6. Cách Bài Trí Thờ Phượng Trong Chùa

28 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 34166)
6. Cách Bài Trí Thờ Phượng Trong Chùa

 

Ngôi An Hòa Tự được kiến trúc theo lối chân phương truyền thống, kết cấu xen lẫn bê tông cốt sắt và danh mộc, đa phần là gỗ thao lao, tường vôi, nền gạch bông, lợp ngói. Chánh điện có 3 nóc mái, giữa cao, phần trước và sau thấp nhỏ hình chữ... sơn. Hậu tự một nóc hai mái xuôi nối liền chánh điện. Từ ngoài nhìn vào bên trên nóc cổ lầu có đúc bốn chữ PGHH (Phật Giáo Hòa Hảo) thấp hơn một bậc dưới mái cổ lầu viết 3 chữ “An Hòa tự” bằng chữ Hán, bên trên nóc tiếp phía trước đúc thêm 3 chữ quốc ngữ An Hòa Tự. Mặt tiền chùa gồm 3 cửa, cửa chánh chính giữa, cửa phụ 2 bên. Hành lang, ngoài hai cửa ra vào bên hông có nhiều cửa mát thông thoáng.

 

Bên trong chùa có cả thảy 10 ngôi thờ

 

  1. Chánh điện: Ngoài cửa vào bên phải có giá chuông (Đại Hồng Chung) và 1 trống nhỏ. Bên trái có cổ trống với 9 hình rồng đứng chưng bày trên bàn, tượng trưng cho Cửu Long Giang.

 

  • Ngôi thờ số 1: Tam đẳng cấp:


hinh_25-content

 

- Thượng đẳng: Chính giữa tượng Phật A Di Đà. Bên trái tượng Quan Thế Âm, bên phải tượng Đại Thế Chí.

 

- Trung đẳng: Chính giữa tượng Phật Thích Ca Phật Tổ, bên trái Ma Ha Ca Diếp, bên phải A Nan Tôn Giả.

 

- Hạ Đẳng: Chính giữa Ngọc Hoàng Thượng Đế, bên phải Nam Tào, Bên trái Bắc Đầu.

 

Hai bên cùng đẳng cấp, hai đại trụ nơi chánh điện tôn trí hai chơn dung Đức Huỳnh Giáo Chủ (bán thân, ảnh bên tả chụp lúc Ngài còn để tóc chấm vai, mặc áo tràng dà; ảnh bên hữu, chụp lúc Ngài đã hớt tóc, mặc quốc phục).

 

Phía sau các tượng Phật một tấm trần dà rộng lớn, phía trên ba chữ Hán “Phật Di Đà” màu dà tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của Nhà Phật và sự hòa hợp các màu sắc không phân biệt chủng tộc và cá nhân (theo nghi thức của PGHH).

 

Ngôi thờ số 2: Tượng Phật Di Lặc, bên sau cũng trần dà phía trên 2 chữ “Di Lặc” bằng chữ Hán.

 

hinh_01_26-content

Ngôi thờ số 2: Tượng Di Lặc

 

 

Ngôi thờ số 3: Tượng Đạt Ma Tổ Sư, phía sau là trần dà, bên trên 4 chữ “Đạt Ma Tổ Sư” bằng chữ Hán.

 

hinh_02_26-content

Ngôi thờ số 3: Tượng Đạt Ma Tổ Sư

 

Ngôi thờ số 4: Tượng Quan Âm Nam Hải, phía sau là trần dà, bên trên 4 chữ “Quan Âm Nam Hải” bằng chữ Hán. (1)

 

hinh__27-content

Ngôi thờ số 4: Tượng Quan Âm Nam Hải

 

  1. Hậu Tổ:

 

Chính giữa hậu tổ phía trước ngôi bàn thờ Đức Phật Thầy Tây An có một trường kỷ, bốn ghế dựa đặt 2 bên, trên tôn trí toàn thân chơn dung Đức Huỳnh Giáo Chủ hướng về Chánh điện. Trước chơn dung Đức Huỳnh Giáo Chủ có chưng bông hoa, nước lã; phía trước ghế ghi một tấm bảng nhỏ “Miễn lạy”.

 

hinh_28-content

Chơn dung Đức Huỳnh Giáo Chủ

 

Ngôi thờ số 5: Chính giữa một bức trần dà lớn, bên trên một tấm hoành phi 4 chữ “Bửu Sơn Kỷ Hương” bằng chữ Hán. Phía trước bức trần dà có bài vị chạm gỗ thờ Đức Phật Thầy Tây An, linh vị chạm khắc bằng chữ Hán:

 

hinh_29-content

Ngôi thờ số 5: “Bửu Sơn Kỷ Hương”

 

Tây An tổ tam thập bát thế thượng pháp hạ tạng húy Minh Huyên Đoàn giác linh.

 

Sinh ư Đinh Mão niên thập ngoạt thập ngũ nhật tí thời.

 

Diệt quả Bính Thìn biên bát ngoạt thập nhị nhật ngọ thời.

 

Hai bên tường phía trước dưới tấm hoành phi “Bửu Sơn Kỳ Hương” tôn trí hai chơn dung “bán thân” của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

 

Trên cao phía trước một tấm hoành phi đối diện 4 chữ “Sơn Trung Ánh Chiếu”. Và hai câu liễn hai bên:

 

Pháp lực hoành thâm phổ chiếu tích trinh tường du thế giới.

 

Từ tâm quảng đại diêu khai phu cát khánh ư nhân gian.

 

Bàn số 6: Chánh bái: liễn thờ 2 chữ “Tịnh Huệ”, 2 câu liễn hai bên:

 

hinh_01_31-content

Bàn số 6: Chánh bái

 

Quyên sinh vị quốc dương trung sĩ

Hồn thác qui thiền đắc đạo nhân.

 

Phục thọ vị: An Lương Tổng Hòa Hảo thôn sinh Đinh sửu niên bát thập tứ tuế.

 

Cao bằng quận tánh Phạm Húy Minh

Chánh bái chủ tự chi linh.

Tị trần canh tí niên thập ngoạt thập nhất nhật mạng chung.(2)

 

Bàn số 7: Thờ Cửu huyền Thất tổ, bên trên liễn thờ có 2 chữ “Càn khôn”. 2 câu liễn hai bên:

 

hinh_02_30-content

Bàn số 7: Thờ Cửu huyền Thất tổ

 

Thất tổ chân thành tâm chánh trực.

Cửu huyền trắc ẩn tánh từ lương.

 

2 câu trong tranh thờ Cửu Huyền Thất Tổ:

 

Thất tổ tiêu diêu đặng Phật cảnh

Cửu huyền khoái lạc vãng Tây phương

 

Bàn số 8: Bá tánh.

 

hinh_01_31-content

Bàn số 8: Bá tánh

 

2 câu liễn hai bên:

 

Đồng đạo không môn tầm giác lộ

Qui tấy lạc cảnh diệt mê tân.

 

Trong tranh thờ 2 câu:

 

Bá thế Tông sương thiên thu mậu

Tánh phổ đại hạ vạn đệ hương.

Bàn số 9: Kế Nghiệp.

 

hinh_02_31-content

Bàn số 9: Kế Nghiệp

 

2 câu liễn hai bên:

 

Tắc nhĩ bất văn thinh sắc tục

Trì tâm vô vọng vị hương trần

 

Bàn số 10: Tượng Hộ Pháp, trước kia thờ phía trước chánh điện đối diện ngôi thờ số 1, đức Ông cho dời ra trước sân chùa.

 

(1) Hình tượng trong chùa:

 

Có nhiều khách tham quan, vãn cảnh thường nêu câu hỏi: Đức Huỳnh Giáo Chủ không chủ trương đúc Phật lớn, dựng chùa cao, tại sao Ngài vẫn giữ y cách bày trí hình tượng cũ?

 

Điều này, ta hãy nghe Đức Giáo Chủ giải thích trong quyển “Những điều sơ lược cần biết của kẻ tu hiền”:

 

“Từ trước đến nay, các chùa chiền đã tạo quá nhiều hình tượng. Đành rằng vì tôn kính đấng từ bi nên mới làm ra thờ phượng Ngài, nhưng cũng có kẻ lợi dụng để thủ lợi. Bây giờ chúng ta không nên tạo thêm nữa. Làm thế chúng ta không có ý hủy báng sự phượng thờ của các chùa chiền. Cách thờ phượng ấy tùy theo điều kiện các sư mà chúng ta cũng có thể sùng ngưỡng đặng”.....” Còn người nào có cốt Phật trong nhà để vậy cũng đặng. Hình tượng bằng giấy không nên chừa lại và phải đốt đi”.

 

(2) Tại sao chùa lại có chức Chánh Bái? Và hai câu liễn tôn vinh ở ngôi thờ số 6:

 

Quyên sinh vị quốc dương trung sĩ

Hồn thác qui thiền đắc đạo nhân?

 

Cháu 4 đời của ông Miên cho biết: Theo lời Ông bà ngày xưa kể lại: Khi ở miền Bắc vào Nam, ông Miên đã đầu quân dưới triều vua thiệu Trị (1840 – 1847). Ông có thành tích dẹp giặc và sau khi giải ngũ, Ông làm Chánh Bái (đình thần Hòa Hảo). Đến năm 1850, Ông mới cất am tu, qua nhiều giai đoạn đã trở thành chùa. Người sau thờ phụng Ông trong chùa nhưng vẫn không quên công nghiệp trong quân ngũ và chức sắc ở đình của Ông.

 

* Viết theo chuyện kể của các Kỳ Lão trong làng, và tài liệu sưu tầm của ông Huỳnh Văn Bé.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn