Kệ Vãn

08 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 9654)
Kệ Vãn

KỆ VãN

 

Kỷ Dậu (2) Kệ giảng

Phật ngự Tây Phương

Nhơn dân bất an

Thần linh giáng thế

Chánh nam nhứt thể (3)

________

(1) CHÂU ĐỐC: Tỉnh số 2 thời Pháp thuộc, bắc giáp Kampuchia, đông và nam giáp An Giang và Kiên Giang. Do sắc lịnh số 143/VN ngày 22.10.1956 minh định địa giới toàn quốc thì Châu Đốc bị xóa mất tên trên bản đồ Việt Nam để sát nhập vào tỉnh Long Xuyên thành An Giang. Sau ngày 1.11.63 do sự đòi hỏi hợp lý của nhân dân trong tỉnh nên Châu Đốc được tái lập bởi sắc lịnh số 245/NV 246/NV của Thủ Tướng Chánh Phủ ký ngày 08.9.54 và thực sự tách rời khỏi An Giang ngày 01.10.64 cho đến nay. Hiện Châu Đốc có 5 quận là Châu Phú, Tân Châu, An Phú, Tịnh Biên, và Tri Tôn. Cần nói thêm đây là tỉnh rất linh thiêng huyền nhiệm, nơi Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chọn để khai cơ dạy đạo (khai sáng tông giáo PGHH), Đức Phật Thầy Tây An đã chọn nơi gởi lại xác phàm ở triền núi Sam, nổi tiếng Thất Sơn hùng vĩ với nhiều mầu nhiệm miền bảy núi năm non và là điểm hẹn sau cùng (theo sấm ký nguồn BỬU SƠN KỲ HƯƠNG) của những người chơn tu khi đời tận thế.

(2) KỶ DẬU: Năm có số tận cùng là 9. Năm Kỷ Dậu đầu tiên so với lịch công nguyên được tính là năm thứ 49, cứ chu kỳ 60 năm âm lịch lại trở về một Kỷ Dậu khác như 109, 169, 229, 289 … Năm Kỷ Dậu trong câu này là năm 1849, tức năm Tự Đức 43 (1847-1883)

(3) NHỨT THỂ: Người duy nhứt.

_________

Cứu kể muôn dân

Kẻ xa người gần

Thiên thời (1) bịnh trượng (2)

Người nào lòng tưởng

Hết bịnh thiên thời

Làng (3) Tổng (4) các nơi

________

(1) THIÊN THỜI: Một chứng bịnh do thời trời gây nên, truyền nhiễm làm ỉa mửa khiến bịnh nhân chết rất nhanh. Cũng gọi bịnh dịch tả (choléra).

(2) BỊNH TRƯỢNG: Bịnh trọng, nặng, quá, lắm.

(3) LÀNG: Còn gọi là thôn, gồm nhiều xóm. Là một đơn vị hạ tầng trong hệ thống hành chánh Việt Nam thời Pháp thuộc. Đầu tiên ở Bắc phần, làng là khu đất hợp nhiều gia đình, nhiều nóc gia cùng một tộc họ, được bao quanh bởi lũy tre kiên cố. Muốn vào làng phải qua một cổng gọi là cổng làng. Trong làng có đình, chùa, miếu. Dân làng thay phiên nhau canh gác phòng ngừa trộm cướp. Ở Trung phần tổ chức làng xóm giống như ở Bắc phần nhưng có phần giản dị hơn, nói khác đi làng ở Trung phần không còn mang đầy đủ sắc thái và ý nghĩa như ở miền Bắc. Vào Nam, vì sông ngòi chằng chịt và đồng ruộng thẳng cánh cò bay lại ít dân nên dân chúng chỉ quy tụ ở ven sông, ven rạch sinh sống theo nhu cầu nông, ngư nghiệp. Do đó câu “Làng tôi có lũy tre xanh” đã không còn phù hạp với những làng ở miền Nam. Nhiều làng họp lại thành một Đại Xã. Tuy nhiên so với ngày nay, Làng và Xã là hai đơn vị hành chánh tương đối nhau.

(4) TỔNG: Triều Nguyễn, khi vua Gia Long đặt hệ thống cai trị hành chánh VN gồm 23 Trấn và 4 Doanh thì vua Minh Mạng sau đó đã đổi Trấn và Doanh thành Tỉnh, tức 27 tỉnh, cộng thêm 4 tỉnh tân lập là 31. Tỉnh chia ra làm nhiều Phủ, Huyện, mỗi Phủ, Huyện chia ra nhiều Tổng. Mỗi Tổng có nhiều Xã.

_________

Thiên thời chở tới

Kẻ cũ người mới

Tính lại ba ngàn

Nằm dọc nằm ngang

Thầy ra cứu độ

Dây thằng (1) buộc cổ

Mau mạnh chở về

Thiên hạ bốn bề (2)

Tựu như coi hội

Thầy bèn từ thối (3)

Làng thỉnh vào chùa

Thanh lịch (4) bốn mùa

Kêu chùa Long Kiến (5)

__________

(1) DÂY THẰNG: Dây bùa đeo cổ, làm bằng tơ, chỉ hay vải đỏ.

(2) BỐN BỀ: Bốn phương, các nơi.

(3) TỪ THỐI: Từ chối trước một trọng trách vượt ngoài khả năng, điều kiện. Ý nguyện cầu, bệnh nhân chở tới đã lên đến số mấy ngàn người, Phật Thầy vì không có sẵn dưỡng đường dành cho bệnh nhân nên lên tiếng trước làm như không thể tiếp nhận hết được, để chính quyền sở tại cảm thông mà tiếp tay lo xếp. Thật vậy, các viên chức trong làng đã thỉnh Ngài và bịnh nhân vào chùa trị bịnh.

(4) THANH LỊCH: Thanh nhã, đẹp đẽ.

(5) LONG KIẾN: Tên xã thuộc quận Chợ Mới (An Giang) có sông Ông Chưởng chảy qua. Giáp với các xã Kiến An, Long Điền, Mỹ Luông, Bình Hòa và Nhơn Mỹ. Chùa Long Kiến thuộc xã Long Kiến, tức Chùa Tây An Cổ Tự bây giờ, tọa lạc bên hữu ngạn sông Ông Chưởng, dưới chợ Cái Xoài khoảng 5 cs, cách chợ Mỹ Luông bên kia sông 4 cs.

__________

Vang danh đại tiếng (1)

Thấu đến tỉnh thành

Thượng bộ (2) đã đành

Ghe ô (3) hai chiếc

Lãnh binh (4) cứ việc

Phó thủ (5) năm mươi

Đội quản mười người

Vui cười trở lại

Đại cổ (6) lải rải

Kiểng gióng keng keng

Cờ giáo đỏ đen

Hồi trào (7) vội vội

Lịnh truyền cai đội (8)

Xuống tới Vàm Ông (9)

Ghe ô thẳng xông

Hồi trào bắt cái (10)

____________

(1) ĐẠI TIẾNG: Tiếng tăm lừng lẫy

(2) THƯỢNG BỘ: Đi bằng đường bộ.

(3) GHE Ô: Xưa có loại ghe ô, ghe sa, dùng cho quan quân đi.

(4) LÃNH BINH: Quan võ, cầm đầu một đạo binh.

(5) PHÓ THỦ: Giao cho gìn giữ.

(6) ĐẠI CỔ: Trống lớn.

(7) HỒI TRÀO: Trở lại triều đình, hay cửa quan.

(8) CAI ĐỘI: Chức vụ cao hơn lính. Theo tương truyền thì trong bọn này có Cai Trung và Đội Bồng.

(9) VÀM ÔNG: Vàm sông Ông Chưởng, phía ngoài Chợ Mới.

(10) BẮT CÁI: Tiếng hô đồng loạt và ăn rập nhau trong lúc hoạt động tập thể để cho việc được tiến đều và linh động. Như tiếng Dô Ta hay Hò Khoan vậy. Hò Khoan bắt cái.

_______________

Dân sợ té đái

Bịnh xuống đỏ gay

Những kẻ không tường (1)

Đội bưng đổ thúng

Trước mũi trí súng

Sau lái sang sông (2)

Hò hét vang sông

Tới chùa Long Kiến

Thần công (3) hai tiếng

Binh diễu (4) chật thoàn (5)

Trống đánh tình tang

Đồng la (6) chín chập (7)

Xuống đây may gặp

Bãi dịch hồi binh

Ăn uống làm thinh

Nghỉ binh bốn bữa

Quan bèn định thửa (8)

__________

(1) TƯỜNG: Biết rõ.

(2) SANG CÔNG: Sang là cây súng, công là cỡ lớn có sức công phá dữ dội. Sang công là thứ súng lớn.

(3) THẦN CÔNG: Súng thần, súng lớn như đại bác bây giờ.

(4) DIỄU: Đi theo nhịp điệu uy nghi của đoàn quân để biểu dương sức mạnh.

(5) THOÀN: Thuyền, xuồng.

(6) ĐỒNG LA: Còn gọi là phèng la, một nhạc khí cổ bằng đồng, có giá trị trong lúc cúng tế, hành khiển ngang với trống và mõ (thùng thùng … thùng, cum cum …cum, beng beng …beng).

(7) CHẬP: Lần, hồi.

(8) THỬA: Nghĩa của chữ kỳ. Tiếng đệm trong câu.

__________

Đội Quản lên mời

Thầy nói như chơi

Ai về mà rước

Các cơ (1) xuống trước

Các đội (2) bẩm quan

Đầu hổ (3) gươm mang

Lên mà bắt nó

Thầy ra ngồi đó

Lại có Thần Linh

Tứ phương đao binh

Làm thinh cầm quạt

Quan quân khoát nạt

Thầy quạt ba hơi

Đội Quản tả tơi

Lính lăn như vụ (4)

Hồi thuyền (5) suy nghĩ

Bạch thỉnh Thầy về

Thiên hạ bốn bề

Phán về mạnh hết

Tưởng Phật tới chết

Ma quỉ tiêu tan

__________

(1) và (2) CƠ, ĐỘI: Chỉ một toán quân thuộc về bộ binh, không biết rõ số lượng, đặt dưới sự điều động trực tiếp của quan Tổng Đốc hay quan Tuần Phủ (quan Đầu Tỉnh) đứng đầu cơ binh là Quản Cơ, đứng đầu Đội gọi là Suất Đội (cai quản khoảng 50 người).

(3) ĐẦU HỔ: Phù hiệu hình đầu con cọp.

(4) VỤ: Trái vụ trẻ em chơi, một miếng gõ khắc hình tròn như trái cây, dưới có một đoạn cây nhỏ và ngắn, lấy dây (chỉ gai) quấn vào và quăng mạnh xuống một mặt phẳng trơn láng, giữ lại sợi dây, trái vụ sẽ quay rất lâu và trông đẹp mắt.

(5) HỒI THUYỀN: Trở xuống thuyền.

__________

 

Thầy về An giang (1)

Cho quan vấn nạn (2)

Nội thành đều hoảng

Troàn (3) bảo dọn binh (4)

Lớn rộng thinh thinh

Mình Thầy thong thả

Xuống trát (5) ra rả (6)

Đòi các sĩ gia (7)

Hòa thượng (8) yết ma (9)

___________

(1) AN GIANG: Từ 1867 trở về trước An Giang là một trong 6 tỉnh Nam Kỳ có 2 phủ, 4 huyện, chịu dưới quyền cai trị của quan Tổng Đốc An Hà (An Giang – Hà Tiên). Đến thời Pháp thuộc, An Giang đổi thành Châu Đốc. Năm 1956, lấy Châu Đốc nhập vào và mang danh xưng An Giang như cũ. Ngày nay mặc dù Châu Đốc đã được tách ra để tái lập, nhưng An Giang cũng vẫn còn là một tỉnh lớn gồm 4 quận là Châu Thành, Huệ Đức, Chợ Mới, và Thốt Nốt, đông giáp Kiến Phong và Vĩnh Long, tây giáp Kiên Giang, nam giáp Phong Dinh, bắc giáp Châu Đốc. Dân số gần 300.000 người.

(2) VẤN NẠN: Hỏi tra gay gắt.

(3) TROÀN: Truyền.

(4) DINH: Nhà ở của quan.

(5) TRÁT: Lịnh gọi.

(6) RA RẢ: Rổn rảng, to tiếng.

(7) SĨ GIA: Những người có học thức trong dinh quan.

(8) HÒA THƯỢNG: Một phẩm chức lớn của nhà chùa dành cho người thông sáng, có công tu tập lâu năm và hạnh đức tốt, cao hơn Yết Ma một bực.

(9): YẾT MA: Một chức vị dành cho các tu sĩ nhà Phật trên chức Giáo Thọ.

__________

 

Mười ba thính sự (1)

Giờ Tý (2) quan thử

Trường ấn (3) ngự (4) luôn

Tượng Phật giấy vuông

Đặt bày để đó

Chiếu bông trải đỏ

Hỏa thực (5) dâng lên

Kỷ trà (6) hai bên

Đếm hai mươi bộ

Ra hồi đại cổ

Tăng sĩ tựu trường (7)

Các quan kiến nhường

Yết Ma Hòa Thượng

Ngày nay quan thưởng

Đại đức yết ma

Đại tiểu giao ca

Ngồi mà hai dãy

Quạt lông không khảy

Mình bận áo tràng (8)

________

(1) THÍNH SỰ: Người tham dự không chính thức.

(2) GIỜ TÝ: Khoảng từ 23 giờ đến một giờ khuya.

(3) TRƯỜNG ẤN: Bộ ván dài.

(4) NGỰ: Ngồi trên cao.

(5) HỎA THỰC: Thức ăn nấu chín.

(6) KỶ TRÀ: Khai (mâm) đặc biệt dùng để đựng ly tách và bình trà.

(7) TỰU TRƯỜNG: Tựu lại một chỗ.

(8) ÁO TRÀNG: Áo dài của nhà tu, dùng trong việc cúng lạy Phật.

_________

 

Bồ đề (1) cổ mang

Trên đầu bảy lỗ (2)

Quan bèn định chỗ

Bạch thỉnh Thầy lên

Thầy khen Cao Mên

Nó mà tưởng Phật

Tu trơ tu trất (3)

Cạo trật bình vôi (4)

Không biết chỗ ngồi

Khỉ đòi trái trái (5)

Vô ơn bạc ngãi (6)

__________

(1) BỒ ĐỀ: Một loại cây có lá giống cây bả đậu (mã tiền) nhưng đuôi lá dài hơn và thân cây có gai, tàng, tàng lớn và cao, có nhiều ở Ấn Độ. Xưa Thái Tử Sĩ Đạt Ta ngồi dưới cội cây Bồ Đề tham thiền suốt 49 ngày liền và đắc đạo, do đó bồ đề trở nên có nhiều giai thoại nhà thiền, mang ý nghĩa đặc thù Phật giáo. Ở đây, chỉ xâu chuỗi của nhà sư.

(2) TRÊN ĐẦU BẢY LỖ: Bẩy dấu sẹo tròn in đậm trên da đầu nhà tu. Đó là phép ngồi liều, tức ngồi kiết dà hay bán dà (thẳng lưng, xếp bằng) thành tâm niệm Phật, rồi người khác lấy một liều ngại diệp (thuốc cứu) đã khô để lên đầu nhà sư đốt cho tới khi cục than nguội hẳn để lấy dấu. Tùy theo hạnh tu từng người mà được ngồi liều, càng nhiều dấu liều càng chứng tỏ người tu có phẩm trật càng cao.

(3) TU TRƠ TU TRẤT: Ý nói tu mãi.

(4) CẠO TRẬT BÌNH VÔI: Ý chỉ đầu cạo sạch tóc, trơn nhẵn như bình đựng vôi ăn trầu.

(5) KHỈ ĐÒI TRÁI TRÁI: Ý nói nhà tu mà ham ăn như khỉ.

(6) BẠC NGÃI: Bạc nghĩa, không còn biết nghĩa nhân.

__________

 

Tiếc uổng công phu

Ham ăn quá ngu

Lên ngồi trên Phật

Chư tăng lật đật (1)

Xuống đứng hai hàng

Quân lính hầu đàn (2)

Thầy bèn cuốn chiếu

Tượng Phật còn thiếu

Cửu phẩm thập linh

Hòa Thượng thuyết kinh (3)

Lên ngồi chánh sám (4)

Bạch Thầy không dám

Phật ngự tòa sen (5)

Tu bận áo đen

Phát trường y hiện (6)

Tu tâm (7) tu tiếng (8)

________

(1) LẬT ĐẬT: Một cử chỉ đi đôi với hành động gấp rút do tính phản xạ.

(2) HẦU ĐÀN: Hầu tròn. Đứng hầu khoanh tay rất tròn, cũng có nghĩa lính hầu đứng bao tròn xung quanh.

(3) THUYẾT KINH: Giảng kinh.

(4) CHÁNH SÁM: Làm chủ tọa cuộc giảng kinh.

(5) PHẬT NGỰ TÒA SEN: Hoa sen là chỗ ngự tôn nghiêm của Phật.

(6) PHÁT TRƯỜNG Y HIỆN: Tóc dài, mặc áo thường.

(7) TU TÂM: Tu do ở tâm thành, không khoe khoang, tu thật tâm, không dối thế lừa người.

(8) TU TIẾNG: Tu hành phải để tiếng tốt, đừng làm điều xằng bậy mà mang tiếng xấu ngàn đời.

_________

 

Tu miệng không tiền (1)

Niệm Phật cho siêng

Bình yên bá tánh (2)

Tam ngươn rằm chánh (3)

Gạo nếp cũng không

Tu phải chí công

Ra đồng ruộng rẫy

Thích Ca ngó thấy

Nhờ cậy ngày sau

Miễn đừng ốm đau

Cuốc đau khoai bí

Ruộng rẫy đừng nghỉ

Cho đủ bốn mùa

Đừng ăn của chùa (4)

Quỉ lùa vô ngục (5)

Khói nhang nghi ngút

Niệm Phật liên miên

Qui y ít tiền

Phật Tiên không chứng

________

(1) TU MIỆNG KHÔNG TIỀN: Giữ miệng không ác khẩu vọng ngữ. Không tu vì tiền. Miệng để niệm Phật chứ không phải để hối lộ, lợi dụng.

(2) BÁ TÁNH: Trăm họ, chỉ chung hết thẩy dân chúng.

(3) TAM NGƯƠN RẰM CHÁNH: Ba ngày rằm chánh trong năm là rằm tháng giêng (15 â.l, Thượng Ngươn), rằm tháng bảy (15 â.l, Trung Ngươn), rằm tháng chạp (15 â.l, Hạ Ngươn). Đây là ba ngày rằm lớn theo nhà Phật.

(4) ĂN CỦA CHÙA: Ăn của bá tánh hỉ cúng nhà chùa.

(5) NGỤC: Nhà tù; địa ngục: cõi âm, nơi xử tội từng người (về phần hồn) khi đã chết.

________

 

Thế độ cho xứng (1)

Chè bánh cho nhiều

Phật để không thiêu

Chư tăng độ hết

Tam ngươn ngày Tết

Bổn đạo (2) tựu vô

Kẻo mà mấy cô

Trong chùa trông đợi

Người nào có tới

Đội bắp đội khoai

Mấy cô lại nài

Cho vài chục bí

Đệ trù cấp thỉ (3)

Thỉnh thánh đề phan (4)

Ăn của thế gian

Ngày sau mắc nạn

Thượng bộ đều hản ((5)

_______

(1) THẾ ĐỘ CHO XỨNG: Của thế đòi cho nhiều mới chịu.

(2) BỔN ĐẠO: Người theo đạo của mình (lời gọi dành riêng vị Giáo Chủ).

(3)ĐỆ TRÙ CẤP THỈ: (ĐỆ: Đem đi một cách trịnh trọng, đưa lên một cách cung kính; TRÙ: Nhiều; CẤP: Đóng, góp, giúp; THỈ: Nguyện) Cúng hiến thật nhiều.

(4) ĐỀ PHAN: (ĐỀ: Nâng cao lên, cất nhắc lên; PHAN: Phướn, lá cờ ở chùa, thẻ xăm, tấm giấy hay vải có chữ) Viết vào bản lưu ở chùa về công đức đóng góp của bổn đạo còn gọi là bảng vàng hỉ cúng.

(5) HẢN: Biết rõ, hản tường.

________

 

Sớ tấu (1) châu phê (2)

Quan sứ (3) điệu về

Sứ dâng Thượng Đế

Nam vương (4) nhứt thể (5)

Chiếu giáng (6) quang minh (7)

Đại vương (8) niệm tình (9)

Giao đàng (10) quản cán (11)

Hiệp nghị (12) đều hản

Thoàn đạo xuất gia (13)

Tẩy phát áo dà (14)

________

(1) SỚ TẤU: Tờ báo cáo lên cấp trên

(2) CHÂU PHÊ: Phê viết bằng son vào những giấy tờ đã làm sẵn (chữ dành cho người trên trước)

(3) SỨ: Người được sai đi (với tư cách đại diện) để lo xếp một vấn đề quan trọng.

(4) NAM VƯƠNG: Vua nước Việt Nam

(5) NHỨT THỂ: chỉ có một người.

(6) CHIẾU GIÁNG: Hạ lịnh.

(7) QUANG MINH: Minh chánh sáng suốt.

(8) ĐẠI VƯƠNG: Tiếng tôn gọi vua

(9) NIỆM TÌNH: Nghĩ tình

(10) GIAO ĐÀNG: Giao cho nhiệm vụ.

(11) QUẢNG CÁN: Quản trị và cán đáng. Trọn bề gìn giữ và linh động trong nhiệm vụ đã được giao phó.

(12) HIỆP NGHỊ: Xúm lại đầy đủ để bàn luận.

(13) THOÀN ĐẠO XUẤT GIA: Tu theo lối xuất gia của đạo thiền (thoàn)

(14) TẨY PHÁT ÁO DÀ: Cạo đầu trọc và phải mặc áo dà, không được mặc áo đen như trước.

________

 

Giao cho Hương Chủ (1)

Lịnh truyền phụng thủ (2)

Phú hứa (3) Đình Tây (4)

Câu móc sợi dây (5)

________

(1) HƯƠNG CHỦ: Chỉ ông Hương Chủ Dương được truyền giữ tóc của Phật Thầy.

(2) PHỤNG THỦ: Vâng theo lịnh mà cất giữ.

(3) PHÚ HỨA: Trao gởi cho.

(4) ĐÌNH TÂY: Tức ông Đình Tây, tên thật là Bùi Văn Tây, là một trong 12 đại đệ tử của Phật Thầy Tây An, được Ngài giao cho nhiều báu vật để bắt con sấu 5 chân (Ông Năm Chèo) vì trước kia Ông Đình Tây được một ngư dân tặng cho một con cá sấu mũi đỏ rất đẹp để gọi là đền ơn đỡ đẻ cho vợ Ông. Ông Đình Tây có khoe con cá sấu với Đức Phật Thầy, nhưng Đức Phật Thầy dạy phải đem giết để trừ hậu hoạn, vì đó là sấu thần, Ông Đình Tây bởi thấy cá sấu đẹp nên cải lời và lén nuôi một nơi kín đáo bằng cách cột dây vào chân con cá sấu. Sấu mau lớn và sợi dây đã cắt đứt một chân nên bò đi mất. Ông Đình Tây sợ quá nên không thể giấu giếm, bèn trình lại Phật Thầy. Ngài thoáng buồn và cắt nghĩa về con nghiệt súc cho Ông Đình Tây nghe, đồng thời trao cho Ông Đình Tây một lưỡi câu, một lưỡi mun, hai cây lau và 1 sợi dây để Ông Đình Tây cất giữ và ra tay khi con thú trở lại phá hại. Ông Đình Tây đã có lần mang những báu vật có phép mầu này ra sử dụng khi nghiệt xúc xuất hiện và đã thành công, ứng nghiệm, và con sấu ấy đã trốn mất cho đến nay.

 Ông Đình Tây tịch ngày 23 tháng 2 năm Canh Dần thọ 88 tuổi.

(5) CÂU MÓC SỢI DÂY: Là những báu vật linh thiêng mà Đức Phật Thầy trao cho Ông Đình Tây để trừ con nghiệt xúc (Ông 5 chèo), lưỡi câu được rèn bằng sắt, dưới có lỗ trống dùng để tra cán vào chớ không phải cột dây như lưỡi câu thường. MÓC tức lưỡi mun, giống như lưỡi câu. SỢI DÂY làm tơ se lại, bằng đầu đủa ăn dài 16m. Sau một trận hỏa hoạn, nhà Ông Đình Tây cháy rụi, những báu vật huyền diệu kể trên vẫn còn nguyên vẹn và hiện được gia đình Ông cất giữ kỹ lưỡng.

_________

 

Láng linh sum vầy

Sau nầy mới hản

Tây An quá vãng (1)

Danh tiếng lưu truyền

Thảo hiền Nghiêu Thuấn (2)

Ruộng rẫy cho siêng

Trồng mà ngó xuống

Phật Tiên giáng cốt

Đất sao mau đắp.

__________

(1) TÂY AN QUÁ VÃNG: Tịch diệt ở chùa Tây An Tự (núi Sam, Châu Đốc).

(2) NGHIÊU, THUẤN: Tên hai vị vua nổi tiếng bên Tàu thời Thượng Cổ rất được dân yêu mến nhờ tài đức trị vì thiên hạ. Vua Nghiêu họ Y Kỳ, tên Phong Huấn, làm vua sau đời Ngũ Đế, đóng đô tại Bình Dương, siêng lo việc nước, sai hai Ông Hi và Hòa làm lịch, sai Ông Thuấn định phép đo lường. Sau truyền ngôi lại cho Ông Thuấn, chớ không truyền cho con, đời này gọi là Đào Đường (2357-2256 trước TL). Vua Thuấn tên là Trùng Hoa, đóng đô ở Bồ Bản, trong thiên hạ đều được cơm no áo ấm, nhà không đóng cửa, vật rơi không ai lượm, nên được mến mộ ngàn đời, đời này gọi là đời Hữu Ngu (2256 -2208 trước TL).

__________

 

Bờ mẫu (1) tốt tươi

Vun mô trồng cải

Héo khô gài bẫy

Cúc (2) vô mà trật

Lộn về Hòn Đất (3)

Đặng mà trồng tiêu

Rạch Cà Mau nhiều khúc liêu điêu (4)

Vô cùng ngọn (5) mơi chiều mới biết

Lửa Thiên Tiên (6) chế dầu cháy tiệt (7)

Sa địa ngục (8) khổ nghiệt (9) lưu liên (10).

________

(1) BỜ MẪU: Bờ đất được đắp cao lên xung quanh ruộng để canh giữ mực nước.

(2) CÚC: Tên loài chim rừng, thịt ngon, trứng nhỏ có tác dụng bổ thận.

(3) HÒN ĐẤT: Bán đảo nhỏ thuộc địa phận Kiên Giang, bây giờ đã dính vào đất liền gọi là Thổ Sơn có một ngọn núi cao 250 m, gọi là núi Thổ Sơn, nằm giữa xóm Hòn Đất và xóm Bãi Tre (Vịnh Rạch Giá).

(4) LIÊU ĐIÊU: Ngoằn ngoèo.

(5) NGỌN: Phần trên cùng, dân trong Nam thường cất nhà hai bên bờ kinh rạch. Người ta gọi vùng đất phía ngoài là Vàm (nơi con kinh nhận nước) và gọi vùng đất cuối con rạch là Ngọn.

(6) THIÊN TIÊN: Tiên trên trời.

(7) TIỆT: Tuyệt, cắt đứt, hết.

(8) ĐỊA NGỤC: Cõi âm, gồm có 10 cửa ngục để nhốt hồn ma. Theo Phật Giáo, khi sống không có làm chi ác đức, tu hành trì chí thì khi chết sẽ được tiêu diêu Phật quốc rất sung sướng, trái lại nếu ở thế gian gây nhiều tội lỗi, lúc chết quỉ sứ sẽ dẫn về địa ngục chịu nhiều nỗi cực hình do lũ ngưu đầu mã diện trừng trị như phanh thây trên đao sơn, quăng xuống hồ cho rắn cắn, lùa vô hỏa sơn thiêu rụi hoặc lóc da cắt lưỡi v.v.. tùy theo tội trạng nhiều ít do Diêm Vương xử phán.

(9) KHỔ NGHIỆT: Khổ sở nghiệt ngã.

(10) LƯU LIÊN: Triền miên, tiếp tục kéo dài.

_______

 

Miễn cho Thầy đặng chữ khương miên (1)

Người bá tánh bình an khương thới (2)

Kẻ cũ người mới

Biết tiếc (3) Tây An

Con cháu hỏi han

Đặng mà nói lại.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn