm lại, không có sự sát sanh vô cớ nào có thể tha thứ được và trong những ngày chay lạt hãy cữ hẳn.

 

 2) Đạo Tặc

Câu: "Bần cùng sanh đạo tặc" cần phải là một câu chữa mình của bọn bất lương vô đạo. Những kẻ này ngày vẩn vơ đầu đường xó chợ, tối kiếm chỗ khoét vách đào tường, không làm muốn có ăn, không lo muốn có mặc. Lớp người cặn bã của xã hội này, sống ngoài vòng pháp luật, trốn nhủi trốn chui, phá rối sự an ninh của dân chúng, chuyên lo giết người cướp của đoạt giựt tài sản của lương dân, không nghĩ rằng phải tốn bao nhiêu giọt mồ hôi, bao nhiêu dòng nước mắt mới làm ra được. Họ là giống sâu làm rầu nồi canh, là tội nhân gây ra những tai biến trong những gia đình cần lao kiệm tiết, là nguyên nhân của sự nghèo khổ, họ phá hoại hạnh phúc của con người.

 

Cơ hàn đói khó, thay vì phải làm lụng như những kẻ khác mưu cuộc sống còn, họ gây cái lỗi này rồi đến cái lỗi khác, phạm tội này rồi tới tội nọ, tạo chẳng biết bao nhiêu chuyện bất lành cho nhân chủng. Lưới trời tuy thưa nhưng khó lọt, những kẻ ấy dầu họ không bị luật hình của loài người phân xử, song cơ Trời cũng sẽ báo ứng đến những hành vi đen tối, nếu họ không chịu ăn năn chừa lỗi, sửa tánh tu thân, bỏ thói vô nghì, lánh điều phi nghĩa.

 

 3) Tà Dâm

"Muôn việc lành hiếu thuận đứng đầu, ngàn việc dữ tà dâm đứng trước." Sách sử thường bảo như thế.

 

Lần giở xem sử sách, thời thấy tội ác ấy lan diễn ra khắp nơi, từ trào nội cho đến thứ dân, từ trong gia đình đến kẻ xa người lạ, nó là mầm gây ra biết bao thảm trạng! Gương vua Tề với vợ Thôi Tử, An Lộc Sơn với Dương Quý Phi, há chẳng còn lưu liên hậu thế. Giàu ỷ của hiếp dâm kẻ khó, quan ỷ quyền cưỡng bức đám dân hèn. Gian phu, dâm phụ từ xưa đến nay luôn luôn đều có.

 

Muốn tránh sự bại hoại nền luân lý nước nhà, muốn giữ gìn tiếng tăm của gia thế, phải đừng để dục tình lôi cuốn, bắt chước gương xưa trau giồi lòng hiếu trung trinh tiết.

 

KHẨU NGHIỆP – sanh 4 điều ác

 

 1) Lưỡng Thiệt

Đứng đầu các tội ác do miệng lưỡi gây ra, ác lưỡng thiệt này làm duyên cớ cho những sự hiểu lầm nhau, những sự cãi vã gây gổ sanh oán sanh thù. Sự phải của người thì bớt, sự quấy của người thì thêm, cái lưỡi đã tạo những sự chia rẽ, những cuộc phân tranh, phá tan sự đoàn kết tình thân yêu giữa nhân loại. Nó cũng là nguồn cội của bao nhiêu bất hòa, hiềm khích.

 

Để giải trừ những tai vạ ấy, phải giữ cho lời nói của mình được thành thật, chánh đáng; được vậy trong hương đảng mới bớt rầy rà, ngoài xã hội không điều xích mích, và mình cũng không chịu ác cảm, tránh sự miệt khinh của kẻ khác.

 

 2) Ỷ Ngôn

Nói đến tội ác này tức là nói đến những vụ chủ ỷ quyền nhiếc xài tôi tớ, quan ỷ thế mắng chửi dân ngu. Kẻ giàu có thường ỷ tiền bạc xài xỉ người nghèo, kẻ xảo quyệt ỷ sự khôn lanh nói những điều thất thiệt, kẻ học thức ỷ sự khôn ngoan dùng lời nói hạ nhục người dốt nát.

 

Hãy tránh những sự hiếp người như thế ấy, vì những kẻ dưới tay mình cũng có đầu óc, cũng biết nghĩ suy, nhưng họ lại bạc phước vô phần nên phải chịu lụy mình vậy. Nếu họ có lỗi lầm hãy dạy dỗ họ, dùng những cam ngôn mỹ từ, những lời trang nghiêm êm dịu chỉ bảo, không khá bao biếm mà mang điều tội lỗi.

 

 3) Ác Khẩu

Những tiếng thề thốt lỗ mãng, chửi mắng tục tằn làm ra tội này; con chửi mẹ mắng cha không kể luân thường thảo hiếu; mạnh bạo hăm he đánh giết những kẻ yếu hèn, hiếp đáp xóm chòm cô bác. Mở miệng ra chửi gió mắng mây, trù rủa gia đình, không kiêng Thần Thánh. Tối ngày kêu réo Phật Trời, mời thỉnh Long cung, làm cho tội lỗi càng thêm chồng chập.

 

Hãy bỏ những tiếng tục tằn thô lỗ làm cho đời sống được êm dịu thanh bay hơn. Đối với cha mẹ phải có lễ độ, với gia đình, với bà con cô bác, với xóm chòm quen thuộc, lời nói mình phải đoan trang nghiêm chỉnh. Đối với con cháu trong nhà không nên nói những điều ác đức, phải dùng lời nói dịu dàng hiền hậu dạy dỗ chúng.

 

 4) Vọng Ngữ

Thêm thừa huyễn hoặc, có nói không, không nói có, ác vọng ngữ đã làm nguyên nhân cho những sự bất công của nhân loại. Thương người nào kiếm cách bào chữa giấu giếm sự quấy và thêu thùa sự tốt ra; ghét ai đặt điều nói xấu và che đậy các điều phải của họ. Khoe khoang tự đắc, xảo trá đa ngôn, những kẻ điêu ngoa làm cho thiên hạ khinh khi miệt thị.

 

Muốn tránh những điều khiến cho tư cách nhân quần phải bị giảm hạ, hãy tập tánh nói năng chân chánh, bỏ lối láo xược trớ trêu. Chẳng nên tráo chác với người, bỏ tiếng xảo ngôn và phải dùng lời chơn chất.

 

Ý NGHIỆP – sanh 3 điều ác

 

 1) Tham Lam

Tánh tham lam đã làm cho loài người phải chịu bao nhiêu thảm khổ: chiến tranh, cướp bóc, giết người... Tham danh, tham lợi, tham sắc, tham tài, tham quyền, tham thế... Những sự ấy đã xô đẩy con người vào chẳng biết bao nhiêu cuộc chiến đấu ác liệt, gây nên những thảm họa tầy trời. Những tấn tuồng giặc giã cướp của sát nhơn, những vụ hối lộ, những vụ tranh giành quyền đã làm cho nhân sanh điêu linh trong vòng tai nạn khốc hại. Cái tham ấy cũng đã làm cho con người đau buồn hận khổ, phải khóc đứng than ngồi, phải liều mình tự sát chỉ vì sự ham muốn không được thực hiện, người ta quyên sinh vì tình yêu, vì lợi quyền, vì thất trận... Những cuộc cấu xé lẫn nhau, những vụ nồi da xáo thịt, những tương sát tương tàn, những điều hung hăng bạo ác cũng do sự tham lam mà ra cả. Ngày giờ nào loài người diệt được tánh ham muốn của mình, ngày giờ ấy bớt được một phần lớn của sự khổ. Vả lại, ở đời phải có những lúc thăng trầm chìm nổi, có thì ta xài, không ta nhịn, can gì phải bày mưu tính kế chiếm đoạt của kẻ ngoài. Của là của chung trong thiên hạ, đời ta còn, nó còn; đời ta mất, nó mất. Gương Thạch Sùng, Vương Khải há không để lại cho ta một bài học đích đáng lắm ru? Thế nên hãy nghĩ đến người cũng như mình nghĩ đến mình, hãy dẹp lòng vị kỷ tham lam, lo vun trồng phước đức, bố thí kẻ nghèo hèn, ráng công phu sám hối để có thể yên vui nơi miền Cực Lạc, lánh sự giả tạm ở cõi trần này.

 

 2) Sân Nộ

Tánh nóng nảy thường xúi con người làm những chuyện bất công sái phép, chém giết oán thù nhau. Kẻ thắng kiêu hãnh, người bại hổ ngươi, nên sự hềm thù càng lan rộng. "Giận mất khôn", cơn giận làm cho con người cuồng trí, mất sự tự chủ, trở nên dữ dằn bạo tợn, chẳng còn nghĩ đến sự công bình, lẽ phải trái.

 

Diệt được nó, tâm ta được thảnh thơi, trí ta được thong thả. Hãy mở lượng khoan hồng dung tha kẻ lầm lỗi. Hãy nhẫn nhịnchẳng nên cãi cọ, tranh luận hơn thua làm cho nảy sanh ra những điều hềm khích.

 

 3) Mê Si

Tội ác này do sự thiếu óc phán đoán, thiếu sự nghĩ suy mà ra; vì vậy con người ít hay phân biệt được lẽ phải trái, bo bo giữ thiển kiến sai lầm, chẳng chịu nhìn nhận chân lý. Suốt cả đời ngu muội, chỉ biết mê man theo những vật nhỏ nhen, mau tan, mau rã, chỉ biết tin bướng làm càn, không tìm hiểu con đường giải thoát.

 

Hãy xóa bỏ những điều mê tín, qui thuận theo tinh thần đạo đức, lánh chốn mê lầm, tỉnh cơn mộng huyễn, phá tan màn vô minh che mờ tâm trí, lần bước trên con đường đạo hạnh, đi đến chỗ Bất diệt, Bất sanh.

Trích - Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý PGHH

 

Đây là những điều thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày, nếu cố gắng tránh hay xét suy thận trọng sẽ giúp chúng ta hành được những điều mà Phật Pháp chỉ bảo. Những điều chúng ta thực hiện được sẽ mang lại những giá trị thiết thực cho cuộc sống thực tại và giá trị cao siêu về mặt tinh thần, và mang đến sự bình an cho những người xung quanh cùng vạn vật. Nếu tránh được Tam Nghiệp và chừa Thập Ác, thì cuộc sống được thanh tịnh và giúp chúng ta đạt được một bước xa trên con đường tu học.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Chín 2014(Xem: 9728)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 19742)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 21083)